Tại Lễ công bố Báo cáo phát triển con người của UNDP năm 2007/2008 ở Hà Nội ngày 28 tháng 11 vừa qua, các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đến thủy điện, sản xuất dầu khí và vận tải biển. Báo cáo năm nay khuyến cáo người nghèo ở các nước đang phát triển dễ bị tác động của biến đổi khí hậu nhất.
Tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Riêng năm 2007, bão lụt gây tổn thất lớn về người và của. Trong những ngày vừa qua, triều cường đã phá hủy nhiều đoạn đê ở thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại cho đồng ruộng, các vùng nuôi trồng thủy sản và nhà cửa. Hàng nghìn người sống trong các khu vực hay bị bão lụt đang phải đối mặt với cuộc sống rất khó khăn.
Theo một nghiên cứu của Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường, hiện nay Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cụ thể là nhiệt độ trung bình hằng năm tăng khoảng 0,1 độ C trong một thập kỷ và mực nước biển tăng khoảng 2,5 đến 3 cm trong thập kỷ vừa qua.
Theo Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường, mưa lớn xảy ra thường xuyên hơn ở một số vùng, gây lụt lội nghiêm trọng, trong khi lượng mưa giảm ở hầu hết các vùng khác trong cả nước, gây ra tình trạng hạn hán. Hơn nữa, bão xảy ra thường xuyên hơn ở miền Trung và Nam bộ.
Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo Phát triển con người vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành nêu rõ biến đổi khí hậu không còn là vấn đề môi trường mà là một vấn đề phát triển.
Ông Nguyễn Công Thành nói: “Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia và mọi nỗ lực phát triển con người đều đang có nguy cơ bị hủy hoại bởi hiện tượng biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo
Với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu và những tổn thất do thiên tai gây ra ở Việt Nam, các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng sẽ có tới 22 triệu người Việt Nam, đặc biệt những người sống ở các vùng trung và nam bộ, sẽ mất nhà nếu mực nước biển tăng lên một mét.
Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ nói: “Khi nền kinh tế đang tăng trưởng, một thông điệp rất quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam là tập trung vào công tác thích ứng và giảm thiểu từ góc độ rộng hơn về mặt môi trường, đồng thời đặc biệt chú ý vào tác động của của biến đổi khí hậu”.
Ông cho biết Báo cáo của UNDP với nhan đề: “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách” có thể cung cấp nhiều thông tin cần thiết để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đưa chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu vào chiến lược tổng thể phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.
Bà Setsuko Yamazaki, giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, cũng cảnh báo rằng với bờ biển dài, Việt Nam dễ bị tác động bởi thảm họa biến đổi khí hậu, và sẽ bị bão lụt nhiều hơn trong những năm tới.
Ông Christopher Bahuet, phó giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam nói: Việt Nam cần có tầm nhìn và chiến lược dài hạn đồng thời quyết tâm lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông gợi ý rằng Việt Nam cần tiến hành biện pháp mạnh ở ba cấp: hỗ trợ các địa phương hay bị thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chương trình hành động ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương và nâng cao năng lực cơ chế.
Về phần mình, ông Koos Neefjes, cố vấn cao cấp của Chương trình phát triển LHQ, cho biết các tổ chức LHQ, sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế, tăng cường hoạt động hỗ trợ cấp cộng đồng trong việc giảm thiểu tác hại của thiên tai, hiệu quả năng lượng và hạn chế khí nhà kính trong nông nghiệp.
Ông cũng gợi ý Việt nam xem xét tổng hợp năng lượng và giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu, tăng cường sử dụng công nghệ xanh hiệu quả cao tác động thấp, và tăng diện tích rừng bao phủ.
Biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn đề toàn cầu cần được tất cả các nước quan tâm kịp thời và Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam kỹ Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu vào tháng 6 năm 1992 và phê chuẩn Công ước ngày 16 tháng 11 năm 1994, phê chuẩn Nghị định thư Kyoto ngày 25 tháng 9 năm 2002.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu những kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau trong tương lai và xây dựng chiến lược ứng phó quốc gia tương ứng.
Hệ thống dự báo thời tiết đang được nâng cấp, đem lại kết quả tích cực trong các trận bão gần đây với dự báo chính xác giúp các địa phương thực hiện các kế hoạch chống bão cần thiết và giảm thiểu tổn thất.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu, các đại diện của LHQ cho biết Việt Nam có thể giữ vai trò quan trong trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu trên toàn cầu.
Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nói: “Việt Nam đang nâng cao tiêu chuẩn quốc tế sau khi gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới”. Ông cho biết thêm đoàn đại biểu của Việt Nam tham dị hội nghị biến đổi khí hậu ở Bali vào tháng 12 năm 2007 sẽ đóng góp vào việc hình thành một khuôn khổ đa phương mới nhằm giảm thiểu phát thải các-bon.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực phát triển con người. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang đe dọa ảnh hưởng xấu đến mục tiêu tăng trưởng của đất nước và điều kiện sống của người dân.
Biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi và đòi hỏi Việt Nam có những hành động cụ thể và ứng phó với những hậu quả không tránh khỏi để đảm bảo phát triển bền vững.
Khải Hoàn (Nhân dân điển tử)