Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Sự gắn kết chặt chẽ giữa các Bộ liên quan
Trong nhiều năm qua, sáng kiến về chính sách QLTHĐB đã được xây dựng ở Hà Lan bởi các Bộ liên quan đến đới bờ. Các Bộ liên quan có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng tầm nhìn chung và thảo luận các vấn đề đới bờ bằng nhiều hành động thiết thực.
Ví như, văn bản "Tương lai đới bờ" được xây dựng năm 1999 có những cam kết và chương trình hành động cụ thể, giúp hài hòa lợi ích nhờ sự hợp tác, tham gia góp ý giữa các Bộ: Xây dựng Nhà ở (quy hoạch không gian và môi trường, cấp nước), Giao thông, Công chính và Quản lý nước (bảo vệ bờ biển, chất và lượng nước, giao thông đường thủy và đường bộ, cơ sở hạ tầng), Nông Nghiệp, Quản lý Thiên nhiên và Thủy sản (đánh bắt ven bờ, bảo tồn thiên nhiên, nghỉ dưỡng, cảnh quan), Bộ Kinh tế (du lịch ven biển, cảng, công nghiệp, thăm dò và khai thác khoáng sản, khí đốt, dầu). Các Bộ đã rất nỗ lực hợp tác, nêu bật các đặc điểm của đới bờ như khả năng phục hồi, tính liên kết và độ thoáng của biển, sự an toàn của vùng nội địa, sự có mặt của vùng nền cát ven biển, để việc xây dựng và thực hiện chính sách quản lý có hiệu quả.
Tìm giải pháp đồng bộ
Vùng bờ của Hà Lan cũng phải hứng chịu áp lực về suy thoái môi trường biển ngày càng gia tăng từ hai phía biển và đất liền. Áp lực từ biển sẽ tăng lên do khả năng dâng cao của mực nước biển gây xói lở, mất môi trường sinh thái ven bờ. Áp lực từ phía đất liền cũng tăng lên do gia tăng dân số, sử dụng tăng cường các vùng đất và phát triển kinh tế. Điều này đã gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển bền vững các nguồn tài nguyên trong vùng đất thấp của Hà Lan hiện nay và cả trong tương lai.
Sau một quá trình chuẩn bị, Bộ Quy hoạch Nhà ở, Sức khỏe và Môi trường bắt đầu triển khai Chương trình ROM - Rijnmond (vùng Rotterdam mở rộng) dài hạn và toàn diện, như là một trong mười Chương trình đồng bộ về nâng cao sức khỏe và môi trường dành cho các khu vực có hoạt động sử dụng tài nguyên môi trường biển phức tạp ở Hà Lan.
Mục tiêu chính của thỏa ước "ROM - Rijnmond - Rotterdam mở rộng" là không ngừng nâng cao hiệu quả năng suất cảng Rotterdam một cách bền vững, kết hợp các nỗ lực nhằm tăng giá trị lợi nhuận và giảm sử dụng nguyên liệu thô và năng lượng, giảm thiểu tải lượng ô nhiễm vào không khí, nước, đất và cơ thể các loài sinh vật. Hướng tới cung cấp không gian làm việc, giải trí và bảo tồn thiên nhiên vùng ven biển.
Tỉnh trưởng tỉnh Nam Hà Lan, Chủ tịch Phòng Thương mại Rotterdam, các thị trưởng của 17 thị trấn xung quanh và đại diện của 600 công ty khu cảng biển Rotterdam đã ký thỏa ước sử dụng nguồn ngân sách 7 tỷ Euro để thực hiện 28 dự án trong 17 năm của Chương trình ROM - Rijnmond (1993-2010). Kết quả đạt được mang tính tổng hợp của ba lĩnh vực quan tâm rất khả quan, đó là: Mô hình Nuôi bờ/bãi bằng cát (bảo vệ bờ biển) đã đem lại lợi ích cả về mặt sinh thái và kinh tế cho quốc gia, giải quyết vấn đề xói lở đê chắn sóng phía Bắc cảng Rotterdam; Nâng cao chất lượng môi trường bằng cách thực hiện tốt các dự án làm sạch vùng ô nhiễm ở khu vực hạ lưu (giảm phát thải) và mở rộng cảng, khôi phục và cải tạo đất nhằm giải quyết vấn đề thiếu không gian làm việc, sinh sống và xây dựng vành đai xanh ven biển.
Tận dụng "sức mạnh" của cam kết quốc tế
Hà Lan, nơi phải hứng chịu khá nhiều các chất gây ô nhiễm đổ dồn từ các sông của châu Âu do vùng đất trũng. Do đó, chính quyền địa phương đã triển khai đồng thời hai mặt trận. Làm sạch các vùng ô nhiễm ở khu vực hạ lưu trong phạm vi lãnh thổ đồng thời cố gắng giảm thải lượng thượng lưu thông qua các cuộc đàm phán về lưu vực ở sông Rhine + Meuse + Scheldt ở cấp quốc tế, Bộ/ngành mang tính lâu dài.
Một chính sách giảm phát thải hợp tác song phương giữa Hà Lan và các nước trong khu vực ra đời, ngay lập tức đã giảm được 70% Cd (Cadmi chất cực độc đối với cơ thể con người) và 50% PCBs (chất hữu cơ khó phân hủy) trong tải lượng rắn lơ lửng đưa vào đới bờ biển Hà Lan nhờ việc giảm chúng ngay tại các nguồn phát thải, điều này đã được khẳng định qua điều tra quan trắc môi trường trong không khí; nơi đổ vật liệu nạo vét; trong tải lượng vào các con sông Hà Lan và trong tải lượng qua kênh English.
Cách tiếp cận tổng hợp với sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyển cấp thành phố, tỉnh, quốc gia và quốc tế đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc giảm thiểu các mối đe dọa đối với bờ biển. Nhờ việc xác định chiến lược tổng thể cấp vĩ mô, xây dựng kế hoạch làm việc cho các bên tham gia và cung cấp nguồn vốn để triển khai thực hiện các hoạt động tại đới bờ đã đưa Hà Lan trở thành điểm trình diễn mô hình này hiệu quả nhất hiện nay.
Theo monre.gov.vn