| Tư liệu viễn thám (ảnh chụp từ trên cao) được coi là những thông tin hết sức quan trọng. Ứng dụng ở nước ta, công nghệ viễn thám đã phát huy hiệu quả trong quản lý tài nguyên, dự báo thời tiết, giám sát tình trạng ô nhiễm, hiện trạng sử dụng đất, đo đạc bản đồ… Xin giới thiệu hai ứng dụng gần đây của công nghệ viễn thám khá hiệu quả trong giám sát tài nguyên đất và biến đổi khí hậu. |
Dữ liệu viễn thám với đặc điểm đa thời gian, xử lý ngắn và phủ trùm khu vực rộng là một công cụ hữu hiệu cho việc theo dõi biến động hiện trạng sử dụng đất nói chung và đất đô thị nói riêng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nghiên cứu biến động đất đô thị nhằm theo dõi xu hướng phát triển vùng đất ven đô của thành phố, ngoài việc tìm hiểu các khái niệm về đô thị, phương pháp nghiên cứu viễn thám trong theo dõi biến động là tạo ảnh chéo từ hai ảnh đã phân loại. Các dữ liệu ảnh vệ tinh tại một số thời điểm chụp vùng nghiên cứu đã được xử lý bằng các phương pháp chọn mẫu, luận giải thông qua phân loại bằng mắt thường, phân loại có kiểm định, phân tích sau phân loại, điều tra thực địa và áp dụng phương pháp thành lập bản đồ.
Theo dõi sự biến động đất đô thị của TP. Vinh bằng công nghệ viễn thám đã chỉ ra sự biến động rất rõ ràng theo thời gian. Sau khi phân loại xong ảnh vệ tinh với 5 lớp đối tượng gồm dân cư, đất xây dựng, thực vật, đất trống và mặt nước với độ chính xác tương đối thì tiến hành xếp nhóm các đối tượng. Dân cư, đất xây dựng vào nhóm đất đô thị. Các đối tượng thực vật, mặt nước, đất trống vào nhóm đất khác.
Qua đó, sự biến động trong 14 năm (1992 đến 2005) của đất đô thị theo từng thời điểm cũng được xác định rõ ràng hơn về mặt không gian. Cụ thể ở đây là sự tăng đất đô thị tại các năm 2000 và 2005 so với năm 1992. Điều này cũng nói lên là đất trống, mặt nước hay thực vật đã được thay thế bởi sự phát triển của dân cư hay đất đô thị.
Kết quả của bản đồ biến động kết hợp với khảo sát thực địa cho thấy, phạm vi của đô thị chủ yếu vẫn phát triển về phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Các khu dân cư vẫn phát triển bám theo các trục giao thông chính. Tuy nhiên vẫn tồn tại sự phát triển manh mún, tự phát ở vùng phía Tây của thành phố.
Có thể khẳng định, việc sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để hỗ trợ cho việc thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất nói chung là rất cần thiết, nhằm chính xác hóa việc thể hiện sự phân bố các loại đất trên bản đồ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý đất đai hiện nay.
Ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát biến đổi khí hậu
Trên thế giới, công nghệ viễn thám vệ tinh là công cụ hiệu quả để đánh giá và giám sát quá trình biến đổi khí hậu. Các số liệu quan trắc thực địa kết hợp với các thông tin chiết tách từ ảnh viễn thám vệ tinh cho phép dự báo về xu thế biến đổi và xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, từ đó chúng ta có căn cứ khoa học để đưa ra các giải pháp phòng tránh và thân thiện với biến đổi khí hậu.
Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Viễn thám Quốc gia đã nghiên cứu 2 trong số nhiều khả năng của viễn thám Việt Nam trong giám sát biểu hiện của biến đổi khí hậu là theo dõi mực nước biển dâng và nhiệt độ bề mặt đất cũng như bề mặt nước biển của khu vực biển Đông nước ta.
Từ việc thu thập ảnh viễn thám MODIS của Mỹ, nhóm đã nghiên cứu xây dựng bản đồ biến thiên nhiệt độ bề mặt nước biển và bản đồ phân bố hàm lượng chất diệp lục (chlorophy lla) trong nước biển để đánh giá sự biến đổi khí hậu biểu hiện trên đại dương.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, với khả năng giám sát liên tục trên phạm vi rộng, ảnh viễn thám vệ tinh cho phép xác định các vùng bị ngập lụt do mưa lũ, nước biển dâng… với các kịch bản khác nhau do biến đổi khí hậu.
Bốn biểu hiện cơ bản của biến đổi khí hậu là nhiệt độ nóng lên của trái đất, mực nước biển dâng, mưa lũ và bão gió thất thường. Viễn thám có vai trò quan trọng trong giám sát các biểu hiện, đánh giá tác động, giúp các nhà lãnh đạo các tổ chức, cơ quan Nhà nước ra quyết định nhanh để ứng phó trên quy mô rộng. Từ ảnh viễn thám, Trung tâm Viễn thám đã xây dựng các bản đồ ngập lụt, vùng ngập nước, ngập mặn do nước biển dâng…
Mới đây, Trạm Thu ảnh vệ tinh (Trung tâm Viễn thám Quốc gia) được khánh thành tại xã Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội), một phần của dự án "Xây dựng hệ thống Giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam", là kênh quan trọng tiếp tục giúp chúng ta kiểm tra độ chính xác của các báo cáo về TN&MT.
Nhóm PV http://www.monre.gov.vn