Khu đô thị Văn Quán. Ảnh: Bá Hoạt |
Việt Nam được đánh giá là một trong 11 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Thiên tai thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây, như lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hạn hán ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng…
Nghiên cứu về BĐKH ở Việt Nam cho thấy, từ năm 1990 đến 2000, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,10C, nhiệt độ trung bình các tháng hè tăng 0,10C-0,30C. Nếu so với năm 1990, dự báo nhiệt độ sẽ tăng khoảng 1,4-1,50C vào năm 2050 và tăng 2,5-2,80C vào năm 2100. Mùa nóng khắc nghiệt, lượng mưa cùng với cường độ mưa tăng đáng kể. Các trận bão mà Việt Nam phải hứng chịu đã trở nên khốc liệt, quỹ đạo bão dường như đã chuyển hướng về phía Nam...
Năm qua, lũ xuất hiện với cường độ lớn, gây thiệt hại nặng cho toàn bộ khu vực miền Trung, hàng chục vạn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Tổng cục Khí tượng - Thủy văn ước tính mực nước biển đang dâng cao với tốc độ trung bình là 2 mm/năm. Xói lở bờ biển đã, đang xảy ra. Mực nước biển dâng cao gây nên tình trạng xâm mặn ở các vùng ven biển, gây khó khăn trong khai thác nước ngọt phục vụ con người và cây trồng. BĐKH tác động xấu đến nuôi trồng thủy sản, nhiều loài cá quý hiếm dần, sản lượng tôm, cá suy giảm và làm suy giảm mạnh sinh vật phù du…
BĐKH đang tác động mạnh đến con người, kinh tế - xã hội, môi trường của nước ta. Đây là một trong những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Các nhà khoa học cho rằng trong thế kỷ qua, do việc tích lũy các chất cácbon điôxít (CO2), mêtan (CH4) và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác trong không khí (như N2O, HFCs, PFCs, SF6) - sản phẩm sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy, phương tiện giao thông… nên nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng thêm 10C. Tình trạng ấm lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến sự sống của muôn loài. Càng ngày chúng ta càng nhận thức được mức độ nghiêm trọng và sự tồn tại không thể phủ nhận của BĐKH mà con người là tác nhân chủ yếu tạo nên sự biến đổi đó. 90% nguyên nhân gây BĐKH là do hoạt động của con người, 60% trong số đó là do hoạt động của đô thị và 10% là do thiên nhiên. Nhận thức rõ tác hại của tình trạng BĐKH, cộng đồng quốc tế và các quốc gia đang dành sự quan tâm đặc biệt với thách thức của môi trường. Các đô thị được xác định là nhân tố có vai trò chính trong việc ứng phó với BĐKH. Việc ứng phó của các đô thị càng hiệu quả thì ảnh hưởng của BĐKH lên trái đất càng giảm nhẹ. Hiện tại, nhiều đô thị lớn trên thế giới đã hoạch định những chính sách phát triển bền vững để giành chiến thắng trong cuộc chiến ứng phó với BĐKH.
Ở Việt Nam, giải pháp về cơ sở hạ tầng đang được coi là vấn đề cấp bách trong việc ứng phó với BĐKH. Theo các chuyên gia, hệ thống thoát nước của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần được điều chỉnh và nâng cấp sau các trận lụt lịch sử vừa qua. Trước sự gia tăng của bão lụt, nên chăng việc quy hoạch phát triển đô thị của Việt Nam cần tránh những vùng đất gần sông, ven biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phòng chống thiên tai, di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt. Về lâu dài, nên phát triển các đô thị sinh thái, đô thị xanh, ở đó có sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với môi trường tự nhiên, tiêu phí nguyên liệu ít nhất, tái chế, tái sử dụng chất thải nhiều nhất...; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp và phương tiện giao thông "sạch". Giải pháp thông minh để đối phó với BĐKH chính là phát triển đô thị sinh thái. Đây là giải pháp vừa thích ứng, vừa đáp ứng, trả lại dần cho thiên nhiên những gì con người đã lấy và làm mất đi.
Một điều đáng quan tâm là không nên phát triển các đô thị lớn hiện nay thành siêu đô thị vì với mật độ xây dựng lớn, đô thị khó thích nghi với BĐKH và thiên tai. Quá trình mở rộng các vùng đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tạo cơ hội cho việc giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, khí thải. Đây là điều kiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả về năng lượng và xanh, sạch...
Nguồn: http://www.tnmtkhanhhoa.gov.vn