Một trong những mối đe dọa lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 21 là vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng.
BĐKH có khả năng làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: bão, lốc, các thiên tai liên quan đến nhiệt độ và mưa như : thời tiết khô nóng, lũ, ngập úng hay hạn hán…
Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C. Hiện tượng El-Nino, La- Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, điều kiện sống của con người và các sinh vật khác.
Theo đánh giá gần đây của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng. Vùng ảnh hưởng nhiều nhất tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Việc quy hoạch các sông lớn từ thượng nguồn như xây dựng các đập thủy lợi, thủy điện…sẽ dẫn đến tình trạng nguồn nước ngọt trên các sông không còn dồi dào, làm cho nhiều vùng sản xuất nông nghiệp bị khô hạn, các công trình thủy điện thiếu nước để phát điện.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Thủy lợi bao gồm: nghiên cứu, dự báo xâm nhập mặt cho các vùng cửa sông ven biển đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng; Dự báo sự thay đổi mực nước, lưu lượng nước tại các sông; Nghiên cứu giải pháp chống ngập lụt, điều tiết dòng chảy sông…
Trong những năm gần đây, Viện đã đề xuất và thực hiện nhiều nhiệm vụ KH – CN thủy lợi nhằm thích ứng với BĐKH nước biển dâng như: sử dụng phần mềm tính, mô hình toán, vật lý để dự báo ngập lụt các lưu vực sông và các dải ven biển trên phạm vi cả nước. Các nghiên cứu này đã cung cấp tư liệu quan trọng về dự báo ngập lụt, ảnh hưởng của nó đến sản xuất, đời sông với các kịch bản khác nhau.
Viện đã và đang có những nghiên cứu bước đầu về tác động của nước biển dâng do BĐKH đến hệ sinh thái rừng ngập mặt và cộng đồng dân cư, đối với việc sử dụng đất vùng đồng bằng ven biển. Bằng công cụ sử dụng kết hợp các công nghệ viễn thám, GIS và mô hình toán, các nghiên cứu đã tập trung giải quyết các vấn đề về ảnh hưởng của BĐKH- nước biển dâng đến hệ sinh thái và cộng đồng dân cư, phân tích, đánh giá và dự báo những hiểm họa ngập lụt vùng ven biển như khu vực ven biển đồng bằng sông Hồng, khu vực hạ du lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai.
Các kết quả nghiên cứu xâm nhập mặt phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long của Viện đã góp phần cho việc xây dựng các kịch bản phát triển và các mô hình khai thác hợp lý trong mối quan hệ tổng thể toàn đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích hợp cho vùng.
Theo đó, nhiều nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng thực thế bằng công nghệ mới để xây dựng các công trình ngăn sông, ngăn mặn, giữ ngọt, công trình dâng nước điều tiết dòng chảy có khả năng tháo lũ lớn như: công nghệ đập trụ đỡ, đập dàn cọc được áp dụng ở nhiều công trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long - Thừa Thiên Huế (cống dài nhất Đông Nam Á), cống đò điện (Hà Tĩnh)…; công nghệ đập xà lan di động đã được áp dụng để xây dựng trên 80 công ngăn mặn và giữ ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long; công nghệ thiết kế và thi công cấu cống lắp ghép bằng bê tông cốt thép ứng lực ở đồng bằng sông Cửu Long đã được ứng dụng vào công trình Ninh Quới (Bạc Liêu) và nhiều công trình khác đã và đang được triển khai đồng loạt ở đồng bằng sông Hồng….Các nghiên cứu trên đang có những ứng dụng rộng rãi trong thiết kế và thi công nhiều công trình ngăn sông trên phạm vi cả nước.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng...
Bên cạnh đó, phục vụ cho công tác chống úng, lụt cho vùng đồng bằng, các thành phố lớn và chống hạn, cấp nước tưới cho khu vực miền núi, Viện đã chế tạo thành công nhiêu loại bơm như: bơm có cột nước cực thấp chống úng cho các thành phố lớn, bơm va, bơm thủy luân, bơm hút sâu cung cấp nước tới cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Các công nghệ tưới tiết kiệm nước như: công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây Nho, cây Thanh Long, công nghệ tưới ẩm cho Lúa đang được áp dụng thành công trong điều kiện hạn hán ở Nam Trung Bộ.
Các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo để phát điện nhằm khắc phục hiện tượng thiếu điện do thiếu nước của các nhà máy thủy điện như công nghệ thiết kế và lắp đặt tổ máy thủy điện thủy triều, công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp đặt vận hành thiết bị tạo nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng mặt trời dùng cho sinh hoạt của người dân trên đảo đang được triển khai nghiên cứu.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ bở, phòng chống xói lở, Viện đã nghiên cứu các giải pháp khôi phục và trồng rừng ngập mặt trên bãi bồi ven biển trước đê đã được áp dụng tại Hậu Lộc - Thanh Hóa…
Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây của Viện đã hướng tới nhiệm vụ nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường do BĐKH gây nên ở bán đảo Cà Mau, lưu vực sông Thị Vải, vùng nuôi cá da trơn ở An Giang…
Đặc biệt, trong thời gian qua, Viện đã ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm thích ứng với BĐKH - Nước biển dâng vào tư vấn thiết kế và thi công nhiều công trình lớn ở các địa phương như: Đê bao Nam Vàm Nao (An Giang), Công ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang), Dự án phân ranh mặn ngọt vùng bán đảo Cà Mau…
Thời gian tới, Viện sẽ tập trung nghiên cứu đánh giá dự báo nguồn nước chảy vào Việt Nam một cách đầy đủ, chính xác. Thông qua đó, nâng cao độ chính xác và mức độ dự báo hạn hán xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, biến hình lòng dẫn sông ngòi; các giải pháp công trình và phi công trình và ứng phó với hạn hán cạn kiệt nguồn nước; đề xuất các giải pháp công trình thân thiện với môi trường nhằm điều tiết giữ nguồn nước: hồ ngầm, hồ chứa sinh thái…; tiếp tục cải tiến công nghệ bơm chống hạn cho vùng cao, sử dụng năng lượng nước, công nghệ cột nước thấp chống úng hạn cho các thành phố lớn; nghiên cứu công nghệ khai thác, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…từng bước khắc phục thiếu hụt năng lượng điện do cạn kiệt nguồn nước hồ thủy điện, tạo nước ngọt từ nước biển để cấp nước cho quân và dân trên đảo.PGS. TS. Lê Mạnh Hùng- Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam