Khẳng định bùn phun trào ở Ninh Thuận là hiện tượng địa chất bình thường, không gây nguy hiểm, tuy nhiên tiến sĩ Doãn Đình Lâm, Trưởng phòng Trầm tích (Viện Địa chất) lưu ý vùng này đất yếu, cần cảnh báo để người dân biết phòng tránh.
Theo tiến sĩ Doãn Đình Lâm, Trưởng phòng Trầm tích (Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đất bùn phun trào ở Ninh Thuận là hiện tượng địa chất bình thường, liên quan đến hoạt động của các túi khí dưới lòng đất.
Ở dưới lòng đất thường có các tích tụ khí và càng ngày càng lớn dần. Đến thời điểm tầng chắn yếu đi thì các túi khí này có thể đi lên trên.
"Khi một dòng khí nào đó đi lên, gặp tầng địa chất gắn kết yếu hoặc túi bùn thì nó sẽ xuyên thủng tầng đất đó để đi lên mặt đất. Trên đường đi, nếu gặp tầng bùn đất nhão thì nó sẽ đưa cả tầng đất nhão (bùn) đó lên cùng. Trong chuyên môn hiện tượng này gọi là núi lửa bùn - mud volcano", tiến sĩ Lâm nói.
Theo nhà khoa học này, về cơ chế, hiện tượng phun trào bùn được xếp vào dạng núi lửa vì cùng là phun trào lên mặt đất, nhưng về bản chất thì không giống như núi lửa thực thụ (volcano). Đây chỉ là hiện tượng giống như phun trào núi lửa nên giới chuyên môn mới đặt cho cái tên "núi lửa bùn".
Núi lửa bùn không gây nguy hiểm, thậm chí còn có thể khai thác (tắm bùn) để phục vụ sức khỏe, vì trong bùn có một số chất có lợi. Song, theo ông Lâm cần nghiên cứu thành phần bùn trước khi sử dụng.
"Núi lửa thực thụ phun dung nham nóng chảy lên mặt đất và có nguồn gốc từ rất sâu trong lòng đất. Núi lửa bùn thì không phun dung nham nóng chảy mà phun bùn với nhiệt độ thấp và có nguồn gốc nông. Hiện tượng này vì thế không liên quan đến động đất", vị tiến sĩ giải thích.
Mặc dù vậy, chuyên gia địa chất này lưu ý, vùng có hiện tượng núi lửa bùn hoạt động là vùng đất yếu, cần cảnh báo để người dân biết phòng tránh.
"Vì núi lửa bùn không liên quan đến động đất nên không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, vì nó liên quan đến đới đứt gãy trong vỏ trái đất nên cũng cần đánh giá đúng mức hoạt động kiến tạo, nhất là kiến tạo hiện đại trong khu vực và xung quanh", tiến sĩ Lâm nói.
Ghi nhận địa chất cho thấy tại Indonesia, Philippines, Mỹ, Nga... từng xuất hiện núi lửa bùn. Hiện tượng này cũng từng xảy ra với quy mô nhỏ tại một số nơi ở Việt Nam, chủ yếu tại miền Trung Trung Bộ.
(Theo Vietnam+)