Trái đất đang nóng lên là một hiểm họa vô cùng to lớn. Theo Tổ chức Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì sự nóng lên của khí hậu trái đất không còn đơn thuần là vấn đề môi trường mà đã trở thành vấn đề của sự phát triển. Sự biến đổi diễn ra trên toàn cầu, trong các khu vực, bao gồm cả các thay đổi trong thành phần hóa học của khí quyển, biến đổi nhiệt độ bề mặt, nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai tăng lên đáng kể về số lượng và cường độ.
Những nghiên cứu cổ sinh khí hậu đã khẳng định rằng hàng ngàn năm trước thời kỳ tiền công nghiệp, khí hậu đã không bị nóng lên. Nhưng xu thế đó đã thay đổi, đặc biệt trong những thập niên gần đây. Theo tính toán của IPCC, trong những thập niên gần đây, nhiệt độ tăng trung bình 0,30 mỗi thập niên. Đến năm 2100, nhiệt độ bề mặt có thể tăng từ 1,50C đến 4,50C. Mưa trở nên thất thường hơn.
Những vùng mưa nhiều, lượng mưa trở nên nhiều hơn, cường độ mưa lớn hơn. Các vùng hạn trở nên hạn hơn. Toàn bộ mặt đệm, cả mặt đất và đại dương đều nóng lên, đặc biệt là ở vĩ độ cao dẫn đến hiện tượng tan băng hai vùng cực, gây nên hiện tượng nước biển dâng. Tần suất và cường độ hiện tượng El Nino tăng đáng kể, gây lũ lụt và hạn hán ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới.
Cùng với sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, sự thay đổi về mưa và sự bốc hơi là sự suy thoái của tầng ôzôn bình lưu làm tăng bức xạ cực tím mặt trời trên trái đất, gây ra những ảnh hưởng lớn cho loài người. Ngược lại, bản thân sự tồn tại và phát triển của các ngành kinh tế - xã hội cũng làm biến đổi môi trường xung quanh, tác động đến hệ thống khí hậu. Nguyên nhân chính của sự nóng lên của trái đất là do sự gia tăng đáng kể nồng độ khí nhà kính nhân tạo trong khí quyển, làm thay đổi khả năng hấp thụ và phản xạ bức xạ của khí quyển.
Những biến đổi khí hậu đã làm tăng các hiện tượng nguy hiểm. Tần suất và cường độ các hiện tượng bão, mưa lớn, nhiệt độ cao, hạn hán ở Việt Nam tăng hơn nhiều trong thập niên vừa qua.
Nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,10C trong mỗi thập kỷ, nhiệt độ trung bình một số tháng mùa hè tăng khoảng 0,1-0,30C mỗi thập kỷ. Về mùa đông, nhiệt độ giảm đi trong các tháng đầu mùa và tăng lên trong các tháng cuối mùa. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè có xu thế tăng rõ rệt trong khi nhiệt độ trung bình của các tháng khác không tăng hoặc giảm chút ít, dẫn đến nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng lên. Ví dụ điển hình là đợt nắng nóng đầu mùa vừa qua với nhiệt độ nhiều nơi lên đến hơn 400C.
Cùng với nắng nóng là hạn hán. Trong những năm qua, ở Nam Bộ và Tây Nguyên hầu như năm nào cũng có hạn hán. Theo thống kê, các thập kỷ gần đây hạn hán có xu hướng gia tăng hơn so với các thập kỷ trước.
Xu thế biến đổi của lượng mưa không nhất quán giữa các khu vực và các thời kỳ. Sự thay đổi về tổng lượng mưa tăng và mưa năm không thể hiện xu thế tăng hay giảm nhưng cường độ mưa đang có xu hướng tăng lên rõ rệt.
Sự biến đổi bất thường của khí hậu được biểu hiện rõ trong thời gian vừa qua. Ngay tại Hà Nội, trong đợt nắng nóng khoảng 4-5 ngày đã bất ngờ có giông, mưa với cường độ mạnh (hơn 101mm) kèm theo mưa đá. Theo nhiều chuyên gia về khí tượng thủy văn, năm 2005 sẽ là năm có nhiều biến đổi bất thường về khí hậu ở Việt Nam.
Đáng lưu ý, tần suất và cường độ El Nino (hiện tượng gây nắng nóng, hạn hán ở Việt Nam) tăng lên rõ rệt trong những năm cuối thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này. Trong 5 thập kỷ gần đây, hiện tượng ENSO (bao gồm cả hiện tượng El Nino và hiện tượng La Nina - hiện tượng mưa nhiều, mưa lớn ở Việt Nam) ngày càng có tác động mạnh mẽ đến chế độ thời tiết và đặc trưng khí hậu trên nhiều khu vực của Việt Nam. Những ảnh hưởng của ENSO đến thời tiết, khí hậu nước ta thông qua một cơ chế tác động phức tạp giữa các thành phần hoàn lưu khí quyển và biển khu vực châu á-Thái Bình Dương, gây ra những biến đổi dị thường về khí áp, nhiệt độ, lượng mưa và nhiều hiện tượng thời tiết thủy văn quan trọng khác như bão, lũ, hạn hán...
Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á với hơn 3.000 km bờ biển và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ. Khí hậu Việt Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa nhiệt đới nóng và ẩm, là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Những vùng kinh tế trọng yếu nằm ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long lại là những vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các thiên tai về nước. Những chiến lược thích nghi về biến đổi khí hậu của Việt Nam là cần thiết và phải thay đổi khái niệm thích nghi từ bị động thành chủ động ra quyết định. Trọng tâm nhất của những chọn lựa thích nghi là nhằm vào những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng như tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, những vùng ven biển, năng lượng, giao thông vận tải và y tế.
HNM