PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THÁCH THỨC VÀ HY VỌNG ĐỐI VỚI TOÀN NHÂN LOẠI

          Khái niệm về phát triển bền vững


Có thể nói rằng mọi vấn đề môi trường đều bắt nguồn từ phát triển. Nhưng con người cũng như mọi sinh vật khác sống trên trái đất không thể chống lại qui luật tiến hóa và ngừng sự phát triển của mình. Đó là qui luật của cuộc sống của tạo hóa mà vạn vật đều phải tuân theo một cách tự giác, hoặc không tự giác. Con đường để giải quyết mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển là phải chấp nhận phát triển, nhưng giữ cho phát triển không tác động tiêu cực đến môi trường. Phát triển đương nhiên sẽ làm biến đổi môi trường, vấn đề phải làm sao cho môi trường tuy biến đổi nhưng vẫn làm đầy đủ ba chức năng cơ bản của nó là tạo cho con người một không gian sống với phạm vi và chất lượng tiện nghi cần thiết; cung cấp cho con người các tài nguyên cần thiết để sản xuất, sinh sống; xử lý, chôn vùi các phế thải và giữ không cho phế thải làm ô nhiễm môi trường. Đó chính là phát triển bền vững.

Phát triển bền vững là sự phát triển sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện môi trường hiện có để thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ con người đang sống, nhưng phải đảm bảo cho các thế hệ tương lai những điều kiện tài nguyên và môi trường cần thiết để họ có thể sống tốt hơn ngày nay. Đó là mục tiêu lớn của sự phát triển hiện nay của mọi quốc gia trên thế giới.

Năm 1991 Nhà nước ta đã công bố Kế hoạch Quốc gia về Môi trường và Phát triển Bền vững. Năm 1992 nước ta đã cùng hầu hết các nước trên thế giới ký bản Tuyên ngôn về Môi trường và Phát triển Bền vững của Hội nghị các nguyên thủ các quốc gia trên toàn thế giới họp ở Rio de Janiero, Brazil. Trong báo cáo chính trị Đại hội IX của ĐCSVN đã xác định rõ mục tiêu của nước ta trong các thập kỷ tới là“phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”.

    Các thước đo về phát triển bền vững

Đánh giá tính bền vững của sự phát triển của một xã hội là hết sức khó khăn vì phát triển như đã nói trên kia liên quan đến nhiều mặt của xã hội. Trong những mặt này quan trọng nhất là phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Sự phát triển bền vững của một xã hội có thể được đánh giá bằng những chỉ tiêu nhất định trên ba mặt kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

* Bền vững kinh tế

Tính bền vững về kinh tế có thể được thể hiện qua các chỉ tiêu về phát triển kinh tế quen thuộc như:

    Tổng sản phẩm trong nước, GDP (Gross Dometic Product)
    Tổng sản phẩm quốc gia, GNP (Gross National Product)
    Tăng trưởng của GDP (GDP Growth)
    Cơ cấu GDP

GDP hoặc GNP khái quát toàn bộ khả năng sản xuất và dịch vụ của một quốc gia vào một chỉ tiêu định lượng. Chỉ tiêu này cho phép ta so sánh mức độ phát triển kinh tế của các quốc gia khác nhau, cũng như để so sánh sự phát triển của một quốc gia trong những thời kỳ khác nhau. Căn cứ vào GDP/người các tổ chức quốc tế thường phân các quốc gia thành các nhóm: thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao và thu nhập cao.
Một quốc gia bền vững về mặt kinh tế phải đạt yêu cầu sau:

    Có tăng trưởng của GDP và GDP/người cao. Nước càng nghèo, thu nhập trong thời gian trước càng thấp thì tăng trưởng này càng phải cao. Trong điều kiện hiện nay nước thu nhập thấp phải có GDP/người vào khoảng 5% mới có thể xem là bền vững về nền kinh tế. Nếu thu nhập thấp hơn thì nền kinh tế này không thể được xem là bền vững.
    Có GDP, GDP/người bằng hoặc cao hơn mức trung bình hiện nay của các nước đang phát triển thu nhập trung bình. Nếu tăng trưởng GDP cao nhưng mức GDP/người thấp thì chưa đạt tới mức bền vững.
    Có cơ cấu GDP lành mạnh nhằm đảm bảo cho tăng trưởng GDP ổn định lâu dài. Cụ thể là tỷ lệ đóng góp của công nghiệp và dịch vụ trong GDP phải cao hơn nông nghiệp.
    Trong phạm vi quốc gia sự đánh giá tính bền vững về kinh tế của một địa phương cũng có thể dựa vào các chỉ tiêu nói trên.

* Bền vững xã hội

Tính bền vững về phát triển xã hội của các quốc gia cũng thường được đánh giá qua một số đo đo như: chỉ số phát triển con người, hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, dịch vụ y tế, hoạt động văn hóa.

Chỉ số phát triển con người (Human Develop Indicator) HDI

Sự không thành công của các chiến lược phát triển trong các thập kỷ cuối thế kỷ 20 đã đem lại một nhận thức mới về phát triển. Các nhà chiến lược cho rằng mục đích cơ bản của phát triển là nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của con người. Con người vừa là mục tiêu phục vụ, vừa là động lực phát triển, vì vậy muốn phát triển thành công điều cơ bản , cần làm trước hết là phát triển con người.

Xuất phát từ quan điểm nêu trên, năm 1990 Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đem ra “Chỉ số Phát triển về Con người” (Human Development Index, HDI). Chỉ số con người tập hợp 3 độ đo về mức phát triển của con người vào một số đo chung, 3 độ đo hợp thành HDI  của một xã hội là:

(1) Độ đo về kinh tế thể hiện qua PPP/người
(2) Độ đo về sức khỏe của con người thể hiện qua tuổi thọ trung bình l
(3) Độ đo về trình độ học vấn trung bình của người dân e

HDI = f (PPP, l, e)

Tác giả đề xuất khái niệm về HDI cho rằng phát triển con người thực sự là sự mở rộng khả năng lựa chọn điều cần thiết và thích thú của con người. Sự lựa chọn này là vô hạn luôn luôn thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên cho dù ở mức độ phát triển nào thì con người cũng mong muốn 3 điều quan trọng nhất là: có sức khỏe, được sống lâu (l); có kiến thức (e); có nguồn tài chính để có thể có một mức sống thích hợp (PPP). Phát triển con người có hai mặt. Một mặt là tạo nên khả năng của con người như tăng sức khỏe, kiến thức kỹ thuật, kỹ năng. Mặt khác là việc sử dụng các khả năng này vào các hoạt động sản xuất, công tác, hưởng thụ các giá trị của thiên nhiên, xã hội và cuộc sống. Không thể chỉ xét đến phát triển con người theo riêng một mặt nào /TLTK7. UNDP, Phát triển con người, 1990/. Sự phát triển bền vững về xã hội của một quốc gia, hoặc từng địa phương trong quốc gia, thể hiện ở: (1) mức tăng trưởng HDI, (2) HDI đạt trên mức trung bình.

HDI có ưu điểm là đã tập hợp nhiều độ đo khác nhau vào một chỉ số chung giúp cho sự so sánh mức tổ hợp phát triển nhiều mặt. Tuy nhiên HDI có những nhược điểm nhất định. Cách tính HDI tương đối phức tạp, chưa ổn định. Từ 1990 đến nay các tác giả đã nhiều lần thêm bớt các thành tố được đem ra xét HDI. Một vài giả định đưa ra trong tính toán như xem mức GDP/người từ 5.300 USD trở lên không khác gì nhau, nghĩa là sự khác nhau giữa GDP thí dụ của Thụy Điển (22.100 USD) và của Columbia (5.300 USD) có thể không cần xét đến, là điều không phù hợp với thực tế /TLTK2. Gillis, 1996/.

* Bền vững về môi trường

Môi trường sống của con người là tổng hợp các điều kiện vật lý, hóa học, sinh học, xã hội bao quanh và có ảnh hưởng tới sự sống và phát triển của các cá nhân và cộng đồng con người. Môi trường sống của con người là vũ trụ bao la. Trong đó có Thái Dương hệ, trong hệ có Trái Đất, với khí quyển, thủy quyển, thạch quyển, sinh quyển và trí quyển. Đối với từng cá thể con người cũng như toàn cả loài người môi  trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng do có ba chức năng:

    Môi trường là không gian sinh tồn của con người. Cũng như mọi sinh vật để tồn tại và phát triển về mặt sinh lý, tâm lý và tinh thần con người cần có một không gian sống với những đặc điểm nhất định về chất và lượng. Môi trường trước hết là không gian sống này.

    Môi trường là nơi cung cấp nguồn tài nguyên, kể cả vật liệu, năng lượng thông tin, cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người.

    Môi trường là nơi chứa đựng phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của mình.

Môi trường luôn luôn biến động dưới tác động của tiến hóa của tự nhiên và hoạt động của các sinh vật, trong đó con người đang có những tác động mạnh mẽ nhất. Con người không thể bảo toàn môi trường nguyên dạng, nhưng phải bảo vệ ba chức năng nói trên của môi trường. Môi trường bền vững là môi trường luôn luôn thay đổi nhưng vẫn làm tròn cả 3 chức năng trên.

Bền vững về không gian sống của con người tại một khu vực lãnh thổ nhất định thể hiện ở mật độ dân số, mật độ hoạt động của con người không vượt quá khả năng tải của khu vực đó. Về yếu tố chất lượng cuộc sống của con người, như sự trong sạch của không khí, nước, đất, không gian vật lý, cảnh quan, quá trình sử dụng không được làm giảm bớt chất lượng các yếu tố môi trường xuống dưới giới hạn cho phép theo các qui định của Nhà nước hoặc của xã hội.

Chất lượng yếu tố môi trường sau sử dụng > hoặc = tiêu chuẩn qui định

Sự bền vững về tài nguyên thiên nhiên thể hiện ở chỗ tài nguyên tái tạo được (nước, một số dạng năng lượng, tài nguyên sinh vật) được sử dụng trong phạm vi khôi phục lại được về số lượng và chất lượng bằng các phương pháp tự nhiên hoặc nhân tạo.

Lượng sử dụng < hoặc = lượng khôi phục, tái tạo được

Đối với tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được (khoáng sản, nguồn gen quí hiếm) lượng sử dụng phải ít hơn hoặc bằng lượng tài nguyên thiên nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác hoặc để thay thế.

Lượng sử dụng < hoặc =  lượng thay thế

Sự bền vững theo chức năng thứ ba của môi trường là lượng phế thải tạo nên phải nhỏ hơn khả năng tái sử dụng, tái chế, phân hủy tự nhiên.

Lượng phế thải < khả năng tái sử dụng, tái chế, phân hủy thiên nhiên
hoặc ít nhất lượng phế thải < khả năng tái sử dụng, phân hủy, chôn lấp

Những điều nêu trên về 3 chức năng môi trường là điều kiện cần và đủ để đảm bảo sự phát triển bền vững về mặt môi trường của xã hội. Thiếu 1 trong 3 điều kiện thì môi trường sẽ đứng trước nguy cơ không bền vững. Cũng như vậy sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của toàn cầu, của một quốc gia, một địa phương, hay một cộng đồng chỉ có thể có lúc có sự bền vững về môi trường. Sự thiếu bền vững về một mặt sẽ phá vỡ tính bền vững tổng thể.

   Thách thức về phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu

Trong thế kỷ XX, nhờ có sự phát triển vượt bậc của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, con người đã tạo ra một lượng của cải vật chất khổng lồ, bằng nhiều thế kỷ trước đó nhưng để đạt được điều đó con người đã hủy hoại thiên nhiên, môi trường sống, do sử dụng thái quá máy móc, nguyên liệu hóa thạch, đốt phá rừng... và môi trường xã hội do sự phân cực giàu nghèo, bất công xã hội gia tăng... .

Chính vì mâu thuẫn đó ngày càng trở nên gay gắt và trầm trọng mà ngày nay, khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa các quốc gia đã phải tính đến các yếu tố phát triển bền vững, coi đây là một xu thế tiến bộ và tất yếu. Sự tăng trưởng kinh tế phải bao hàm sự cải thiện các chỉ tiêu như: lượng tiêu dùng các sản phẩm cần thiết (nhu yếu phẩm) của toàn xã hội, mức bình quân thu nhập, phân phối, tỷ lệ người biết chữ, trình độ sức khỏe, tình hình công ăn việc làm và môi trường sinh thái. Nội dung này trở thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều nước kinh tế kém phát triển và đang phát triển, trong đó chủ yếu là các nước Châu Á, châu lục năng động nhất một thời, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, nhưng đồng thời là cũng là châu lục chưa đạt tới sự phát triển bền vững do vấn đề bảo vệ môi trường và phân hóa giàu nghèo. Trong đó Việt Nam không phải là một trường hợp ngoại lệ.

Người ta đã nhận xét rằng, đáng ra trong các chiến lược kinh tế vấn đề môi trường phải trở thành một trong các ưu tiên hàng đầu, thì ở Châu Á dường như người ta đã hy sinh nó để đổi lấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh. Vì vậy nên nhiều nước Châu Á đã phải gánh lấy những thảm họa nặng nề do BVMT yếu kém.

Một bản báo cáo mới đây của Tổ chức Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu đã cảnh báo rằng, nếu khí nhà kính cứ tiếp tục tăng như những thập niên vừa qua, thì nhiệt độ trung bình của toàn cầu sẽ tăng lên khoảng từ 2,7 đến 11 0C vào thập niên đầu của thế kỷ XXI. Khí hậu thay đổi kéo theo nhiều biến đổi do không còn môi trường sống như trước đây. Có công trình nghiên cứu dự báo trong vài thập niên tới có thể 1/4 số loài sinh vật trên hành tinh chúng ta (tương đương một triệu chủng loại) sẽ nguy cơ bị tuyệt chủng. Sức khỏe con người cũng có thể bị ảnh hưởng xấu, nhiều căn bệnh kỳ lạ và nguy hiểm sẽ xuất hiện. Mùa màng sẽ thiệt hại do thời tiết thay đổi thất thường.

Bên cạnh những hiện tượng suy thoái về môi trường, sự phân cực giàu nghèo đang đe dọa sự ổn định xã hội và trật tự  kinh tế của thế giới. Nếu năm 1960 của cải bình quân đầu người của nhóm nước giàu nhất cao gấp 20 lần ở các nhóm nước nghèo nhất, thì năm 1980 con số đó là 46 lần, vào cuối thế kỷ XX là hơn 70 lần. Đầu thế kỷ XXI thế giới vẫn còn 2/3 dân số phải sống trong cảnh nghèo đói. Xét theo lượng calo bình quân lương thực, thực phẩm do con người sản xuất trên hành tinh, thì thế giới không có tình trạng đói. Nhưng vấn đề lại là ở phân phối sử dụng chúng, 20% dân số giàu nhất tiêu dùng 87-89% giá trị sản phẩm của thế giới. Với 40 triệu tấn ngũ cốc qui đổi có thể cứu đói cho 730 triệu người, thì hiện nay gần 600 triệu tấn ngũ cốc, tương đương với 40% sản lượng thế giới, lại đang dùng để nuôi gia súc phục vụ cho nhu cầu của các nước giàu. Điều đó chứng tỏ về mặt xã hội thế giới đang trong tình trạng thiếu các yếu tố phát triển bền vững. Bởi vậy các yếu tố bền vững trở thành đòi hỏi bức xúc cho mỗi quốc gia.

Về nông nghiệp người dân ở nước giàu không phải quan tâm đến vấn đề lương thực. Người dân ở nước nghèo luôn luôn thiếu ăn, niềm hi vọng được đầy đủ về lương thực như treo lơ lửng trước mắt mà không với tới được. Những thập niên cuối thế kỷ 20, mỗi năm thế giới có đến 800 triệu người thiếu đói. Ở Việt Nam chúng ta công cuộc xóa đói giảm nghèo đã được tiến hành tích cực, đến năm 2000 tỷ lệ hộ nghèo còn 11%. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn tùy theo sự phát triển của các địa phương, có tỉnh còn 15% hoặc cao hơn, có tỉnh ít hơn so với tỷ lệ trung bình cả nước.

Đã từ lâu, cụm từ nông nghiệp bền vững luôn được nhắc lại trên các hội nghị khoa học, các phương tiện thông tin quốc tế và ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bền vững có nghĩa là ổn định theo thời gian, ít nhất cũng trong 15-20 năm, nếu xảy ra biến động bất ngờ, phải điều chỉnh để trở lại ổn định. Ví dụ ở Việt Nam chúng ta, sau nhiều năm thiếu lương thực, đến năm 1989 ta tự  cấp được lương thực và có phần xuất khẩu gạo tiếp tục đến nay, tính năm được 12 năm. Như thế về sản xuất lương thực, chủ yếu là cây lúa, ta liên tiếp đạt được mục tiêu, mặc dù có nhiều năm thiên tai nơi này, nơi kia, gây thiệt hại nặng nề.

Trong thời kỳ kinh tế công nghiệp hóa, hoạt động của con người đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt độ khí quyển một cách khá rõ.

Từ năm 1860 đến nay, loại chất đốt công nghiệp và sinh hoạt của loài người xả vào khí quyển 180 ngàn tỷ tấn dioxit cacbon, hàng năm  nhiệt độ bình quân trên trái đất tăng lên 0,3-0,6 0C, mực nước biển bình quân tăng lên 10-25 cm. Trên trái đất, nhiệt độ tối thấp ban đêm tăng nhiều hơn so với mức tăng của nhiệt độ ban ngày. Trong 1.000 năm qua, thế kỷ 20 là thế kỷ ấm nóng nhất, 2 thập kỷ cuối của thế kỷ này có nhiệt độ bình quân cao nhất và năm 1998 là năm nóng nhất kể từ năm 1860.

Trên thế giới, gạo đứng thứ 2 sau lúa mì, được hơn 50% dân số thế giới sử dụng làm lương thực. Theo tính toán của nhà khoa học, hàng năm thực vật cung cấp cho con người 80% tổng số proteine, trong đó 70% ngũ cốc. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), có tới 50% dân số trên hành tinh bị đói protein. Trong gạo chỉ 6-7% proteine, trong lúa mì 12-13%, đại mạch 10-11%, yến mạch 9-10%, ngô 9-10%, kê 10-11%.

Giải quyết lương thực cho con người trong tương lai có hai phương hướng: tăng năng suất bình quân và tăng chất dinh dưỡng cao hơn hiện nay (ví dụ tăng hàm lượng proteine và vitamin trong gạo). Gần đây, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI sử dụng phương pháp công nghệ chuyển gen, đã tạo ra giống lúa mới có hàm lượng vitamin A cao.

Tuy nhiên, năng suất bình quân của các giống mới trong mấy chục năm qua, cao nhất cũng chỉ đạt bình quân 5-6 tấn/ha. Năng suất này đã được Ban Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về Lương thực coi là “đụng trần”, tức là không thể nâng cao hơn nữa trên diện tích rộng hàng triệu ha. Nhận định này cũng thống nhất với nhận định của IRRI. Vì thế IRRI cũng như ở một vài viện nghiên cứu nước ta (như Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã đặt ra phương hướng chọn tạo “siêu lúa”, đạt năng suất bình quân 7-8 tấn/ha trên diện tích rộng lớn.

Vào thế kỷ 90, chương trình siêu lúa của IRRI đã không thành công, nên đã đổi thành chương trình “Dạng hình cây mới”. Mô hình chung của siêu lúa là cây cao hơn 100 cm, bông dài, hạt nhiều hơn, kích thước lá phải to hơn, cứng cây và năng suất vượt trội so với các giống thâm canh hiện nay. Loại cây như vậy còn đang tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống để trở thành hiện thực. Các phương pháp chọn tạo được đưa ra bao gồm lai hữu tính, gây đột biến nhân tạo, lai giữa Indica và Japonica (giữa lúa nhiệt đới và lúa ôn đới) và công nghệ chuyển gen.

Đồng thời với sản xuất lúa, các cây có hạt khác như ngô, đậu tương và các loại đỗ đậu, kê, mì mạch, các loại có củ như khoai lang, sắn, khoai tây và nhiều loại củ đều được sử dụng làm thức ăn cho người, hoặc thức ăn chăn nuôi. Sản xuất ngô trong một năm gần đây đã phát triển nhanh chóng, trước hết là việc nhập giống ngô lai của  một số công ty nước ngoài, năng suất vượt cao hơn nhiều so với giống ngô lai địa phương và giống ngô mới được tạo ra trong nước. Việc tạo giống ngô lai và sản xuất hạt giống từ cơ quan trong nước mấy năm gần đây đã phát triển tốt, cây ngô ngày càng có vị trí quan trọng hơn, trước hết cho công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Trong thập kỷ đầu thế kỷ 21, cây có củ dần dần có một vị trí quan trọng hơn. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc cải tiến cơ cấu bữa ăn là một tất yếu khách quan. Công nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm sẽ ngày càng phát triển, các bữa ăn sẽ dần được cải tiến, giàu dinh dưỡng hơn, ngon hơn, chuẩn bị gọn nhẹ hơn để góp phần giải phóng phụ nữ khỏi công việc bếp núc.

Người lao động trong xã hội công nghiệp hóa cần có những bữa ăn hợp lý, tăng sức khỏe, có thời gian nghỉ ngơi giải trí, sau thời gian lao động đóng góp cho xã hội. Bữa ăn trong tương lai sẽ thay đổi cơ cấu: giảm bớt gạo, bổ sung một số loại cây có hạt, hoặc có củ đã chế biến tốt tăng thịt, sữa, trứng, cá, các loại rau, quả giàu chất dinh dưỡng và vitamin.

Nhiều nước trên thế giới luôn luôn ở tình trạng thiếu lương thực, hoặc không ổn định, thiếu lương thực một thời gian. Theo số liệu thống kê, các nước phía nam sa mạc Sahara (Châu Phi) thiếu lương thực triền miên. Một nước gần ta như Indonesia đã từng có những năm tự cấp lương thực và có phần xuất khẩu gạo, nhưng nay thiếu lương thực nghiêm trọng, ví dụ 1997 phải nhập 5,9 triệu tấn gạo, tiếp theo là các năm sau đều phải nhập gạo, năm 2001 còn nhập 2,1 triệu tấn gạo. Ngay trên đất nước có Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế, Philippin hàng năm phải nhập 1,2 đến 1,5 triệu tấn gạo.

Hệ thống khí hậu trên trái đất mang tính tổng hợp, quá trình phát triển lịch sử đã chứng minh hành tinh chúng ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn biến đổi khí hậu. Vì vậy, sự biến đổi khí hậu là khách quan, trong đó có một phần tác động của con người của thế giới hiện đại mà chúng ta – sự liên kết giữa các quốc gia để ngăn chặn và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường trái đất, cuộc sống của nhân loại và sinh vật trên hành tinh là hết sức cần thiết. Có như vậy, sản xuất lương thực mới có thể bền vững trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, tính bền vững của khí hậu và môi trường chỉ là tương đối. Trong thế giới tự nhiên cũng từng có những giai đoạn phá vỡ cân bằng sinh thái cũ, hình thành sự cân bằng sinh thái mới.

Thế kỷ 21 là thế kỷ kinh tế tri thức, công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao trong các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng. Việc nâng cao dân trí, tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ khoa học và công nghệ là rất cần thiết.

Nhìn một cách khái quát những thách thức chính và phát triển ở qui mô toàn cầu hiện nay là:

    Suy giảm về lượng và chất một số tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa cơ bản đối với đời sống con người: đất, rừng, thủy sản, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh học. Một số nhà nghiên cứu cho đã dự báo nguy cơ thiếu hụt trầm trọng về lương thực, và về nguồn năng lượng phi thương mại tại một số quốc gia trong vài thập kỷ tới.

    Ô nhiễm môi trường sống đang tăng lên với tốc độ nhanh, phạm vi lớn hơn trước. Không khí, đất, nước, tại các đô thị và khu công nghiệp và các vùng nông thôn, vùng sản xuất nông nghiệp, ven biển và biển đang ngày càng bị ô nhiễm, nhất là tại các nước đang phát triển thu nhập thấp.

    Trái đất đang nóng lên dưới tác động của khí nhà kính, một số băng khổng lồ tại Nam Cực, Bắc Cực sẽ tan chảy làm cho nước biển dâng lên ngập các vùng đất thấp và thay đổi khí hậu toàn cầu; các khí CFC đang làm thủng tầng ôzôn lá chắn bảo vệ con người và các sinh vật khỏi các bức xạ nguy hiểm  từ  vũ trụ.

   Các vấn đề xã hội cấp bách: nghèo đói, thất nghiệp, cách biệt về mức sống và thu nhập ngày càng gia tăng tạo nên nguyên nhân sâu sắc về bất ổn kinh tế, chính trị thế giới để thu lợi riêng của một số cường quốc.

    Các mâu thuẫn ngày càng sâu sắc, giữa các tập đoàn liên quốc gia, giữa các quốc gia trên thế giới, nguy cơ khủng hoảng kinh tế trong phạm vi khu vực và thế giới, tính chất hai mặt của xu thế toàn cầu hóa đang tăng lên nhanh chóng.

Việc giải quyết những thách thức này đang đòi hỏi nâng cao nhận thức của mọi người về phát triển bền vững, nỗ lực to lớn về khoa học, công nghệ, về tổ chức quản lý và hợp tác trong từng địa phương, từng quốc gia, từng khu vực và trên toàn thế giới. Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về những thách thức và triển vọng về phát triển bền vững, thúc đẩy những cố gắng để bền vững bền hóa sự nghiệp phát triển từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia và toàn cầu là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách.
Share on :