GPS VÀ GIS TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE BUÝT

A2312010-132643859ỨNG DỤNG GPS VÀ GIS TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE BUÝT: TIẾT KIỆM KINH PHÍ, TẬN DỤNG NHÂN LỰC

Với việc ứng dụng công nghệ tích hợp GPS và GIS, công tác điều hành và quản lý vận tải hành khách công cộng sẽ được cải tiến theo hướng tiết kiệm kinh phí, tận dụng nguồn nhân lực và trang thiết bị sẵn có, bảo đảm chia sẻ thông tin và phát triển đồng bộ...
Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đang quản lý 300 xe buýt trên 100 tuyến đường, thực hiện vận chuyển hơn 15.000 chuyến xe mỗi ngày. Trung tâm có đội kiểm tra trên tuyến, nhân viên điều hành các bến đầu và cuối (khoảng 300 người) để giám sát hoạt động của tài xế và tiếp viên : kiểm tra tài xế chạy đúng biểu đồ thời gian, lộ trình, trạm dừng đỗ, kiểm tra công việc bán vé, kiểm vé của tiếp viên... Hằng ngày, thông tin về số chuyến của từng xe trên tuyến, tổng số xe trên tuyến, số lượng hành khách (vé lượt, vé tập, vé tháng, miễn vé) được thu thập và xử lý theo quy trình thể hiện ở sơ đồ bên dưới.
Dễ thấy rằng, phương pháp quản lý hiện tại có thể có những điểm bất cập như thông tin về hoạt động của xe buýt, tình hình vận chuyển hành khách chỉ dựa vào thông tin do các nhân viên thu thập và do vậy, phụ thuộc nhiều vào tính khách quan của nhân viên tác nghiệp. Từ đó, chưa thể giám sát đầy đủ để khắc phục các khuyết điểm : xe chạy không đúng lộ trình, thắng gấp, không bật máy lạnh, không xé vé... Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc giữa tài xế và trung tâm điều hành (để trung tâm điều phối, thay đổi hoạt động của xe ở các tình huống khẩn cấp ; tài xế báo cáo về trung tâm tình hình lưu thông, các sự cố bất chợt trên đường...) vẫn chưa được triển khai trong cách quản lý này.
Tiến sĩ Lê Văn Trung, Đại học Bách khoa TP.HCM, đã đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quy hoạch và quản lý xe buýt. "GIS hiện đã được xây dựng hoàn chỉnh ở Việt Nam với khả năng lưu trữ, truy cập, xử lý phân tích và cung cấp thông tin cần thiết ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quản lý công trình công cộng, dịch vụ...," ông Trung cho biết. Để áp dụng, mỗi xe buýt sẽ được gắn một module di động gồm nhiều thành phần : thiết bị cảm biến thu thập dữ liệu, thiết bị hiển thị cung cấp thông tin hoặc cảnh báo, thiết bị báo tin khẩn cấp và bộ tập trung dữ liệu (data logger) giao tiếp với trung tâm điều hành. Các thiết bị định vị và cảm biến sẽ tự động thu thập thông tin và lưu trữ ở bộ nhớ. Bộ điều khiển tập trung dữ liệu sẽ truy xuất bộ nhớ khi nhận các yêu cầu từ trung tâm điều hành để gởi dữ liệu thu thập về trung tâm, hoặc hiển thị thông tin cho hành khách, hoặc gởi cảnh báo đến tài xế...

Module di động đảm nhận các chức năng :
- Cung cấp thông tin về vị trí xe, tốc độ di chuyển, tình trạng hoạt động của tài xế và tình hình về hành khách... khi nhận được yêu cầu từ trung tâm điều hành. Thông tin này được phân làm hai nhóm: định vị xe buýt (sử dụng thiết bị thu GPS để xác định tọa độ vị trí, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển của xe buýt theo thời gian thực) và xác định trạng thái vận tải của xe (thông tin từ các thiết bị cảm biến về tốc độ di chuyển, tình trạng đóng mở cửa xe, hoạt động của máy lạnh...).
- Cung cấp cho hành khách thông tin về lộ trình di chuyển của xe buýt, các trạm dừng và bến đỗ, giá vé, tài xế và nhân viên phục vụ trên xe... Thông tin này sẽ được hiển thị tại các bảng điện tử đặt ở nhà chờ xe buýt.
- Gửi tín hiệu khẩn cấp về trung tâm điều hành trong trường hợp xảy ra sự cố.
Thiết bị cảm biến quản lý thông tin được yêu cầu về
- Nhân thân tài xế, tiếp viên
- Xe vi phạm tốc độ
- Xe bỏ chuyến, bỏ trạm, chạy sai lộ trình
- Tình trạng đóng mở cửa xe
- Các trường hợp xe thắng gấp
- Tình hình sử dụng máy lạnh trên xe
Để bảo đảm chức năng giám sát và điều hành hệ thống xe buýt hoạt động theo thời gian thực, hệ thống thông tin quản lý xe buýt được xây dựng trên cơ sở tích hợp công nghệ GPS và GIS sao cho thông tin về tình trạng hoạt động của xe buýt được phân tích và hiển thị trực quan, các dữ liệu được kiểm tra và lưu trữ nhanh, chính xác nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý sau :
- Cho phép hiển thị vị trí các xe buýt trực quan trên nền bản đồ số.
- Tạo các báo cáo về trường hợp vi phạm của xe buýt.
- Cảnh báo tài xế xe buýt tức thời trong trường hợp có sai phạm.
- Cung cấp thông tin phục vụ hành khách xe buýt.
Trung tâm điều hành
Tại đây, cơ sở dữ liệu GIS được tổ chức, lưu trữ và quản lý trong hệ quản trị cơ sở dữ liệu bao gồm các thành phần không gian và thuộc tính của các đối tượng. Về không gian, sử dụng nền địa hình tỷ lệ 1/2.000 tạo các lớp chuyên đề thể hiện tuyến xe buýt, bến xe, trạm dừng, nhà chờ, bãi xe, cơ sở quản lý... Về thuộc tính, thể hiện các thông tin về hoạt động của tuyến xe (đơn vị quản lý, các loại vé, thời gian bắt đầu và kết thúc, thời gian giãn cách giữa hai xe cho trường hợp bình thường và cho giờ cao điểm, thông tin về lộ trình) ; thông tin về đặc điểm của xe (loại xe, số ghế, công suất, ngày sản xuất, chu kỳ bảo hành); nhân sự vận hành hệ thống (mã số của nhân viên, tên họ, năm sinh, quê quán, ngày ký hợp đồng làm việc, bằng lái, chế độ lương bổng, ưu đãi).
Dữ liệu hoạt động của các xe buýt được trung tâm điều hành thu thập tự động từ các hộp đen gắn trên xe và được tổ chức lưu trữ theo thời gian vào cơ sở dữ liệu của hệ thống, hoặc được hiển thị phục vụ công tác giám sát trực tiếp. Nguồn dữ liệu này sẽ được tổng kết, thống kê theo tuần, tháng hoặc quý. Từ đó, trung tâm điều hành có thể dễ dàng lưu trữ dữ liệu, giám sát truy xuất thông tin, cập nhật và xuất các báo cáo chuyên ngành phục vụ công tác quản lý các tuyến xe, quản lý cơ sở hạ tầng mạng lưới xe buýt, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng cấp trung tâm (tổng hợp hoạt động, hiệu quả hoạt động, tai nạn trên từng tuyến).
Cơ sở quản lý và bãi xe
Tại đây, sẽ tiến hành việc truy vấn không gian và tìm kiếm thông tin thuộc tính của các đối tượng cũng như tình trạng hoạt động của các xe buýt trực thuộc cơ sở. Bên cạnh đó, việc cập nhật dữ liệu hoạt động vận tải cấp cơ sở sẽ được thực hiện theo chu kỳ ngày hay tuần ; tiến hành in các báo cáo tổng hợp, thống kê liên quan trực tiếp đến phương tiện vận chuyển, nhân sự vận hành, hoạt động của hệ thống xe buýt của tài xế... Đây cũng là nơi thiết lập và vận hành thời gian biểu bảo hành, bảo dưỡng phương tiện vận chuyển.

Tiến sĩ Trung cho biết, mô hình nói trên năm vừa qua đã được thử nghiệm có hiệu quả trên 15 xe buýt tại TP.HCM. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư 15-20 triệu đồng/hộp đen/xe buýt, hiển nhiên đây là khoản không nhỏ so với tình hình kinh doanh xe buýt chưa có hiệu quả như hiện nay. Được biết, trong kế hoạch áp dụng công nghệ GPS-GIS ở 500-1.000 xe buýt vào năm sau, bên cạnh việc từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, Sở Giao thông-Công chánh dự tính sẽ cho thuê hoặc cho trả chậm từng tháng đối với các chủ xe buýt muốn mua hộp đen.

(Theo VietMarine)
Share on :