Biến đổi khí hậu và các hệ quả của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ chiến tranh

Những cuộc nội chiến và xung đột vũ trang tại châu Phi sẽ tăng lên trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030 do tình trạng ấm lên toàn cầu.
> Biến đổi khí hậu đáng sợ hơn đại chiến thế giới
Trước đây những nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu với các cuộc chiến tại châu Phi chỉ tập trung vào lượng mưa. Nhưng mới đây các nhà khoa học của Đại học California và Đại học Stanford (Mỹ) đã phân tích cả dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ và số lượng các cuộc xung đột vũ trang tại châu Phi từ năm 1981 tới 2002.
Theo New Scientist, nhóm nghiên cứu nhận thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiệt độ và nguy cơ xung đột vũ trang. Trong những giai đoạn mà nhiệt độ trung bình tăng thì số lượng các cuộc chiến cũng leo thang. Các tính toán dựa trên mô hình khí hậu cho thấy, nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên 54% trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030, với số người chết tăng thêm 393.000. Marshell Burke và David Lobell, hai trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng lượng khí thải sẽ không giảm trong ngắn hạn nên nhiệt độ trái đất còn tăng và các cuộc chiến trong tương lai sẽ thảm khốc như hiện nay.
Hơn hai triệu người mất nhà cửa và trở thành dân tị nạn vì cuộc nội chiến ở Sudan. Ảnh: ehponline.org.
Hơn hai triệu người mất nhà cửa và trở thành dân tị nạn vì cuộc nội chiến ở Sudan. Ảnh: ehponline.org.
Nhiều nhà khoa học khác đồng ý rằng sự thay đổi nhiệt độ có thể tác động tới nguy cơ chiến tranh, song họ không nghĩ mối tương quan lại mạnh đến thế. “Tôi hoài nghi kết luận của Burke và Lobell”, Peter Brecke, một chuyên gia của Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), phát biểu.
Cullen Hendrix, một nhà khoa học chính trị của Đại học North Texas (Mỹ), cho rằng có nhiều vấn đề có thể làm sai lệch kết quả nghiên cứu của Burke và Lobell. Thứ nhất, nghiên cứu tập trung vào giai đoạn mà số lượng các cuộc chiến cao hơn hẳn so với những giai đoạn khác. Thứ hai, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc đã cắt viện trợ dành cho châu Phi khiến nhiều nước ở lục địa đen rơi vào cảnh nội chiến. Như vậy sự tăng nhiệt độ không phải là nhân tố hàng đầu dẫn tới nguy cơ chiến tranh.
“Chúng tôi rất vui nếu ai đó chứng minh rằng chúng tôi sai. Nhưng mối liên hệ giữa nhiệt độ và nguy cơ chiến tranh vẫn rất chặt chẽ ngay cả khi chúng tôi loại trừ các yếu tố khác, như mức độ dân chủ và thực trạng kinh tế”, Lobell và Burke tuyên bố.
Burke và Lobell cho rằng khi nhiệt độ tăng, sản lượng lương thực sẽ giảm do cây trồng sinh trưởng kém hơn. Ngoài ra năng suất lao động trong nhiều ngành kinh tế khác cũng giảm. Tình trạng đó khiến kinh tế tụt dốc. Khi nền kinh tế suy yếu, căng thẳng xã hội và nguy cơ xung đột sẽ tăng. Sự ấm lên toàn cầu cũng khiến số lượng nguồn nước ngọt giảm dần. Trong tương lai tranh chấp nguồn nước sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa các quốc gia.

Biến đổi khí hậu làm tăng xuất hiện các bệnh tật mới

Trong 2 ngày 4 và 5/11, cuộc Hội thảo Á - Âu “Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi” đã được Việt Nam và Hungari đồng tổ chức tại Hà Nội.
Với sự tham gia của gần 200 các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học của các nước thành viên ASEM cũng như các đại diện đại sứ quán và lãnh sự quán các nước ASEM tại Việt Nam, Hội thảo đã đề cập đến một nguy cơ đang xảy ra – tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với sức khỏe – chia sẻ các giải pháp cần thiết để ứng phó.

Trong số rất nhiều hậu quả của BĐKH, chủ yếu ảnh hưởng hiện tượng nóng lên của Trái đất đến sức khỏe và bệnh tật là vấn đề được tất cả mọi người đặc biệt quan tâm. Sự tăng nhiệt độ trung bình đã dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với người già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh và ở các nước nhiệt đới, sốt rét, sốt xuất huyết, đồng thời tạo điều kiện tăng trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn, côn trùng mang mầm bệnh. Nước biển dâng cao tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, đời sống và sức khỏe của dân cư ven biển.

BĐKH còn làm những thiên tai (bão lũ, lốc xoáy, mưa lớn, hạn hán…) diễn ra thường xuyên hơn, gây tình trạng thiếu lương thực, nước uống và những thiệt hại người và của cho nhiều vùng.

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Y tế quốc gia Hungari Ferenc Falus, để đối phó với BĐKH, ngành y tế của các nước đang gặp thách thức lớn trong việc đầu tư, tăng kinh phí và nhân lực cho hệ thống y tế. Lần đầu tiên, đại biểu các nước ASEM cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp ứng phó với BĐKH và các bệnh mới nổi.
Mô tả ảnh.
BĐKH làm thiên tai (bão lũ, lốc xoáy, mưa lớn, hạn hán…) diễn ra thường xuyên hơn, gây tình trạng thiếu lương thực, nước uống và những thiệt hại về người và của cho nhiều vùng.

Về phía Việt Nam Bộ trưởng Y tế Ngyễn Quốc Triệu cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể để giảm nhẹ các ảnh hưởng của BĐKH đối với sức khỏe người dân trong giai đoạn 2010-2015. Các hoạt động sẽ tập trung vào các khu vực dễ bị ảnh hưởng do BĐKH; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để giám sát BĐKH, trong đó chú ý đến các bệnh dịch, các bệnh tái xuất hiện và mới nổi; xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng ứng phó với BĐKH; nâng cao nhận thức cho người dân về ảnh hưởng của BĐKH đến sức khỏe và nguy cơ phát sinh, phát triển các bệnh mới, triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây lan.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam với tư cách thành viên của ASEM, quyết tâm giải quyết các nguy cơ do BĐKH gây ra và mong muốn được hợp tác với các nước trên thế giới và khu vực phòng chống các bệnh dịch liên quan đến BĐKH. 
9 bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam liên quan đến BĐKH:
Khí hậu nóng lên là nguyên nhân phát sinh 9 bệnh truyền nhiễm trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó là các bệnh:
- Bệnh cúm A(H1N1) hiện đang xảy ra
- Bệnh cúm A(H5N1): xảy ra từ tháng 12/2003 đến tháng 9/2008.
- Bệnh sốt xuất huyết.
- Bệnh sốt rét.
- Bệnh tả: xảy ra vào các năm 2004, 2007, 2008.
- Bệnh thương hàn.
- Bệnh tiêu chảy.
- Bệnh viêm não do virus.
- Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (SARC): 2003.

Tháo chạy ồ ạt do biến đổi khí hậu

Tình trạng ấm lên của địa cầu đang buộc hàng trăm triệu người rời bỏ nơi sinh sống của họ. Nếu tình hình đó tiếp diễn, chúng ta sẽ phải chứng kiến những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Thiên tai sẽ đẩy nhiều người sống ở vùng nông thôn tới thành thị. Ảnh:
Ảnh minh họa: abcnews.com.
Một báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) dự đoán ít nhất 200 triệu người sẽ bỏ nhà cửa vì các nguyên nhân liên quan tới môi trường từ nay tới năm 2050. Trong trường hợp xấu nhất, con số đó có thể lên tới 700 triệu.
Các nhà khoa học của CARE International và Đại học Columbia (Mỹ) phỏng vấn hơn 2.000 người di cư tại 23 quốc gia về nguyên nhân khiến họ rời bỏ nơi sinh sống. Kết quả cho thấy những vấn đề liên quan tới môi trường đang gây nên sự dịch chuyển dân cư.
192 nước đang đàm phán để đạt được một thỏa thuận về tình trạng ấm lên toàn cầu. Viễn cảnh đen tối về hiện tượng di cư lớn nhất trong lịch sử nhân loại do thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể được đưa vào thỏa thuận này. Văn bản dự thảo kêu gọi các nước chuẩn bị kế hoạch để thích nghi với những đợt di cư ồ ạt do thay đổi khí hậu gây nên.
Theo IOM, những người sống trên vùng châu thổ của các con sông lớn trên thế giới có thể hứng chịu nhiều hậu quả do tình trạng tan băng. Cư dân sống gần sa mạc sẽ đối mặt với tình trạng khô hạn ngày càng tăng, trong khi những người sống trên các hòn đảo có thể mất đất vì mực nước biển tăng.
Các nhà nghiên cứu không đánh giá những cuộc xung đột liên quan tới biến đổi khí hậu. Song họ nhấn mạnh rằng, một trong những nhân tố gây nên cuộc chiến tại khu vực Darfur của Sudan là tranh chấp nguồn nước và đồng cỏ. Mối quan ngại về nguy cơ bùng phát xung đột liên quan tới nước đang tăng lên từng ngày tại nhiều nơi trên thế giới.
Báo cáo của IOM dự đoán 40 quốc đảo có thể biến mất (một phần hoặc hoàn toàn) nếu mực nước biển tăng thêm 2 mét. Maldives – được tạo nên bởi 1.200 đảo trên Ấn Độ Dương, đã lên kế hoạch bỏ một số đảo và xây dựng hệ thống đê đập trên những dảo còn lại. Ngoài ra, đảo quốc này còn tính tới khả năng đưa toàn bộ 300.000 dân tới nước khác.
Hiện tượng tan băng ở dãy Himalaya có thể dẫn tới tình trạng lũ lụt thường xuyên ở sông Hằng, sông Mekong, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà. 4 sông này cung cấp nước cho 1,4 tỷ người (gần 1/4 dân số toàn cầu) tại Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc. Sau lũ lụt sẽ là hạn hán do không còn băng để cấp nước cho các dòng sông.
Tại Mexico và Trung Mỹ, hạn hán và bão lớn đã gây nên những cuộc di cư lớn kể từ thập niên 80. Tình hình ở đây sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới. “Các thảm họa thiên nhiên chỉ gây nên tình trạng di cư ngắn hạn, nghĩa là người dân chỉ bỏ nhà cửa trong một thời gian nhất định. Phần lớn hoạt động di cư sẽ diễn ra trong ranh giới quốc gia, từ vùng nông thôn tới các thành phố”, Charles Ehrhart, một nhà nghiên cứu của CARE International, nhận định.

Biến đổi khí hậu đe doạ các TP biển châu Á

 -Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có VN) được xem là nơi có mức độ rủi ro cao nhất thế giới do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đe doạ các TP biển châu Á
Hội nghị quốc tế về giảm thiểu rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu cho các TP biển khai mạc tại Đà Nẵng sáng 18/2 (Ảnh: HC)
Nhiều khả năng chắc chắn châu Á – Thái Bình Dương sẽ nhận một hoặc nhiều “thảm hoạ khổng lồ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người trong thế kỷ 21.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Rajib Shaw (Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã cho biết như trên tại hội nghị tập huấn quốc tế “Giảm thiểu rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu cho các TP biển”.

Hội nghị do Ban Thư ký CITYNET (mạng lưới vùng các chính quyền địa phương về quản lý sự định cư của con người) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức từ 18-20/2.


Theo PGS-TS Rajib Shaw, những tác động thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ như động đất, núi lửa, lốc xoáy, các đợt gió mùa… ở châu Á – Thái Bình Dương đang có xu hướng gia tăng rõ rệt trong các thập kỷ qua. Khu vực này được xem là nơi có mức độ rủi ro cao nhất thế giới và những TP trong khu vực là trung tâm của rủi ro.

"Một số nghiên cứu dự báo một trận động đất ảnh hưởng đến một triệu sinh mạng sẽ xảy ra ở vành đai núi Himalaya thuộc phía Nam châu Á. Chúng tôi đã tranh luận rằng các TP lớn của Trung Quốc, Indonesia, Philipin cũng là “những ứng viên”!” - GS-TS Rajib Shaw nói.

Biến đổi khí hậu đe doạ các TP biển châu Á
TP biển Đà Nẵng đã và đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ do thiên tai và biến đổi khí hậu. (Ảnh: HC)
Theo ông, nguyên nhân cơ bản dẫn đến rủi ro cao xuất phát từ quá trình đô thị hoá quá nhanh, gây áp lực lớn về đất. Vấn đề cộng đồng chiếm dụng các khu vực có môi trường không bền vững như khu vực suờn đồi dốc dễ xảy ra nguy cơ sụt đất, vùng ven sông bị lụt thường xuyên, vùng ven biển bị de dọa bão, sóng dâng cao hay khu vực đất có nguy cơ bị lún. 

Trong mọi trường hợp rủi ro, gánh nặng này sẽ đè lên bộ phận dân cư có kinh tế thấp. Có những rủi ro tiềm ẩn, thường không nhận ra và tiếp tục tàn phá.

Thảm hoạ thiên nhiên không chỉ huỷ hoại tính mạng, đời sống người dân mà còn kéo dài tình trạng nghèo đói và cuối cùng là làm suy yếu những nỗ lực cải thiện các khu đô thị dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị, hiện các phương pháp giảm thiểu rủi ro vẫn chưa được xem xét một cách cân xứng trong việc thực hiện quy hoạch ở mức độ địa phương. Các phương pháp giảm thiểu rủi ro  hiện chỉ được hiểu theo cách truyền thống như một phương pháp riêng rẻ, không liên quan đến xu hướng quy hoạch đô thị.

Ngập do biến đổi khí hậu và đô thị hóa

 - VN là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Ngập lụt ngày càng tăng bởi ở các đô thị lớn việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với tốc độ phát triển.
Nhận định đó được nhấn mạnh ở hội thảo khoa học quốc tế về tác động biến đổi khí hậu đến sự ngập lụt đô thị, diễn ra ngày 24 và 25/6, do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam và Hội Nghiên cứu thủy lực quốc tế tổ chức đã thu hút hàng trăm đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia.

Ngập do biến đổi khí hậu và đô thị hóa
Ngập lụt ở TP.HCM. Ảnh: V.Giang
Các chuyên gia, đại biểu đều quan ngại vì VN là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó một trong những tác động, biểu hiện là ngập lụt ngày càng tăng nhưng ở các đô thị lớn việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thoát nước vẫn chưa đồng bộ với tốc độ phát triển
Ngập lụt, nắng nóng ngày càng tăng
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết: Ứng phó với BĐKH có tính chất cấp thiết và sống còn của Việt Nam. VN là một trong 5 nước chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH trên toàn cầu.
Khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 0,7°C; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ đến nước ta mà điển hình là làm cho các thiên tai, đặc biệt bão lũ, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Dự tính tới năm 2100, mực nước biển sẽ tăng lên tới 1m, nhiệt độ tăng khoảng 3°C. Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết thêm, nhiệt độ TP.HCM những năm qua tăng 2°C.

Ngập do biến đổi khí hậu và đô thị hóa
Các chuyên gia tại hội thảo trăn trở với bài toán ngập nước đô thị. Ảnh: V.Giang
Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40 ngàn km² đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm.
Theo Trung tâm điều hành chống ngập TP.HCM, mực nước biển đo được ở Vũng Tàu đã tăng khoảng 0,8cm/năm, còn mực nước các sông, kênh của TPHCM đo được ở Phú An tăng đến 1,5cm/năm. Những cơn mưa lớn ngày một dày đặc hơn với vũ lượng trung bình năm sau cao hơn năm trước khoảng 0,8mm.
Nếu trước đây cứ 5 năm mới có những cơn mưa có vũ lượng trên 100mm thì nay chỉ 3 năm đã thấy xuất hiện. Còn những cơn mưa có vũ lượng khoảng 100mm thì năm nào cũng xuất hiện. Đặc biệt, vào đầu mùa mưa năm nay trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện cơn mưa hiếm thấy với lượng mưa 117mm.
Nếu như năm 1990, TP.HCM chỉ có 10 điểm ngập thì đến năm 2003, số điểm ngập đã tăng lên 80 điểm và hiện là 100 điểm ngập.Th.s Hoàng Phi Long, ĐH Bách Khoa dự tính, nếu mức thủy triều đỉnh chỉ cần tăng lên 50cm nữa thì gần như 90% diện tích đất của TPHCM đều bị ngập.
Đô thị hóa… phá môi trường
Nhiều đại biểu cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu gây mưa lớn, ngập lụt ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều nỗ lực chống ngập của TP.HCM không đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều công trình chống ngập của thành phố đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2012 sẽ có nguy cơ trở thành… lạc hậu ngay trong thời điểm hoàn thành.
Không ít ý kiến nhấn mạnh sự thiếu tầm nhìn xa và quá trình đô thị hóa chưa đồng bộ đã tăng nguy cơ ngập lụt.

San rạch để xây đô thị, tất yếu sẽ ngập! Ảnh: VNN
Cụ thể, khi nói về khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH), TP.HCM, GS.TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học Công nghệ Tài nguyên - Môi trường) cho rằng:"Mặc dù nhìn vào khu đô thị PMH mới xây dựng này thì ai cũng thích, cũng trầm trồ thán phục nhưng người ta phải hiểu rằng, hệ sinh thái đô thị là hệ sinh thái nhân tác, rất mẫn cảm. Hơn nữa, TP HCM là đô thị bán ngập triều, muốn giữ cho một đô thị trên vùng đất ướt như vậy tồn tại thì phải có một khoảng trống làm hệ sinh thái đệm. Như ta đã biết, đây là vùng trũng, thực chất là bồn trũng, mang sứ mệnh của một “hồ điều hòa tự nhiên. Vai trò chống ngập mùa mưa cho cả thành phố chính là chỗ này đây thì lại bị san lấp, xây đô thị mới!"
PGS-TS Trần Thục, đại diện Ban chỉ đạo Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cho rằng bên cạnh nguyên do biến đổi khí hậu, một nguyên nhân gây ngập lụt ở các thành phố lớn còn do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nhưng thiếu sự đầu tư đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thoát nước; sự sụt lún của địa tầng do khai thác nước ngầm quá mức.
Tại TP.HCM, chỉ trong 5 năm lại đây, hàng loạt các nhà cao tầng mọc lên trong khi 5 dự án đầu tư mới, cải tạo lại hệ thống thoát nước với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD vẫn chưa có dự án nào hoạt động. Hơn nữa, cho đến khi dự án này đi vào hoạt động, dự kiến 2015 thì có thể đã lạc hậu so với tình hình thực tế và tình trạng ngập có thể tiếp tục lặp lại.
Ông Nabiul Islam, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học và phát triển Bangladesh nhấn mạnh thêm, cần xây dựng những giải pháp thích nghi, sống chung với ngập lụt vì những tác hại, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi. Viện trưởng Viện Tài nguyên nước ngầm Bồ Đào Nha, ông Lobo-Ferrira, cũng đồng tình, nói, Chính phủ Việt Nam cần phải xác định rõ khu vực sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt và mức độ ngập. Từ đó, thông qua các phương tiện truyền thông đưa ý kiến của các nhà khoa học đến với từng người dân – người trực tiếp tham gia chống biến đổi khí hậu để họ nhận thấy rõ tác hại và những biện pháp thực hiện phòng chống.

Khốn cùng vì biến đổi khí hậu

- Trên thế giới, khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm một khi biến đổi khí hậu (BĐKH) gia tăng. Riêng ở Việt Nam, 22 triệu người sẽ lâm vào cảnh khốn cùng...

BĐKH đe doạ cuộc sống của mọi người: dịch bệnh, nghèo đói, tranh chấp tài nguyên và dẫn đến xung đột, bất ổn xã hội…
Trong khuôn khổ Hội thảo "BĐKH toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam" đang diễn ra tại Hà Nội (26-29/2), báo cáo của PGS.TS Nguyễn Đình Hoè, Chủ nhiệm bộ môn quản lý môi trường (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) và TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các đại biểu và các nhà khoa học trong hội thảo.
Đòn chí mạng giáng vào nông nghiệp
Hạn hán đã gây thiệt hại mùa màng đến 7,4 tỉ baht ở Thái Lan.
Một cảnh hạn hán (Ảnh: VNN)
Dẫn số liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), báo cáo trên cho biết, nếu mực nước biển dâng cao 5m thì VN sẽ mất tới 16% diện tích đất đai; khoảng 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội bị đe doạ. Đặc biệt cộng đồng người nghèo sống tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và sông Mekong sẽ phải gánh chịu nhiều nhất những ảnh hưởng nặng nề của BĐKH.
Những nghiên cứu mới nhất của IPCC đã phác thảo một viễn cảnh kinh hoàng… Khi Trái đất nóng lên sẽ kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng. Có khoảng 20-30% các loài động, thực vật có nhiều nguy cơ bị diệt chủng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm từ 1,5-2,50 C so với mức trung bình của 20 năm cuối thế kỷ XX.

Sinh thái bị nhiễu loạn dẫn đến nguồn lợi đa dạng sinh học bị cắt giảm, điều này giáng một đòn chí mạng vào những vùng mà đời sống của một số đông dân chúng dựa chủ yếu vào nông nghiệp và nguồn lợi tự nhiên (hái lượm, đánh bắt).
Điều khiến các nhà khoa học Việt Nam lo lắng, đó là nguồn nước phục vụ cuộc sống và nông nghiệp. Gần 60% nguồn nước của Việt Nam là quá cảnh từ nước ngoài, chủ yếu qua các hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long. Đó cũng là lý do tại sao năm 2007 vừa qua mực nước sống Hồng của VN cạn ở mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Theo khuyến cáo của FAO, hiện nay chúng ta đã sử dụng khoảng 40% lượng nước, xấp xỉ lượng nước được sử dụng trong ngưỡng an toàn sinh thái.
Hiện nay, các nước thượng nguồn đã đắp đập, chiếm thế thượng phong trong nguồn nước. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến VN, vì VN có 72% dân số sống bằng ngành nông nghiệp. Sự tan băng hà vùng thượng nguồn các sông Hồng và Mekong cũng như sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước sẽ dẫn đến tranh chấp nguồn nước của 2 hệ thống sông này.
5 triệu người ốm…
Theo nhận định của TS. Nguyễn Ngọc Sinh trong mấy năm gần đây biểu hiện của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam đã rất rõ nét như mưa lũ bất thường, hạn hán ngày càng khắc nghiệt... Bắc Trung Bộ có nguy cơ gia tăng bão lũ, trong khi vùng ven biển Nam Trung Bộ đang gia tăng độ khô hạn và có nguy cơ hạn hán. Hậu quả của bão lũ, hạn hán trực tiếp gây chết người, dịch bệnh sau lũ mùa màng mất mùa, làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm khả năng kháng bệnh.
Theo khuyến cáo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP, với nhiệt độ tăng lên 2 độ C và mực nước biển dâng 1m sẽ làm cho 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa, trong khi VN là nước nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đô thị công nghiệp không có nước thì sống bằng nghề gì?
Do vậy, biến đổi khí hậu có tác động mạnh vào những người nghèo đặc biệt là những người nông dân. Bài học thảm họa những cơn lũ ở miền trung năm qua đã minh chứng phần nào cho vấn đề này.
Đồng thời, khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh cũ và dịch bệnh mới phát triển mà con người khó có thể kiểm soát được.

Trong báo cáo gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC) đã khẳng định dưới tác động của nhiệt các căn bệnh đã gia tăng như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (truyền qua muỗi); các bệnh đường ruột (qua môi trường nước), các bệnh suy dinh dưỡng, bệnh phổi... Những bệnh này đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các vùng kinh tế kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ đói nghèo cao.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BĐKH làm tăng tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Dự báo mỗi năm biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 150.000 người chết và 5 triệu người ốm.

22 triệu người Việt Nam khốn đốn
Mô tả ảnh.
Miền Trung Việt Nam sau bão Xangsane vào tháng 11/2007. (Ảnh: VNN)
Trong bối cảnh đó, vậy biến đổi khí hậu sẽ làm cho 22 triệu người VN mất nhà cửa, đói nghèo dịch bệnh gia tăng họ sẽ đi đâu? Làm gì? Hiện tượng tị nạn môi trường sẽ xảy ra và kéo dài trên diện rộng. Với đất đai đã có chủ sử dụng, đã quy hoạch, giao thông và thông tin thuận lợi, các dòng dân di cư sẽ khác xa so với trước đây.
Dòng người tị nạn xâm nhập dần vào các đô thị ít chịu ảnh hưởng của BĐKH, tạo ra các khu dân cư kiểu “xóm liều, ổ chuột”, gia tăng lực lượng lao động giản đơn, bán hàng rong, tạo thành các nhóm dân lang thang trong đô thị (floating peoples), góp phần nông thôn hoá đô thị và làm cho quy hoạch các khu vực đô thị trở thành không thể kiểm soát được.

Phụ nữ hoá quản trị hộ gia đình tại các vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH do đàn ông phải rời nhà đi kiếm sống trong thời gian dài, tạo ra những hệ luỵ khó khắc phục về mặt giáo dục trẻ em, trật tự xã hội và kiểm soát các bệnh xã hội như HIV-AIDS, lao, STD (các bệnh lây truyền qua đường tình duc). Những vấn đề này đã từng xảy ra ở nhiều vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ đã được cảnh báo.

Các ổ sinh thái trống rỗng hoặc kiệt quệ do BĐKH, tạo tiền đề cho các loài ngoại lai có khả năng thích nghi tốt hơn xâm nhập.Trong số đó, có thể có những loài cây trồng hay vật nuôi biến đổi gen (GMO) chưa được kiểm định về tính an toàn sinh học, được người dân hay các công ty giống vật nuôi cây trồng nhập vào mà cơ quan kiểm dịch động thực vật khó bề kiểm soát hết.

Biến đổi khí hậu đáng sợ hơn đại chiến thế giới

Thủ tướng Anh khẳng định tình trạng ấm lên của trái đất có thể gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế mà mức độ thiệt hại vật chất của nó lớn hơn cả hai cuộc chiến tranh thế giới và Đại suy thoái gộp lại.
Thủ tướng Anh cho rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng trăm nghìn người chết mỗi năm vì lũ lụt và hạn hán. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh cho rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng trăm nghìn người chết mỗi năm vì lũ lụt và hạn hán. Ảnh: Reuters.
Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ở thủ đô London hôm qua, Thủ tướng Anh Gordon Brown nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Nếu nỗ lực đó thất bại, mỗi năm thế giới không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng người do hạn hán và lũ lụt, mà còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây.
“Đó là nguy cơ về mặt nhân đạo, sinh thái và kinh tế. Nếu không ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, GDP toàn cầu sẽ giảm 20%. Mức thiệt hại kinh tế này lớn hơn tổn thất do hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc khủng hoảng Đại suy thoái gây nên. Chúng ta có thể khẳng định rằng đây là thời điểm có ý nghĩa hệ trọng đối với thế giới của chúng ta”, ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc chủ trì vào tháng 12 năm nay tại Copenhagen (Đan Mạch) sẽ tập trung vào nỗ lực ký kết môt thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Lãnh đạo của khoảng 190 nước sẽ tham dự hội nghị.
Ông Gordon Brown phát biểu tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn tại London. Ảnh: AP.
Ông Gordon Brown phát biểu tại Diễn đàn các nền kinh tế lớn tại London. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này các cuộc thương lượng vẫn đang lâm vào thế bế tức do những nước giàu như Mỹ không muốn chấp nhận những cam kết nghiêm ngặt trong việc giảm khí thải carbon. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ từ chối hành động nếu nhóm nước giàu không chịu đưa ra cam kết.
Telegraph cho biết, trong nỗ lực cuối cùng nhằm giải quyết bất đồng giữa các nước, Anh mời bộ trưởng và quan chức từ 17 quốc gia tới London để tham dự Diễn đàn các nền kinh tế lớn. Cuộc họp bắt đầu từ ngày 19/10.
Ông Brown – người sẽ tới Copenhagen vào tháng 12 để tham gia hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc – kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động theo ông. Thủ tướng Anh cho rằng những nước giàu nên cam kết giảm lượng khí thải từ 25 tới 40% trước năm 2020. Cùng lúc đó những nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cần đưa ra các biện pháp cụ thể để hạn chế mức độ thiệt hại do sự phát triển kinh tế quá nhanh của họ gây nên. Những nước giàu, trong đó có Anh, phải đóng góp khoảng 84 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí thải carbon.

3 phương án ứng phó với biến đổi khí hậu

- Ngày 16/9, tại TP.HCM, trong cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, ông Ralph Cantral, cố vấn cấp cao Văn phòng Quản lý biển và tài nguyên bờ biển - Cục Quản lý biển và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra 3 phương án ứng phó.

Người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ phải di cư khi nước biển dâng lên....
Người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ phải di cư khi nước biển dâng lên....Ảnh Internet


Theo ông Ralph Cantral, để ứng phó với biến đổi khí hậu: Thứ nhất cần tiến hành các biện pháp bảo vệ đất, nhất là đối với các vùng đất ven biển, bởi nếu có biến đổi khí hậu sẽ gây nên tình trạng đất quanh bờ biển bị xói mòn.

Thứ hai, các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu như nâng kết cấu hoặc tạo ra các kết cấu có thể di chuyển được.
Biến đổi khí hậu là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TP. Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe doạ nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (bao gồm Calcutta và Bombay của Ấn Độ, Dacca của Bangladesh, Thượng Hải, Quảng Châu của Trung Quốc, TP.HCM của VN, Bangkok của Thái Lan và Yangon của Myanmar).

Kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, biến đổi khí hậu ở Việt Nam thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,7oC, mực nước biển dâng cao khoảng 20cm. 
Thứ ba, di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng, đồng thời thực hiện việc tái định cư đối với các khu vực bị tác động của lũ lụt bằng cách di dân hoặc thôi vụ hoặc vĩnh viễn. Sau khi di dời, có thể tận dụng các vùng đất này làm đất nông nghiệp hoặc dùng vào các mục đích khác phù hợp hơn.

Tuy nhiên, theo ông Ralph Cantral, trong 3 phương án nêu trên, phương án thứ 3 có chi phí thực hiện thấp hơn cả.

Ngoài ra, trong 2 ngày làm việc tại Hà Nội, cố vấn cấp cao Văn phòng Quản lý biển và tài nguyên bờ biển - Cục Quản lý biển và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ Ralph Cantral cũng đã có buổi làm việc với đại diện quốc hội Việt Nam.

Tại buổi làm việc nói trên, ông Ralph Cantral đã đưa ra những kinh nghiệm của Mỹ trong việc lập ra những văn bản pháp luật, quy chế cụ thể về biến đổi khí hậu.

Đồng thời, ông Ralph Cantral cho biết, ông cũng đã có một số đề xuất cụ thể với đại diện quốc hội Việt Nam về việc giải quyết ngập lụt cũng như bàn cụ thể về tiến trình đối phó với biến đối khí hậu với các chuyên gia Việt Nam.

Theo ông Ralph Cantral, các cơ quan Việt Nam hiện thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc nghiên cứu vấn đề biến đổi khí hậu cũng như đề xuất các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu.
Trần Toàn - tổng hợp từ tin tức 247
Share on :