Cây dừa ngoài mang lại giá trị kinh tế còn có nhiệm vụ chống sạt lở doc bờ sông. Ảnh: HỮU PHƯỚC |
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, cây dừa là cây trồng sẽ chống chịu được với vùng đất mặn lợ, vùng đất bị mặn xâm nhập vào mùa khô. Đặc biệt, giá trị kinh tế từ cây dừa đang làm nhà vườn rất hài lòng. Hiện tại, giá trị một trái dừa khô ngang bằng 1kg gạo thơm.
Ông Nguyễn Văn Quới, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết: Bà con nông dân trong huyện đang chuyển mạnh một số diện tích đất trồng lúa, mía, cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng dừa. Nguyên do, cây dừa đã và đang cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí nhà vườn còn lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Bà con chuyển sang trồng dừa nhiều là vì vốn đầu tư ít, sử dụng lao động ít, lợi nhuận cao... Quan trọng hơn là trước xu hướng xâm nhập mặn càng lúc càng diễn biến phức tạp nên cây dừa là cây trồng rất phù hợp trên vùng đất mặn lợ, đất bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô. Còn về việc cây dừa giảm năng suất là do nhà vườn khai thác quá sức nhưng lại thiếu bón phân, tưới nước, bồi bùn...
Việt Nam hiện có khoảng 138.000ha dừa, trong đó Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa nhiều nhất với hơn 51.000ha. Hiện tại, đề án quy hoạch cây dừa của cả nước đến năm 2020 với diện tích phát triển ổn định dao động khoảng 135.000-140.000ha. Cây dừa là cây công nghiệp lâu năm, tuy nhiên thời gian qua chưa thực sự được quan tâm do lấn cấn giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nên đến nay cây dừa chưa được liệt vào danh sách cây trồng chủ lực. |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cũng rất hài lòng với cây dừa, ông Thanh cho biết: Huyện đang hướng người dân mở rộng thêm diện tích trồng dừa đối với tiểu vùng đã quy hoạch phát triển cây ăn trái. Vì trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, các xã dọc theo sông Tiền chưa có hệ thống thủy lợi khép kín, mùa khô nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì chỉ có cây dừa mới chống chịu được với nạn mặn xâm nhập. Thực tế tại tỉnh Hậu Giang trong những năm qua, đối với các vùng thường xuyên bị mặn xâm nhập, nhưng cây dừa vẫn phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt ở vùng Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ), Hỏa Tiến, Tân Tiến (TP.Vị Thanh). Dù diện tích dừa trong tỉnh không lớn và trồng rải rác, nhưng giá trị kinh tế của cây dừa mang lại khá cao, lúc cao điểm, dừa có giá đến trên 100.000 đ/chục (12 trái). Dù không phải là cây trồng chủ lực, nhưng ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng khuyến cáo bà con thay các cây tạp bằng cây dừa vừa thu được giá trị kinh tế, vừa chống sạt lở ở dọc các tuyến sông. Đặc biệt, cây dừa ít sử dụng thuốc hóa học sẽ tạo được môi trường trong sạch và phát triển bền vững.
Ông Đỗ Văn Công, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: Sau 5 năm thực hiện dự án trồng mới 5.000ha dừa tại 55 xã của 5 huyện: Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đã góp phần tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - du lịch, đặc biệt là tăng thu nhập cho nông dân. Dự án đã giúp cho 12.894 hộ nông dân trồng mới 4.593ha dừa, tổng kinh phí thực hiện trên 65,408 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chỉ có hơn 2,309 tỉ đồng, vốn dân vay trên 20,594 tỉ đồng, đặc biệt vốn dân tự có là rất lớn với trên 42,5 tỉ đồng. Ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre khẳng định: Việc đầu tư mở rộng diện tích dừa là một hướng đi đang mang lại hiệu quả thiết thực. Một là góp phần tăng diện tích dừa từ 46.000ha lên 51.000ha; hai là giúp nông dân sử dụng hiệu quả đơn vị diện tích đất nông nghiệp; ba là nâng cao thu nhập cho người trồng dừa rất đáng kể; bốn là chuyển dịch kinh tế trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khẳng định: Cây dừa là một trong những chủng loại cây trồng được Bộ NN&PTNT chỉ đạo sản xuất. Bến Tre là tỉnh đi tiên phong trong chính sách đầu tư phát triển cây dừa. Cục Trồng trọt sẽ có đề xuất chương trình hỗ trợ địa phương phát triển cây trồng này đi theo hướng bền vững. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, cây dừa là cây trồng có khả năng chịu được ẩm độ và mặn... là một trong những cây trồng thiên niên kỷ, giải quyết việc làm nông thôn gắn với các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Theo ông Hòa, cây dừa được xác định là cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, chính vì thế, khi các địa phương mở rộng diện tích dừa, phải tính toán kỹ quy hoạch và cơ cấu cụ thể giữa dừa uống nước và chế biến để điều tiết thị trường. Như vậy, ngay từ khâu giống phải tốt và theo đó phải hướng nhà vườn sản xuất theo hướng sạch, an toàn và bền vững môi trường, sẽ giúp nông dân làm giàu từ cây trồng truyền thống này.
Nguồn: http://www.baohaugiang.com.vn