GIS giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc

Bài báo giới thiệu về xuất xứ, tính năng kỹ thuật, quy mô, hiệu quả ứng dụng của hệ thống thông tin địa lý (GIS) giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan của dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc - sản phẩm khoa học công nghệ của Trung tâm Công nghệ phần mềm Thuỷ lợi. Ứng dụng hệ thống sẽ giúp cho các nhà chăn nuôi, các nhà quản lý nắm bắt được nhanh chóng tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc, kết quả tiêm phòng trên lãnh thổ mình quan tâm, diễn biến dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc và khả năng lây lan của hai loại dịch nguy hiểm này khi nó xuất hiện, từ đó có được các quyết định và giải pháp xử lý thích hợp để ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của dịch một cách hiệu quả.
http://www.jeffersoncountywv.org/uploads/images/GIS/logo_color_MainPage.jpg

I.     LỜI NÓI ĐẦU
Trong những năm gần đây, dịch bệnh gia súc, gia cầm ngày càng phát triển phức tạp, gây ra những tác hại không nhỏ tới nền kinh tế, tới môi trường sống, sức khoẻ của cộng đồng. Đặc biệt nguy hiểm là dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng gia súc. Dịch bệnh gây ra thất thiệt trực tiếp cho người chăn nuôi, làm mất cân đối về cung và cầu thực phẩm trên thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Không những thế, dịch cúm gia cầm còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng, đến môi trường sống và trong một số trường hợp dẫn đến thiệt hại nhân mạng, đe doạ sự ổn định của kinh tế-xã hội và tiềm ẩn nguy cơ trở thành đại dịch cúm của con người trong phạm vi toàn cầu.
Điều đáng nói ở đây là khi xảy ra dịch, các cấp quản lý ở địa phương cũng như ở trung ương rất thiếu thông tin cần thiết cho việc đánh giá tình hình hiện trạng, mức độ nguy hiểm đang tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, phòng hoặc chống kịp thời. Ngoài việc chưa có được một hệ thống tổ chức điều tra, thu thập thông tin hoàn chỉnh, chúng ta còn thiếu cả phương tiện lưu trữ, xử lý thông tin. Kết quả điều tra từ các địa phương gửi lên các cơ quan quản lý cấp trên thông qua FAX, bưu kiện hoặc điện thoại đều được lưu trữ dưới dạng giấy phiếu xếp thành chồng, làm cho việc phân tích, tổng hợp thông tin khó khăn, chậm chạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, giám sát tình hình dịch và ra quyết định phòng chống. Nói cách khác, có thông tin, mất thời gian, sức người, sức của để thu thập thông tin, nhưng hiệu quả khai thác thông tin thấp. Khi cần xây dựng một bản đồ hiện trạng về dịch bệnh, cán bộ thú y phải sử dụng bản đồ giấy và phương pháp tô màu cũ để thể hiện. Tất nhiên, với cách làm như vậy, bản đồ không thể kịp thời phản ánh đúng tình hình diễn biến trong thực tế. Đây là hệ quả của việc thiếu một hệ thống thông tin hiện đại để lưu trữ các loại thông tin điều tra thu thập được, xử lý chúng một cách nhanh chóng, kịp thời và trong nhiều trường hợp có thể đưa ra những ý kiến tư vấn cho các nhà quản lý. Trong tình hình như vậy, Bộ môn GIS và Viễn thám của Trung tâm Công nghệ phần mềm Thuỷ lợi đã nghiên cứu, xây dựng một hệ thống thông tin địa lý giám sát tình hình dịch cúm gia cầm và dự báo xu hướng lây lan của dịch khi dịch bùng phát. Hệ thống được bắt đầu xây dựng trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Vĩnh Phúc, được hoàn thiện tiếp tục và triển khai ứng dụng thí điểm ở Nam Định, Nghệ An trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ của các tỉnh đó. Năm 2008, Sở NN&PTNT cùng với Sở KH&CN Quảng Ninh đặt vấn đề nâng cấp, mở rộng hệ thống để theo dõi và dự báo xu hướng lây lan của cả dịch lở mồm, long móng gia súc và triển khai ứng dụng vào công tác chăn nuôi-thú y của tỉnh. Đến nay, hệ thống GIS giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan của dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc đã được xây dựng hoàn chỉnh và bắt đầu được triển khai ứng dụng đại trà cho toàn tỉnh Quảng Ninh. Bài báo này sẽ giới thiệu với bạn đọc một cách tóm tắt về tính năng kỹ thuật của hệ thống thông tin, khả năng và phạm vi ứng dụng, hiệu quả ứng dụng hệ thống vào công tác theo dõi diễn biến và dự báo sự lây lan của hai loại dịch bệnh nguy hiểm nhất của vật nuôi.
II.     TÍNH NĂNG KỸ THUẬT CỦA HỆ THỐNG THÔNG TIN
II. 1.        Cấu trúc của hệ thống
Hệ thống thông tin địa lý giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan của dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc được xây dựng theo mô hình “khách - chủ”. Phần chủ bao gồm cơ sở dữ liệu (CSDL) bản đồ và dữ liệu thuộc tính trên máy chủ, các phần mềm quản trị dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian. Phần khách là phần mềm khách - công cụ của người dùng để đăng nhập vào hệ thống từ các máy trạm của mình, cập nhật dữ liệu vào hệ thống, khai thác thông tin từ hệ thống. Nếu máy chủ có địa chỉ trên mạng Internet, phần mềm khách có thể đăng nhập vào hệ thống qua mạng Internet. Trong trường hợp máy chủ không có địa chỉ trên mạng Internet, phần mềm khách có thể kết nối tới máy chủ thông qua đường điện thoại công cộng hoặc sử dụng công nghệ mạng riêng ảo VPN. Số lượng người kết nối tại một thời điểm phụ thuộc vào bản quyền sử dụng quản trị dữ liệu thuộc tính, quản trị dữ liệu không gian và khả năng của cổng kết nối trên máy chủ.
Hình vẽ 1 dưới đây trình bày sơ đồ tổng thể của hệ thống GIS.
Hình vẽ 1. Sơ đồ cấu trúc của hệ thống thông tin địa lý giám sát tình hình chăn nuôi, tình hình dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng giá súc và dự báo xu hướng lây của dịch
II.2.  Cơ sở dữ liệu về tình hình chăn nuôi và dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc
 Là hệ thống GIS, dữ liệu được lưu trữ gồm dữ liệu không gian (bản đồ) và dữ liệu thuộc tính. Để có thể vừa phục vụ cho công tác quản lý tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh, vừa phục vụ cho bài toán dự báo, cảnh báo xu hướng lây lan, dữ liệu bản đồ cũng như dữ liệu thuộc tính kèm theo được quản lý chi tiết đến từng cụm dân cư, từng trại chăn nuôi. Sau đây là các loại dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống.
Dữ liệu bản đồ:
+ Các lớp bản đồ địa giới hành chính xã, huyện, tỉnh;
+ Lớp bản đồ các đường quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện và liên xã;
+ Lớp bản đồ thuỷ hệ: sông, suối, ao, hồ;
+ Lớp bản đồ các khu dân cư;
+ Lớp bản đồ các trang trại chăn nuôi gia cầm: gà, chim, thuỷ cầm;
+ Lớp bản đồ các trại cung cấp giống gia cầm;
+ Lớp bản đồ các trang trại chăn nuôi gia súc: trâu, bò, lợn, dê;
+ Lớp bản đồ các trại cung cấp giống gia súc;
+ Lớp bản đồ mạng lưới chợ buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm;
+ Lớp bản đồ các cửa hàng bán thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm;
+ Lớp bản đồ các lò mổ gia súc, gia cầm;
+ Lớp bản đồ các cửa hàng ăn uống lớn hoặc các cụm cửa hàng ăn uống tiêu thụ thực phẩm gia súc, gia cầm với quy mô lớn;
+ Lớp bản đồ các bãi chăn thả gia súc của các cụm dân cư và trại chăn nuôi.
Dữ liệu thuộc tính:
+ Số gia cầm từng loại (gà, thuỷ cầm, chim) được nuôi trong từng cụm dân cư, trong từng trại nuôi, trại giống và thời gian điều tra;
+ Số lượng gia cầm được tiêm phòng trong từng cụm dân cư, từng trại nuôi, trại giống và thời gian tiêm.
+ Số lượng gia cầm bị nhiễm virus cúm của từng cụm dân cư, từng trại nuôi, trại giống khi có dịch bùng phát và thời gian phát hiện dịch.
+ Số gia súc từng loại (trâu, bò, lợn, dê) được nuôi trong từng cụm dân cư, trong từng trại nuôi, trại giống và thời gian điều tra;
+ Số lượng gia súc được tiêm phòng trong từng cụm dân cư, từng trại nuôi, trại giống và thời gian tiêm.
+ Số lượng gia súc bị nhiễm virus lở mồm, long móng của từng cụm dân cư, từng trại nuôi, trại giống khi có dịch bùng phát và thời gian phát hiện dịch.
Những số liệu này được tích luỹ theo thời gian, được dùng để theo dõi diễn biến chăn nuôi, quá trình tiêm phòng dịch và theo dõi lịch sử xuất hiện dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc tại từng cụm dân cư, từng trại chăn nuôi, trại giống;
+ Quan hệ buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm giữa các cụm dân cư với các chợ, giữa các địa phương với nhau: Dân trong mỗi cụm dân cư thường tham gia mua bán ở chợ nào trong vùng, kể cả chợ ở tỉnh khác; Sản phẩm gia súc, gia cầm, ngoài việc đem ra chợ bán, còn xuất đi những địa phương nào trong cả nước;
+ Quan hệ mua bán giống gia súc, gia cầm giữa các cụm dân cư, trại nuôi với các trại giống;
+ Quan hệ mua bán thức ăn gia súc, gia cầm giữa các của hàng bán thức ăn, các công ty sản xuất thức ăn với các cụm dân cư, trại nuôi, trại giống;
+ Quan hệ mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm giữa các lò mổ với các cụm dân cư, trại chăn nuôi;
+ Thông tin về việc sử dụng thức ăn thừa của các cửa hàng ăn uống cho việc chăn nuôi ở các cụm dân cư, trại nuôi, trại giống;
+ Vị trí chăn thả gia súc của các cụm dân cư, trại nuôi, trại giống.  
  II.3 Phần mềm giám sát tình hình chăn nuôi, dịch cúm gia cầm và dự báo xu hướng lây lan dịch cúm.
Phần mềm khách là công cụ của người dùng để đăng nhập vào hệ thống, cập nhật thông tin hoặc truy vấn, khai thác thông tin. Phần mềm cung cấp cho người dùng các nhóm chức năng chính sau đây:
1. Chức năng cập nhật thông tin, số liệu từ các địa phương vào hệ thống giúp cho việc thông tin được cập nhật một cách kịp thời, phản ánh đúng tình hình chăn nuôi và dịch bệnh tại từng địa phương. Số liệu cập nhật vào hệ thống là kết quả điều tra về chăn nuôi, kết quả tiêm phòng trong mỗi đợt, số gia cầm bị dịch cúm hay số gia súc bị dịch lở mồm, long móng khi có dịch, các luồng luân chuyển giống, sản phẩm, thức ăn  vật nuôi và các số liệu khác phục vụ bài toán dự báo. Máy trạm từ các địa phương có thể nối với máy chủ trong mạng Internet, nếu máy chủ có địa chỉ trên mạng. Trong trường hợp máy chủ không có địa chỉ trên mạng, các máy trạm có thể kết nối với máy chủ thông qua đường điện thoại công cộng hoặc sử dụng công nghệ mạng riêng ảo VPN. Mô hình vận hành mềm dẻo như vậy cho phép triển khai ứng dụng hệ thống trong mọi điều kiện khác nhau. Số liệu, thông tin được tổ chức cập nhật theo lãnh thổ, thuận tiện cho công tác quản lý, đồng thời giảm được tải công việc nhập liệu tại trung tâm lưu trữ, nơi để máy chủ. Trên hình vẽ 2 là giao diện nhập số liệu điều tra về chăn nuôi gia cầm và số liệu gia cầm bị dịch của huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh.
    
Hình vẽ 2. Giao diện nhập số liệu về tình hình chăn nuôi gia cầm và tình hình dịch cúm gia cầm cho một huyện
2. Truy vấn, phân tích, tổng hợp thông tin có thể thực hiện cho từng đối tượng được quản lý như trại, khu dân cư, cũng có thể theo lãnh thổ xã, huyện, tỉnh. Thông tin có thể truy vấn, tổng hợp theo từng chuyên đề như chăn nuôi, tiêm phòng hay dịch cúm, dịch lở mồm, long móng. Việc tổ chức truy vấn, tổng hợp thông tin như vậy đáp ứng được yêu cầu của người quản lý ở từng cấp khác nhau, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu của người chăn nuôi.
Hình vẽ 3. Báo cáo tổng hợp về tình hình tiêm phòng dịch cúm gia cầm trong ngày và cả đợt cho huyện Tiên Yên, Quảng Ninh
3. Một trong những điểm khác biệt chứng tỏ tính ưu việt của việc ứng dụng công nghệ GIS là khả năng xây dựng bản đồ hiện trạng chăn nuôi, hiện trạng tiêm phòng và bản đồ hiện trạng dịch cúm, dịch lở mồm, long móng (bản đồ dịch tễ) của hệ thống. Người dùng có thể lựa chọn các tiêu chí khác nhau theo yêu cầu của mình để xây dựng bản đồ, lựa chọn cách thể hiện khác nhau, như tô màu theo giá trị tuyệt đối, nghĩa là mỗi con số tương ứng với một màu, hay tô màu theo khoảng giá trị. Người dùng cũng có thể sử dụng mật độ điểm chấm trên bản đồ để biểu thị độ lớn của giá trị cần thể hiện thay cho việc tô màu. Hình vẽ 4 là kết quả xây dựng bản đồ hiện trạng chăn nuôi gia súc của tỉnh Quảng Ninh theo kết quả điều tra cuối năm 2008, còn hình vẽ 5 là bản đồ dịch tễ phân bố gia súc bị dịch lở mồm, long móng của tỉnh trong đợt dịch tháng 4 năm 2009.
           4. Đặc điểm nổi bật của hệ thống là khả năng dự báo xu hướng lây lan dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc khi có dịch xảy ra. Hệ thống sử dụng bản đồ GIS để xác định khu vực ảnh hưởng do khả năng phát tán của virus H5N1 hay virus lở mồm, long móng theo không khí từ đối tượng đã có dịch. Đồng thời, kết hợp với thông tin về quan hệ mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm, mua bán giống gia súc, gia cầm, sự giao lưu giữa các khu dân cư, trang trại, trại giống thông qua hệ thống chợ, lò mổ, cửa hàng ăn uống được lưu trữ trong CSDL trên máy chủ, hệ thống đưa ra kết quả dự báo các đối tượng có khả năng bị lây nhiễm dịch từ các đối tượng đã bị dịch. Khả năng bị lây nhiễm được phân loại lây nhiễm trực tiếp (mức 1), lây nhiễm theo dây chuyền mức 2, mức 3... Theo kết quả dự báo, hệ thống tô màu bản đồ khu vực đã có dịch hay dễ bị lây dịch, thiết lập báo cáo tổng hợp, thống kê số lượng gia cầm hay gia súc nằm trong khu vực nguy hiểm. Kết quả dự báo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lựa chọn phương án tác chiến chống dịch như khoanh vùng cách ly, tiêm phòng từ xa, thiêu huỷ vật nuôi bị dịch và hỗ trợ người chăn nuôi… Trường hợp người dùng có yêu cầu, phần mềm sẽ lý giải, trên cơ sở nào mà một cụm dân cư, một trại nuôi, trại giống nào đấy được dự báo là có khả năng bị lây dịch. Phần mềm thể hiện sự lý giải của mình bằng hình ảnh đồ hoạ và bằng văn bản. Hình vẽ 6 dưới đây là bản đồ dự báo xu hướng lây nhiễm dịch cúm gia cầm huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh trong đợt dịch vào tháng 10 năm 2008. Hình vẽ 7 là báo cáo tổng hợp số lượng gia cầm nằm trong vùng đã bị dịch và trong vùng có khả năng lây nhiễm. Trên hình vẽ 8, phần mềm lý giải kết quả dự báo về khả năng bị lây nhiễm của cụm dân cư 5: Thành Long, Đa Đôi, Lục Dong, Suối Gà huyện Đông Triều, Quảng Ninh trong đợt dịch tháng 10 năm 2008.
 
 III - QUY MÔ ÁP DỤNG VÀ KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG.
 Đối tượng áp dụng hệ thống giám sát và dự báo xu hướng lây lan của dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, lonh móng gia súc là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong ngành thú y, từ trung ương tới địa phương và những người quan tâm đến công tác phòng và chống dịch, phát triển chăn nuôi.
Đối với cán bộ thú y các xã, các trạm thú y huyện, hệ thống GIS là công cụ để cập nhật vào cơ sở dữ liệu dùng chung số liệu điều tra về chăn nuôi, kết quả tiêm phòng, tình hình dịch cúm và dịch lở mồm, long móng, quan hệ mua bán giống, sản phẩm vật nuôi, mua bán thức ăn vật nuôi và các thông tin liên quan đến lây nhiễm dịch ở tại địa phương mình phụ trách. Hệ thống cũng là công cụ để họ có thể theo dõi diễn biến tình hình chăn nuôi gia cầm, tình hình dịch cúm gia cầm ở địa phương mình và các địa phương bạn, nhất là những địa phương có quan hệ trao đổi giống và sản phẩm gia cầm với cư dân ở địa phương mình, thực hiện bài toán dự báo xu hướng lây của dịch khi có dịch bùng phát.
Đối với lãnh đạo các Chi Cục Thú y, các Sở NN&PTNT, lãnh đạo ngành Chăn nuôi và Thú y, hệ thống thông tin là công cụ lưu trữ và tổng hợp thông tin, thiết lập báo cáo, thiết lập bản đồ hiện trạng về chăn nuôi, hiện trạng về dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm, long móng gia súc, tiến độ tiêm phòng dịch của các xã, huyện, tỉnh và toàn quốc. Hệ thống cung cấp cho họ thông tin về lịch sử phát triển chăn nuôi, lịch sử tiêm phòng dịch, lịch sử phát sinh dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc của từng địa phương xã hay cả nước. Khi có dịch xuất hiện tại đâu đấy, hệ thống thực hiện bài toán dự báo xu hướng lây lan của dịch, khoanh vùng các khu vực nguy hiểm, thống kê số gia cầm có nguy cơ bị lây. Đây là những thông tin hết sức quan trọng cho công tác phòng và chống dịch.
Yêu cầu về phần cứng cho việc vận hành của hệ thống thông tin không phức tạp. Nếu ở đơn vị quản lý dữ liệu, ví dụ Chi Cục Thú y chẳng hạn, có máy chủ lưu trữ dữ liệu, có thiết bị kết nối mạng LAN, Internet, còn ở các trạm thú y các huyện có máy tính và thiết bị kết nối Internet là có thể triển khai ứng dụng hệ thống.
Tóm lại, hệ thống thông tin có thể ứng dụng vào công tác theo dõi tình chăn nuôi, phòng và chống dịch bệnh của một huyện, một tỉnh hay cho cả nước. Đến nay, hệ thống đã được ứng dụng thí điểm cho Vĩnh Phúc, cho hai huyện Trục Ninh và Hải Hậu tỉnh Nam Định, cho huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An và đang được triển khai ứng dụng đại trà cho toàn tỉnh Quảng Ninh.


 IV - HIỆU QUẢ KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA VIỆC ỨNG DỤNG HỆ THỐNG THÔNG TIN.
 Hệ thống thông tin giám sát và dự báo xu hướng lây lan dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc là công cụ phục vụ cho công tác quản lý trong chuyên ngành thú y, do vậy, hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng nó không thể tính thành tiền cụ thể, mà nằm trong hiệu quả giảm thiểu tác hại của dịch nhờ cải cách phương pháp quản lý thông tin.
Triển khai ứng dụng hệ thống thông tin sẽ giúp cho các nhà quản lý nắm bắt được tình hình dịch bệnh nhanh chóng, chính xác trên địa bàn mình phụ trách. Thông tin đầy đủ và chính xác về hiện trạng chăn nuôi, bản đồ phân bố mật độ gia súc, gia cầm trong các khu dân cư do hệ thống cung cấp sẽ giúp cho việc xác định được những vị trí, những địa phương có mật độ gia cầm cao quá giới hạn cho phép, ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn khả năng lớn bùng phát dịch. Từ đó cơ quan quản lý có biện pháp khuyến cáo, định hướng, vận động bà con nông dân thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thông tin đầy đủ và chính xác về hiện trạng chăn nuôi giúp cho việc chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực phù hợp để phòng chống dịch. Có thông tin chính xác và kịp thời về các địa điểm xuất hiện dịch bệnh, về số lượng gia súc, gia cầm của những nơi bị dịch, có bản đồ phân bố các địa điểm bị dịch, chúng ta sẽ có được các chỉ đạo tới các địa phương một cách kịp thời, khoanh vùng cách ly đúng nơi, đúng chỗ, sử dụng nhân lực vào những nơi cần thiết, có các biện pháp ngăn chặn dịch hợp lý và hiệu quả. Khi cần thiết phải thiêu huỷ vật nuôi bị dịch, thông tin chính xác về hiện trạng chăn nuôi, về lịch sử chăn nuôi trong từng trại, trong từng thôn được lưu trữ trong CSDL sẽ giúp cho việc tính toán kinh phí hỗ trợ thiêu huỷ vật nuôi và kinh phí hỗ trợ người sản xuất chính xác hơn, góp phần đưa kinh phí hỗ trợ đến đúng địa chỉ, đúng người nhận. Tránh tình trạng, khi phải thiêu huỷ mới khảo sát, thống kê, dẫn đến việc người quản lý bị động, còn nơi thống kê ở các địa phương có thể sinh ra các hiện tượng tiêu cực, thống kê và báo cáo sai sự thật. Có được bản đồ phân bố các trại, các cụm dân cư bị dịch và kết quả dự báo về xu hướng lây nhiễm của dịch sẽ giúp cho việc khoanh vùng ảnh hưởng của dịch một cách chính xác, tránh được tình trạng nơi cần huỷ vật nuôi thì không huỷ, nơi không có nguy cơ lây nhiễm lại bắt buộc huỷ, tạo ra phản ứng tiêu cực từ phía người chăn nuôi.
Hiện nay, mặc dù vẫn chưa xác định được cơ chế lây nhiễm virus H5N1 giữa gia cầm và người, giữa người và người, nhưng các chuyên gia y tế và thú y trên thế giới vẫn không loại trừ nguy cơ dịch cúm gia cầm sẽ biến thành đại dịch cúm của người. Hạn chế được dịch cúm gia cầm sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ xuất hiện đại dịch cúm của con người.
Tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng nói trên thực sự đạt được chỉ trong trường hợp cơ quan quản lý có được những quy định cụ thể về việc cập nhật số liệu về chăn nuôi, dịch bệnh cũng như các yếu tố liên quan đến lây nhiễm, và các cá nhân chịu trách nhiệm cập nhật thông tin vào hệ thống phải tự giác, có nhận thức được về tầm quan trọng về tính khách quan của thông tin. Có như thế, kết quả tổng hợp thông tin, xây dựng bản đồ hiện trạng và bản đồ dịch tễ, kết quả dự báo mới có ý nghĩa thực tế, đem lại hiệu quả cho công tác phòng và chống dịch


 V - KẾT LUẬN
 Hệ thống thông tin giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan của dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc có đầy đủ chức năng đáp ứng yêu cầu quản lý thông tin về chăn nuôi và về diễn biến dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc, hỗ trợ ra quyết định khoanh vùng, ngăn chặn dịch khi dịch bùng phát. Hệ thống dễ sử dụng, giao diện tiếng Việt, không đòi hỏi cao về phần cứng, có thể triển khai ứng dụng ở các cấp khác nhau, nhưng phù hợp nhất là cấp tỉnh. Hiện tại, hệ thống đang được triển khai ứng dụng cho toàn tỉnh Quảng Ninh.
Hệ thống thông tin giám sát tình hình và dự báo xu hướng lây lan dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng gia súc cũng là cơ sở ban đầu để phát triển, tích hợp thêm dần các lớp bản đồ, các bảng dữ liệu, các module phần mềm theo dõi tình hình và dự báo xu hướng lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm khác của vật nuôi như dịch tụ huyết trùng, dịch đóng dấu, dịch tai xanh…
Climate GIS dựa theo bài viết của TSKH Nguyễn Đăng Vỹ
Share on :