XÂY DỰNG ATLAS ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP VIỆT NAM


Atlas, theo định nghĩa của nhà bản đồ học K.A.Xalissiep, là một sưu tập có hệ thống của các bản đồ địa lý theo một chương trình chung để tạo thành một sản phẩm nhất quán. Atlas có thể là loại chuyên đề tức là thể hiện về một vấn đề nào đó hoặc có thể là loại tổng hợp khi nó bao gồm các bản đồ nhiều chuyên đề tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau để khắc hoạ đặc điểm đối tượng địa lý trên nhiều khía cạnh. Ở Việt Nam, các bản đồ nói chung và Atlas nói riêng còn rất ít, chưa được đông đảo người dân biết đến…

I. TẠI SAO NÊN XÂY DỰNG ATLAS TỔNG HỢP CHO VIỆT NAM?
Là giáo viên của khoa Địa lý, mỗi năm đến kỳ chấm thi tuyển sinh Đại học, chúng ta lại gặp những điều “tưởng như đùa” : dù năm nào đề thi cũng có yêu cầu vẽ lược đồ Việt Nam, nhưng năm nào cũng nhận được hơn 70% là hình “củ khoai” và hơn nửa trong đó vị trí các địa danh chính của Việt Nam được chỉ ra lệch so với thực tế, từ ít như để Hà Nội ngang với Hải Phòng đến nhiều như cho Huế nằm dưới Nha Trang… Đau lòng nhưng không ngạc nhiên vì cứ nhìn vào các bản đồ trong sách giáo khoa mà các em được làm quen thì sẽ rõ: không có màu và chữ lại lem nhem theo kiểu “có cũng như không”…
Đó là đối với các học sinh được trực tiếp học địa lý, còn trong cuộc sống hằng ngày thì sao? Người ta thường có những câu hỏi rất phổ thông như: Sài Gòn đi Đắc Lắc bao xa, đi theo đường nào? Động Phong Nha thuộc tỉnh nào? Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm đâu?… Thế nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi ấy dù ngày nay người ta chìm ngập trong thông tin. Vậy vấn đề là ở đâu? Chính vì tràn ngập thông tin nên nảy sinh tâm lý ngán ngại đọc: nếu không thật sự bức bách, cần thiết, người ta sẽ không chịu khó ngồi đọc những bài dày đặc chữ viết và mô tả… Và kết quả là hình như người Việt Nam biết về Việt Nam ít quá.
Là những người công tác trong ngành giáo dục, chúng ta không mong gì hơn là đưa tri thức đến cho mọi người. Muốn vậy chúng ta phải tìm nhiều hình thức mới lạ để chuyển tải thông tin một cách hấp dẫn, phù hợp với tâm lý đông đảo quần chúng. Ví dụ, một số vấn đề về địa lý có thể trình bày theo công thức “bản đồ với màu sắc và phương pháp thể hiện trực quan +hình ảnh minh họa +biểu đồ +bài viết ngắn” thay cho các bài viết mô tả đơn điệu. Và nếu chúng ta xây dựng các bài học địa lý Việt Nam mang tính phổ thông như vậy về các chuyên đề tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau và tập hợp lại chúng ta sẽ có một tập bản đồ gọi là atlas tổng hợp, chuyển tải khá nhiều thông tin mà cũng không quá “khó nuốt”.
Ở đây cũng cần nhấn mạnh về tính hệ thống của atlas. Đây không đơn thuần là tập hợp các bản đồ khác nhau mà là một sự kết hợp có hệ thống. Ta có thể lấy hình tượng xâu chuỗi ngọc để làm ví dụ: nếu có một hộp gồm những viên ngọc rời rạc khác nhau về màu sắc và kích cỡ thì giá trị của chúng là tổng giá trị của các viên ngọc; nhưng nếu dùng một sợi chỉ để xâu chúng lại theo một thứ tự nhất định mang tính thẩm mỹ về độ lớn và màu sắc chúng ta sẽ có được một xâu chuỗi ngọc mà giá trị của nó tăng lên nhiều so với giá trị của hộp ngọc rời rạc kia. Trong một so sánh khập khiểng nào đó thì các bản đồ chính là các viên ngọc rời rạc được liên kết nhau thành atlas với tính chất, giá trị đặc biệt. Atlas tổng hợp phải gồm những bản đồ về các mặt tự nhiên, xã hội, được xây dựng trên một cơ sở toán thống nhất, sử dụng những phương pháp thể hiện và chỉ tiêu tổng quát hoá sao cho nội dung và hình thức mang tính nhất quán. Ngoài ra vì là atlas mang tính phổ thông đề truyền bá kiến thức rộng rãi nên phải xây dựng atlas với hình thức đẹp, hấp dẫn, nhiều hình ảnh, biểu đồ và bài giải thích đi kèm mỗi bản đồ. Được như vậy, atlas tổng hợp phổ thông sẽ thật sự là một bách khoa toàn thư về địa lý Việt Nam, cần thiết được ra đời và xứng đáng có trong tủ sách mỗi gia đình.
II. VÀ TẠI SAO LẠI LÀ “ĐIỆN TỬ”?
Khoa học máy tính ngày nay đã phát triển nhanh và chiếm một vai trò quan trọng, nó đã “len lỏi” vào và trở thành công cụ hữu hiệu trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Sự kết hợp của máy tính và bản đồ là một ví dụ. Khoa học máy tính không chỉ thúc đẩy ngành bản đồ phát triển nhanh mà còn là một sự thăng hoa, tạo ra một hướng đi mới, một cuộc cách mạng thật sự trong ngành: sự ra đời của công nghệ GIS. Thật vậy, khi đưa bản đồ vào máy tính, người ta tạo ra một loại bản đồ mới – bản đồ số – với những ý niệm mới như “lớp”, “đối tượng”, “thuộc tính”…, có những đặc điểm và tính năng mới vượt hẳn khuôn khổ của bản đồ truyền thống trên giấy. Và atlas điện từ – electronic atlas (1)- có thể hiểu một cách nôm na là tập hợp của các bản đồ số như vậy. Nói một cách khác, atlas điện tử là atlas được xây dựng và sử dụng chủ yếu trên máy tính.
Chúng ta sẽ cùng lướt qua một số ưu điểm của atlas điện tử so với atlas truyền thống để có thêm dữ kiện trong việc chọn lựa một phương án phù hợp khi xây dựng atlas tổng hợp Việt Nam.
• Về mặt thể hiện: atlas điện tử có một thể hiện linh động và mang tính tương tác cao:
- Các thể hiện trên atlas như: màu, ký hiệu, kiểu chữa, phương pháp thể hiện, cách phân chia dữ liệu… đều cò thể được người sử dụng chọn lại theo ý muốn để phù hợp tối đa với từng yêu cầu cụ thể. Đặc biệt có chế độ làm sáng, nhấp nháy (Blinking) để làm nổi bật những đối tượng cần lưu ý hay muốn tìm kiếm.
- Ơû bản đồ truyền thống trên giấy, toàn bộ thông tin cần thiết đều phải được đưa lên trên một mặt giấy. Điều này sẽ là một vấn đề đối với nhà làm bản đồ: nếu quá nhiều thông tin cần đưa lên thì mặt giấy bản đồ không tải nổi, sẽ làm rối rắm, khó đọc, khó hiểu; nhưng nếu lược bỏ nhiều quá thì bản đồ sẽ thiếu thông tin.
Với bản đồ trên máy, thông tin được lưu trữ và thể hiện theo từng lớp, có thể được biểu diễn cụ thể hoặc “che dấu” tạm thời, hoặc dấu bớt một phần. Do đó giải quyết được mâu thuẫn cơ bản trong bản đồ về lượng thông tin >< tính dễ đọc của bản đồ: lượng thông tin trên bản đồ số là gần như không hạn chế mà vẫn không làm rối mắt người sử dụng. Ta hoàn toàn có thể đưa các hình thức thông tin sống động, đầy đủ vào trang bản đồ của atlas từ hình ảnh, biểu đồ đến cả những bài giới thiệu… một cách gần như không hạn chế.
- Bản đồ trên máy có thể được hiển thị ở các tỉ lệ khác nhau (zoom out, zoom in) và có thể kéo dịch (scroll) để xem các phần khác nhau trên một bản đồ lớn. Vì vậy ta không cần phải cắt bỏ các mảnh bản đồ trong atlas. Người sử dụng có thể được xem cùng một bản đồ với nhiều góc độ: xem toàn cảnh (tỉ lệ nhỏ) rồi xem chi tiết (tỉ lệ lớn) với mức độ lớn khác nhau một cách tuỳ ý.
- Trong hệ atlas điện tử, với sự hỗ trợ của máy tính, người ta có thể kết hợp các phương tiện khác như hình ảnh động, âm thanh.. để tăng hiệu quả thể hiện, tăng tính hấp dẫn (attractive) của atlas, điều mà atlas trên giấy không thể có được.
• Trong quá trình sử dụng, khai thác: nhờ lưu trữ dữ liệu ở dạng số và quản lý dữ liệu theo một hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS), atlas điện tử có thể thực hiện những tính năng phân tích đặc biệt mà atlas truyền thống không thể có:
- Thực hiện nhanh chóng, tự động và chính xác các phép thống kê số liệu, đo đạc chính xác tọa độ, chu vi, diện tích, khoảng cách…
- Truy cập ngẫu nhiên, tìm kiếm đối tượng thoả điều kiện cho trước (SQL). Nếu đối với một atlas trên giấy, việc tìm một địa danh đôi khi khá vất vả thì trong atlas điện tử, bằng lệnh tìm kiếm, ta có thể dễ dàng tìm thấy một đối tượng ngay cả khi địa danh ấy ta không biết tên chính xác hoàn toàn.
- Với SQL, ta có thể chọn lọc đối tượng theo một tiêu chuẩn cho trước, từ đó có thể thực hiện tổng quát hoá tự động dễ dàng và đúng chuẩn.
- Thực hiện các so sánh thể hiện biến đổi thuộc tính một đối tượng theo thời gian và không gian (trên các bản đồ khác nhau), có thể cho kết quả ở dạng số hay dạng biểu đồ.
- Cho phép thực hiện các phân tích chính xác để nhìn thấy khuynh hướng chung của dữ liệu, phân bố dữ liệu, dự đoán khuynh hướng phát triển chung; đưa ra các mô hình dữ liệu và thực hiện các bài toán ra quyết định với chức năng “what..if”; chồng lớp bản đồ để giải quyết các vấn đề tổng hợp như trong các bài toán quy hoạch, phân vùng…
Ở atlas truyền thống, dữ liệu được đưa ra một cách khách quan, sau đó người sử dụng dùng dữ liệu này để phân tích. Các phương pháp dùng trong phân tích bằng tay trong trường hợp này nhiều khi mang tính chủ quan, cảm tính. Với atlas điện tử, đi kèm theo dữ liệu là các chức năng phân tích khá khách quan, nhờ vậy, việc khai thác dữ liệu atlas thêm hữu hiệu.
- Atlas điện tử cho phép người sử dụng thực hiện hỏi đáp, tổ chức các trò chơi, đố nhau rất linh hoạt. Điều này sẽ lôi cuốn được nhiều người tham gia học và chơi theo atlas.
• Về mặt lưu trữ và quản lý: là một hệ thống thông tin trong máy, các dữ liệu của atlas điện tử rất dễ dàng được cập nhật, thêm bớt, sửa đổi mà không làm thay đổi cấu trúc chung và không đòi hỏi thời gian và tiền bạc nhiều như đối với atlas truyền thống (để thay đổi một chi tiết nhỏ cũng phải vẽ sửa in lại từ đầu). Vì vậy, việc cập nhật, hiệu đính atlas điện tử có thể thực hiện thường xuyên, bất kỳ lúc nào ta muốn; do đó, tính hiện đại và chính xác của atlas điện tử dễ dàng được đảm bảo.
Atlas trên đĩa cũng dễ bảo quản và vận chuyển (gọn, nhẹ, nhanh) –nhất là trong thời đại mạng máy tính phát triển như ngày nay-so với các atlas trên giấy cồng kềnh, dễ mốc, ướt, cháy…
• Về mặt sản xuất: nhờ vào quy trình theo công nghệ mới, giá thành atlas điện tử sẽ thấp hơn mà chất lượng lại nâng cao hơn so với atlas truyền thống tương ứng nhờ vào các yếu tố sau:
- Thời gian sản xuất được rút ngắn do nhiều công đoạn được lược bớt (biên tập ngay trên máy và cho ra ngay bản thanh vẽ, giảm bớt các công đoạn của quá trình chuẩn bị in, tách màu…).
- Giảm bớt nhiều vật tư sử dụng cho các sản phẩm trung gian. Giảm nhân lực tham gia sản xuất (do giảm nhiều công đoạn).
- Chất lượng nội dung đảm bảo đúng, chính xác nhờ việc thực hiện biên tập tại chỗ trên máy. Việc kiểm tra và sửa sai được thực hiện nhanh, gọn.
- Chất lượng hình thức cao, ít sai sót vì vẽ bằng máy, tách màu điện tử.
• Về mặt phân phối: hình thức xuất bản atlas khá linh động: có thể in ra giấy như atlas truyền thống (với số lượng ít bằng printer, plotter hay in cơ số nhiều sau khi chế bản) hoặc cung cấp ở dạng số dưới hình thức đĩa thường, CD. Atlas cũng có thể được cung cấp toàn bộ hoặc từng phần theo yêu cầu người mua… Những yếu tố này sẽ giúp việc phân phối atlas điện tử đến tay người tiêu dùng gặp nhiều thuận lợi.
Nói như vậy không có nghĩa là atlas điện tử chỉ toàn những ưu điểm. Như tất cả những sản phẩm mới trên máy, việc đưa ra atlas điện tử có thể gặp những trở ngại chung như: khó thông dụng trong điều kiện kinh tế xã hội chưa cao khi máy tính chưa phải đã có mặt trong mỗi hộ gia đình; việc phổ cập tin học thực tế chưa thực hiện được dẫn đến tâm lý ngán ngại sử dụng sản phẩm trên máy… Đây có lẽ chỉ là một khó khăn nhất thời nếu chúng ta nhìn vào tốc độ phổ biến của máy tính trong xã hội trong thập niên gần đây: từ chỗ không có ý niệm gì về computer trong những năm tám mươi đến ngày nay, máy tính đã trở thành rất quen thuộc đối với các em học sinh phổ thông, có mặt trong trong khá nhiều hộ gia đình trong thành phố. Và để giải quyết việc ngán ngại sử dụng do chưa thuần thục các thao tác trên máy, chúng ta cần xây dựng atlas cho nhiều cấp độ, mức độ sử dụng phục vụ cho nhiều trình độ và mục đích sử dụng khác nhau, hình thức atlas phải hấp dẫn, tận dụng multimedia để có âm thanh và hình ảnh sống động và phải có hệ thống menu đơn giản, dễ sử dụng… 

Chúng ta đã thấy CẦN nên có một atlas tổng hợp phổ thông như một bách khoa toàn thư cho mọi người và cũng đã thấy NÊN chọn hình thức nào cho atlas ấy. Vấn đề tiếp theo là bắt tay thực hiện. Với sự tham gia hợp tác “ba phía” giữa những nhà chuyên môn về khoa học máy tính –người làm bản đồ – và những người chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác nhau từ tự nhiện đến kinh tế xã hội, chúng ta có quyền mơ ước và hy vọng đến sự ra đời của một atlas điện tử tổng hợp có tính phổ thông trong một tương lai không xa; mơ ước ngày đó trẻ em Việt Nam sẽ vui vẻ ngồi bên chiếc máy tính vui chơi tìm hiểu về đất nước Việt Nam thay vì chơi game bắn súng và mơ ước để người Việt Nam biết về đất nước mình nhiều hơn…
Share on :