Ứng phó với biến đổi khí hậu: 10 giải pháp canh tác bền vững

Nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho dân số tăng nhanh đồng thời bảo vệ môi trường, có lợi cho con người thì việc canh tác nông nghiệp bền vững được xem là chìa khóa quan trọng, động lực thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong tương lai, trong đó có 10 cách làm dưới đây cần được phổ biến và nhân rộng.

1. Tưới tiêu hợp lý
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Nông-lương thế giới, tưới tiêu nông nghiệp chiếm tới 3/4 nguồn nước ngọt có trong ao hồ, sông ngòi vì vậy tưới tiêu hợp lý sẽ tiết kiệm được đáng kể nguồn nước ngọt cho tương lai. Cũng qua nghiên cứu và dựa vào thực tế canh tác nông nghiệp cho thấy phương pháp tưới "nhỏ giọt", tưới vừa đủ, đưa nước trực tiếp tới cho các chân ruộng, cho cây trồng sẽ có hiệu quả hơn phương pháp tưới bằng hệ thống thủy lợi.
Ngoài ra phương pháp tưới phun cũng có tác dụng tiết kiệm đáng kể nguồn nước và gần đây người ta còn áp dụng kỹ thuật tiên tiến, duy trì hàm ẩm trong đất, trong không khí cũng là giải pháp rất hiệu quả giúp tiết kiệm nước, giúp cây trồng sử dụng tốt nguồn nước để phát triển.

2. Xây dựng hệ thống bảo vệ cây trồng, thoát nước hiệu quả
Tại Mỹ hiện có nhiều nông dân tự bỏ tiền xây dựng hệ thống đê kè mini để bảo vệ trang trại nhằm đảm bảo việc tưới tiêu hợp lý, đặc biệt là phòng chống lũ lụt, bảo vệ nguồn dưỡng chất cho cây trồng và chống xói mòn đất, chống ngập mặn, vừa giúp canh tác tốt lại đảm bảo việc nuôi trồng thủy sản ổn định.

3. Tận dụng nguồn nước mưa
Nông dân tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc nổi tiếng là những người có nhiều kinh nghiệm tận dụng thu gom nước mưa để dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp. Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ làm, nhất là ở những vùng đất khan hiếm nguồn nước tự nhiên. Theo nghiên cứu, nguồn nước mưa rất giàu dưỡng chất so với nguồn nước ngầm, trong khi đó lại không chứa muối nên rất lợi cho môi trường.

4. Chăm sóc nguồn đất
Đất đai, chất lượng đất đóng vai trò quan trọng đối với nông nghiệp, bởi trên 6 tỷ người trên hành tinh sống lệ thuộc vào sản phẩm nông nghiệp được canh tác trên 11% diện tích bề mặt của trái đất. Bảo vệ nguồn đất và chất lượng nguồn đất sẽ có tác dụng bảo đảm an ninh lương thực, hạn chế nguy cơ biến đổi khí hậu, nhất là kìm chế sự phát tán khí thải CO2.

5. Giảm bớt quá trình làm đất
Thông thường cây trồng "hít" carbon dioxide (CO2) và "nhả" carbon. Khi cây chết phân hủy và carbon được hoàn trả cho đất. Cày bừa, làm đất quá sâu, quá kỹ sẽ làm tăng quá trình nhả carbon, thủ phạm gây hiệu ứng khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình xói mòn đất. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì đất canh tác tại quốc gia này lưu giữ khoảng 12- 14% tổng lượng carbon phát tán vào không khí, vì vậy khâu làm đất, xử lý đất vừa đủ vừa tiết kiệm đất sẽ có nhiều tác dụng về mặt môi trường.

6. Luân canh xen vụ
Trồng xen, luân canh vụ cây trồng, ví dụ trồng xen ngô với đậu tương hoặc các cây tán lá cao với cây tán lá thấp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Có thể trồng các loại rau với các loại cây trồng ngũ cốc, nhằm khai thác tối đa dưỡng chất trong đất, giúp đất thu hồi chất đạm nhờ quá trình phân hủy lá cây và các chất thải nông nghiệp.

7. Sử dụng phương án chắn gió
Tại những vùng khô hanh, gió mạnh thường làm cạn kiệt nguồn đất, lấy đi nhiều dưỡng chất quan trọng kể cả phân bón, vì vậy để khắc phục tình trạng này nên xây dựng các "con đê” chắn gió. Ví dụ tại Trung Quốc người ta đã xây dựng "con đê" bằng cây trồng dài 2.800 dặm (4.480km) ở miền Bắc, vừa có hiệu ứng "xanh" lại có tác dụng giảm gió gây sa mạc hóa đất.

8. Phương án trồng cây
Phương án kết hợp giữa nông nghiệp với lâm nghiệp (Agroforestry) được xem là giải pháp nông nghiệp bền vững cho tương lai. Bởi rễ cây có tác dụng liên kết đất và giữ nước. Ngoài ra, cây trồng còn có nhiệm vụ bảo vệ các loại cây khác trước nguy cơ tàn phá của ánh sáng mặt trời, bảo vệ vật nuôi và tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích khác. Tại một số quốc gia châu Phi, kỹ thuật này đã được ứng dụng thành công, mang lại màu mỡ cho hàng triệu hecta đất canh tác đã bạc màu, hạn chế tình trạng di dân và nhiều lợi ích vô hình khác.

9. Hạn chế sử dụng hóa chất
Do tối ưu hóa lợi nhuận nên gần đây việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu (gọi chung là các loại hóa chất) đang có chiều hướng gia tăng, làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu hóa thạch, thải ra nhiều chất nitrons oxides gây biến đổi khí hậu. Để hạn chế tác hại này và đảm bảo cho nông nghiệp phát triển bền vững, nên hạn chế dùng các loại hóa chất cho nông nghiệp, áp dụng phương pháp canh tác và sử dụng các loại phân bón hữu cơ thân thiện, kể cả những chế phẩm từ nông nghiệp để làm giàu đất và cung cấp chất dinh dưỡng hữu ích cho cây trồng.

10. Giảm thiểu phát tán Methan trong chăn nuôi
Theo số liệu thống kê, thì bò là loại động vật tạo ra nhiều khí Methane gây ô nhiễm môi trường nhất. Ví dụ tại Argentina bò đã tạo ra tới 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là Methane. Phương án tình thế là nên cho bò ăn thực phẩm thân thiện, bổ sung những chất có thể giảm bớt tạo Methane ngay từ trong dạ dày bò hoặc dùng thùng gom Methane đeo vào cho mỗi con vật và kết hợp với phân bò để sản xuất nhiên liệu sinh học, làm khí đốt dân dụng.
Nguồn: http://nongnghiep.vn
Share on :