Năm 1998, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lượng cà phê Robusta xuất khẩu. Kể từ đó, Việt Nam liên tục trở thành đối tác xuất khẩu cà phê quan trọng trên thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện đời sống của hàng triệu người dân, tạo hàng trăm nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người trồng, chế biến và buôn bán cà phê. Chính vì vậy, người dân đã đổ xô vào trồng cà phê, khiến diện tích tăng đột biến. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam (chiếm 14% thị phần thế giới) do đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến trên thị trường thế giới. Trong cuộc khủng hoảng cà phê kéo dài từ năm 1998, Việt Nam đã bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích là sản xuất quá dư thừa, khiến thị trường thế giới mất cân bằng, làm giảm giá cà phê trầm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ nông dân Việt Nam mà cả nhiều nước sản xuất cà phê khác trên thế giới, đặc biệt làngười nghèo và dân tộc thiểu số.
Thêm vào đó, do thiếu thông tin về chi phí sản xuất, nông dân trồng cà phê Việt Nam không thể biết được khả năng cạnh tranh của mình trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, thông tin của chính phủ cung cấp chưa kịp thời và chưa có thông tin dự báo để giúp nông dân và doanh nghiệp đưa ra những quyết định đầu tư, kinh doanh đúng đắn. Chính vì vậy, một phương pháp tiên tiến, khoa học thu thập thông tin về cung ngành hàng là vô cùng quan trọng, không chỉ cho công tác quản lý nhà nước mà còn cho nông dân và doanh nghiệp trong việc điều chỉnh các quyết định đầu tư, kinh doanh...