cây phủ đất ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học cao, đặc biệt là ở vùng đồi núi, vùng cửa sông và bãi bồi ven biển. Chỉ qua 1 huyện miền núi Lào Cai ta đã có thể thất sự phong phú của thảm thực vật. Riêng Sa Pa đã có tới 1.680 loài thuộc 679 chi của 210 họ thuộc 7 ngành: Ngành Rêu, Quyết lá thông, thông đất, cỏ tháp bút, Dương xỉ, Hạt trần, Hạt kín. Về dược liệu có 370 loài thuốc thuộc 102 họ trong đó 98 loài được trồng như: hoàng liên, tam thất, ngũ gia bì, bạch truật, thảo quả, xuyên khung, vân mộc hương, đương qui, đỗ trọng...
Sự đặc sắc đó hiếm nơi trên thế giới có được, do vậy một trong những tiêu chí quan trọng của sử dụng đất nông lâm nghiệp phải là bảo tồn cho được sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên. Đối với vùng núi sự thay thế hệ canh tác truyền thống bằng độc canh một vài cây thương phẩm đại trà, đơn loài cho lợi ích tức thời không tránh khỏi phá hoại tính đa dạng sinh học mà sự cứu vãn là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là vô phương cứu chữa.
Điều kiện khí hậu nóng ẩm, thực vật sinh trưởng nhanh, tốc độ hoạt động sinh học mạnh là những nhân tố chủ yếu xúc tiến mạnh mẽ việc thành tạo chất hữu cơ và chuyển hóa chúng với tốc độ nhanh hơn hàng chục lần so với ở điều kiện ôn đới. Những ưu thế này cần được tận dụng trong khi phục hồi độ phì nhiêu hữu hiệu của các đất thoái hóa ở Việt Nam. Về mặt này thì cây phủ đất đóng vai trò hết sức trọng yếu như một công cụ hữu hiệu để kiểm soát xói mòn, tăng cường độ xốp, sức chứa ẩm tối đa đồng ruộng, bổ sung dự trữ dinh dưỡng, cải thiện mức độ dễ tiêu của các nguyên tố, tạo ra môi trường thích hợp cho hoạt động bộ rễ của cây trồng. Bởi vậy, việc phát triển cây cải tạo đất, nhất là các cây đa mục tiêu, cần phải xem như một hợp phần không thể thiếu được của chiến lược quốc gia về quản lý quỹ đất, phục hồi đất thoái hóa và sử dụng bền vững đất dốc, đất đầm lầy, đất ngập mặn ven.
Nghiên cứu và sử dụng cây phủ đất ở Việt Nam.Có thể nói nông nghiệp Việt Nam là một trong những nền nông nghiệp có truyền thống sử dụng sớm và kiên trì theo hướng tận dụng hữu cơ, nguồn đạm sinh học từ cây phân xanh, cây họ đậu. Thật vậy, luân canh cây hòa thảo với cây họ đậu. Thật vậy, luân canh hòa thảo với cây họ đậu hoặc sử dụng tàn dư cây trồng làm phân, làm tốt đất đã được mô tả khá sớm trong thư tích cổ Việt Nam.
Trong “Vân đài loại ngữ “ Lê Quý Đôn viết:
“Phương pháp làm tốt ruộng thứ nhất là trồng đậu xanh, sau đó là đậu nhỏ và vừng. Tháng 5 tháng 6 gieo các thứ đó, đến tháng 7 tháng 8 cày úp cho chết đi. Làm như vậy đối với lúa vụ xuân thì mỗi mẫu thu được 10 thạch thóc, tốt ngang với bón xác tằm hay phân bắc hoai.” (vi thạch = 103,5 lít).
Trong những năm 1926 – 1927 Nguyễn Công Tiễn đã có những nghiên cứu khám phá tác dụng của cây bèo dâu ở đồng bằng và báo cáo tại hội nghị khoa học châu á ở Yorjakarta (1927). Cùng thời gian đó, nhà nông học Pháp Chauvin đã thu thập và thử nghiệm tại Pleiku một tập đoàn phân xanh gồm 62 giống bản địa và nhập nội từ jankarta. Kết quả đã chọn được 12 giống phân xanh thích hợp để làm cây tiên phong cải tạo đất hoặc trồng xen trong vườn cây lâu năm như chè, cà phê, cao su, cây quả. Đó là các cây: đậu triều, đậu lông, đậu bướm, lục lạc mũi mác, muồng lá tròn, muồng lá dài, hàn the, chàm, trinh nữ và 3 loài cốt khí.
Từ 1949 tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Blao (Lâm Đồng), một tập đoàn phân xanh phủ đất thuộc họ đậu gồm 21 giống đã được khảo nghiệm bởi A.Chavaney và J.Lanfranchi. Sau 6 năm nghiên cứu hai ông đã rút ra kết luận trên đất đỏ bazan có 5 cây phủ đất tốt nhất. Đó là: đậu triều, muồng lông, quỳ dại và 2 loài cốt khí. Quỳ dại là cây cho năng suất chất xanh cao nhất, tới trên 100 tấn/ ha sau 2 năm trồng.
Trong các đồn điền cà phê, cao su, chè trước đây trồng cây phân xanh để phủ đất, làm đai rừng chắn gió, hoặc làm cây che bóng là hạng mục bắt buộc trong quy trình sản xuất mặc dù lúc đó môi trường sinh thái chưa đến nỗi suy thoái.
Từ đầu những năm 1960, cùng với việc thành lập các nông trường quốc doanh và hợp tác xã, việc tận dụng cây phân xanh cũng được chú trọng. Tiếp thu những kinh nghiệm trước đó, chủ trương cây phủ đất và vấn đề tuần hoàn hữu cơ kết hợp với sử dụng phân khoáng rất được chú trọng trong toàn ngành nông trường quốc doanh và một số hợp tác xã tiên tiến. Hàng chục loại phân xanh đã được thu nhận, nhập nội, thử nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà. Chính nhờ vậy đất đai đỡ bị xói mòn, giảm bớt được tác hại phá đất do lạm dụng cơ giới nặng và phần nào bù đắp thiếu hụt phân khoáng trong thời kỳ khó khăn.
Từ sau đó đến cuối những năm 1980, trong bối cảnh khó khăn chung, thiếu sót trong quản lý kỹ thuật, do đề cao cực đoan tác dụng phân khoáng, và nhất là thiếu một cách hiểu đúng về tính bền vững của thâm canh, nên tuần hoàn hữu cơ bị xem nhẹ, cây phân xanh phủ đất cũng mai một dần. Mặc dù vậy những cây được nông dân chấp nhận vẫn tồn tại trên đồng ruộng nông dân, trong vườn hộ khẵp nơi trong nước.
Gần đây, như đã biết, vấn đề suy thoái đất, môi trường, sa mạc hóa... lại nổi lên, không phải chỉ ở Việt Nam, mà khắp vùng nhiệt đới. Các chính phủ và tổ chức quốc tế đã ý thức được và đang nỗ lực tìm giải pháp cho một nền nghiệp sinh thái bền vững, nhấn mạnh đến biện pháp sinh học và lớp phủ xanh an toàn, mặc dù ngày nay nền nông nghiệp có yểm trợ công nghiệp mạnh hơn nhiều so với trước đây, phân khoáng luôn có sẵn. Thiếu phân hóa học thì khó có thể đẩy năng suất sinh học và sản lượng nông phẩm lên được, nhưng lạm dụng phân hóa học cũng đưa lại hậu quả nhãn tiền. Mấy thập kỷ qua đã chứng kiến sự biến mất hàng loạt loài động vật thủy sinh. Cá tôm, cua ốc, lươn chạch trở nên hiếm hoi, đi theo chúng là sự thưa vắng cua, chim cò, giang sếu...
Cũng cần lưu ý rằng hàng ngàn năm trước khi sử dụng phân hóa học ở Việt Nam nông dân ta đã biết vận dụng các kỹ thuật của mình để điều khiển độ phì nhiêu đất, đặc biệt là kinh nghiệm về một nền nông nghiệp sinh thái cổ truyền trong đó chất hữu cơ được tuần hoàn liên tục, nên vấn đề thoái hóa đất, sa mạc hóa hầu như không xảy ra nghiêm trọng.
Nhắc lại mấy điểm trong lịch sử canh tác để có thể thấy rằng trồng cây phủ đất không thể xem là giải pháp tình thế hay biện pháp nhất thời. Trong khai thác đất đai, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nó phải được coi là một hợp thành của chiến lược phục hồi đất thoái hóa, sử dụng quỹ đất lâu bền.
Tổng kết nghiên cứu nhiều năm (Thái Phiên, Nguyễn Tử Siêm, 1994, Nguyễn Tử Siêm, Thái Phiên, 1992) cho phép khẳng định “biện pháp công trình đơn độc dù tốt đến mấy cũng không thể thay thế biện pháp sinh học trong việc phục hồi đất dốc thoái hóa và phân khoáng dù đầy đủ cũng không thể thay thế hoàn toàn phân hữu cơ trong thâm canh cây trồng”.