Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm chịu ảnh hưởng của các khối không khí cực đới khô, lạnh từ phía Bắc tràn xuống về mùa đông và các khối không khí nóng ẩm từ phía Nam đi lên về mùa hè. Vì vậy, khí hậu vừa mang tính chất ôn đới vừa mang tính chất nhiệt đới với những biến động lớn trong năm cũng như giữa các năm, tạo ra những dị thường về thời tiết.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thành phần hoá học của khí quyển đã và đang thay đổi, chúng có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các điều kiện thời tiết, khí hậu ở quy mô toàn cầu và khu vực.
Dự báo thay đổi thời tiết, dự báo ô nhiễm không khí, dự báo biến đổi khí hậu và mối quan hệ giữa chúng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của tất cả chúng ta trong thế kỷ 21 này.
Biến đổi khí hậu sẽ gây ra những biến động mạnh mẽ trong diễn biến của các hiện tượng khí tượng, thuỷ văn như bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại, mực nước biển dâng… làm tăng tính dị thường và tính cực đoan của chúng, gây khó khăn cho công tác dự báo và phòng tránh.
Những biểu hiện gần đây về các hiện tượng khí tượng, thuỷ văn cực đoan trên thế giới và Việt Nam đã minh chứng cho những nhận định nêu trên và phù hợp với quy luật của biến đổi khí hậu. Dự báo các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn sẽ ngày càng trở lên khó khăn, vì bản chất và quy luật xuất hiện của hiện tượng ngày càng phức tạp, khó lường.
Do đó, tuy trình độ, trang thiết bị, công nghệ dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) trong nước cũng như trên thế giới đang ngày càng được hoàn thiện hơn nhưng không phải hiện tượng KTTV nào cũng dự báo được chính xác.
10 năm trở lại đây, công tác dự báo KTTV ở nước ta có những bước chuyển biến rõ rệt. Nhà nước đã tăng cường đầu tư cho ngành KTTV theo hướng hiện đại hóa, nhằm nâng cao năng lực dự báo phục vụ, đặc biệt là phòng chống thiên tai.
Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương được trang bị bốn kênh liên lạc quốc tế: Hà Nội - Bắc Kinh, Hà Nội - Moscow, Hà Nội - Bangkok, Hà Nội - Tokyo.
Một số kênh có tốc độ tương đối cao. Các kênh thông tin đã được khai thác rất hiệu quả nhằm thu nhận số liệu quan trắc, các sản phẩm phân tích và dự báo, ảnh vệ tinh, số liệu radar từ các trung tâm quốc tế và từ chín đài KTTV khu vực trong nước, phục vụ cho công tác dự báo KTTV ở trung ương và địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng tránh thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, mạng thông tin phục vụ dự báo KTTV đã kết nối tất cả các trung tâm KTTV cấp tỉnh với đài KTTV khu vực và Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương bằng điện thoại cố định, mạng Wan, mạng Internet, Mettv. Mạng thông tin này hiện đang được mở rộng tới một số trạm KTTV.
Ngành khí tượng cũng đã lắp đặt, vận hành ba hệ thống thu và xử lý ảnh vệ tinh phân giải cao: vệ tinh quỹ đạo cực NOAA (Mỹ), MTSAT, Phong Vân (Trung quốc); 6 radar thời tiết ở Phủ Liễn, Việt Trì, Vinh (TRS 2730), Tam Kỳ (DWRS 93C), Nha Trang, TP. HCM (EEC 2500C).
Các mô hình dự báo khí tượng, khí hậu tiên tiến trên thế giới đang được nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong dự báo nghiệp vụ. Năm 2001, mô hình dự báo số đầu tiên đã được thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng nghiệp vụ. Năm 2002, mô hình dự báo khí hậu đã được thử nghiệm có kết quả.
Hàng ngày Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã nhận và chạy nghiệp vụ các sản phẩm mô hình số như BoM, ETA, JMA, HRM. Những thành công này tạo ra một bước ngoặt trong công nghệ dự báo khí tượng, khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng dự báo.
Về dự báo thuỷ văn, ngoài việc không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng dự báo lũ trên các sông lớn, hệ thống cảnh báo, dự báo lũ quét trên sông, suối nhỏ cũng đã được triển khai thử nghiệm tại Nậm La - Nậm Pàn tỉnh Sơn La từ năm 2001-2002.
Hiện ngành khí tượng tiến hành xây dựng một hệ thống cảnh báo tương tự cho các tỉnh Trung Trung Bộ nhằm rút kinh nghiệm trước khi áp dụng cho các khu vực khác.
Trong năm năm qua, nội dung bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn không ngừng được đổi mới, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bản tin dự báo bão đã kéo dài thời hạn dự báo đến 48 giờ và đang thử nghiệm dự báo đến 72 giờ. Dự báo gió mùa Đông Bắc, các đợt mưa lớn diện rộng, nắng nóng được thực hiện trước từ 1-2 ngày. Dự báo các đợt rét đậm, rét hại phát báo trước 2-5 ngày. Nhận định thời tiết hạn dài: tháng, mùa ngày càng sát thực tế hơn.
Bản tin dự báo thuỷ văn hàng ngày, dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, ngập lụt, triều cường đã được phát kịp thời, phục vụ ngày càng hiệu quả cho công tác phòng, chống lụt, bão và vận hành của các nhà máy thuỷ điện và hồ chứa.
Tuy nhiên hoạt động của lĩnh vực vẫn còn những khó khăn như mạng lưới KTTV đã hoạt động khoảng 60 năm, có trạm hơn 100 năm nhưng chưa được quy hoạch hoàn chỉnh.
Ở vùng sâu, vùng xa có địa hình phức tạp, vùng có điều kiện KTTV khắc nghiệt, vùng ven biển và một số vùng trọng điểm phát triển kinh tế, trạm KTTV còn thưa, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác dự báo cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Các phương tiện đo còn lạc hậu. Việc quan trắc được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Một số thiết bị mới hiện đại như ra-đa thời tiết, trạm khí tượng tự động, máy quan trắc bức xạ tự động, trạm phao, máy thuỷ văn tự ghi/tự báo đã được đầu tư nhưng còn quá ít, thiếu đồng bộ. Việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Do vậy, hiệu quả khai thác các thiết bị trên chưa cao, một số trạm khí tượng tự động, máy thuỷ văn tự ghi/tự động và trạm phao hoạt động không ổn định.
Trong dự báo KTTV, các trạm chủ yếu sử dụng các phương pháp cũ được thế giới áp dụng từ 30 - 40 năm nay, thông tin dự báo KTTV còn ít, hầu như chưa cảnh báo được một số hiện tượng KTTV nguy hiểm như lốc, tố, lũ quét...; chất lượng dự báo chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Các quy trình, quy định nghiệp vụ về công tác dự báo còn thiếu và chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến kiến thức về KTTV chưa được thường xuyên.
Như đã cảnh báo, rồi đây chắc chắn hậu quả của BĐKH toàn cầu sẽ còn lớn hơn, nhiều hơn, nặng nề hơn mà chúng ta không thể tránh khỏi và hậu quả sẽ khó lường trước được.
Điều có thể dự kiến trước đối với nước ta là mưa sẽ nhiều hơn, lũ lụt, xói mòn, sụt lở đất, lũ quét, cháy rừng, hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn (do rừng bị tàn phá quá nhiều), bão cũng sẽ mạnh hơn.
Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, người ta có thể phát hiện sớm và theo dõi khá sát diễn biến của một số thiên tai. Mặc dù vậy, do tính biến động phức tạp của thiên tai, công tác dự báo vẫn còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được mong muốn của chúng ta cả về mặt độ lớn cũng như thời gian và quy mô xuất hiện của chúng, đặc biệt đối với những thiên tai có phạm vi ảnh hưởng không lớn, lại diễn ra rất nhanh như lũ quét, tố, lốc...
Đỗ Duy Hưng
Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu