Xây dựng mô hình số độ cao để giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Bộ TN&MT đang xây dựng mô hình số độ cao độ chính xác cao tại khu vực đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và phía Nam đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, để giám sát mực nước biển dâng với độ chính xác tới cm.
http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/05/09/11/16/1336536999266260649_574_574.jpg
Xây dựng mô hình số độ cao để giám sát biến đổi khí hậu



Theo Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM là các khu vực cần thiết phải sớm triển khai mô hình số độ cao. Đây là những khu vực có độ cao trung bình dưới thấp (dưới 2m so với mực nước biển) và tập trung các khu kinh tế trọng điểm và nhiều ngành công nghiệp trọng yếu.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất gạo chủ lực của cả nước, diện tích trồng lúa và sản lượng thu hoạch chiếm 50% so với cả nước. Song đây lại là khu vực có độ cao trung bình thấp nhất cả nước do vậy có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù trước đây khu vực này đã được xây dựng mô hình số độ cao trong Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình thủy văn cơ bản phục vụ phòng chống lũ lụt và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng Sông Cửu Long nhưng độ chính xác đạt được chỉ là 0,4m.
Riêng TP.Hồ Chí Minh là một trong các tỉnh của khu vực Đông Nam Bộ, có nhiều vùng đất thấp. Đây là khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm nhưng lại thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường.
Các khu vực đất thấp dọc ven biển miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Bà Rịa - Vũng Tàu đều là những khu vực thuận lợi canh tác nông nghiệp, tập trung dân cư đông đúc, các đô thị lớn như thành phố Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết… là những trung tâm kinh tế văn hóa của khu vực, của tỉnh. Thế nhưng, hậu quả khi nước biển dâng 1m với các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Việt Nam dự báo khoảng 22 triệu người phải di dời; thu hẹp không gian sống và canh tác ở hạ lưu hầu hết các con sông lớn; các thành phố và khu công nghiệp ở khu vực ven biển bị úng lụt, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học vùng ven biển.

Đã xây dựng xong lưới độ cao


Dự án Xây dựng mô hình số độ cao độ chính xác cao khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam xây dựng đã được Bộ TN&MT phê duyệt vào ngày 4/8/2011.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, Dự án Xây dựng mô hình số độ cao, đồng thời xây dựng một số lưới độ cao độ chính xác cao. Việc xây dựng lưới độ cao sẽ đảm bảo cho công tác quan trắc đo nối tới các trạm nghiệm triều đang được xây dựng với mật độ giãn cách trung bình từ 300km - 500km/điểm dọc theo ven biển.
Theo đó, trên cơ sở các lưới độ cao gốc hiện có như lưới độ cao gốc Đồ Sơn, Vũng Tàu và Hà Tiên, sẽ bổ sung xây dựng thêm 3 lưới độ cao độ chính xác cao (hạng II) tại Quảng Nam, Bến Tre và Cà Mau là các khu vực bị ảnh hưởng nhiều do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ông Phan Ngọc Mai, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, Cục đã thực hiện xong hạng mục công việc xây dựng lưới độ cao độ chính xác cao các khu vực, bao gồm: Xây dựng lưới độ cao hạng II phục vụ xây dựng mô hình số độ cao độ chính xác cao khu vực tỉnh Quảng Nam, khu vực tỉnh Cà Mau và khu vực tỉnh Bến Tre. Trong đó, khu vực Quảng Nam đã thực hiện xong từ năm 2011 bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của Bộ với giá trị 1,8 tỷ đồng, hai khu vực còn lại hiện chưa được cấp vốn.
Tại các khu vực xây dựng mô hình số độ cao sẽ đồng thời tiến hành chụp ảnh hàng không để thu nhận được bộ bình đồ ảnh mầu dạng số có độ phân giải mặt đất cao (0,2m).
Đồng thời, sẽ tiến hành bay quét LiDAR kết hợp chụp ảnh số tại các vùng Đồng bằng sông Hồng (9288km2), vùng ven biển miền Trung và TP. Hồ Chí Minh (6461km2) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13666km2) với độ cao bay dưới 1000m phục vụ xây dựng mô hình số độ cao có độ chính xác từ 0,2m đến 0,4m, trong đó các khu vực đô thị, đồng bằng, vùng không bị sình lầy, thực phủ che phủ ven biển có độ chính xác từ 0,2m - 0,3m; khu vực sình lầy, ngập nước, thực phủ che khuất có độ chính xác từ 0,3m - 0,4m.
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là thiếu kinh phí. Nếu được cấp vốn, Cục sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình số độ cao hai khu vực trọng điểm là TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2012 và kết thúc vào năm 2013.

Dựa theo: monre.gov.vn
Share on :