Để các cán bộ quản lý ở các trạm bờ của các Chi cục KT&BVNLTS và ngư dân nắm bắt những kiến thức cơ bản ứng dụng những công nghệ hiện đại vào việc quản lý đội tàu khai thác xa bờ, chúng tôi xin giới thiệu những vấn đề khái quát nhất thông qua việc thực hiện Dự án: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý tài nguyên và giám sát nguồn tài nguyên biển của Khánh Hoà” của Sở Thuỷ sản Khánh Hoà vào năm 1996 và ứng dụng tiếp theo của nhóm thực hiện dự án trên.
II. Tìm hiểu về hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các ứng dụng
Ngày 11/12/1995 Hợp đồng triển khai và phát triển công nghệ thông tin địa lý (GIS) số 04-95/HĐ-PTCN-DA được ký kết giữa Ô. Trần Văn Đắc Vụ trưởng Vụ Phát triển Công nghệ đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) kiêm chủ nhiệm Dự án GIS quốc gia và đại diện Sở Thuỷ sản Khánh Hoà Ô. Võ Thiên Lăng, Giám đốc Chủ nhiệm Dự án nhánh của Dự án GIS quốc gia (PTS. Nguyễn Thạch phó chủ nhiệm Dự án nhánh).
Thời gian thực hiện từ ngày 1/12/1995 đến 30/6/1996.
Tên gọi Dự án nhánh: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý tài nguyên và giám sát nguồn tài nguyên biển của Khánh Hoà” thuộc Dự án GIS của Bộ KHCN&MT.
Trước tiên, tóm lược những khái niệm cơ bản về Hệ thống thông tin địa lý, thường được gọi tắt theo tên tiếng Anh là GIS (Geographical Information System).
1) Khái niệm GIS (Hình 1)
GIS là gì? GIS là hệ quản trị cơ sở dữ liệu tích hợp cho quá trình thu thập, lữu trữ, tìm kiếm, phân tích, xử lý và hiển thị các dữ liệu không gian nhằm giải quyết các vấn đề tổng thể về quản lý và quy hoạch.
|
Hình 1. Khái niệm về GIS |
Trong lịch sử của việc sử dụng máy tính để tạo bản đồ cho thấy đã có sự phát triển song song của tập hợp dữ liệu, tự động và phân tích dữ liệu được thể hiện qua một vài lĩnh vực như bản đồ địa chính, bản đồ đo đạc, quy hoạch đô thị và nông thôn, các hệ thống mạng, …
Xuất hiện nhiều thuật ngữ và ứng dụng khác nhau ở các vùng khác nhau, các ứng dụng này tuy khởi đầu với cách thức khác nhau nhưng đều tiến gần đến một lĩnh vực kết nối các loại xử lý dữ liệu không gian vào một mục đích chung là Hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là tập hợp bộ các công cụ mạnh cho việc sưu tập, lưu trữ, truy cập, biến đổi và hiển thị các thông tin không gian từ thế giới thực cho tập hợp mục đích nào đó. Hệ thống thông tin địa lý không gian đôi khi người ta còn gọi là “Hệ thống lập bản đồ thông minh” (Interlligent Mapping System). Nét đặc trưng của GIS là khả năng của nó về sự liên kết chặt chẽ không thể tách rời giữa dữ liệu bản đồ và thông tin thuộc tính của các đối tượng quản lý trong hệ thống.
GIS bao gồm 3 yếu tố cơ bản (Hình 1): Kỹ thuật bản đồ trên máy tính; Hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu và Hệ thống cảm nhận từ xa. Mô hình cơ sở dữ liệu của GIS là tập hợp các hình ảnh địa lý được trừu tượng hoá thành các đối tượng điểm, đường và vùng cùng với các thông tin thuộc tính của chúng được lưu trữ và quản lý trong một cơ chế liên hệ thống nhất.
2) Các khoa học liên quan đến GIS (Hình 2)
|
Hình 2. Các khoa học liên quan đến GIS |
Rất nhiều ngành khoa học khác nhau liên quan đến GIS, có thể kể đến là địa lý học, sinh thái học, kinh tế học, thống kê, kỹ thuật đồ bản, khoa học máy tính, toán học, …
3) Lịch sử phát triển GIS (Hình 3)
|
Hình 3. Lịch sử phát triển GIS |
Vào thập niên 60 của TK 20, Canada là nước đầu tiên nghiên cứu về GIS, đến nay hầu hết các nước trên thế giới đều nghiên cứu ứng dụng chúng trong quản lý các đối tượng cần quản lý.
Ở Việt Nam GIS cũng được ứng dụng khá sớm, từ thập niên 70 thông qua các loại sản phẩm bản đồ đưa vào máy tính. Từ năm 1991, công tác nghiên cứu một phần mềm GIS của Việt Nam được Chương trình Tin học - Viễn thông khởi xướng. Đến năm 1993 Wingis - phần mềm GIS chạy trong môi trường Windows được hình thành, tuy chưa đạt mức chuyên nghiệp. Sau đó Wingis tiếp tục được sự đầu tư của Chương trình Tin học - Viễn thông TP. Hồ Chí Minh và Dự án GIS quốc gia của Bộ KHCN & MT cho Công ty Dolsof nghiên cứu hoàn chỉnh. Tháng 2/1996, Wingis ver. 2.0 và một số sản phẩm thông tin địa lý được Hội đồng khoa học Bộ KHCN&MT nghiệm thu, đánh giá xuất sắc. Tính đến tháng 8/1996, đã có 18 Sở, Ban, Ngành, 7 công ty trong và ngoài nước được chuyển giao công nghệ.
4) Các bộ phận cấu thành của GIS (hình 4)
|
Hình 4. Các bộ phận cấu thành của GIS |
Hệ thống thông tin địa lý thông thường bao gồm 4 thành phần:
- Phần cứng: Là các phần vật lý của máy tính, nó còn bao gồm thiết bị xử lý và các thiết bị ngoại vi khác.
- Phần mềm: Là tập hợp các câu lệnh, chỉ thị nhằm điều khiển phần cứng của máy tính thực hiện một nhiệm vụ xác định. Phần mềm hệ thống thông tin địa lý có thể là một hoặc tổ hợp các phần mềm. Quản lý xử lý ảnh và quản lý cơ sở dữ liệu
- Cơ sở dữ liệu thông tin: Thông tin không gian và thông tin thuộc tính.
- Nhân lực: Phương pháp xử lý và kiến thức chuyên ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý khai thác.
Thực hiện hợp đồng triển khai và phát triển công nghệ thồng tin địa lý GIS số 04-95/HDD - PTCN-DA ngày 11/12/1995 với Ban Chủ nhiệm Dự án GIS quốc gia thuộc Bộ KHCN&MT, Sở Thuỷ sản Khánh Hoà đã được trang bị:
- Phần cứng:
Gồm 3 máy tính IBM có cấu hình:
+ Một máy 586 Pensium P100, 16 MB Ram, ổ cứng 540MB, 1000MB DD có đĩa CD ROM (Đĩa quang), màn hình Super VEGA, có card âm thanh, loa.
+ Một máy 486 DX 66*2, 16MB RAM, 540MB HDD có đĩa CD ROM màn hình Super VEGA, có card điều khiển máy quét (Scanne).
+ Một máy 486 DX 66*2, 8MB RAM, 2 ổ cứng 540MB + 1200MB. Màn hình Super VEGA.
+ 3 máy ngoại vi: 1 máy quét hình màu SCANJET 4 C.
+ Một máy in màu EPSON STYLYSPRO XL.
+ Một máy in laser HP5L
Tất cả các máy đều rất hiện đại vào thời gian đó, trong đó có thiết bị duy nhất ở miền Trung như máy in màu khổ A0, IBM PENSIUM P100.
+ Một UPS tích điện để bảo hiểm cho 3 máy hoạt động.
- Phần mềm: Hệ thống phần mềm ứng dụng ở đây chọn Môi trường DOS WIDOWS 3.1 và WINDOWS 95. Hệ điều hành WINGIS do Công ty Việt Nam viết – Công ty DOLSOF Co, LTD TP. Hồ Chí Minh.
Phần mềm Wingis có ưu điểm là cho phép nhập thông tin bản đồ bằng phương pháp quét ảnh trực tiếp qua máy Scanner nhanh và chính xác.
Cũng có thể chọn phần mềm MapInfo cho GIS.
- Thông tin: Bao gồm các phần quan trọng sau:
+ Thông tin bản đồ: Gồm các bản đồ nền, bản đồ thông tin chuyên ngành, bản đồ quy hoạch, bản đồ đo đạc, bản đồ khảo sát, các đồ thị và ảnh bản đồ.
+ Thông tin thuộc tính phi hình học: Các số liệu điều tra khảo sát, các số liệu thống kê, các báo cáo tổng kết ngành, vùng, xí nghiệp, các đề tài báo cáo khoa học.
+ Các thông tin khác: Các thông tin lưu trữ ở thư viện, phòng lưu trữ, các thông tin trong mạng.
+ Các thông tin tín hiệu: Thông tin từ vệ tinh, thông tin từ hệ thống định vị, rada, … đối với loại thông tin này cần có Modem phiên dịch giải mã mới đưa vào máy tính được.
Theo đánh giá của các nhà khoa học thế giới, khâu thông tin đóng vai trò chủ đạo vì đó cũng là mục đích đối tượng của Dự án, nó chiếm tới 70% khối lượng giá trị của công việc.
5. Phạm vi ứng dụng của GIS (hình 5)
|
Hình 5. Phạm vi ứng dụng của GIS |
GIS có một ứng dụng vô cùng lớn nó là nền tảng của hầu hết các hệ thống thông tin chuyên ngành vì nó có thể định vị theo tọa độ thực các thông tin, minh họa rõ ràng các thông tin giúp cho người dùng tin biết cụ thể hiện trạng của thông tin một cách rõ nét nhất.
Các bản đồ đã được đưa vào đều có thể biến hoá tuỳ ý muốn của người sử dụng (xem ví dụ về Bản đồ số tỉnh Khánh Hoà):
|
|
- Phóng to: Có thể phóng to tuỳ ý vị trí cần phóng để nghiên cứu chi tiết, có thể in ra theo tỷ lệ phóng to đã được chọn.
- Thu nhỏ: Có thể thu nhỏ một bản đồ rất lớn nằm trong màn hình để có thể nhìn một cách tổng quan.
- Thay đổi màu sắc, xoá thông tin sai, cũ, thêm thông tin mới, sửa đổi thông tin, địa danh một cách thuận lợi.
- Chồng xếp nhiều lớp thông tin lên nhau để tạo ra các tổ hợp thông tin chuyên đề.
Công dụng của Dự án GIS:
- Quản lý vĩ mô của Nhà nước.
- Quản lý Quy hoạch đô thị.
- Quản lý giáo dục.
- Quản lý đất đai.
- Quản lý tài nguyên, môi trường.
- Quản lý kinh tế - xã hội.
- Giám sát các nguồn tài nguyên trên rừng dưới biển.
- Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, các ngành công, nông, lâm, ngư nghiệp. Quy hoạch các khu dân cư.
- …
6. Mô hình tổ chức áp dụng GIS (hình 6)
|
Hình 6. Mô hình tổ chức GIS |
7. Quy trình công nghệ GIS (hình 7)
|
Hình 7. Quy trình công nghệ GIS |
Đây cũng là nội dung của Dự án GIS mà Sở Thuỷ sản Khánh Hoà phải làm, trong đó có cả vùng biển Trường Sa.
Danh mục các sản phẩm Sở Thuỷ sản thực hiện theo Dự án nhánh GIS
STT | Tên sản phẩm |
1 | Cơ sở dự liệu bản đồ số (hệ toạ độ nhà nước (HANOI-72) bao gồm: |
| Địa hình tự nhiên 1/50.000 |
| Địa giới hành chính tới cấp xã 1/50.000 |
| Mạng lưới giao thông 1/100.000 |
| Mạng lưới thuỷ lợi, thuỷ hệ 1/100.000 |
| Địa chất thuỷ văn 1/100.000 |
| Địa chất khoáng sản 1/100.000 |
| Hiện trạng sử dụng đất 1/100.000 |
| Cơ cấu công nghiệp, thủ công nghiệp 1/100.000 |
| Phân bố dân cư 1/100.000 |
| Văn hoá, y tế, giáo dục 1/100.000 |
| Tiềm năng du lịch 1/100.000 |
| Ngư trường, phân vùng kinh tế biển 1/100.000 |
| Hệ sinh thái biển và ven biển 1/100.000 |
| Thảm thực vật và rừng 1/100.000 |
2 | Cơ sở dữ liệu thông tin thuộc tính gồm: |
| Số liệu điều tra dân số tới cấp xã |
| Sản lượng công, nông, lâm nghiệp từ 90-95 |
| Diện tích các loại đất sử dụng |
| Mật độ dân số, số lượng trường, lớp, trạm xá, học sinh theo từng xã |
| Số nhân lực lao động, giá trị GDP, trữ lượng, chất lượng và quy mô các nguồn tài nguyên khoáng sản |
| Địa danh, vị trí địa lý, thông tin KT-XH |
| Số lượng tàu thuyền |
| Cơ cấu dân số trong làng cá |
| Tài nguyên biển |
3 | Tập Atlats về hiện trạng tài nguyên môi trường hoặc tập bản đồ sản phẩm mẫu gồm có: |
| Bản đồ địa hình tự nhiên |
| Bản đồ địa giới hành chính tới cấp xã |
| Bản đồ mạng lưới giao thông |
| Bản đồ mạng lưới thuỷ lợi |
| Bản đồ địa chất thuỷ văn |
| Bản đồ địa chất khoáng sản |
| Bản đồ hiện trạng sử dụng đất |
| Bản đồ cơ cấu công nghiệp, thủ công nghiệp |
| Bản đồ phân bố dân cư |
| Bản đồ văn hoá, y tế, giáo dục |
| Bản đồ tiềm năng du lịch |
| Bản đồ ngư trường, phân vùng kinh tế biển |
| Bản đồ hệ sinh thái biển và ven biển |
| Bản đồ thảm thực vật và rừng |
Ngày 30/6/1996, Hội đồng nghiệm thu dự án GIS của Sở Thuỷ sản Khánh Hoà và đánh giá xuất sắc.
Một vài đánh giá đối với dự án GIS của Sở Thuỷ sản trong năm 1996:
- Đoàn chuyên gia Đan Mạch FSPS của Đan Mạch bên cạnh Bộ Thuỷ sản: Công việc thật tuyệt vời, chúng tôi không thể nghĩ rằng tại một tỉnh có thể làm được việc này trong khi Bộ chưa làm gì.
- Đoàn chuyên gia Nhật bản: Rất tuyệt, không thể nói lời khen nào hơn đối với công việc mà các ông đang làm là rất tốt.
- Đoàn thẩm tra của Văn phòng Dự án GIS quốc gia: Công việc ở đây có hiệu quả và sản phẩm cụ thể hơn hẵn các tỉnh khác cùng làm trong khi điều kiện ở đây bị hạn chế nhất.
- Ông Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Nguyễn Tấn Trịnh: Một công việc rất cần thiết và thú vị, tỉnh Khánh Hoà có công cụ này sẽ quản lý biển tốt.
Một vài kết luận khi kết thúc Dự án GIS Sở Thuỷ Sản Khánh Hoà:
1. GIS là tập hợp bộ các công cụ mạnh cho việc sưu tập, lưu trữ, truy cập, biến đổi và hiển thị các thông tin không gian từ thế giới thực cho tập hợp mục đích nào đó. Vì vậy, cần cập nhật thường xuyên các thông tin thì mới phát huy hiệu quả sử dụng của GIS.
2. Các nhà lãnh đạo và cán bộ quản lý phải am hiểu cách sử dụng GIS để tăng hiệu quả quản lý.
8. Ứng dụng GIS
Nếu kết nối với ảnh vệ tinh và hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Position System) thì ta có thể giám sát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, ngăn chặn nạn đốt phá rừng, và hành động dùng chất nổ khai thác thuỷ sản và giám sát mọi hoạt động vận tải trên mặt đất, mặt biển một cách thuận lợi.
Nếu có ảnh vệ tinh đi kèm thì hệ thống GIS có thể quản lý được luồng cá, luồng hải lưu, nhiệt độ nước biển, nồng độ muối, hướng sóng, hướng gió và vận tốc của chúng, xác định quy mô và mức độ các vùng biển ô nhiễm nhất là ô nhiễm dầu một cách chính xác và nhanh chóng phát hiện được nguồn gây ô nhiễm có hình ảnh làm minh chứng.
II. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý đội tàu khai thác xa bờ.
1. Nghiên cứu ứng dụng GPS và GIS trong quản lý đội tàu khai thác xa bờ ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực thuỷ sản và tổ chức đội tàu khai thác trên biển hệ thống GIS kết nối với hệ thống định vị toàn cầu GPS có thể quản lý đội tàu khai thác hải ở xa bờ ( xem bài Ứng dụng GPS và GIS trong quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ của PGS. TS Nguyễn Thạch kèm theo ).
Đầu năm 1996 biết chúng tôi đang triển khai Dự án GIS, Tổng Công ty Hải sản biển Đông chuyển cho chúng tôi một hệ thống thông tin GIS quản lý vết tàu (trạm bờ) ký hiệu Barett 550 của Australia (chưa có thông tin bản đồ Biển Đông) kèm theo máy thu – phát HF có kết nối với GPS của Hãng Barett gắn xuống tàu dân. Khả năng quản lý khoảng 200 tàu. Theo Hãng Barett tổng giá thành một bộ là 500 triệu đồng (1996), nếu tăng số máy thu phát gắn xuống tàu thì tính thêm.
|
Hình 8. Mô hình giám sát quản lý tàu cá bằng vệ tinh của Australia |
Xuất phát từ nhu cầu trong tương lai về quản lý đội tàu khai thác xa bờ, PGS.TS. Nguyễn Thạch đã có ý tưởng phối hợp với Trung Tâm Bưu Chính Viễn Thông thuộc Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự chế tạo trong nước thiết bị phát FG-01T làm nhiệm vụ ghép nối máy phát HF với GPS đã có sẳn trên tàu của ngư dân và thiết bị thu tín hiệu định vị FG-01R đặt ở Trạm bờ. Sở Thuỷ sản Khánh Hoà rất ủng hộ ý tưởng này và kết hợp PGS.TS. Nguyễn Thạch thực hiện thử nghiệm trên tàu Kiểm ngư của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Khánh Hoà. Tuy nhiên, phần mềm chỉ làm việc trên môi trường DOS và chưa kết nối tự động với bản đồ số. Sau đó (2002), tác giả tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm và đặt tên là FishGIS 1.0, phần mềm quản lý làm việc với hệ điều hành Windows, đồng thời có thể kết nối với phần mềm Mapinfo sử dụng CSDL bản đồ số mà Sở Thủy Sản Khánh Hòa đã có [2]. Kết quả thử nghiệm như đã trình bày trong bài Ứng dụng GPS và GIS trong quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ của tác giả [3,4,5].
Do không có nguồn kinh phí nào hỗ trợ tiếp theo nên việc nghiên cứu ứng dụng hệ thống FishGIS 1.0 trên đã không được tiếp tục triển khai.
2. Bàn về Dự án MOVIMAR
Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - MOVIMAR” (Dự án MOVIMAR), giữa Pháp và Việt Nam đã được ký kết với tổng trị giá là 13,9 triệu Euro, thực hiện trong ba năm (2011 – 2013), bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp. Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS (thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Pháp) sẽ cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Đầu mối về phía Việt Nam là Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT.
Đây thực chất là việc ứng dụng GIS và GPS trong quản lý đội tàu đánh cá của Việt Nam - một công nghệ hiện đại nhất mà thế giới đang sử dụng để giám sát các đối tượng cần quản lý, kể cả trong lĩnh vực quân sự.
Về nguyên lý, Hệ thống quan sát tàu cá và vùng đánh bắt của Dự án MOVIMAR không khác nhiều so với FishGIS 1.0 đã triển khai thử nghiệm của PGS.TS. Nguyễn Thạch.
Theo Dự án MOVIMAR thì trên tàu ngư dân và Trạm bờ được trang bị như sau:
Tàu của ngư dân: Máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS. Về nguyên lý thì trên tàu của ngư dân phải có các thiết bị sau: Máy định vị vệ tinh GPS, máy HF tầm xa và thiết bị phát (với FishGIS 1.0 là Thiết bị phát FG-01T).
Thiết bị phát là thiết bị ghép nối GPS với máy HF để máy HF truyền dữ liệu toạ độ và thời gian của GPS từ tàu về Trạm bờ. Trạm bờ nhận tín hiệu GPS qua máy thu - phát HF, tách lấy tín hiệu để chuyển vào máy tính, tích hợp vào GIS.
Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS (thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Pháp) sẽ cung cấp thiết bị lắp trên trên tàu ngư dân cũng phải đáp ứng nguyên lý trên. Thiết bị của Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS có thể hiện đại hơn, độ tin cậy cao hơn, nhưng chắc chắn giá thành không thấp.
Trạm bờ: Trang bị máy tính đã có bản đồ số (GIS), máy in, máy HF tầm xa và thiết bị thu tín hiệu định vị (với FishGIS 1.0 là Thiết bị thu tín hiệu định vị FG-01R). Nhiệm vụ của Thiết bị thu tín hiệu từ máy HF chuyển đổi thành tín hiệu số, xử lý và chọn lọc số liệu trước khi đưa sang máy tính để hiển thị ví trí tàu.
Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS (thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Pháp) sẽ cung cấp thiết bị lắp trên trên tàu ngư dân cũng phải đáp ứng nguyên lý trên. Thiết bị của Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS có thể đồng bộ và hiện đại hơn, độ tin cậy cao hơn, nhưng chắc chắn giá thành không thấp.
Vấn đề cần bàn là:
Thứ nhất, đối với Thiết bị lắp trên tàu ngư dân: Chủ tàu được trang bị miễn phí máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) là máy mới 100%.
Hiện nay, hầu hết các tàu đánh cá xa bờ đều có trang bị máy HF tầm xa do chủ tàu tự mua thường dùng là ICOM, phổ biến là M-700TY, M-710, M-718 của Nhật Bản. Nếu được trang bị miễn phí máy HF tầm xa do Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh CLS sẽ cung cấp thì máy ICOM có sẵn của chủ tàu sẽ không sử dụng nữa. Liệu có lãng phí không? Trường hợp trên tàu khai thác biển xa chưa trang bị máy định vị vệ tinh GPS thông dụng là GP-30, GP-31, GP-32 thì có được trang bị miễn phí không?
Việc sử dụng trang thiết bị này đối với thuyền trưởng tàu khai thác xa bờ không khó so với việc họ sử dụng những thiết bị hiện đại và đa chức năng hơn như máy dò ngang FURUNO môdel CH 250 của Nhật, ... Quan trọng nhất là họ phải mở máy, nếu không Trạm bờ sẽ không nhận được bất kỳ thông tin nào của họ, ý nghĩa của việc quản lý sẽ mất tác dụng. Cần phải có Quy chế sử dụng khối thiết bị này và những quy định báo cáo qua máy HF các thông tin như sản lượng, loại cá, … phục vụ cho công tác thống kê dự báo nguồn lợi, chứ không phải chỉ có sự cố mới báo cáo [1]. Đây không phải là việc dễ dàng.
Thứ hai, đối với Trạm bờ: Mỗi Trạm bờ (Mỗi Chi cục KT&BVNLTS) được trang bị 2 máy tính và các thiết bị kèm theo như vậy phải có 2 nhân viên trực để theo dõi tình hình hoạt động các tàu trên biển. Giả thiết của Khánh Hoà có 200 chiếc đăng ký khai thác biển xa. Mỗi nhân viên phụ trách theo dõi 100 tàu. Hàng ngày họ trực để nhận thông tin từ tàu qua máy HF và phải truy cập vào các File của 100 tàu giám sát vị trí của các tàu đang hoạt động, ghi các thông tin thuộc tính của từng tàu để theo dõi. Thời gian làm việc của họ sẽ không chỉ trong giờ hành chính, đặc biệt vào những lúc thời tiết không thuận lợi thì chế độ đãi ngộ của họ ra sao? Vấn đề này cũng cần được giải quyết.
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản khi đề cập đến Dự án MOVIMAR: “Dự án góp phần giúp ngành thủy sản hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản; quản lý, giám sát hoạt động khai thác thủy sản hiệu quả và an toàn, bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, phát triển khai thác hải sản bền vững; góp phần đảm bảo trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển".
Kiến nghị:
1. Ban quản lý các dự án nông nghiệp của Bộ Nông Nghiệp và PTNT cần quan tâm đến thực trạng tàu đánh cá xa bờ của Việt Nam là hầu hết đều có trang bị máy HF tầm xa (máy ICOM của Nhật Bản) và máy định vị vệ tinh GPS vì vậy chỉ cần bộ Thiết bị phát phù hợp như thiết kế của PGS.TS. Nguyễn Thạch thì đỡ lãng phí thiết bị có sẵn của chủ tàu, tiết kiệm ngân sách Nhà Nước. Tất nhiên phải có chính sách hoàn trả lại cho chủ tàu phần chênh lệch so với cung cấp thiết bị trọn gói miễn phí. Muốn vậy trong mẫu phụ lục 6a cần thêm mục thiết bị có sẵn trên tàu như loại máy HF, loại thiết bị định vị vệ tinh để có giải pháp phù hợp. Nếu tàu chưa có thiết bị định vị vệ tinh GPS thì cũng phải được cung cấp miễn phí.
2. Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ Nông Nghiệp và PTNT cần liên hệ với Dự án GIS quốc gia mua lại những tư liệu có liên quan để làm việc với đối tác sao cho Dự án MOVIMAR thành công nhanh nhất các sai sót ít nhất và tiết kiệm nhất.
3. Phải có các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên trực tại Trạm bờ./.
THAM KHẢO
[1] Dự án: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý tài nguyên và giám sát nguồn tài nguyên biển của Khánh Hoà” của Sở Thuỷ sản Khánh Hoà (1996)
[2] Nguyễn Thạch. Một số kết quả bước đầu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý năng lực và sản lượng khai thác. Tạp chí Thủy Sản số 6/2003.
[3] Nguyễn Thạch. Nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong quản lý và tổ chức đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Báo cáo tổng kết đề tài NCKH, 2004.
[4] Nguyễn Thạch. Giải pháp tích hợp dữ liệu từ máy thu GPS của đội tàu khai thác hải sản vào GIS. Tạp chí Khoa Học-Công Nghệ Thủy Sản số 1/2005.
[5] Nguyễn Thạch. Ứng dụng GPS để theo dõi từ xa hành trình vận tải thủy nội địa. Tạp Chí Giao Thông Vận Tải, số 3/2006.
[6] Nguyễn Thạch. Giải pháp kỹ thuật kết hợp GPS với GIS để hỗ trợ công tác quản lý tàu khai thác hải sản xa bờ. Tạp chí Thủy Sản, số 4/2006.
Th. S. Võ Thiên Lăng
Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa
Email: hoingheca_khanhhoa@yahoo.com