Mỗi vi phạm dù nhỏ hay lớn ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên, xét cho cùng đều là những việc “thất đức”. Đáng tiếc là những việc “thất đức” hay nói cách khác “không có đạo đức” đó vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày, có lúc do vô ý thức (làm mà không có nhận thức là mình vi phạm) có lúc do cố tình vi phạm, cố tình chống lại luật pháp và các quy chế, quy định hiện hành về tài nguyên và môi trường. Kẻ vi phạm Luật khi bị cơ quan Nhà nước phát hiện, ngăn chặn thường có nhiều cách cư xử: tự giác hoặc miễn cưỡng chấp hành xử phạt, trốn chạy hoặc chống cự lại người thi hành công vụ một cách hung hãn. Các hành vi nói trên phản ánh trình độ dân trí cũng như mức độ xuống cấp đạo đức của một bộ phận công dân. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin về những hoạt động BVMT, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ sinh thái, mặt khác cũng đã lên án gay gắt các việc làm sai trái của các tổ chức, cá nhân đối với tài nguyên và môi trường:
- San lấp hồ, ao, lấn chiếm đất công để xây dựng.
- Xâm phạm hành lang bảo vệ đê điều, đào móng nhà vào chân đê, dựng lều quán ngay trên thân đê.
- Thải các hoá chất độc hại, đổ rác, vứt xác súc vật chết, phóng uế xuống ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch... làm ô nhiễm và tắc nghẽn dòng chảy.
- Dùng phân tươi nuôi cá, bón ruộng, tưới cho rau xanh.
- Phun thuốc trừ sâu và hoá chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng vượt liều lượng cho phép làm ô nhiễm đồng ruộng và nhiễm độc rau quả.
- Săn bắt các loài chim, thú quý hiếm như công, trĩ, sếu cổ trụi, hổ, báo, tê giác và voi rừng để bán sống hoặc để ăn thịt, nấu cao, lấy sừng và ngà, làm động vật nhồi bông, bày bán ở các cửa hàng và khách sạn du lịch.
- Khai thác trộm quế, trầm, gỗ pơ-mu và các loại gỗ quí hiếm khác như lim, lát, cẩm lai để dùng hoặc bán cho khách hàng trong nước và nước ngoài kiếm ăn.
- Vận chuyển, tàng trừ gỗ và lâm sản trái phép.
- Đốt rừng làm nương rẫy hoặc để phá hoại các dự án trồng cây gây rừng của Nhà nước.
- Tham ô hoặc chi tiêu sai mục đích kinh phí do Nhà nước cấp cho các Chương trình 327 phục hồi bảo vệ tài nguyên và môi trường.
- Đua xe máy, đi xe đánh võng không chỉ gây rối trật tự và an toàn giao thông đường phố, làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người đi đường mà còn gây ô nhiễm lớn về tiếng ồn, đặc biệt gây tâm lý coi thường kỷ cương phép nước, coi thường các lực lượng bảo vệ trật tự, an ninh.
- Bỏ qua hoặc xem nhẹ việc thẩm định các báo cáo ĐTM trước khi phê duyệt một dự án (công trình), trong liên doanh, hợp tác đầu tư với nước ngoài đã nhập bừa, nhập ẩu các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ không sạch, các dây chuyền công nghệ thiếu hệ thống xử lý chất thải....
Vấn đề là làm thế nào để Luật, Pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về tài nguyên và môi trường đi vào cuộc sống, được mọi tổ chức, cá nhân tự giác, nghiêm chỉnh thi hành?
Các Bộ, ngành và chính quyền nhân dân các cấp đã ban hành nhiều thông tư, chỉ thị, quyết định và quy chế để cụ thẻ hoá Luật BVMT và xây dựng chương trình hành động về môi trường cho ngành và địa phương mình.
Các tổ chức kiểm soát, thanh tra môi trường thuộc các Bộ và địa phương đang được xây dựng và kiện toàn. Đây là đội ngũ thi hành Luật, đôi khi là lực lượng bán vũ trang rất cần thiết để cưỡng chế chấp hành luật pháp.
Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan văn hoá đã bước đầu tổ chức tuyên truyền về Luật BVMT, vai trò quan trọng của môi trường để phát triển bền vững, và bằng nhiều hình thức (ca dao, bài hát, tranh vẽ...) làm sinh động các nội dung và tăng cường sự thâm nhapạ sâu sắc và nhẹ nhàng vào các hành vi của mỗi cá nhân.
Cho đến nay, chưa có một giáo lý nào, một xã hội nào có được một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn, vì tương lai xã hội loài người, vì sự tồn tại các loài sinh vật khác sống trên trái đất. Không có nền đạo đức đúng đắn thì trong tương lai, loài người sẽ bị lâm nguy, nạn đói nghèo, xung đột và thảm hoạ sẽ tăng lên.
Những nguyên tắc đạo đức mới sẽ giúp loài người trên toàn cầu kết hợp lại, thống nhất hành động và giải quyết được những vấn đề chung như vấn đề xâu xé, tranh cướp nguồn tài nguyên đang khan hiếm dần trên thế giới.