MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHÁC CHO PHÁT TRIỂN GIS Ở VIỆT NAM

 http://i298.photobucket.com/albums/mm269/trantoan822003/ClimateGIS-1.jpg
Bối cảnh
Bối cảnh rộng lớn nhất, bao trùm lên mọi hạt động kinh tế và xã hội, khoa học và công nghệ là bối cảnh sáng sủa của thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Nói như Fridman là thế giới đang “phẳng hoá”, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề quan trọng, giao lưu quốc tế, đặc biệt là trong thế giới “ảo” diễn ra vô cùng sôi nổi. Một trong những yếu tố góp phần làm nên diện mạo của thế giới ngày nay là sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT). Nhận thức được rằng CNTT là công nghệ cao đứng đầu trong các công nghệ cao với nghĩa là nó tạo ra những sản phẩm mới với những tính năng, phẩm chất đực biệt chưa từng có và nó tác động đến hầu hết các lĩnh vực của khoa học và đời sống, nên liên tục từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước đến nay CNTT được ưu tiên phát triển, ứng dụng. Một loạt các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, các luật và văn bản dưới luật về CNTT và ứng dụng CNTT được ban hành và triển khai thực hiện. Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây và Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ở các địa phương được được thành lập. Các chiến lược phát triển và chương trình hành động tổng thể và cho từng ngành, từng địa phương được xây dựng và phê duyệt. Có thể nói rằng, trong thời gian vừa qua, đã có một cuộc “đồng khởi” về phát triển và ứng dụng CNTT.
Vào các năm 1997-1998 Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) có một dự án lớn về GIS với mục tiêu xây dựng được “14 lớp bản đồ số hoá” và ở mỗi tỉnh và thành phố đều có một dự án nhánh. Đơn vị chủ trì ở các địa phương là các sở KHCNMT, sở Địa chính hoặc Văn phòng UBND tỉnh, tuỳ vào điều kiện cụ thể của các địa phương. Tuy nhiên, người thực hiện thực sự, đa số là các chuyên gia GIS từ các viện, trường. Đến nay, các thiết bị được mua sắm hồi đó là máy tính và máy in màu nay đã khấu hao hết. Không biết các tỉnh có còn sử dụng 14 lớp bản đồ kia không, chỉ biết rằng dự án để lại nhận thức sai lầm về GIS rằng GIS là các bản đồ số hoá.
May mắn là, cũng trong thời kỳ này, các dự án hỗ trợ kỹ thuật vào Việt Nam nhiều, và dù ở lĩnh vực nào thì hầu như tất cả các dự án nước ngoài đều có nội dung lập bản đồ GIS cho ngành hoặc địa phương. Mức độ thành công phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là dữ liệu đầu vào, mà đây là thứ Việt Nam thiếu nhất và yếu nhất. Vì vậy vai trò quan trọng nhất của các dự án này là là ảnh hưởng đến nhận thức về tầm quan trọng của GIS và khả năng ứng dụng tuyệt vời của chúng.
Từ những khởi đầu sơ khai như vậy, GIS đã bùng phát từ nhu cầu thực tiễn. Tất cả các ngành như quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị, giao thông, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thông tin du lịch; tất cả các cấp từ quốc gia, tỉnh, huyện đến xã, thôn đều có nhu cầu ứng dụng GIS cho các hoạt động điều hành, quản lý.
Cũng trong thời gian này Nhà nước đã thực sự vào cuộc với công bố chuẩn quốc gia về lưới chiếu toạ độ VN2000 và phát hành chính thức bản đồ 364 số hoá về địa giới hành chính; thành lập trạm thu ảnh vệ tinh và tháng 3 năm 2008 sẽ phóng vệ tinh. Gần đây, Nhà nước đã thành lập Viện Công nghệ vũ trụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN, ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày của Chính phủ vềứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định 06/2007/QĐ-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của thông tin địa lý cơ sở.
Bối cảnh quốc tế và trong nước đó là những tiền đề thuận lợi trong phát triển và ứng dụng GIS ở Việt Nam và thực sự các ứng dụng GIS đã “bùng nổ” (tại hội thảo GISnet’12: Hàng trăm công trình ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham dự và trình bày tại hội thảo). Một số dự án ứng dụng GIS đã thành công như UBND quận Gò Vấp, Sở KHCN Đồng Nai, UBND thành phốĐà Lạt, Sở Y tế Quảng Trị … Các ứng dụng GIS được triển khai ở tất cả các lĩnh vực giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường (thí dụ, giám sát sự biến động đa dạng sinh học bằng kết hợp các dữ liệu RS và quan sát của cộng đồng trong dự Hành lang Xanh, Thừa Thiên Huế), phòng trách và giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông nghiệp và nông thôn (trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh), phát triển du lịch, qủan lý đô thị (thí dụđiển hình là quận Gò Vấp “muốn quản lý từng căn nhà, từng hộ gia đình” trong quận), quản lý quy hoạch và đầu tư (Nguyễn Bình - Việt kiều Canada, chuyên gia tư vấn GIS cho HCMC “GIS là công cụ cho phép lựa chọn phương án đầu tư”, quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản (dự án IMOLA, Thừa Thiên Huế).
Thành công chung của tất cả các dự án là các tổ chức, địa phương thụ hưởng có một số bản đồ GIS, một số ít cơ sở dữ liệu GIS, một đội ngũ nhân lực được đào tạo ở các trình độ khác nhau.
Những khó khăn và tồn tại trong phát triển GIS ở Việt Nam
Trong quá trình phát triển và ứng dụng CNTT nói chung và GIS nói riêng ở Việt Nam, giới làm GIS và các địa phương muốn ứng dụng GIS đang gặp những khó khăn, từ nhiều phía, có cả những khó khăn do chính họ tạo ra như một thứ rào cản nhận thức không dễ vượt qua.
Cũng như giới KHCN nói chung, các nhà tư vấn GIS đang giới thiệu cho các tổ chức, các địa phương có nhu cầu (đang ở dạng tiềm năng) những gì họ có trong tay, có thể làm, mà không bắt đầu từ tìm hiểu nhu cầu của người dùng để tìm cách đáp ứng. Mặt khác, những người có thẩm quyền quyết định đầu tư, phê duyệt dự án thì hầu hết không có hiểu biết đầy đủ về GIS và khả năng ứng dụng của nó, cứ theo nhận thức cũ về “các lớp bản đồ số hoá” mà quyết định. Trong trường hợp nếu tư vấn đúng, thì lại gặp khó khăn muôn thủa: vốn. Cái khó bó cái khôn, nhiều địa phương không đủ vốn để thực hiện dự án ngay một lúc và ở quy mô lớn (toàn tỉnh).
Quốc gia vẫn chưa ban hành được các loại chuẩn CNTT (công việc được xác định phải tiến hành đầu tiên từ thời Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT giai đoạn một 1996-2000), bao gồm chuẩn thông tin, dữ liệu và quy trình và không có quy định buộc phải theo chuẩn, thí dụ về TCVN 6906 về mã tiếng Việt. “Thiếu chuẩn - lỗi của Nhà nước” – đó là nhận xét của ông Nguyễn Quang A trên tạp chí PCW (B) 5/07.
Trong mục tiêu của các chương trình CNTT từ cấp quốc gia đến các ngành, các cấp, hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, được xây dựng theo chuẩn thống nhất, phù hợp với chuẩn quốc tế nhằm chia sẻ, trao đổi được trong phạm vi quốc gia và quốc tế, tích hợp vào hệ thống chung toàn quốc chưa được chú trọng. Vì vậy các trang thông tin điện tử ít người truy cập, các xã lộ thông tin không có “xe chạy”. Gần đây, trong các cuộc hội thảo mới thấy công bố về việc xây dựng các CSDL quốc gia, như thế là ngược và chậm. Cho đến nay vẫn chưa có quy định của Nhà nước về xây dựng, cập nhật, nâng cấp, tiếp cận, sử dụng và quản lý các cơ sở dữ liệu tổng hợp và chuyên ngành.

Tính không chuyên nghiệp cũng là một rào cản lớn trên con đường phát triển GIS của Việt Nam: Các ngành, các địa phương vẫn chưa có chức danh CIO, chưa có lực lượng tư vấn xây dựng, thẩm định, giám sát và quản lý dự án CNTT. Có lẽđây là hậu quả của hệ thống quản lý hành chính nhà nước không chuyên nghiệp.
Khó khăn lớn nhất, khó vượt qua nhất trong việc phát triển và ứng dụng GIS là sự thiếu hợp tác của các tổ chức và cá nhân được giao trách nhiệm nắm giữ các loại thông tin, dữ liệu. GIS sẽ ra sao nếu không đủ thông tin, nếu dữ liệu không đáng tin cậy ? Ngoài ra, các nhà khoa học Việt Nam có tính “độc lập” hơi bị cao, nên các tổ chức làm GIS không được tập hợp lại thành một đơn vị mạnh, đủ năng lực làm được những việc lớn (trong lĩnh vực kinh tế người ta đang hình thành các tập đoàn, dù có thể chưa thểđúng tầm, và KHCN khi nào cũng phải chậm một vài nhịp ?) Chính vì thế, tại cuộc hội thảo quốc tế tại Hà Nội về viễn thám và GIS một chuyên gia nước ngoài đã nhận xét về tính manh mún, tản mạn, đơn ngành của GIS Việt Nam. Ít người nghĩ đến việc trao đổi, chia sẻ và tích hợp các dữ liệu và xây dựng những hệ thống thông tin quốc gia hoặc địa phương.
Những vấn đề của CNTT và GIS ở Việt Nam Cần một cách tiếp cận khác cho GIS Việt Nam
Rõ ràng là, từ những trình bày và phân tích trên có thể thấy ngay rằng cần thay đổi cách tiếp cận khi xây dựng và thực hiện một dự án ứng dụng GIS.
Đầu tiên là quy mô dự án, phạm vi ứng dụng, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể phải lấy nhu cầu thực tiễn làm cơ sở. Lưu ý rằng, do nhiều lý do khác nhau, các nhu cầu ứng dụng GIS là có thật và cấp thiết, nhưng nhiều khi chưa xuất hiện ở dạng tường minh, mà còn ở dạng “tiềm năng” do người sử dụng chưa đủ kiến thức để nhận biết hoặc nhận biết được nhưng chưa đặt ra được các bài toán ứng dụng cụ thể. Trong trường hợp này vai trò tư vấn hết sức quan trọng, trong đó việc sử dụng các biện pháp kích cầu là cần thiết.
Bài toán chi phí - lợi ích là bài toán quan trọng cần giải khi muốn thuyết phục các nhà đầu tư (các ngành, các địa phương). Không cần tô hồng dự án, rằng dự án chỉ đưa đến toàn cái hay, cái lợi, thực hiện dự án rất thuận lợi, không có khó khăn gì, mà phải thấy trước các khó khăn (thí dụ không phải tất cả cán bộ, công chức đều muốn thông tin rõ ràng, minh bạch) và chi phí có thể là rất lớn. Quan trọng là thuyết phục được về sự cần thiết và chi phí dù lớn hay nhỏ cũng là xứng đáng. Có nghĩa là phải lấy hiệu quảứng dụng làm thước đo hiệu quả dự án.
Khi tư vấn xây dựng dự án và cân nhắc quyết định đầu tư cần có tư duy về tầm ảnh hưởng và tác động tích cực của dự án. Chúng ta cần vượt ra khỏi “luỹ tre làng” để phối hợp các mục tiêu, các đối tượng sử dụng và hưởng thụ thành quả dự án (sẽ chia sẻ và trao đổi thông tin liên ngành với quốc gia, quốc tế). Dự án không nhắm đến một đối tượng riêng lẻ, cả người thực hiện dự án và người thụ hưởng dự án. Vì trong GIS việc khớp nối, liên kết các CSDL được xây dựng một cách độc lập là rất quan trọng và cũng không dễ dàng. Vì vậy, sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện lại càng quan trọng. Nếu được, cần lựa chọn tổ chức và cá nhân làm tư vấn xây dựng, quản lý và giám sát dự án là những người có tính chuyên nghiệp (một cách tương đối ở điều kiện Việt Nam).
Và cuối cùng cần có tiếp cận đúng về chia sẻ thông tin. Nhận thức của thời đại ngày nay về thông tin là nguồn lực cho phát triển và là tài sản chung phải được tuyên truyền phổ biến và luật hoá để nó trở thành nhận thức chung.
Lời kết

GIS và các ứng dụng của nó đang phát triển nhanh chóng: các dịch vụ gắn với địa điểm, kết hợp GIS và GPS hiển thị vị trí nhà hàng, khách sạn, tìm đường được cài vào thiết bị cầm tay (PDA, laptop, mobilephone); các ứng dụng bản đồ trên web (Google Maps, MapQuest, Yahoo! Maps…), truy cập tự do đến kho dữ liệu địa lý, đặc biệt là không ảnh, cho phép tạo lập các ứng dụng của riêng mình; nghiên cứu sự biến động các quá trình trên trái đất qua năm tháng (sự mở rộng bờ cõi trong lịch sử, biến động đường bờ, độ che phủ rừng), tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm. Chúng tôi có may mắn là người đi trước theo cách làm thông thường của thế giới với rất nhiều khó khăn của người đúng mũi chịu sào. Nhữnng người đi sau sẽ có lợi thế của người đi sau, các bạn sẽ có những kinh nghiệm mới để chia sẻ cho những người kế tiếp.
Những gì chúng tôi mạo muội gọi là “cách tiếp cận” không có gì mới so với thế giới, nhưng là “mới” ở Việt Nam, vì có những điều kiện khách quan và chủ quan chưa thực hiện được.
Chúng tôi sẵn sàng hợp tác khi các bạn cần vì hợp tác và chia sẻ thông tin là triết lý của chúng tôi.
Theo Đỗ Nam - Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế
Share on :