Môi trường thế giới ngày càng bị ô nhiễm, khí thải phát ra ngày càng nhiều, nhiệt độ trên bề mặt trái đất ngày càng tăng thêm. Nước biển nóng lên tự dãn nở ra. Băng ở Bắc Cực, Nam Cực và trên các vùng núi cao ngày càng tan dần ra. Mực nước biển ngày càng dâng cao lên làm ngập chìm các vùng đất thấp. Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiệt hại khi mực nước biển dâng cao lên. Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam (tháng 6 - 2009)” của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì:
- Ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 – 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Biến đổi khí hậu đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt.
- Trong những năm tới lượng mưa mùa khô có thể giảm ở hầu hết các vùng khí hậu của nước ta, đặc biệt là các vùng khí hậu phía Nam. Lượng mưa mùa mưa và tổng lượng mưa năm có thể tăng ở tất cả các vùng khí hậu của nước ta.
- Nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 37,8% diện tích các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm trong nước biển.
Bài: “Chủ động thích nghi, ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu” đăng trên Cổng Thông tin Điện tử của Chính phủ ngày 16/2/2011 cho biết Chính phủ đã tính tới kịch bản nước biển dâng 2m.
Lương thực chính của nước ta là lúa gạo, nhưng khi nước biển dâng lên thì diện tích trồng lúa nước ở các vùng đồng bằng sẽ ngày càng bị thu hẹp lại, trong khi đó thì dân lại ngày càng đông thêm. Nhập khẩu lương thực khi đó cũng sẽ rất khó khăn và rất đắt vì các vùng trồng lương thực ở các vùng đất thấp trên thế giới cũng sẽ bị ngập tương tự như ta. Vậy lấy gì cho dân ăn? Trước tình hình đó, tôi xin phép nêu lên những suy nghĩ của tôi như sau:
1. Bảo vệ thật tốt đất sản xuất lương thực đã có sẵn:
1.1. Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông:
Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng hệ thống đê biển để bảo vệ đồng ruộng. Việc làm đó là hết sức cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Cụ thể là:
- Khi mực nước biển đã cao hơn đáng kể so với đồng ruộng bên trong, nếu xảy ra sự cố gì để nước biển tràn vào thì sau đó việc rửa mặn cho đồng ruộng cũng không hề đơn giản. Vì vậy sau đê cần có thêm hệ thống đường giao thông chạy ngang, chạy dọc để phân những vùng thấp dưới mực nước biển thành những ô nhỏ nhằm hạn chế thiệt hại khi nước biển tràn vào. Các cống trong hệ thống đường giao thông này cần có cửa đóng mở. Việc đóng mở những cửa cống này cũng không thể làm một cách tùy tiện, mà cần theo sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền địa phương.
- Khi có mưa lớn, nước ở vùng cao hơn có thể chảy xuống những vùng thấp hơn mực nước biển. Vì vậy cũng cần có mương để đưa nước ở những vùng cao hơn mực nước biển ra sông hoặc ra biển, không cho chảy xuống vùng thấp hơn mực nước biển.
- Các tuyến đê sông ở gần biển cũng cần phải đắp thêm cho cao hơn. Nếu sông chưa có đê thì cần đắp đê để ngăn nước biển chảy ngược theo sông vào đồng ruộng. Các dòng sông khi ra đến gần biển thường mở rộng ra để thoát nước cho dễ. Vì vậy đê ở gần những nơi sau này sẽ thấp hơn mực nước biển cũng cần phải tính toán xem nên nâng cao thêm đê hay cần bỏ đê cũ, đắp đê mới để mở rộng cửa sông cho nước dễ thoát hơn. Theo tôi nghĩ nên tiếp tục nâng cao thêm đê vì tuy không những đê gần biển phải nâng cao thêm, mà đê phía trên cũng cần được nâng cao thêm để ngăn nước trong mùa mưa lũ, nhưng sẽ có những cái lợi sau:
+ Không mất thêm đất sản xuất lương thực cho thủy thần.
+ Về mùa khô, sông vẫn có nước chảy nên có thể giảm bớt được việc xâm nhập mặn. Thậm chí đối với các sông ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nếu ta đắp đê cho thật chắc chắn để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và đắp đê mới thu hẹp bớt cửa sông lại cho cửa sông chỉ rộng bằng bề ngang của sông ở phía trên, mực nước sông ở gần biển sẽ tự dâng cao lên, tạo ra dòng chảy, xâm nhập mặn sẽ giảm hẳn đi, đồng thời ta cũng sẽ lại được thêm một ít đất cho sản xuất lương thực.
- Các khu dân cư nằm trong vùng thấp hơn mực nước biển cũng cần được nâng cao thêm để cuộc sống của nhân dân được đảm bảo hơn.
Như vậy hệ thống đê biển, đê sông và hệ thống đường trong vùng đất thấp hơn mực nước biển sẽ rất lớn và đòi hỏi sẽ phải đầu tư rất lớn. Ở nước ta, vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vùng này lại có rất nhiều sông và kênh rạch, nên khối lượng đê sông, đê biển của vùng này rất lớn. Mực nước biển muốn dâng cao thêm 1m cũng phải mất nhiều chục năm hoặc hàng trăm năm. Vì vậy việc đắp đê biển, đê sông có thể làm dần từng bước dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cho phù hợp với tình hình cụ thể và khả năng kinh tế của nước ta. Đối với các khu dân cư nằm trong vùng đất thấp so với mực nước biển, Nhà nước nên đầu tư để dần dần nâng cao đường xá, nâng cao nền nhà và sân của các công trình phúc lợi công cộng như trường học, nhà trẻ, bệnh xá, chợ,…Nền nhà và sân của trụ sở Ủy ban Nhân dân, các cơ quan Nhà nước,… cũng cần được nâng cao thêm. Đồng thời Nhà nước cũng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tự nâng cao nền nhà và sân nhà của mình.
1.2. Giải quyết nước ngọt cho sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của dân:
Có hệ thống đê biển, đê sông rồi vẫn chưa đủ. Khi mực nước biển đã dâng cao lên đáng kể, các sông ở đồng bằng sẽ bị xâm nhập mặn, có nơi đến hàng trăm km. Nước mặn không thể dùng cho sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của dân. Vậy lấy đâu ra nước ngọt cho sản xuất lương thực, cho sinh hoạt của dân và cho các nhu cầu của công nghiệp? Trong bài: “Nên sử dụng nguồn nước sông Đà ở phía dưới đập thủy điện Hòa Bình như thế nào?” đăng trên trang Web www.vncold.vn của Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam ngày 23/06/2010, tôi đã đề xuất việc xây đập thấp trên sông Đà và đắp thêm 1 đê nữa chạy song song với bờ sông Đà và đê sông Hồng tạo thành mương dẫn nước lớn để nước sông Đà tự chảy vào hệ thống thủy lợi đã có sẵn phục vụ thoải mái nước cho sản xuất nông nghiệp phần hữu ngạn sông Hồng của Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định. Không những thế sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích đã và sẽ bị ô nhiễm nặng nề sẽ có nước sông Đà chảy vào làm cho dòng sông luôn luôn đầy nước và trở nên trong lành. Đối với vùng gần biển, ta chỉ cần làm thêm các mương dẫn nước ngọt để dẫn nước từ mương lớn ở cạnh sông Hồng về phục vụ cho các nhu cầu đã nói ở trên trong vùng đất thấp hơn mực nước biển.
Đối với các vùng khác ta cũng có thể làm tương tự, cụ thể là:
-Vùng tả ngạn sông Hồng: Trong những năm gần đây, về mùa cạn mực nước sông Hồng xuống rất thấp, không thể bơm nước cho đồng ruộng được. Vì vậy mỗi năm Nhà nước đã phải mấy lần cho các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đồng loạt xả lũ để các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng có nước bơm vào đồng ruộng. Nhìn trên bản đồ, ta thấy sông Phó Đáy chảy vào sông Lô ở ngay gần ngã ba sông Lô và sông Hồng. Vì thế cũng có thể làm tương tự như đối với sông Đà và sông Hồng, nhưng có thể không cần phải xây đập chắn trên sông Lô và con đê mới đắp thêm bên tả ngạn sông Lô cần đắp lên đến nơi mà chỗ sâu nhất của đáy sông Lô cao ngang với đáy của con mương lớn dẫn nước được tạo ra do đắp thêm đê ở gần ngã ba sông Lô và sông Hồng. Như thế khi nước sông Phó Đáy không đủ để cung cấp nước cho các tỉnh đồng bằng bên tả ngạn sông Hồng thì đã có nước sông Lô chảy vào. Ngược lại khi nước sông Phó Đáy nhiều thì sẽ theo mương chảy ngược lên sông Lô. Thuyền bè vẫn có thể đi được từ sông Phó Đáy sang sông Lô và ngược lại. Tàu thuyền vẫn có thể đi lại bình thường trên dòng sông Lô. Đê mới đắp trên sông Lô cần cách xa bờ sông một chút vì còn phải đào rạch cho sâu xuống thì nước mới có thể dễ dàng chảy qua được. Làm như vậy thì chỉ cần mở cống là nước sông Lô và nước sông Phó Đáy có thể tự chảy vào hệ thống nông giang đã có sẵn, cung cấp nước thoải mái cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, phần tả ngạn sông Hồng của Hà Nội và phần lớn tỉnh Hải Dương. Vùng Thái Bình, vùng phía nam Hưng Yên và phía nam Hải Dương, sau này nếu thấp hơn mực nước biển cũng sẽ vẫn có nước ngọt thoải mái để cung cấp cho sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
- Vùng Quảng Ninh: Có thể lấy nước từ các hồ thủy lợi, thủy điện trong vùng để cung cấp nước ngọt cho vùng thấp hơn mực nước biển.
- Vùng Ninh Bình: Có thể làm đối với sông Bôi và sông Đáy tương tự như làm đối với sông Đà và sông Hồng.
- Vùng ven biển Trung Bộ: Về mùa khô, gió tây nam thổi sang rất khô và rất nóng, hạn hán nghiêm trọng thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đã có nhiều bài báo nói về hạn hán nghiêm trọng trong mùa khô năm 2010 ở Miền Trung và nỗi khổ của người dân trong vùng do thiếu nước sinh hoạt, Biến đổi khí hậu làm cho mùa khô càng ít mưa hơn, ngược lại mùa mưa lại càng mưa nhiều hơn. Nên trong thời gian tới, thiên tai ở Miền Trung có thể lại càng khốc liệt hơn. Trong bài: “Nên làm gì để hạn chế lũ lụt ở Miền Trung?” đăng trên trang Web www.vncold.vn ngày 14/02/2011, tôi đã đề nghị Đảng và Nhà nước cho phép xây dựng các đập thủy điện, thủy lợi cao hơn, to hơn, chắc chắn hơn với điều kiện giá thành phát điện không được cao hơn giá thành phát điện của các nhà máy phát điện chạy bằng than phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu được như vậy sẽ hạn chế được lũ lụt ở Miền Trung, giao thông sẽ đỡ bị gián đoạn, nhà cửa, tài sản, hoa màu, vật nuôi và tính mạng của nhân dân sẽ đỡ bị thiệt hại hơn nhiều. Không những thế, ta sẽ có thêm được rất nhiều điện, trong mùa khô sẽ có rất nhiều nước, khí hậu các tỉnh ven biển Miền Trung sẽ phần nào bớt khô và bớt nóng hơn. Khi đó ta chỉ việc lấy nước từ các hồ thủy lợi, thủy điện trong vùng để cung cấp nước ngọt cho vùng thấp hơn mực nước biển.
- Vùng Đông Nam Bộ: Có thể lấy nước từ các hồ thủy lợi, thủy điện trong vùng để cung cấp nước ngọt cho vùng thấp hơn mực nước biển.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Bài: “Nước mặn xâm nhập 70 km trong mùa khô tại ĐBSCL” đăng trên trang Web www.thiennhiên.net ngày 17/02/2011 cho biết: “Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong mùa khô năm nay, từ tháng 2 đến tháng 5, nước mặn sẽ xâm nhập sâu 70 km tại đồng bằng sông Cửu Long”. Như vậy khi mực nước biển dâng cao thêm 1m, thì trên sông Cửu Long xâm nhập mặn có lẽ sẽ sang đến tận Căm Pu Chia. Việc đưa nước ngọt từ Căm Pu Chia về đồng bằng sông Cửu Long không hề đơn giản. Việc đưa nước từ các sông ở vùng Đông Nam Bộ về cũng rất xa, rất tốn kém và khả năng nước của các sông này cũng chỉ có hạn. Vì vậy cần phải nghĩ đến chuyện tạo nguồn nước ngọt ngay tại chỗ. Theo tôi nghĩ nên tìm nơi thuận lợi xây dựng các đập có cửa đóng mở lớn ở tất cả các sông trong vùng, trừ 1 nhánh của sông Tiền và 1 nhánh của sông Hậu. Đầu mùa lũ, tùy theo mức chênh lệch mực nước giữa sông và biển, sẽ mở dần dần các cửa đó ra. Giữa mùa lũ, tất cả các cửa cần mở để thoát lũ cho nhanh. Hết mùa lũ, khi dòng chảy trên các sông đã yếu, tùy theo dòng chảy ở từng nơi, đóng dần các cửa đó lại. Về mùa khô tất cả các cửa được đóng lại để giữ nước ngọt và ngăn nước mặn. Việc đóng hoặc mở các cửa ở dưới đập, cần làm theo sự chỉ huy thống nhất của Ban Chỉ đạo cấp vùng. Như vậy việc đóng và mở các cửa ở dưới đập này không hề ảnh hưởng gì đến những vùng cần cho nước ngập trong mùa mưa để lấy thêm phù sa làm cho đất thêm màu mỡ. Thậm chí vào những năm như năm 2010, nước sông Cửu Long không dâng lên cao để đưa phù sa vào một số vùng, nếu có đập ta chỉ cần đóng một vài cửa lại, nước sông sẽ dâng lên cao hơn để đưa phù sa vào những vùng đó. Trên 2 nhánh còn lại của sông Tiền và sông Hậu, nên đắp đê ở giữa sông dài khoảng vài chục km để chia mỗi nhánh thành 2 phần. Một phần cũng xây đập có những cửa đóng mở lớn và cũng đóng cửa lại trong mùa khô để giữ nước ngọt và ngăn nước mặn. Phần bên kia không xây đập để cho nước chảy tự do. Về mùa khô, do tất cả các cửa đều đóng lại, chỉ còn lại 2 dòng chảy tự do nên nước sông sẽ tự dâng cao lên và chảy ra biển theo 2 dòng chảy này. Như vậy xâm nhập mặn sẽ bị đẩy lùi và chỉ có thể chảy ngược lại vào 2 dòng chảy này một đoạn khi nước thủy triều dâng lên, tàu thuyền từ ngoài biển vẫn có thể vào được cảng Cần Thơ, thậm chí có thể lên được đến tận biên giới Căm Pu Chia. Nếu dòng chảy quá mạnh, ta có thể mở vài cửa để nước thoát ra biển ở nơi khác và hạ bớt mực nước trong các sông. Đoạn đê dài mấy chục km đắp giữa sông để chia sông thành 2 phần, cũng cần phải khảo sát kỹ lòng sông, các đảo, các bãi ở giữa sông để có phương án tốt nhất sao cho vừa dễ đắp vừa đảm bảo được điều kiện: Khi nước thủy triều dâng lên, nước biển chỉ có thể chảy ngược được một đoạn trong dòng chảy, không vào được sông, ngược lại khi nước thủy triều rút xuống thấp, dòng chảy cũng không chảy quá mạnh để tàu thuyền qua lại được dễ dàng. Mực nước sông luôn luôn cao hơn mực nước biển. Vì thế khi mực nước biển dâng cao thêm thì đoạn đê ở giữa sông cũng phải đắp dài thêm về phía thượng nguồn thì mới đảm bảo được điều kiện trên. Nhìn trên bản đồ tôi thấy trong các sông nhánh của sông Tiền có nhánh sông Cửa Tiểu khá nhỏ so với các nhánh khác. Không biết có thể dùng nhánh này làm dòng chảy vào mùa khô, không cần đắp đê ở giữa sông để chia sông làm 2 phần mà vẫn đảm bảo điều kiện trên được không? Kính mong các chuyên gia thủy lợi giúp đỡ.
2. Phát triển thêm các vùng trồng lúa nước ở miền núi:
Mối lo rất lớn khi xây dựng các hồ thủy điện, thủy lợi là lòng hồ sẽ ngày càng đầy lên do đất bị xói lở trôi xuống làm cho tuổi thọ của công trình giảm sút, không còn đủ nước để chạy máy phát điện hoăc cung cấp nước cho đồng ruộng ở dưới hạ lưu. Vì vậy ta phải bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn để chống xói lở đất. Rừng cũng chỉ hạn chế được một phần và kéo dài thêm tuổi thọ cho hồ mà thôi. Sau nhiều chục năm hoặc hàng trăm năm sau, do bị đất lấp đầy nhiều hồ sẽ không dùng cho thủy điện và thủy lợi được nữa. Về điện, khi đó liệu ta có được năng lượng gì khác để thay thế cho thủy điện hay không? Hiện nay ngoài thủy điện ta đã có nhiệt điện chạy than, chạy khí, chạy dầu và sắp tới sẽ có điện hạt nhân. Đến khi đó thì than và dầu khí cũng đã cạn nhưng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, khả năng có nguồn năng lượng thay thế thủy điện vẫn có thể xảy ra. Nhưng đối với thủy lợi có lẽ ta sẽ phải xây hồ khác hoặc nâng cao thêm đập chắn để tích thêm nước. Đến thời gian này, dân số nước ta cũng đã tăng lên rất nhiều, sẽ đòi hỏi thêm rất nhiều lương thực. Đối với các hồ thủy điện, thủy lợi đã bị đất lấp đầy và không dùng được đó, ta chỉ việc xẻ thành đập một chút cho nước chảy xuống sẽ lộ ra một vùng đất bằng phẳng, rất rộng rãi, có con sông chảy qua. Vùng đất bằng phẳng này sẽ rất phì nhiêu do trước đây đã có rất nhiều đất mùn từ trên rừng núi chảy xuống. Khi đó ta có thể xây dựng đồng ruộng ở đây. Như vậy chính những hồ thủy điện, thủy lợi to lớn hiện nay, sau này sẽ biến thành những cánh đồng trồng lúa nước phì nhiêu, rộng lớn. Khi đó sẽ nghĩ đến chuyện cứ để nước chảy xuống thành thác nước cho đẹp hay nên sửa nhà máy thủy điện cũ để lấy ngay nước ở chỗ xẻ thành đập cho nước chảy ra đó. Nhà máy lúc này sẽ có công suất nhỏ hơn nhiều so với nhà máy cũ vì lúc này mức nước chênh lệch đã giảm hẳn đi. Nếu sửa nhà máy thì ở phía trên cũng nên tạo 1 hồ điều hòa để nước chảy đều đặn vào nhà máy.
Bài: “Chủ động thích nghi, ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu” cũng cho biết: Trong kết luận phiên họp sáng ngày 16/2/2011 về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Trước tình hình được dự báo ngày càng nghiêm trọng, chúng ta cần nhận thức nghiêm túc, coi đây là vấn đề sống còn đối với đất nước”. Kính mong Đảng và Nhà nước cho thu thập ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học và ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân để có những giải pháp tốt nhằm làm cho đất nước ta luôn luôn vững vàng trước thiên tai, tiến nhanh, tiến mạnh thành nước công nghiệp tiên tiến trong tương lai gần.
Lê Vĩnh Cẩn