Ứng dụng GIS trong quản lý Hạ tầng giao thông

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là công nghệ quản lý thông tin trên nền bản đồ địa lý. Công nghệ này phát triển gắn liền với sự ra đời của bản đồ số và ngay sau đó, cùng với sự phát triển của các công nghệ có liên quan như công nghệ xây dựng bản đồ số, công nghệ định vị toàn cầu qua vệ tinh (GPS),... tạo ra một sự phát triển bùng nổ của việc ứng dụng bản đồ số.
Do đặc điểm là gần như mọi hoạt động của con người đều phải gắn liền với 1 địa điểm nào đó, nghĩa là với 1 tọa độ địa lý xác định, GIS trở thành công cụ đặc biệt hữu dụng trong quản lý và xử lý thông tin, đặc biệt là trong các công tác quản lý đô thị như quản lý đất đai, quản lý mạng lưới hạ tầng, quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng, quản lý giao thông, v.v.;
Ở Việt nam, GIS đã được xem xét ứng dụng ngay sau những bước biến đổi lớn trong quá trình Đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, từ những năm sau 1995, các nhà cung cấp công nghệ lớn trong lĩnh vực này như ESRI, Intergraph, MapInfo, AutoDesk... đã tích cực tăng cường sự hiện diện với nhiều  hoat động giới thiệu công nghệ. Các tổ chức cung cấp tài chính quốc tế với ý thức được tầm khả dụng của công nghệ này, cũng rất nhiệt tình cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS. Các đơn vị cung cấp công nghệ và dịch vụ trong nước cũng rất hăng hái tuyên truyền cho GIS. Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt tại TP HCM và Hà nội, cũng đã đặc biệt chú ý xây dựng các dự án ứng dụng công nghệ GIS vào các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý đô thị. Kết quả là đã cho ra đời nhiều báo cáo nghiên cứu khả thi về ứng dụng GIS, cả do các tổ chức tư vấn quốc tế thực hiện, cả do các đơn vị trong nước thực hiện. Rất nhiều cuộc hội thảo cả ở mức thành phố, cả ở mức quốc gia, đã được tổ chức. Các kết luân được đưa ra tại các báo cáo cũng như các cuộc hội thảo đều khẳng định sự cần thiết cũng như tính khả thi của việc ứng dụng công nghệ GIS.
Thật đáng tiếc là sau rất nhiều nỗ lực như thế của rất nhiều tổ chức, cá nhân, cũng như đã tiêu tốn không ít tiền của từ các nguồn khác nhau, mọi chuyện đang dần đi vào quên lãng. Cả hai dự án mục đích lớn là HanoGIS cho ứng dụng GIS tại Hà nội và HCM GIS (trước đó gọi là SagoGIS) cho ứng dụng GIS tại TP HCM đều đã chìm xuồng, còn các công ty chuyên về GIS thì hiện hầu hết đã ngậm ngùi chuyển hướng sang các lĩnh vực chuyên ngành khác. Lý do thì có nhiều, như cuộc trang cãi không dứt về công nghệ cần lựa chọn (chủ yếu giữa Intergraph với GEOMEDIA và ESRI với ARCINFO hay tự xây dựng phần mềm nguồn mở), là sự mơ hồ về khả năng có được bộ dữ liệu đầy đủ, đầu tiên là dữ liệu bản đồ nền, rồi đến là các dữ liệu chuyên ngành cần thiết, kế đến nữa là sự không tin tưởng vào khả năng phối hợp, vận hành một hệ thống tích hợp đa ngành giữa các cơ quan quản lý,...      
Không thể nói rằng mọi cố gắng đều đã đổ sông đổ biển: khá nhiều hệ thống ứng dụng nhỏ lẻ ở mức chuyên ngành hẹp đã được xây dựng trong suốt thời gian vừa qua, cũng có tác dụng ở mức vừa phải đối với công tác quản lý, đặc biệt đối với các lĩnh vực bắt buôc phải dùng thông tin dựa trên nền bản đồ. Tuy vậy, thật đáng thất vọng là một công cụ mang tính tích hợp tổng thể như GIS lại không được triển khai ứng dụng ở quy mô tích hợp tổng thể như đáng lẽ phải có. 
 
Trong bối cảnh như vậy, thật đáng khích lệ là sự cố gắng tiếp tục đưa GIS vào triển khai ứng dụng ở những lĩnh vực, những cơ quan nào mà tính khả thi, tính thiết thực đã được chứng tỏ cụ thể bằng thực tiễn.   

Đầu tháng 6/2009, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa Việt (DiaViet JSC) bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học ở quy mô một đề tài, đã thực hiện thành công việc nghiên cứu triển khai “Ứng dụng GIS trong quản lý và lập kế hoạch duy tu nâng cấp, xây mới hạ tầng giao thông, triển khai thí điểm trên địa bàn Quận 1”. Việc triển khai  nghiên cứu ứng dụng này vào công tác quản lý hạ tầng giao thông đô thị đã nhận được sự ủng hộ và hơp tác nhiệt tình của Khu Quản Lý Giao Thông Đô Thị Số 1  - Sở Giao Thông Vận Tải TP.HCM. Trong khuôn khổ của nghiên cứu ứng dụng này, chỉ với nguồn kinh phí hạn chế,  đã thực hiện các công việc sau:
- Xây dựng và chuẩn hóa cấu trúc CSDL các đối tượng hạ tầng giao thông như: đường, cầu, cây xanh, biển báo, hệ thống tín hiệu giao thông và hệ thống chiếu sáng. Với cấu trúc khung này, Khu QL GTĐT Số 1 và các Khu QLGTĐT khác có thể dễ dàng mở rộng phạm vi dữ liệu ra các quận huyện còn lại trong phạm vi quản lý của mình;
- Hoàn thành việc xây dựng CSDL tất cả các đối tượng hạ tầng giao thông (đường, cầu, cây xanh, biển báo, hệ thống tín hiệu giao thông và hệ thống chiếu sáng) trên tất cả các tuyến đường thuộc địa bàn Quận 1. Các cán bộ của Phòng Quản lý Hạ tầng và Duy tu thuộc Khu 1 và Công ty Địa Việt đã phối hợp hoàn thành tốt công tác điều tra đo đạc vị trí và xây dựng CSDL về tất cả các đối tượng HTGT. Các kinh nghiệm thu được qua quá trình triển khai thử nghiệm trên địa bàn Quận 1 này là tiền đề và cơ sở vững chắc cho các bước mở rộng tiếp theo trên phạm vi toàn thành phố.  
   Hình minh họa CSDL HTGT đã được xây dựng
- Hoàn thành việc xây dựng ba nhóm công cụ đáp ứng hầu như đầy đủ tất cả các nghiệp vụ quản lý và lập kế hoạch duy tu các đối tượng hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố tại các khu quản lý giao thông đô thị, bao gồm:
  • Nhóm công cụ phục vụ quản lý và cập nhật dữ liệu: Các công cụ này cho phép các chuyên viên xem và cập nhật thông tin thuộc tính của từng loại đối tượng hạ tầng, bao gồm cả việc tìm kiếm và định vị đối tượng trên bản đồ.
  • Nhóm công cụ tạo báo cáo thống kê: Tạo các báo cáo thống kê chi tiết theo đối tượng, các báo cáo tổng hợp theo tuyến hoặc các báo cáo thống kê về khối lượng duy tu. Các báo cáo này có thể được tạo bất thường, hoặc định kỳ theo tuần, tháng, năm… dưới dạng file excel để có thể lưu hoặc in báo cáo.
  • Nhóm công cụ lập kế hoạch và ước lượng chi phí duy tu: Cho phép chọn ra các tuyến đối tượng (chiếu sáng, tín hiệu giao thông) đã đến thời điểm duy tu, và tính ra dự toán duy tu cho các tuyến này dựa trên định mức và đơn giá duy tu của các đối tượng đó.
Các kết quả đã đạt được này đương nhiên còn chưa được hoàn chỉnh và cần thiết phải chỉnh sửa, bổ sung. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia nghiên cứu đều tin tưởng rằng, nếu nghiên cứu này được ứng dụng triển khai ở quy mô mở rộng trên địa bàn toàn thành phố, sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng về mặt quản lý, kinh tế và xã hội. Có thể chỉ ra một số lợi ích cơ bản gồm:
- Về mặt quản lý: giúp đơn giản hóa công tác quản lý hạ tầng giao thông và nhất là đảm bảo tính đồng bộ, chính xác của dữ liệu hạ tầng giao thông từ các Khu QL GTĐT đến Sở Giao thông Vận tải, từ đó, hỗ trợ đắc lực hơn cho công tác quản lý và quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.
- Về mặt kinh tế: Giảm chi phí đáng kể cho công tác quản lý và cập nhật dữ liệu hạ tầng giao thông cho Sở GTVT nói riêng và cho các đơn vị quản lý hạ tầng nói chung;
- Về mặt xã hội: Việc triển khai mở rộng hệ thống này trên toàn thành phố sẽ xây dựng được một cơ sở dữ liệu đầy đủ và đồng bộ về hạ tầng giao thông đô thị thành phố. Cơ sở dữ liệu này khi được chia sẻ cho các sở ngành khác sẽ phục vụ rất đắc lực cho công tác quản lý và quy hoạch đô thị. Người dân thành phố thông qua trang Web GIS của Sở GTVT có thể xem trực quan về hệ thống giao thông (chiều lưu thông, cấm/hạn lưu thông trên các tuyến đường) và các thông tin về các công trình duy tu sửa chữa hạ tầng giao thông nhằm giúp vạch lộ trình đi lại cho mình được thuận tiện hơn cũng như cùng với các đơn vị có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát tốt hơn các đơn vị thi công các công trình hạ tầng.
Tất nhiên, như đã nói ở trên, việc triển khai ứng dụng một công nghệ tích hợp như GIS ở một địa bàn quy mô lớn như TP HCM dĩ nhiên đòi hỏi đầu tư mức kinh phí xứng đáng, đầu tiên là cho thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu, tiếp đến là cho công nghệ, rồi đến việc đào tạo đội ngũ năng lực quản lý vận hành. Mặc dù vậy, ứng dụng công cụ hiện đại để khẩn cấp cải tiến và nâng cao năng lực công tác quản lý đô thị, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang nóng bỏng như hệ thống kỹ thuật hạ tầng giao thông, là  điều không thể không làm trong giai đoạn hiện nay. Một khi tính khả dụng của công nghệ đã được chứng minh, đã đến lúc cần một sự quyết đoán của các nhà lãnh đạo.
Share on :