Lời nhắc nhở nhân loại về bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu

Lời nhắc nhở nhân Ngày trái đất 2011

Bạn vẫn thường nghe nhắc đến biến đổi khí hậu nhưng bạn cho rằng nó chẳng mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Hãy suy nghĩ lại! Các nhà khoa học đang tiến hành một số nghiên cứu có tính đột phá về các “điểm tới hạn” của khí hậu trên trái đất. Những điểm này là thời điểm mà khí hậu sẽ đột ngột thay đổi, gây ra những biến động sâu sắc đến đời sống của các sinh vật trên trái đất. Những quá trình biến đổi này có liên quan chặt chẽ với nhau, chúng xảy ra theo chu kỳ và bị tác động bởi các hoạt động của con người. Các nhà khoa học đã đưa ra một vài dấu hiệu nhãn tiền khiến con người khó có thể thờ ơ hơn được nữa. Thông tin được tổng hợp và đăng tải trên trang Discovery.

Băng ở Biển Bắc Cực đang tan chảy

Lời nhắc nhở nhân Ngày trái đất 2011

Khối băng có diện tích hơn 14,8 triệu kilômét vuông ở Bắc Cực đang tan chảy nhanh hơn các nhà khoa học dự đoán vào 1 năm trước. Mũi băng ở Bắc bán cầu giờ đây đã trở thành một đảo băng khi băng ở cả hai đầu của nó đã tan chảy, khiến nó trở thành một đảo băng độc lập với các lục địa khác.

Băng là một tấm gương phản xạ bức xạ mặt trời trở lại không gian. Giờ đây, khi diện tích các đảo băng đang bị thu hẹp dần, các đại dương buộc phải hấp thụ lượng bức xạ lớn hơn, và nhiệt độ theo đó cũng tăng lên. Hệ lụy tiếp theo là mùa đông ấm dần lên, và các diện tích băng tiếp tục bị thu hẹp. Các nhà khoa học dự đoán trong vòng 10 - 60 năm tới, băng ở Biển Bắc sẽ không còn hiện diện vào mùa hè nữa.

Đảo băng Greenland và các dải băng ở Tây Nam Cực đang bị đe dọa


Vào những tháng mùa hè, băng trên đảo Greenland (thể tích khoảng 2,9 triệu kilômét khối) tan chảy và tạo thành những cái hồ trên bề mặt đảo băng này. Các nhà khoa học quan sát và nhận thấy nhiều hồ trong số này biến mất chỉ trong vòng 1 ngày, và họ cho rằng nước ở những hồ này đã thoát xuống phía dưới, làm trơn mặt đáy của những dòng sông băng, khiến những sông băng này trôi nhanh hơn ra biển nơi mà chúng nhanh chóng bị tách thành những tảng băng riêng lẻ rồi sau đó tan vào nước biển. Nhiều khu vực trên dải băng Tây Nam Cực cũng đang mỏng đi rất nhanh. Viễn cảnh xấu nhất mà chúng ta nên nghĩ đến là băng tan từ những khu vực này sẽ khiến nước biển dâng lên khoảng hơn 12m trong vòng 300 năm tới.

Khí nhà kính từ những tầng đất đóng băng vĩnh cữu


Những vùng đất đóng băng vĩnh cửu nằm ở Bắc Mỹ, Greenland, Châu Âu và Nga. Theo ước tính, có khoảng 1.672 triệu tấn carbon – hơn gấp đôi lượng carbon có trong khí quyển ngày nay - được lưu giữ trong các vật chất hữu cơ nằm trong các tầng đất này. Khi tầng đất đóng băng này tan, các khí nhà kính như CO2 và methane sẽ thoát vào khí quyển. Lúc ấy, những thực vật sinh sống ở những khu vực này sẽ không thể hấp thụ và chuyển hóa kịp lượng khí khổng lồ trên, hậu quả là trái đất sẽ càng ấm lên.


Hydrate khí thoát ra từ đáy đại dương


Các hydrate khí (còn gọi là băng cháy) là những tinh thể đóng băng của hợp chất gồm nước và các khí tự nhiên như methane. Chúng có mặt ở các lớp trầm tích ở độ sâu khoảng 500m hoặc hơn dưới mặt nước biển. Khi các hydrate khí này thoát ra ngoài do tác động của nhiệt độ hoặc các va chạm vật lý khác sẽ có thể gây những vụ nổ khổng lồ trong lòng đại dương và phóng thích khí methane vào khí quyển. Các nghiên cứu đã xác định, trong lịch sử trái đất đã trải qua thảm họa nói trên ít nhất là 2 lần – cách đây 180 triệu năm và 55 triệu năm, nguyên nhân đều do nhiệt độ trái đất khi đó quá ấm.

Thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch



Các nguyên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt tự nhiên, propane và than đá đã được con người khai thác và sử dụng rộng rãi hàng trăm năm qua. Chúng được dùng để tạo ra điện năng, làm nhiên liệu gia dụng, cung cấp năng lượng cho các phương tiện giao thông và dùng để sản xuất các sản phẩm khác như chất dẻo, nhựa đường, hóa mỹ phẩm, …Các nhà khoa học cho biết, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (thông qua việc đốt) đã thải ra khoảng từ 6,3-8,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm. Trong khi đó, hành tinh của chúng ta chỉ có khả năng hấp thụ và chuyển hóa ½ lượng khí thải trên. Như vậy mỗi năm bầu khí quyển lại ứ đọng khoảng hơn 3 tỉ tấn khí thải nhà kính.


Các khu rừng đang kêu cứu


Ảnh chụp một khu lưu vực vùng Amazon từ vệ tinh vào các năm 1975, 1989, 2001. Từ trái qua phải, những hình ảnh này cho thấy quá trình đô thị hóa diễn ra ở khu vực trước đây là rừng rậm.
Các khu rừng trên hành tinh của chúng ta có một sứ mạng đặc biệt, đó là hấp thụ và chuyển hóa khí CO2. Tuy nhiên, do các hoạt động khai thác rừng bừa bãi, các hoạt động nông nghiệp và những hoạt động khác của con người mà diện tích rừng trên trái đất đang ngày một teo nhỏ. Lấy ví dụ, khu rừng mưa Amazon sẽ có nguy cơ biến mất trong vòng 50 năm tới nếu con người tiếp tục tàn phá như hiện nay. Châu Phi – nơi 90% dân số sử dụng nhiên liệu khai thác từ rừng - là nơi nạn phá rừng diễn ra khốc liệt nhất với tỷ lệ gấp đôi tỷ lệ phá rừng của thế giới. Và như một hệ quả tất yếu, mất rừng sẽ đồng nghĩa với mất các “nhà máy” xử lý CO2, và trái đất tiếp tục nóng lên.

Hiện tượng El Nino ngày càng phổ biến


Ngày nay, El-Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên khác thường của nước biển. Hiện tượng El-Nino thường lặp lại với chu kỳ từ 8 đến 11 năm, chu kỳ ngắn hơn là 2 đến 3 năm. Giữa các thời kỳ nóng lên bất thường này, đôi khi còn xảy ra hiện tượng ngược lại, nước biển lạnh đi còn gọi là La-Nina.

Khi xuất hiện, ngoài việc ảnh hưởng đến các hoạt động đánh bắt cá, El-Nino gây ra những thiên tai nặng nề như mưa lớn, bão, lũ ở những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp, hay hạn hán, cháy rừng ở vùng khác, làm thiệt hại lớn về người, thảm hoạ về kinh tế - xã hội và đặc biệt là những thiệt hại không thể khắc phục về môi trường.

Các khối nước sâu đang thay đổi


Nước ở tầng đáy đại dương luôn luân chuyển vòng quanh trái đất tựa như một dải băng chuyền khổng lồ. Các tầng nước ấm trên bề mặt di chuyển lên phía bắc vào Đại Tây Dương để rồi sau đó nguội đi và chìm xuống tầng dưới. Sau quá trình làm nguội này, các dòng nước này di chuyển xung quanh khu vực ngoài khơi Châu Phi, ở đây chúng lại được làm ấm và trồi lên bề mặt khi trôi xuống Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Các nhà khoa học dự đoán trong vòng 100 năm tới, hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ can thiệp vào quá trình hình thành các tầng nước sâu này. Một lượng lớn nước tan ra từ các sông băng cộng với nhiệt độ ngày một tăng cao sẽ là thay đổi nghiêm trọng quy trình vận hành của thời tiết, gây ra những biến đổi khí hậu sâu sắc trên phạm vi toàn thế giới.


Các đại dương bị axit hóa và giảm hàm lượng oxy


Các đại dương trên trái đất có thể ví như những bể chứa carbon vì khí CO2 từ khí quyển bị nước biển hấp thụ. Vì vậy, với lượng CO2 khổng lồ trong khí quyển như hiện nay, càng ngày nước biển càng bị axit hóa. Nước biển bị axit hóa sẽ làm tổn thương đến đời sống ở các rạn san hô cũng như đời sống của các sinh vật biển nói chung, mà tổn thương nghiêm trọng nhất là làm đứt gãy chuỗi thức ăn ở các vùng biển. Khi các đại dương ấm lên do khí hậu thay đổi, khả năng hòa tan CO2 của nước biển sẽ giảm do khí này khó hòa tan hơn trong nước ấm. Do đó, khí nhà kính này sẽ tồn ứ ngày một nhiều trong khí quyển và tiếp tục gây ra các hậu quả dây chuyền.
Theo: http://www.vn24g.com
Share on :