Ngắm những bản đồ cổ của Thủ đô sắp được nghìn tuổi

 Hà Nội bây giờ đã rộng đến mức mà ngay cả người Hà Nội cũng không thể nhớ hết đường. Nhưng những tấm bản đồ Hà Nội cổ lại cho thấy Hà Nội khi xưa rất nhỏ bé và Hà Nội là một thành phố sinh ra từ nước được tô điểm bởi vô số các hồ nước đủ mọi kích cỡ mà 90% nay đã biến mất. Những đặc điểm thú vị này được thể hiện trên những tấm bản đồ tại Triển lãm Bản đồ cổ Hà Nội và vùng phụ cận đã được khai mạc tại Thư viện Quốc gia Hà Nội 10h sáng nay.
Triển lãm trưng bày 60 tấm bản đồ cổ có niên đại từ 1873 đến năm 1965. Những tấm bản đồ cổ vẫn còn rất rõ nét bao gồm những tấm do người Việt Nam vẽ, chưa theo tỷ lệ chính xác mà còn tính ước lệ, và những tấm bản đồ có phương hướng chính xác, tỷ lệ rõ ràng, theo đúng nguyên tắc vẽ bản đồ hiện đại của người Pháp. 
 
Tấm bản đồ cổ đẹp nhất Triển lãm do Phạm Đình Bách,
nhà họa đồ của Sở Địa lý vẽ.
Bản đồ đẹp nhất trong bộ sưu tập này là bản đồ Thành phố Hà Nội (1873) do Phạm Đình Bách, nhà họa đồ của Sở Địa lý vẽ. Bản đồ thể hiện không gian hội tụ với thể hiện chi tiết theo lối truyền thống, và lối định vị chính xác hiện đại và tôn trọng tỷ lệ.
Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1885 là bằng chứng cho thấy vào năm 1885 Hà Nội vẫn còn là một vùng bán đô thị nằm ở nông thông hơn là một thành phố theo đúng nghĩa của nó. Và thật ngạc nhiên khi thấy có đến hàng trăm đầm, hồ thậm chí nằm ngay giữa khu 36 phố phường.
 
Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1902
Bản đồ thành phố Hà Nội năm 1902, thời kỳ này thành phố là nơi cư trú của khoảng 100.000 dân. Bản đồ này chỉ ra những biến động trong khu vực Hà Nội do những đợt quy hoạch trong 15 năm người Pháp chiếm đóng. Cầu Doumer (Long Biên) khánh thành vào năm đó bắc ngang sông Hồng và thành phố như thể bị đường xe lửa cắt đôi.
Bản đồ thành phố Hà Nội (1945) sau khi đất nước tuyên bố độc lập cho thấy ngay lập tức tên các đường phố được đổi và Việt hóa. Các phố ở khu phố cổ đã lấy lại tên cũ của chúng và rất nhiều con đường được mở từ năm 1884 vốn mang tên Pháp nay không mang những tên đó nữa, chỉ trừ phố Yersin.
 
Bản đồ đầu tiên do Việt Nam dân chủ cộng hòa xuất bản
 
Năm 1995 Hà Nội có bản đồ mới. Đây là bản đồ đầu tiên do Việt Nam dân chủ cộng hòa xuất bản. Sau khi nhiều người đi di tản về, thành phố có khoảng 40-45 vạn dân.
 
Năm 1962, Bản đồ chỉ dẫn thành phố Hà Nội xuất bản có thể coi là bản đồ du lịch đầu tiên. Công viên Thống Nhất được quy hoạch vĩnh viễn. Lúc đó cầu Chương Dương chưa xuất hiện, mãi năm 1983 cầu mới được xây.
 
Tại triển lãm, một chuyên viên của Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết hiện nay Thư viện còn lưu giữ những bản đồ Hà Nội cổ hơn. Nhưng do đã quá cũ nên chúng được bảo quản chặt chẽ trong kho và có lẽ khó có thể đem ra trưng bày. Triển lãm lần này do do Thư viện Quốc gia Việt Nam và L'Espace phối hợp tổ chức đã đem lại cho công chúng một cái nhìn bao quát, hình dung rõ nét hơn về quá trình đô thị hóa và phát triển của Hà Nội, đồng thời tự hào hơn về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Share on :