5 giờ GMT sáng ngày 28-12-2005, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã phóng vệ tinh GIOVE-A lên quỹ đạo địa tĩnh, bắt đầu bước thử nghiệm cho chương trình Hệ thống định vị toàn cầu Galileo trị giá 4 tỉ USD.
Vệ tinh GIOVE-A nặng 600 kg, sẽ hoạt động ở độ cao 23.222 km. Nhiệm vụ đầu tiên của vệ tinh GIOVE-A là bảo đảm việc sử dụng tần số sóng vô tuyến được Liên đoàn Viễn thông Quốc tế (ITU) phân bổ cho hệ thống Galileo, đồng thời thử nghiệm hiệu quả hoạt động của 2 chiếc đồng hồ nguyên tử (cốt lõi sống còn của các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu) cùng với các thông số kỹ thuật khác phục vụ cho việc triển khai các vệ tinh trong chương trình Galileo sẽ bắt đầu được phóng lên trong năm 2006. Theo ESA, hệ thống Galileo có tổng cộng 30 vệ tinh, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2008 và hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống vào năm 2010.
Việc châu Âu triển khai hệ thống Galileo đã làm sôi động thêm cho cuộc đua xây dựng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu giữa 3 thế lực không gian của thế giới. Ngoài hệ thống GPS đã hoạt động nhiều năm của Mỹ, Nga hiện cũng đang xây dựng hệ thống riêng mang tên GLONASS (Global Navigation Satellite System). GLONASS hiện đang trong giai đoạn đầu hoạt động với 14 vệ tinh. Ngày 25-12-2005, Roskosmos (Cơ quan Không gian Nga) đã phóng bổ xung 3 vệ tinh trong hệ thống GLONASS của mình, và việc phóng thêm 3 vệ tinh mới nằm trong kế hoạch triển khai cho hoàn chỉnh mạng lưới 24 vệ tinh được triển khai thành 3 chuỗi bao quanh trái đất. Toàn hệ thống sẽ hoạt động vào năm 2010
Khi đi vào hoạt động, Galileo sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với hệ thống GPS (Global Positioning System) của Mỹ. Xét về mặt kỹ thuật, những hình ảnh, thời gian và tín hiệu định vị của Galileo có độ chính xác hơn hẳn GPS của Mỹ. Galileo sẽ xác định vị trí bằng công nghệ real-time, tức là dựa vào thời gian truyền tín hiệu để xác định vị trí cần tìm. Với tốc độ truyền tín hiệu cực nhanh, gần như tức thời, Galileo được trông đợi có thể xác định một vật thể trên mặt đất với sai số trong khoảng 1 mét.
Vì là hệ thống định vị đầu tiên phục vụ cho mục đích dân sự, Galileo còn hứa hẹn rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật. Cụ thể, nhờ độ chính xác cao của Galileo, hệ thống quản lý giao thông tại nhiều nước có thể được tự động hóa hoàn toàn, giúp các cơ quan chức trách theo dõi chặt chẽ và chính xác mọi hoạt động lưu thông trên các tuyến xa lộ, giám sát hiệu quả các điểm kẹt xe, tai nạn, Galileo có khả năng kết nối với các chip đặt biệt gắn bên trong điện thọai di động, biến chiếc máy điện thoại nhỏ bé thành thiết bị định vị vô cùng tiện lợi, nhờ đó rất tiện cho việc giám sát, theo dõi các đối tượng tội phạm, khủng bố sử dụng điên thoại di động. Còn nhiều nữa các tiện ích đa dạng của Galileo. Nó giúp du khách trong tương lai xác định được những nhà hàng, khách sạn, trạm bưu điện, máy rút tiền ATM ở nơi gần nhất. Nó giúp các nhà khoa học thực hiện các chuyến khảo sát thực địa nhanh và hiệu quả. Galileo còn mang ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị: nó giúp châu Âu và cả nước đối tác giảm lệ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ, tăng cường tính độc lập trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, và các hoạt động do thám, phòng chống tội phạm.
Với những lợi ích như vậy, chương trình Galileo của châu Âu lẽ ra đã được triển khai sớm hơn nếu không gặp một số trục trặc, đầu tiên là tranh cãi trong nội bộ các nước thành viên EU xung quanh vấn đề đóng góp tài chính cho chương trình. Đó là chưa kể những rắc rối xung quanh vấn đề thủ tục hành chính, do đây là chương trình liên kết mở rộng, bao gồm cả các đối tác Trung Quốc, Ấn độ, Maroc, Arập Xêút và Ukraina, mỗi nước có hệ thống thủ tục hành chính khác nhau. Galileo cũng từng là đề tài tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và châu Âu trong thời gian qua, khiến cho chương trình có lúc tưởng đã không thể triển khai được. Phía Mỹ, cụ thể là Lầu Năm Góc lo ngại rằng, sóng tín hiệu của Galileo có thể gây nhiễu hệ thống GPS quan sự thế hệ mới của mình, từ đó de dọa đến an ninh quốc gia Mỹ trong trường hợp có chiến tranh. Hơn nữa, Mỹ cũng phản đối việc EU cho một số nước đối tác kể trên tham gia chương trình vì lo ngại hệ thống Galileo sẽ tạo điều kiện cho các nước “thù địch” với Mỹ chia sẻ thông tin định vị toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Washington đã dọa dùng kỹ thuật “chèn sóng” để phá Galileo nếu châu Âu không gạt Trung Quốc và một số nước khác ra. Tuy nhiên đây là phương án không hiệu quả, và có khả năng chính GPS của Mỹ cũng bị thiệt hại. Cuối cùng, 2 bên đã đạt được một số thỏa hiệp, trong đó , châu Âu đồng ý chuyển sang sử dụng tần số khác, an toàn hơn cho hệ thống GPS của Mỹ, đồng thời một thỏa thuận hợp tác giữa 2 hệ thống trong trường hợp khẩn cấp cũng đã được ký kết.
Hiện tại, ngoài các ứng dụng hạn chế trong lĩnh vực quân sự và tình báo của Mỹ, chỉ có một số ít đối tượng dân sự sử dụng hệ thống GPS. Hướng sắp tới có thể sẽ là việc hợp nhất 3 hệ thống định vị toàn cầu do Nga đề xuất nhằm phục vụ hoàn hảo hơn cho nhu cầu khổng lồ của thế giới. Một khi ý tưởng hợp tác này được thực hiện, cư dân ở mọi ngóc ngách địa cầu sẽ có cơ may chuyển mạch giữa các hệ thống sử dụng.
Nguồn P-GIS Home