Ô nhiễm môi trường trong các làng nghề: Bức tranh lớn nhiều mảng đen

Kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ. Mức độ ô nhiễm của các làng nghề không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Hoạt động làng nghề gây tác động đến cả môi trườngkhông khí, nước, đất và con người.

  Ô nhiễm không khí
 Gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng là các làng nghề tái chế. Không chỉ phát sinh khí ô nhiễm do đốt nhiên liệu như CO, bụi... như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, quá trình tái chế và gia công kim loại còn làm phát sinh hơi axit, kiềm (từ khâu tẩy rửa, làm sạch bề ngoài trước khi mạ), hơi một số oxit kim loại như PbO, ZnO, Al2O3 và ô nhiễm nhiệt. Các làng nghề tái chế mọc lên ngày càng nhiều, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
 Tại các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, hàm lượng chất ô nhiễm thường tăng cao cục bộ xung quanh lò nung, có nơi hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3- 8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt đến 6,5 lần.
 Trong số các làng nghề thủ công mỹ nghệ, môi trường không khí xung quanh khu vực sản xuất của làng nghề chế tác đá bị ô nhiễm nghiêm trọng do bụi đá và tiếng ồn. Đặc biệt, trong bụi phát sinh từ hoạt động chế tác đá còn chứa một lượng không nhỏ SiO2 rất có hại cho sức khỏe. Trong khi đó, tại làng nghề sản xuất mây tre đan, không khí thường bị ô nhiễm bởi SO2 (phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm mây tre đan). Tại tỉnh Thái Bình, nơi có 40/210 làng nghề làm mây tre đan, có tới 800 lò sấy lưu huỳnh thải ra lượng khổng lồ khí SO2 từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm mây tre đan.
 Sản xuất tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ phát sinh ô nhiễm không khí không chỉ do sử dụng nhiên liệu mà còn do sự phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn tạo nên các khí như SO2, NO2, H2S, NH3, CH4 và các khí ô nhiễm gây mùi tanh thối rất khó chịu, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.
 Ô nhiễm nước
 Chế biến lương thực, chăn nuôi, giết mổ gia súc, ươm tơ, dệt nhuộm... có nhu cầu nước rất lớn và cũng xả thải ra khối lượng lớn nước thải với mức ô nhiễm hữu cơ rất cao. Trong đó phải kể đến hoạt động sản xuất tinh bột từ sắn và dong giềng với 60- 72% nước thải (phát sinh từ khâu lọc tách bã và tách bột đen) có pH thấp, mức ô nhiễm BOD5, COD vượt TCVN 5945- 2005 loại B trên 200 lần. Khối lượng nước thải của các làng nghề này có nơi đạt 7.000 m3/ngày với thải lượng BOD5 lên tới 44 tấn/ngày không qua xử lý đã xả trực tiếp vào môi trường.
 Dệt nhuộm sử dụng lượng hóa chất lớn. Khoảng 85- 90% lượng hóa chất này hòa tan nước thải. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy độ màu có nơi lên tới 13.000 Pt- Co, hàm lượng COD, BOD5 gấp 2- 15 lần TCVN, đặc biệt Coliform vượt hàng nghìn lần TCVN. Ngược lại, một số ngành như tái chế, chế tác kim loại, đúc đồng... có nhu cầu nước không lớn nhưng nước thải bị ô nhiễm các chất rất độc hại như các hóa chất, axit, muối kim loại, xianua và các kim loại nặng. Nước thải mạ có độ màu rất cao, đặc biệt hàm lượng các kim loại nặng như Cr6+, Zn2+, Pb2+ lớn hơn từ 1,5- 10 lần tiêu chuẩn cho phép.
 Chất thải rắn
Đối với các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, chất thải rắn giàu chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học gây mùi xú uế. Với sản lượng 52.000 tấn tinh bột/năm, làng nghề Dương Liễu phát sinh tới 105.768 tấn bã thải, phần không nhỏ cuốn theo nước thải gây bồi lắng hệ thống thu gom, các ao hồ trong khu vực và gây ô nhiễm nghiêm trọng nước mặt, nước dưới đất. Ngoài ra, việc đốt than làm nhiên liệu cũng tạo ra lượng lớn xỉ.
 Làng nghề may gia công, da giày tạo ra chất thải rắn như vải vụn, da vụn gồm da tự nhiên, giả da, cao su, chất dẻo• với lượng thải lên tới 2- 5 tấn/ngày (làng nghề Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Dương tới 4- 5 tấn/ngày). Đây là loại chất thải rất khó phân hủy nên không thể xử lý bằng chôn lấp. Từ nhiều năm nay loại chất thải rắn này chưa được thu gom xử lý mà đổ khắp nơi trong làng, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Các làng nghề tái chế cũng tạo ra lượng chất thải không nhỏ. Làng nghề tái chế giấy Dương Ổ- Bắc Ninh thải ra 4- 4,5 tấn chất thải/ngày, làng tái chế nhựa Trung Văn và Triều Khúc thải 1.123 tấn/năm... Cho đến nay các chất thải rắn này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Nguồn gốc ô nhiễm từ đâu?
Đặc trưng công nghệ sản xuất và thiết bị ở các làng nghề phần lớn lạc hậu, chắp vá. Các cơ sở sản xuất tại làng nghề không nhận thức được tác hại lâu dài của ô nhiễm, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, nên thường sử dụng các nhiên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại (kể cả đã cấm sử dụng) để nhằm hạ giá thành sản phẩm. Trình độ người lao động ở các làng nghề, chủ yếu là lao động thủ công, văn hóa thấp. Những yếu tố này dẫn tới hậu quả là hoạt động sản xuất tiêu hao nhiều nhiên nguyên liệu, làm tăng phát thải các chất ô nhiễm môi trường.
 Có một vấn đề đáng quan tâm: Ô nhiễm tại các làng nghề do chính sách không theo kịp thực tế.  Vấn đềà bảo vệ môi trường làng nghề đã được đề cập tại nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước như Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010, Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam... Luật BVMT là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực môi trường, trong đó có một điều riêng (Điều 38) về BVMT làng nghề. Tuy nhiên, đến nay chưa có một văn bản dưới luật nào hướng dẫn thực hiện các nội dung về BVMT làng nghề. Cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về việc các làng nghề phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, phải có các biện pháp giảm thiểu phát sinh khí thải• cũng như quy định theo các đặc thù riêng của mỗi loại hình sản xuất làng nghề.
 Mặc dù có phân công trách nhiệm, song vẫn còn sự chồng chéo và không rõ ràng về vai trò, trách nhiệm trong việc BVMT làng nghề giữa các bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương, dẫn đến việc thiếu các hướng dẫn, định hướng và hỗ trợ cụ thể trong sản xuất tại các làng nghề theo hướng bền vững. Ở cấp địa phương, vai trò của các cấp chính quyền sở tại trong quản lý môi trường làng nghề còn mờ nhạt. Đã có nhiều chính sách, văn bản được ban hành ở các cấp, song không thực thi ở các làng nghề, ví dụ như vấn đề thu phí BVMT đối với nước thải, chất thải rắn hay việc xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở làng nghề...
 Trình độ dân trí thấp của làng nghề cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác BVMT. Cho đến nay, công tác tuyên truyền và giáo dục về môi trường chưa thực sự được chú trọng tại các làng nghề.
Hồng Anh- Hồng Hạnh
Share on :