Đất ngập nước và Biến đổi khí hậu

Đất ngập nước (ĐNN) có vai trò rất quan trọng đối với tự nhiên và đời sống xã hội. ĐNN cung cấp cho con người lương thực, thực phẩm, có vai trò như bể hấp thụ và bể chứa cacbon, điều hòa dòng chảy, kiếm soát lũ lụt, chống sói lở, dự trữ năng lượng, và duy trì  tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH).  Việt Nam có mức độ Đa dạng sinh học nói chung, đa dạng sinh học đất ngập nước nói riêng rất cao gồm 68 kiểu ĐNN với tổng diện tích khoảng 10 triệu héc ta, trong đó đất ngập nước trồng lúa chiếm khoảng 4,1 triệu ha.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu do bị khái thác quá mức, sự chuyển đổi các HST rừng ngập mặn tự nhiên sang các vùng nuôi tôm công nghiệp, các HST ĐNN bị suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng là một trong số rất ít quốc gia được dự đoán sẽ chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.
BĐKH và ĐNN có sự tương tác mật thiết với nhau. Một mặt, dưới tác động của BĐKH, các HST đất ngập nước chịu những rủi ro nặng nề nhất, so với các HST trên cạn và biển; nhưng mặt khác nếu được quản lý tốt các HST ĐNN và ĐDSH của nó sẽ có vai trò lớn trong giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Trong bài viết các vấn đề sau được nêu ra và thảo luận: i) ĐNN, ĐDSH và các dịch vụ HST ĐNN; ii) Tác động của BĐKH tới các HST ĐNN; iii) Vai trò của ĐNN trong giảm nhẹ BĐKH, iv) Vai trò của ĐNN trong thích ứng với BĐKH và v) Một số khuyên nghị về bảo tồn ĐNN trong khung cảnh BĐKH.
Đặt vấn đề
“Đất ngập nước là những vùng đầm lầy, than bùn hoặc vùng nước tự nhiên hay nhân tạo, thường xuyên hay tạm thời, có nước chảy hay nước tù, là nước ngọt, nước lợ hay nước biển, kể cả những vùng nước biển có độ sâu không quá 6m khi triều thấp” (Ramsar, 1971).
Đất ngập nước (ĐNN) có vai trò quan trọng đối với tự nhiên và con người, tuy nhiên trong thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do bị khai thái quá mức,  các hệ sinh thái ĐNN bị suy thoái nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu gây ảnh hưởng về nhiều mặt tới tự nhiên và đời sống xã hội.
Gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), một mặt, các HST đất ngập nước chịu những rủi ro nặng nề nhất, so với các HST trên cạn và biển (MA, 2005; 2010), nhưng mặt khác nếu được quản lý tốt các HST ĐNN và ĐDSH của nó sẽ có vai trò lớn trong giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.
Bài viết này nhằm khái quát sự tương tác nhiều chiều của các HST ĐNN với BĐKH, và một số suy nghĩ về các giải pháp cần làm để bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN trong khung cảnh BĐKH hiện nay.
1.Khái quát về Đất ngập nước
ĐNN chiếm khoảng 6 % diện tích đất nội địa của Trái đất và là các HST có năng suất cao nhất, đem lại cho xã hội những giá trị to lớn về mặt sinh thái và kinh tế. Đất ngập nước rất đa dạng, bao gồm khoảng 39 kiểu HST (ĐNN biển và ven biển: 11 kiểu; ĐNN nội địa: 19 kiểu; ĐNN nhân tạo: 9 kiểu) (Hình 1).
Những lợi ích mà ĐNN đem lại cho con người là vô cùng to lớn và rất cần thiết để đảm bảo an ninh của nhân loại trong tương lai (MEA Board, 2005, Ramsa, 2007). ĐNN cung cấp cho con người lương thực, thực phẩm, có vai trò như bể chứa cacbon, điều hòa dòng chảy, kiếm soát lũ lụt, chống sói lở, dự trữ năng lượng, và duy trì  tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) với tổng lợi ích đem lại cho con người khoảng 14 ngàn tỷ US$ (trillion) hàng năm.
Hình 1. Bản đồ đất ngập nước toàn cầu
Trong thời gian vừa qua, do các nguyên nhân khác nhau, ĐNN bị suy thoái trầm trọng, trầm trọng hơn bất kỳ một loại HST nào trên phạm vi toàn cầu (The UNMillennium Ecosystem Assessment, 2010). Các số liệu thống kê đáng tin cậy cho thấy rằng, chúng ta đã mất 50% ĐNN trên phạm vi toàn cầu và đang tiếp tục bị mất nữa, nhất là ở các nước đang phát triển.
Gần đây, BĐKH đã và đang trở thành một yếu tố chính làm suy thoái các HST ĐNN và qua đó tác động tới các yếu tố gây suy thoái khác trong suốt thế kỷ này (Ramsar WWD2010 leaflet).
ĐNN/ĐDSH và BĐKH có sự tương tác lẫn nhau. BĐKH đe dọa các HST  ĐNN quan trọng. Dưới tác động của BĐKH, các HST này đã thực sự bị suy thoái nhanh hơn các HST khác. Ngoài tác động trực tiếp tới các quần xã sinh vật, BĐKH còn làm vấn đề trầm trọng hơn bởi vì nó tác động tới tài nguyên nước – yếu tố đặc trưng nhất của HST ĐNN..
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, các HST ĐNN và ĐDSH của nó có vai trò lớn trong việc giảm nhẹ BĐKH và là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho cộng đồng thích ứng với BĐKH thông qua chức năng của HST này là  đảm bảo nguồn nước và an ninh lương thực cho con người (MEA Board, 2005; 2010). Vì vậy, bảo tồn ĐNN đã được khẳng định là một giai pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH, trong đó duy trì ĐDSH của các HST sẽ làm tăng tính thích ứng (resilience) của các HST ĐNN đối với sự thay đổi và những áp lực tác động của tự nhiên và do con người.
Trong các hội nghị gần đây liên quan đến các công ước ĐDSH, Ramsa và BĐKH đều đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động về  “ĐNN, Nước, ĐDSH và BĐKH” (CBD/Ramsa Joint Workplan, 2007; CBD- COP 10, 2010), rằng quản lý nguồn tài nguyên quí giá này là một phức hệ của các giải pháp và là một cơ hội để tiếp cận với tự nhiên và quản lý một nguồn tài nguyên thiên nhiên (TNTN) từ các góc độ khác nhau trong các chương trình R&D về môi trường, tài nguyên và PTBV.
2. Đất ngập nước ở Việt Nam
2.1. Các kiểu HST ĐNN
Là một quốc gia nằm ở trung tâm Đông Nam Á (ĐNA), với bờ biển dái 3260 km chạy qua suốt 15 vĩ độ, Việt Nam có các HST ĐNN rất phong phú và đa dạng (Hình 2). Ở Việt Nam có 68 kiểu ĐNN, trong đó có nhiều khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế như: Hồ Ba Bể (Vườn quốc gia Ba Bể), khu cửa sông Hồng Tiền Hải, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau và khu đất ngập nước Côn Đảo (Hội nghị Đất ngập nước châu Á lần thứ tư tại Hà Nội, 23-25/6/2008) (Hình 2).
Đất ngập nước được chia thành  2 nhóm: Đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển. Đất ngập nước nội địa có mặt ở cả 3 miền và các vùng sinh thái, đa dạng về kiểu loại, hình thái, tài nguyên, chức năng và giá trị đa dạng sinh học, ví dụ như HST sông, hồ, đồng bằng/nông nghiệp. Đất ngập nước ven biển gồm đất ngập nước cửa sông, bãi triều, đầm phá và vùng nước biển có độ sâu 6 m khi triều kiệt, ví dụ như hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển… Tổng diện tích ĐNN của Việt Nam khoảng 10 triệu héc ta, trong đó đất ngập nước trồng lúa chiếm khoảng 4,1 triệu ha.
Từ năm 1989, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới tham gia Công ước Ramsar. Trong những  năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu, kiểm kê, xây dựng các công cụ và kỹ thuật khác nhau để bảo tồn, sử dụng, quản lý đất ngập nước theo tinh thần của Công ước Ramsar.
Đất ngập nước,hệ sinh thái, đa dạng sinh học
Hình 2. Một số kiểu/hệ sinh thái đất ngập nước 
(Chaobuoisang.net-A, baobinhdinh.com.vn – B; tinkinhte.com – C; vn.wz.cz – D)
2.1.1. Các HST lưu vực sông
Nước ta có 2.360 con sông với chiều dài từ 10km trở lên và 26 phân lưu của các sông lớn. Trong đó 9 sông có lưu vực lớn hơn 10.000km2 là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng – Bằng Giang, sông Mã, sông Cả, sông Thu Bồn, sông Ba, sông Seprok – Sê San, sông Đồng Nai và sông Cửu Long (Hình 3).
Hình 3. Các Lưu vực sông chính của Việt Nam
Nguồn: Văn phòng Hội đồng Quốc gia về Tài Nguyên nước, 2009
Sông ngòi nước ta có lượng nước phong phú với tổng lưu lượng trung bình đạt 26.600m3/s tương đương với tổng lượng nước là 839 tỷ m3/năm. Trong đó, phần nước sinh ra trong lãnh thổ là 323 tỷ m3, chiếm 38,5%; còn phần từ bên ngoài chảy vào lãnh thổ nước ta là 516 ty m3/năm, chiếm 61,5%. Riêng lượng nước từ Việt Nam chảy sang các nước xung quanh là 8,92 tỷ m3/năm, chiếm 1,1% tổng lượng nước. Trong tổng lượng nước nói trên, phần chảy mặt là 637 tỷ m3/năm, chiếm 76%, còn dòng chảy ngầm là 202 tỷ m3/năm, chiếm 24%.
Tuy nhiên, lượng nước trên được phân bổ rất không đều giữa các hệ thống sông. Tồng lượng dòng chảy năm của sông Mê Kông khoảng 500km3 (chiếm tới 59% dòng chảy năm của toàn Việt Nam), sông Hồng là 126,5 km3 (14,9%), và các hệ thống khác còn lại là 24,5% (trong số đó hệ thống sông Đồng Nai là 36,3km3 (4,3%) , hệ thống sông Cả là 2,9 % ) (Bộ TN&MT, 2005, 2010).
2.1.2. Các HST  hồ
Nước ta có nhiều hồ tự nhiên như hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, với diện tích khoảng 5km2; Hồ Tây ở Hà Nội, 4,5km2; Biển Hồ ở Gia Lai, 8km2; hồ Lắk ở Đắk Lắk, 10kmv.v.
Ngoài các hồ tự nhiên, ở nước ta cũng đã xây được rất nhiều hồ chứa nước nhân tạo ở khắp mọi vùng đất nước. Trong thời gian qua đã có hơn 10.000 hồ chứa các loại đã được xây dựng với tổng dung tích hữu ích khoảng 37.000 triệu km3, chiếm 4,4% tổng lượng dòng chảy năm trung bình giai đoạn 1977-2008 của các sông suối. Trong đó, có 7 hồ với dung tích trên 500 triệu m3 là Hoà Bình, 5.680 triệu m3, Trị An, 2.547 triệu m3; Thác Bà, 2.160 triệu m3; Thác Mơ 1.311 triệu m3; Dầu Tiếng 1.111 triệu m3; Yaly, 779 triệu m3; Hàm Thuận – Đa Mi, 535 triệu m3.
Tổng dung tích hữu ích của hồ chứa trong hệ thống sông Hồng-Thái Bình (thuộc lãnh thổ Việt Nam) chiếm trên 45%, hệ thống sông Đồng Nai – 22%, mỗi hệ thống sông Cả, Ba và sông Sê San – 7% tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa trong cả nước.
Theo điều tra, thống kê gần đây nhất, trên địa phận 43 tỉnh, thành phố đã có trên 2.900 hồ chứa có dung tích từ 0,5 triệu mtrở lên đang vận hành, đang được xây dựng hoặc đã có  quy hoạch với tổng dung tích khoảng 65 tỷ m3, tổng công suất lắp máy khoảng 21.999 MW. (Cục quản lý tài nguyên nước, 2009).
Nói chung, các hồ ở nước ta là nơi chứa và dự trữ nước mặt quan trọng, có vai trò trong điều hòa dòng chảy, phục vụ thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy, phát điện đồng thời cũng góp phần điều hòa khí hậu, tạo nên cảnh quan đẹp phục vụ cho nghỉ ngơi, an dưỡng, du lịch.
2.1.3. Các HST đồng bằng
Đồng bằng ở Việt Nam chỉ chiếm ¼ diện tích đất liền cả nước. Vùng đồng bằng có địa hình thấp và tương đối phẳng với hai đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu là đồng bằng sông Hồng (16.700 km2) và đồng bằng sông Cửu Long (40.000 km2). Ngoài ra còn một dải đồng bằng hẹp ven biển miền Trung, từ đồng bằng thuộc lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) đến Phan Thiết với tổng diện tích 15.000 km2. Phần lớn các đồng bằng nước ta là đồng bằng châu thổ, được bồi đắp bằng phù sa của các dòng sông lớn nên đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Việt Nam là quê hương của lúa nước và sản lượng lúa tăng đều trong những năm qua, đạt kỷ lục là  42 triệu tấn lúa trong năm 2011 tăng khoảng 5% so với năm 2010. Lượng gạo dự kiến xuất khẩu hàng năm đạt tới 7,5 triệu đến 8 triệu tấn (hai nước đứng đầu thế giới là Thại Lan và Việt Nam).
Tuy nhiên, do địa hình khá phẳng, nên khí hậu và đất đai của đồng bằng khá đồng nhất và chịu sự tác động trực tiếp của biển. Đây là những đặc điểm khiến hai vùng đồng bằng lớn của nước ta có độ rủi ro cao dưới tác động của BĐKH hiện nay.
2.1.4. Đất nhập nước ven biển
ĐNN ven biển rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều kiểu HST khác nhau (Hình 4, Bảng1).
Ven biển có nhiều đầm, phá, bàu, trằm. Đáng chú ý là các đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế), có diện tích mặt nước 216km2; Thị Nại (Bình Định), 45km2; Trường Giang (Quảng Ngãi), 36,9km2l; Cù Mông (Phú Yên), 30,2km2; Nước Ngọt (Bình Định), 26,5km2; Thuỷ Triều (Khánh Hoà), 25,5km2; Ô Loan (Phú Yên), 18,0km2; Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), 16,0km2; Trà Ổ (Bình Định), 14,4km2; Đầm Nại (Ninh Thuận), 12,0km2 (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, 2004.
Nguồn: Bộ TN&MT, 2007 
Hình 4. Đất ngập nước ven biển Việt Nam:
Sơ đồ các vùng ĐNN ven biển (A),
Bản đồ ĐNN ven biển lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam (B)
Bảng 1. Diện tích (ha) một số kiểu ĐNNVB của Việt Nam
Ghi chú:
* Diện tích RNM của các tỉnh ven biển năm 2005 theo báo cáo kết quả khảo sát nhiệm vụ “Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khôi phục và PTBV HST RNM ven biển Việt Nam” của Bộ NN&PTNN, 2007.
** Diện tích NTTS mặn, lợ của các tỉnh ven biển năm 2003 theo Bộ thủy sản, 2004.
*** Diện tích đất làm muối của các tỉnh ven biển năm 2005 theo Quyết định số 272/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27-2-2007 về việc phê duyệt kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, 2005; Đăng Duy Lợi và NNK, 2005; Bộ TN&MT, 2005; Trần Đức Hạ và nnk, 2009; Văn phòng Hội đồng Quốc gia về Tài Nguyên nước, 2009; Nguyễn Thanh Sơn, 2010; Trần Thanh Xuân và nnk, 2011, Trương Quang Học 2011).
Trong những năm gần đây, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước, một diện tích rất lớn đất ngập nước đã bị chuyển hóa sang mục đích sử dụng khác; tính chất, giá trị của đất ngập nước vì vậy bị mai một. Đồng thời, sự phát triển này đã làm cho môi trường VN nói chung, đất ngập nước nói riêng đang có chiều hướng xấu đi do chất thải công nghiệp, ô nhiễm dầu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất hữu cơ và các chất độc hại trong khai thác tài nguyên.
2.2. Vai trò của ĐNN
Đất ngập nước Việt Nam có vai trò rất quan trọng về mặt sinh thái và kinh tế. Một cách khái quát, có thể phân tích vai trò của ĐNN  theo các dịch vụ HST như sau:
a. Dịch vụ cung cấp
Các HST ĐNN cung cấp nhiều loại sản phẩm cho cuộc sống, trong đó quan trọng là:
i)Cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất: Tài nguyên nước ngọt được lưu trữ trong các sông ngòi, hồ ao;
ii)Cung cấp lương thực, thực phẩm: các thủy hải sản nước ngọt và nước lợ và nước mặn ven bờ, lúa gạo, đặc biệt là ở hai đồng bằng lớn nhất cả nước (ĐBS Hồng và ĐBS Cửu Long).
b. Dịch vụ Điều hòa:
i) Điều hòa nguồn nước, khí hậu: Các hồ tự nhiên và đặc biệt là các hồ chứa nhân tạo có vai trò lớn trong dự trữ và điều hòa nguồn nước,  tích lũy và hạn chế ô nhiễm môi trường, điều hòa khí hậu, duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường như lọc nước thải, điều hoà dòng chảy (giảm lũ lụt và hạn hán), chống xói lở bờ biển, ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp, tích luỹ nước ngầm.
ii) Giảm nhẹ thiên tai: Rừng ngập mặn có vai trò trong giảm nhẹ tác động của bão lụt,
c. Dịch vụ Văn hóa-tinh thần:
Các HST đất ngập nước bao gồm các bải biển, các vùng hồ… tao lên những cảnh quan đặc biệt ngoạn mục và trong lành, rất thuận lợi cho các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sáng tác. Du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
d. Dịch vụ hỗ trợ:
Cùng với các HST trên đấy liền và biển, HST đất ngập nước giữ vai trò đặc biệt cho các chức năng hỗ trợ, đảm bảo cho sự tuần hoàn của các chu trình sinh địa hóa, chu trình năng lượng của tự nhiên. Các vùng đất ngập nước tạo môi trường thuận lợi cho việc lắng đọng phù sa, góp phần ổn định và mở rộng bãi bồi.
Nói một cách khái quát, ĐNN có vai trò rất quan trọng trong phát tiển kinh tế-xã hội và anh nình quốc phòng.
2.3. Sự suy thoái của ĐNN
Trong thời gian qua, do những lý do khác nhau, các HST ĐNN bị suy thoái nghiêm trọng:
a. Rừng ngập mặn, trong gần 5 thập kỷ qua, diện tích đã giảm hơn 70%  do chất độc hóa học (trước đây) và phong trào nuôi tôm công nghiệp (gần đây).
Hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản cũng bị suy thoái và là một trong những vấn đề môi trường bức súc nhất, đặc biệt là các HST san hô và cỏ biển. Kết quả điều tra từ năm 2004 đến 2007 tại 7 vùng rạn san hô trọng điểm của Việt nam cho thấy chỉ 2,9 % diện tích rạn san hô được đánh giá trong điều kiện phát triển rất tốt, 11,6% – tốt và 44,9% xấu và rất xấu.
b. Tài nguyên nước trong các hệ thống sông, hồ chứa trên cả nước đang bị suy thoái ngày càng nghiêm trọng. Hai nguyên nhân chủ yếu là do sự khai thác quá mức cho những mục đích khác nhau và BĐKH.
Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 50%, riêng Ninh Thuận là 70-80% lượng dòng chảy (vượt qúa ngưỡng cho phép là 30% lượng dòng chảy mà các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước khuyến cáo (Cục Quản lý Tài nguyên nước, 2010).Hiện nay, số lượng và chất lượng của tài nguyên nước trên hầu hết các lưu vực sông lớn (Sông Hồng, Thái Bình, Đồng Nai…) đã suy thoái nghiêm trọng.
Thêm vào đấy, trong những năm gần đây, các nước ở khu vực thượng nguồn của các con sông lớn chảy vào Việt Nam xây dựng nhiều công trình  (đập, hồ chứa nước) để khai thác và phát triển thủy nông, thủy điện quy mô lớn khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng hạn chế.
Ví dụ, sông Cửu Long phụ phuộc 95 % vào lượng nước quốc tế, lưu vực sông Hồng -Thái Bình   – 40% nước từ Trung Quốc chảy về.
Gần đây, dưới tác động của BĐKH, mưa và lượng mưa diễn biến thất thường, hạn hán, úng lụt cục bộ xẩy ra thường xuyên và trên diện rộng, gây thiệt hai rất lớn cho sản xuất và đời sống .
Hình 5. Nước sông Hồng cạn kiệt (A) nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt (B) (vietbao.vn; vietnamplus,vn)
c. Ô nhiễm nước mặt
Hiện nay nước ta có khoảng hơn 10 triệu ha đất ngập nước, trong đó diện tích bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, chiếm hơn 70%.
Trong hệ thống sông Việt Nam, các nhánh sông ở thượng lưu có chất lượng nước tương đối tốt, ngoại trừ một số nơi bị ô nhiễm cục bộ. Tuy nhiên ở hạ lưu, nhất là  với các sông chảy qua các khu công nghiệp và đô thị lớn chất lượng nước đang dần dần suy thoái, nhiều khu vực bị ô nhiễm năng nề.
Một số đoạn sông được xếp vào loại sông chết do không còn khả năng hỗ trợ bất kỳ hình thức sống nào. Hồ ao và kênh rạch ở các vùng đô thị trở thành các rãnh thoát nước và nơi chứa nước thải. Nguyên nhân là do nước thải chưa qua sử lý từ các nguồn khác nhau (các khu công nghiệp, nhà máy, xí  nghiệp, làng nghề, các khu dân cư) phần lớn không qua sử lý trực tiếp đổ vào các sông ngòi, ao hồ, gây ô nhiễm nguồn nước.
Hình 6. Ô nhiễm trên Sông thị vải (A) và Hồ Hà Nội (B)  (bee,net.vn ;  tin180.com)
Đặc biệt ở khu vực nông thôn, ô nhiễm hóa chất nông nghiệp rất nặng nề. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2011), ở nước ta, lượng phân bón sử dụng trong nông nghiệp ngày càng tăng cả về số lượng và chủng loại. Hiện nay, có khoản 1.420 loại phân bón khác nhau được đưa ra thị trường.
Số lượng phân bón nhập khẩu trong những năm gần đây đều tăng, đặc biệt là phân urê (khoảng 1-1,4 triệu tấn/năm do sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 1/3 so với nhu cầu). Lượng phân bón hoá học này chủ yếu được sử dụng cho cây lúa, rau màu, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả.
Hiện nay có tới hơn 2700 loại hóa chất bảo vệ thực vật gồm: Thuốc trừ sâu; thuốc trừ nấm; thuốc trừ chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ đang được lưu hành trên thị trường với khối lượng hàng vạn tấn. Báo cáo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng.
Ngoài ra, lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng cần tiêu huỷ: 89.957,177 kg và 27.989,028 lít lưu tại hàng chục kho bãi, khu chôn lấp cũ thời chiến tranh, 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ tại các kho chờ xử lý (Cục Bảo vệ thực vật, 2006, 2011).
Các loại thuốc này có đặc điểm là rất độc đối với mọi sinh vật, tồn dư lâu dài trong môi trường đất – nước gây ra ô nhiễm, tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất, nước.
Như vậy có thể thấy, tài nguyên nước mặt– một đặc thù của các HST ĐNN đang bị suy thoái nghiêm trọng về cả số lượng và chất lượng
2.4. Đất ngập nước và biến đổi khí hậu
2.4.1.Tác động của BĐKH tới ĐNN
BĐKH  tác động tới các HST ĐNN theo nhiều cách khác nhau (Bảng 2, 3). Nhiệt độ tăng sẽ tác động tới các loài động, thực vật nhạy cảm với nhiệt độ; Lượng mưa giảm sẽ thu hẹp diên tích ĐNN, làm tăng phát thải KNK vào khí quyển do sự phân hủy của các chất hữu cơ, nhất là than bùn. BĐKH/nước biển dâng dẫn tới sự thu hẹp diện phân bố địa lý của ĐNN.
Hơn thế nữa, các HST ĐNN phụ thuộc một cách chặt chẽ vào mức nước của thủy vực và vì thế sự thay đổi các điều kiện khí hậu sẽ ảnh hưởng tới lượng nước trong các HST, qua đó ảnh hưởng tới các chức năng đặc trưng của ĐNN bao gồm cả thành phần và cấu trúc của các quần xã sinh vật. BĐKH, vì thế là một yếu tố quan trọng trong quản lý ĐNN. Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo ĐNN chắc chắn là sẽ không thể đạt được nếu không tính tới yếu tố BĐKH.
Bảng 2. Tác động của BĐKH tới các đối tượng ĐNN ở các vùng, miền


Bảng 3.Tác động của BĐKH tới các HST và ĐDSH của ĐNN
Số liệu ở Bảng 2, 3 cho thấy, BĐKH tác động tới các cấu trúc thành phần và chức năng của các HST ĐNN khác nhau ở tất cả các vùng miền. Qua đó làm suy giảm các dịch vụ HST thông qua những tác động tới:
-  Sức sản xuất/ năng suất của các HST,
-  Tài nguyên nước và các dịch vụ có liên quan (giao thông, du lịch, thủy điện…);
- Sức khỏe và của cộng đồng do thiếu nước sinh hoạt, do gia tăng các bệnh truyền qua nước (water-born diseases) truyền qua vecto, nhất là sau các trận lũ lụt.
Những tác động này đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống của cộng đồng.
2.4.2. Tác động của ĐNN tới BĐKH
Các HST ĐNN đồng thời cũng là nguồn gây phát thải KNK góp phần gây ra BĐKH (Bảng 4)
Bảng 4. Phát thải khí nhà kính của các HST ĐNN
Tuy nhiên, nếu bảo tồn tốt các HST ĐNN, chúng ta sẽ thu được lợi nhuận kép. Trước hết các dịch vụ HST được duy trì sẽ phục vụ cho phát triển sinh kế, nâng cao đời sống. Mặt khác, các HST lại là bể hấp thụ và bể chứa cácbon, góp phần làm giảm nhẹ BĐKH.
3.Chúng ta cần làm gì:
a. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước theo tinh thần của Công ước Ramsa. 1971, Công ước ĐDSH, 1992 và Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu, 1992 trong khung cảnh BĐKH hiện nay.
b. Triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH liên quan tới ĐNN trong Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (2008) và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, 2009 và các Kế hoạch hành động tương ứng của các Bộ ngành và địa phương, theo các lĩnh vực liên quan: Nông nghiệp, Thủy sản, Y tế và sức khỏe, Bảo tồn ĐDSH, vùng ven biển.
c. Thực hiện hiệu quả chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển ứng phó với BĐKH
d. Nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng: cán bộ quản lý và hoạch định chính sách, trong hệ thống nhà trường và cộng đồng về BVMT, bảo tồn đất ngập nước, bảo tồn tài nguyên, ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững.
Kết luận
- Đất ngập nước của Việt Nam rất đa dạng, phong phú và có tác dụng nhiều mặt đối với tự nhiên và đời sống xã hội;
- Trong thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, các HST ĐNN, đặc biệt ở vùng ven biển bị suy thoái một cách trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng địa phương
- Dưới tác động của BĐKH, các HST đất ngập nước chịu những rủi ro nặng nề nhất, so với các HST trên cạn và biển; nhưng nếu được quản lý tốt các HST ĐNN và ĐDSH của nó sẽ có vai trò lớn trong giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH
- Trong khung cảnh BĐKH, công tác bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN, một mặt cần được đẩy mạnh, mặt khác cần có các giai pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH theo các lĩnh vực, các vùng trong khuôn khổ của các văn bản pháp quy về ứng phó với BĐKH và phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
GS.TSKH. Trương Quang Học
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Nguồn: Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Share on :