Nam Á dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu

Theo một công trình nghiên cứu về 170 quốc gia trên thế giới và được công bố ngày 20/10, Nam Á là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của lũ lụt, hạn hán, bão, mực nước biển dâng cao.

Một trong hàng triệu nạn nhân của lũ lụt ở Pakistan


Trong số 16 quốc gia trong danh sách được xếp ở mức "cực kỳ rủi ro” do biến đổi khí hậu trong 30 năm tới, có 5 nước thuộc khu vực Nam Á - trong đó Bangladesh và Ấn Độ chiếm vị trí số 1 và số 2, Nepal đứng thứ 4, Afghanistan đứng thứ 8 và Pakistan đứng thứ 16.

Chỉ số “dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu” của công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Maplecroft (Anh)  được coi là chỉ số hướng dẫn các hoạt động đầu tư chiến lược và hoạch định chính sách. Thước đo này dựa trên 42 thành tố xã hội, kinh tế và môi trường, bao gồm trách nhiệm của chính phủ, đánh giá rủi ro dân số, các hệ sinh thái và kinh doanh do tình trạng biến đổi khí hậu. Khu vực Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu dẫn tới thiên tai - bao gồm lũ lụt ở Pakistan và Bangladesh trong năm 2010 - gây tai họa cho 20 triệu con người.

Theo nhà phân tích môi trường Anna Moss của Maplecroft, hiện có nhiều bằng chứng về biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất xảy ra thiên tai. Những thay đổi rất nhỏ về nhiệt độ có thể có những tác động lớn đến môi trường sống của con người, đến nguồn nước và sản lượng lương thực, tình trạng mất đất do mực nước biển dâng cao và dịch bệnh lây lan.

Bangladesh hiện đang đứng đầu danh sách có nguy cơ cao nhất về hạn hán và đói kém. Nước này hiện đang vật lộn với tình trạng cực nghèo, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, trong khi chính phủ ít có khả năng đối phó với những tác động của khí hậu.

Còn với Ấn Độ, "gần như toàn bộ nước này rất nhạy với biến đổi khí hậu do sức ép dân số gay gắt và một chuỗi hậu quả về tài nguyên thiên nhiên.

Trung Quốc (thứ 49), Brazil (thứ 81) và Nhật Bản (thứ 86) cũng thuộc nhóm nước có "nguy cơ cao". Trong khi đó, nhóm nước có "nguy cơ trung bình" bao gồm Nga (thứ 117), Mỹ (thứ 129), Đức (thứ 131), Pháp (thứ 133) và Anh (thứ 138).

Na Uy dẫn đầu nhóm 11 quốc gia được coi là ít nguy cơ nhất, với ưu thế vượt trội thuộc về khu vực Bắc Âu.

Maplecroft đã công bố chỉ số “dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu” năm 2009, trong đó xếp hạng 28 quốc gia ở mức "cực kỳ rủi ro" và đứng đầu danh sách là Somalia, Haiti, Afghanistan, Sierra Leone và  Burunđi.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Fioan Place của Maplecroft cho rằng các chỉ số 2009 và 2010 không thể so sánh với nhau bởi chỉ số năm 2010 sử dụng 3 chỉ số phụ đặc biệt tập trung vào khả năng của một quốc gia trong việc đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Share on :