Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Trong các thập niên gần đây, ĐBSCL đã và đang gánh chịu những tác động khá mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây nên, trong đó lũ có những biến động ngày càng lớn giữa năm lũ lớn và lũ nhỏ, bão nhiều và mạnh hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, cháy rừng, sạt lở bờ sông, tố lốc, triều cường... xuất hiện ngày càng nguy hiểm hơn.
QUY HOẠCH THỦY LỢI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
 TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
VÀ NƯỚC BIỂN DÂNG
(Dự thảo)

Mực nước biển trong pha triều dâng


I. KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU – NƯỚC BIỂN DÂNG
            a. Diễn biến chung
Trong các thập niên gần đây, ĐBSCL đã và đang gánh chịu những tác động khá mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây nên, trong đó lũ có những biến động ngày càng lớn giữa năm lũ lớn và lũ nhỏ, bão nhiều và mạnh hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, cháy rừng, sạt lở bờ sông, tố lốc, triều cường... xuất hiện ngày càng nguy hiểm hơn. Chỉ tính trong 10 năm qua, ĐBSCL đã có:
- 3 năm liên tiếp từ 2000-2002 có lũ lớn, trong đó năm 2000 là lũ lớn lịch sử. Trong dãy tài liệu mực nước nhiều năm tại Tân Châu và Châu Đốc từ 1924 đến nay, 3 năm lũ lớn liên tiếp, trong đó có lũ năm 2000 là điều khá đặc biệt, do trước đó cũng có những nhóm năm lũ lớn như vậy nhưng không lớn bằng. Tại Tân Châu, đỉnh lũ năm 2000 (5,06 m) chỉ đứng thứ 2 sau lũ 1961 (5,12 m), trong khi tổng lượng đạt đến 430 tỷ m3, lớn hơn lũ 1961 chừng 15 tỷ m3.
- 7 năm liên tiếp, từ 2003 đến 2009, ĐBSCL có lũ dưới trung bình, trong đó tại Tân Châu năm 2006 có mực nước 4,00 m và năm 2008 chỉ đạt 3,65 m, thuộc năm cực nhỏ trong 70 gần đây. Lũ dòng chính nhỏ, tổng lượng nhìn chung chỉ đạt 80-90% tổng lượng trung bình, kéo theo mực nước lũ trong nội đồng cũng rất thấp, một vài năm hầu như nội đồng đói lũ (các năm 2003, 2008 và 2009, tổng lượng lũ chỉ đạt dưới 70% tổng lượng lũ trung bình). 
- 2 lần có bão lớn đổ bộ và ảnh hưởng đến ĐBSCL là bão Linda năm 1997 và bão Durian năm 2006. Theo thống kê, trong hơn 100 năm qua, ĐBSCL hứng chịu 3 trận bão đổ bộ trực tiếp, trong đó có trận bão năm 1904, cách bão Linda 93 năm, trong khi bão Durian chỉ cách bão Linda 9 năm.   
- 8 năm liền ĐBSCL gặp hạn, đặc biệt hạn kết hợp dòng chảy kiệt trên sông Mekong và xâm nhập mặn sâu vào năm 2004 và 2008. Diễn biến hạn-mặn đầu năm 2010 cũng cho thấy có xu thế gần với năm 2004.
- Tố lốc xuất hiện nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng.
- Cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt đợt cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Thượng vào năm 2002 mà ảnh hưởng của nó đến nay vẫn chưa được khắc phục.
- Sạt lở bờ biển, bờ sông xảy ra với số lần, số vị trí và cường độ cao, như sạt lở ven biển Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và gần đây là biển phía Tây của tỉnh Cà Mau. Sạt lở bờ sông, kênh cũng xẩy ra với cường suất cao, ảnh hưởng nhất định đến ổn định kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, như sạt lở bờ sông Tiền tại Tân Châu, Hồng Ngự, Sa Đéc, Vĩnh Long… sạt lở trên sông Hậu tại Châu Đốc và trên QL91 thời gian gần đây…
- Nước biển có xu thế ngày càng dâng cao, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Vũng Tàu (biển Đông), mực nước biển trung bình 50 năm qua đã tăng khoảng 12 cm. Triều cường trên nền nước biển dâng ngày càng uy hiếp nghiêm trọng các vùng đất thấp, kể cả các thành phố ven biển ảnh hưởng triều như Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long…
            b. Diễn biến mực nước ven biển
Trong 25 năm (1982-2007) mực nước trung bình năm cao nhất của trạm Vũng Tàu là -18 cm năm 1996 và thấp nhất là -36 cm năm 1982 (cao độ Quốc gia). Biến trình mực nước trung bình nhiều năm ở Vũng Tàu tuy có tính chu kỳ nhưng việc xác định chính xác còn khó khăn. Biến trình mực nước bình quân 5 năm liên tục ở Vũng Tàu có chu kỳ khoảng 18-20 năm. Biến trình mực nước trung bình 18 năm tại Vũng Tàu cho thấy sự gia tăng mực nước biển. Trong vòng 25 năm (1982-2007) mực nước biển trung bình 18 năm thời kỳ 1990-2007 cao hơn mực nước biển trung bình 18 năm thời kỳ 1982-1999 là 34,4 mm, trung bình mỗi năm gia tăng 4,7 mm.
Biến trình mực nước lớn nhất trung bình nhiều năm cũng cho thấy sự gia tăng rõ rệt. Tại Vũng Tàu, mực nước lớn nhất trung bình 18 năm thời kỳ 1990-2007 cao hơn mực nước lớn nhất trung bình 18 năm thời kỳ 1982-1999 là 46,7 mm, trung bình mỗi năm gia tăng 6,2 mm.
            - Tại Tân Châu-Châu Đốc: Mực nước trạm Châu Đốc khá nhạy cảm với diễn biến mực nước thượng lưu sông Mekong. Khảo sát diễn biến mực nước tại trạm từ  1978-2008 (30 năm) cho ta thấy trên biểu đồ diễn biến mực nước cao nhất hàng năm đường xu thế biến đổi trung bình tăng 1,5 cm/năm, trên biểu đồ diễn biến mực nước chân triều thấp nhất đường xu thế biến đổi tăng 1,33 cm/năm và trên biểu đồ diễn biến mực nước trung bình năm đường xu thế biến đổi tăng 0,46 cm/năm.   
- Tại Cần Thơ: Tài liệu từ năm 1977-2008 (32 năm) cho thấy do ảnh hưởng bởi nước ngọt thượng lưu nên chân triều tại khu vực TP.Cần thơ được nâng lên cao, mùa kiệt biên độ còn từ  2,2-2,6 m (từ Thốt Nốt tới Cần Thơ), mùa lũ biên độ chỉ còn 1,1-1,8 m (từ Cần Thơ tới Thốt Nốt). Đây vẫn là điều kiện khá thuận lợi cho việc tiêu thoát nước.
Hiện nay, trên các nước thượng nguồn sông Mekong, tài nguyên nước mặt được sử dụng chủ yếu cho tưới, thuỷ điện, sinh hoạt và phát triển công nghiệp. Về mùa cạn, khi dòng chảy sông Mekong ít đi, việc sử dụng nước cho các hoạt động kinh tế-xã hội tại hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng.
Bảng 5.1. Các công trình hồ chứa lớn trên các sông tại các quốc gia trong lưu vực  sông Mekong (tính đến năm 2009)
Quốc gia
Số hồ chứa
Dung tích hiệu dụng
(triệu m3)
Trung Quốc (22%)
3
718
Mianma (3%)
0
0
Lào (25%)
3
5.408
Thái Lan (23%)
9
5.462
Campuchia (19%)
0
0
Việt Nam (8%)
5
4.000
Tổng cộng
20
15.596

Dòng chính sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc (sông Lancang-Lan Thương) hiện đã có 3 công trình thuỷ điện là Manwan (Mạn Loan), Dachaosan (Đại Chiếu Sõn) và Jinghong (Cảnh Hồng) với tổng dung tích hiệu dụng 718 triệu m3. Công trình thuỷ điện Xiaowan (Tiểu Loan) với công suất 4.200 MW với tổng dung tích hồ chứa là 11.500 triệu m3 (dung tích hiệu dụng 9.800 triệu m3), vận hành điều tiết mùa, cũng sắp hoàn thành.
Trên lãnh thổ Myanmar, diện tích lưu vực sông Mekong là 28.000 km2 (chiếm khoảng 3% diện tích toàn bộ lưu vực). Các hoạt động phát triển tài nguyên nước tại đây nói chung là ít. Có một số công trình thuỷ điện nhỏ đã được xây dựng dọc trên các chi lưu nhỏ của sông Mekong. Nói chung các công trình này có tác động rất nhỏ đến chế độ dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công.
Sông Mekong trên lãnh thổ CHDCND Lào có diện tích lưu vực chiếm 25% diện tích lưu vực, có tiềm năng phát triển thuỷ điện rất lớn. Hiện nay có 5 nhà máy thuỷ điện (công suất trên 10 MW) với tổng công suất là 615 MW. Trong các nhà máy này có 3 nhà máy là dạng thuỷ điện hồ chứa, đó là các hồ thuỷ điện Nậm Ngừm và Nậm Leuk trên sông Nậm Ngừm, và hồ thủy điện Houay Ho trên sông Sê Công. Tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa này là khoảng 5.200 triệu m3.
Ở Thái Lan, sông Mekong có diện tích lưu vực là 170.000 km2 (chiếm 22% tổng diện tích lưu vực). Hiện nay có 9 công trình hồ chứa lớn có chế độ tiều tiết mùa đang hoạt động cung cấp nước vào mùa khô. Trong số 9 công trình hồ chứa, thì 4 công trình là nhà máy thủy điện. Tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa là 5.460 triệu m3, khả năng tưới của các công trình là 240.000 ha. Chế độ điều tiết mùa các hồ chứa này đối với tổng lượng dòng chảy trung bình tại lưu vực sông Nậm Mun và Nậm Chi ước tỉnh khoảng 6,9%.
Đối với Campuchia, các chuyên gia ước tính nhu cầu nước trong tương lai (giả thiết là cho 10 năm sau) là khoảng 1.760 triệu m3/năm (trong đó 350 triệu m3 cho dân sinh, 1.000 triệu m3 cho tưới, 150 triệu m3 cho chăn nuôi, 100 triệu m3 cho công nghiệp, 160 triệu m3 cho các mục đích khác).
Theo báo cáo của Uỷ hội sông Mekong, phát triển thuỷ điện như sau:  
- Tổng dung tích 6 hồ phía Trung Quốc đã và sẽ trữ 21 tỷ m3 (4,6%);
- Tổng 40 hồ chứa hiện có trên tất cả các dòng nhánh ở hạ lưu Mekong trữ 22 tỷ m3 (4,7%);
- Đến 2030, với việc xây dựng thêm 70 hồ chứa trên các sông nhánh ở hạ lưu Mekong, sẽ trữ thêm 20 tỷ m3 nữa (4,2%);
- Ngoài ra, tổng dung tích 11 đập trên dòng chính hạ lưu Mekong cũng sẽ trữ 2,5 tỷ m3 (0,5%);
- Tổng tỷ lệ tích của tất cả các hồ chứa thuỷ điện trong lưu vực chiếm 14,0% dòng chảy sông Mekong.
Về phát triển nông nghiệp và sử dụng nước: Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), nhu cầu nước tưới cho nông nghiệp có thể tăng khoảng từ 1,92-2,08 tỉ m3 vào năm 2000 lên 2,25-2,44 tỉ m3 vào năm 2020. Nhu cầu nước cho công nghiệp sẽ tăng từ 518 triệu m3 vào năm 2000 lên khoảng 750 triệu m3 vào năm 2020. Myanmar mới có kế hoạch phát triển ngắn hạn 3-5 năm, lấy phát triển nông nghiệp làm cơ sở, đồng thời phát triển toàn diện các ngành kinh tế khác. Nông nghiệp hiện mới có khoảng 9 triệu ha (4,5 triệu ha lúa) được khai thác trong tổng số 18 triệu ha đất có thể trồng trọt được. Lào dự kiếnổn định canh tác lúa trên diện tích khoảng 800.000 ha (Vụ Mùa 450.000 ha, vụ Đông-Xuân 370.000 ha), sản xuất 2,2triệu tấn lương thực, chú trọng thâm canh và tăng diện tích tưới, vì thế nhu cầu nước từ 3,0 tỷ m3 hiện nay chỉ tăng lên 4,5 tỷ m3 năm 2030. Thái Lan có diện tích tướitổng cộng hiện nay là 747.000 ha, trong đó 133.800 ha thuộc lưuvực sông Mun, 224.200 ha thuộc lưu vực sông Chi và 188.900 thuộc lưuvực các sông nhánh trực tiếp vào sông Mekong, các công trình vừa và nhỏ khác tưới khoảng200.000 ha. Diện tích tưới có thể tăng thêm 485.900ha trong điều kiện tất cả các công trình thuỷ lợi dự kiến được xây dựng. Tổng nhu cầu nước tăng từ 12,3 tỷ m3 hiện nay lên 23,0 tỷ m3 năm 2030. Thái Lan đã có một số đề xuất và nghiên cứu sâu 8 dự án liên quan tới vấn đề chuyển nước bên trong lưu vực. Khi các phương án này được thực hiện, diện tích tưới trong lưu vực có thể lên đến 1.223.000 ha. Nếu các phương án chuyển nước trong lưu vực sông Mekong của Thái Lan được thực hiện thì sẽ lấy đi khoảng 7-10% tổng lượng dòng chảy,tác động tới mùa kiệt và hệ sinh thái hạ lưu. Campuchia hiện có diện tích tưới mới chỉ đạt 11% và diện tích canh tác nhờ nước lũ rút là 4% trong tổng diện tích canh tác 563.000 ha thuộc hạ lưu Mekong (vụ Hè-Thu 290.000 ha, vụ Đông-Xuân 273.000 ha). Dự kiến đến 2030, trong vùng hạ lưu Mekong, Campuchia đưa diện tích Hè-Thu lên 487.400 ha và vụ Đông-Xuân lên 398.800 ha. Tổng nhu cầu nước từ 3,3 tỷ m3 năm 2007 lên 4,9 tỷ m3 năm 2030. 
Bảng 5.2.  Nhu cầu nước cho nông nghiệp hạ lưu vực Mekong
Ghi chú: Việt Nam chỉ tính phần lưu vực Se San và Srepok

Như vậy, tổng hợp nhu cầu nước của các nước thượng lưu, năm 2010 sẽ tăng so với 2000 là 10,9%, đến năm 2030 sẽ tăng lên 117% và 2050 tăng lên 160%.
Bảng 5.3. Nhu cầu nước cho công nghiệp và dân sinh hạ lưu vực Mekong
Ghi chú: Việt Nam chỉ tính phần lưu vực Se San và Srepok

3. Tình hình biến đổi khí hậu - nước biển dâng
            a. Biến đổi khí hậu thượng lưu sông Mekong
Hiện trên lưu vực Mekong có nhiều nghiên cứu và dự báo về biến đổi khí hậu. Theo IPCC (Tổ chức liên chính phủ về biến đổi khí hậu), đến 2030, trên lưu vực Mekong, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,79oC, lượng mưa trung bình tăng 200 mm (15,3%), chủ yếu vào mùa mưa. Lượng mưa mùa khô tăng ở phía Bắc lưu vực và giảm ở phía Nam lưu vực (bao gồm hầu hết hạ lưu vực Mekong). Tổng lượng dòng chảy năm tăng 21%. Lũ tăng trên tất cả các vùng trong lưu vực, đặc biệt gây tác động lớn đến phía hạ lưu dòng chính Mekong. Theo một nghiên cứu của chuyên gia Úc của ADB, đến 2050, tổng lượng dòng chảy xuống Kratie tăng khoảng 10%. Một số nghiên cứu của các nước và tổ chức quốc tế khác như IWMI, Hà Lan… cho rằng đến sau năm 2070, lũ sông Mekong có thể tăng thêm 30-40% và dòng chảy kiệt giảm 20-30%. Gần đây nhất, tháng 9/2009, Ủy hội sông Mekong đánh giá, do BĐKH, đến 2050, so với giai đoạn 1985-2000, trong khi dòng chảy lũ sẽ giảm 7-8% tại Stung Treng/Kratie thì dòng chảy kiệt lại tăng xấp xỉ 20% cũng tại 2 vị trí này. Tuy nhiên, đối với Tân Châu và Châu Đốc, 2 vị trí cửa ngõ vào ĐBSCL, MRC cho thấy mùa lũ tăng 1-2% và mùa kiệt tăng khoảng 10%.      
            Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 6/2009, đối với vùng Nam bộ (trong đó có ĐBSCL), ứng với mức theo kịch bản phát thải trung bình, nhiệt độ đến 2020 tăng 0,4oC, 2030 tăng 0,6oC và 2050 tăng 1,0oC. Lượng mưa đến 2020 tăng 0,3%, năm 2030 tăng 0,4% và năm 2050 tăng 0,8%. Đáng lưu ý lượng mưa trong các tháng mùa khô và đầu mùa mưa (từ tháng XII năm trước đến tháng V năm sau) giảm 5,8% vào năm 2020, 8,5% vào năm 2030 và 15,6% vào năm 2050. Như vậy, tuy lượng mưa cả năm có xu thế tăng nhưng lượng mưa đầu mùa mưa giảm là nguy cơ thiếu hụt nước tưới cho sản xuất vụ Hè-Thu, khiến nhu cầu nước lấy từ sông kênh lớn hơn. 
            Trong 50 năm qua, mực nước trung bình vùng biển Đông của ĐBSCL tăng lên 12 cm. Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 6/2009, ứng với mức theo kịch bản phát thải trung bình, mực nước trung bình biển Đông vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 12 cm vào năm 2020, 17 cm vào năm 2030 và 30 cm vào năm 2050 (75 cm vào năm 2100). Bộ TN&MT kiến nghị các ngành và địa phương sử dụng kết quả theo kịch bản này để xây dựng chiến lược ứng phó với NBD. Trong báo cáo trên, Bộ TN&MT cũng đề xuất “Đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành việc cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng, cho từng giai đoạn từ 2010 đến 2100. Các kịch bản có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Đến năm 2015 tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng”. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong kịch bản trên, còn 2 vấn đề quan trọng đối với ĐBSCL mà báo báo chưa đề cập, đó là:
- Đối với mực nước biển dâng, chỉ mới công bố mực nước dâng trung bình, trong khi đỉnh và chân thủy triều mới là vấn đề quan trọng, quyết định hình thức và quy mô công trình ứng phó. Đỉnh triều cường mới chính là nguyên nhân gây ngập lụt do triều ở ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo chưa cho thấy nếu mực nước biển trung bình tăng lên 30 cm thì đỉnh triều và chân triều có tăng lên tương ứng hay không?
- Báo cáo cũng chỉ mới dựa vào sự gia tăng mực nước tại Hòn Dấu (Hải Phòng) và Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) ở biển Đông để xây dựng kịch bản, trong khi ĐBSCL còn ảnh hưởng của triều biển Tây. Liệu triều biển Tây có tăng như triều biển Đông?    
4.1 Kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ở thượng lưu
a. Dòng chảy lũ:
            Theo các đánh giá của MRC (Ủy hội sông Mekong) và các tổ chức Quốc tế khác (trong đó có phía Trung Quốc), do hệ thống hồ chứa thượng lưu cắt lũ nên dòng chảy lũ xuống hạ lưu có xu thế giảm. Tuy nhiên, xem xét trên liệt tài liệu dự báo nhiều năm từ 2010-2050 của MRC và do Viện tính toán, cho thấy:
+ Lũ đầu vụ được tích sớm, ngay từ tháng VI, tháng VII, nên lũ tháng VIII xuống ĐBSCL sẽ rất nhỏ.
+ Lũ chính vụ ở mức tần suất dưới 20% có xu thế giảm, đặc biệt lũ trung bình và dưới trung bình. Điều này khiến lũ vào ĐBSCL giảm nhỏ, bất lợi cho nhiều mặt liên quan đến lũ.
+ Lũ chính vụ ở mức tần suất trên 10% (như lũ năm 2000) hầu như không ỉam mà còn có xu thế tăng, đặc biệt tăng do BĐKH.
            Từ những phân tích trên, chọn kịch bản dòng chảy lũ thượng lưu ứng với tần suất 1% tăng tương ứng qua các năm 2020, 2030 và 2050 như Bảng 5.4.   
Bảng 5.4.  Tổng hợp biến đổi dòng chảy lũ đến Kratie theo các nguồn khác nhau (%)

            b. Dòng chảy kiệt:
Theo các đánh giá của MRC và các tổ chức Quốc tế khác (trong đó có Trung Quốc), do hệ thống hồ chứa thượng lưu xả phát điện vào mùa khô nên dòng chảy kiệt xuống hạ lưu có xu thế tăng. Tuy nhiên, xem xét trên liệt tài liệu dự báo nhiều năm từ 2010-2050 của MRC và do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam tính toán, cho thấy:
+ Dòng chảy tháng I-II không được xả bằng dòng chảy tự nhiên mà có xu thế giảm nhỏ, tuy không nhiều (khoảng 30% số năm).
+ Các năm có dòng chảy kiệt từ trung bình trở lên có xu thế tăng khá rõ (khoảng 20-30%). Tuy nhiên, đây mới là dòng chảy xuống Kratie, chưa xem xét đến tác động của Biển Hồ.
+ Các năm có dòng chảy kiệt dưới trung bình, đặc biệt những năm khô hạn như 1998, 2004, 2008… (có tần suất dưới 80%), khi toàn bộ lưu vực có mưa và dòng chảy dưới trung bình, các hồ không xả hoặc xả không theo quy trình bình thường, sẽ khiến dòng chảy xuống Kratie thấp hơn tự nhiên. Đây chính là điều đặc biệt quan trọng đối với ĐBSCL trong tương lai.
            Từ những phân tích trên, chọn kịch bản dòng chảy kiệt thượng lưu ứng với tần suất 85% giảm tương ứng qua các năm 2020, 2030 và 2050 như Bảng 5.5.     
Bảng 5.5. Tổng hợp biến đổi dòng chảy kiệt đến Kratie theo các nguồn khác nhau (%)

c. Tổng hợp xây dựng kịch bản:
Tổng hợp các nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức quốc tế, cân nhắc các kết quả chính thức của Ban Thư ký MRC được công bố gần đây nhất (tháng 9/2009 và tháng 4/2010), cân bằng các tác động do biến đổi khí hậu, phát triển hồ chứa và gia tăng cấp nước ở tất cả các nước thượng lưu, kịch bản chung cho dòng chảy đến Kratie/Stungtreng cho các giai đoạn như Bảng 5.6 sau đây.
Bảng 5.6. Kịch bản biến đổi dòng chảy đến Kratie (%)
Giai đoạn
2020
2030
2050
Dòng chảy mùa lũ (%)
+5
+10
+15
Dòng chảy mùa kiệt (%)
-5
-10
-15/-20
            4.2. Kịch bản nước biển dâng
            Theo báo cáo của Bộ TN&MT (6/2009), với kịch bản phát thải trung bình B2, vùng biển Đông của ĐBSCL sẽ có sự gia tăng mực nước biển trung bình như đã đề cập trên đây. Tuy nhiên, các phân tích diễn biến thuỷ triều ven biển ĐBSCL trong 50 năm qua cho thấy mực nước đỉnh triều có xu thế tăng cao hơn so với mực nước chân triều (khoảng 1,1-1,2 lần). Đối với thuỷ triều phía biển Tây ĐBSCL, xu thế có phần ngược lại, chân triều tăng nhiều hơn so với đỉnh triều. Kết quả dự báo triều các kịch bản như sau:
Bảng 4.7: Kịch bản mực nước biển dâng trung bình và mực nước đỉnh triều tương ứng
II. CÁC GIẢI PHÁP QUY HOẠCH THỦY LỢI

1. Những tiền đề chính cho quy hoạch thuỷ lợi

a. Xu thế phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL
- Nông nghiệp vẫn sẽ là ngành quan trọng đối với sự ổn định và phát triển ĐBSCL trong tương lai; lúa vẫn sẽ là cây trồng chính và chủ đạo trong nhiều năm tới.
- Thủy sản là một trong hai ngành chính có lợi thế cạnh tranh và giá trị xuất khẩu cao ở ĐBSCL.
- Phát triển cây ăn trái, cây công nghiệp, rau màu… theo hướng đa dạng hóa nông nghiệp.
- Ổn định diện tích lúa khoảng 1,781 triệu ha, sản lượng 21-22 triệu tấn, xuất khẩu đạt 4,5-5,0 triệu tấn.
- Chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất lúa chuyên canh, hướng đến xuất khẩu, phát huy lợi thế sản xuất lúa vụ 3, thủy sản nước ngọt, nước mặn theo hướng chuyên canh và sinh thái, chuyên cây ăn trái, cây công nghiệp và phát triển đa dạng.

b. Xu thế phát triển kinh tế-xã hội

- Quan điểm phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL là đặt sự phát triển của vùng trong bối cảnh phát triển tương lai quốc tế, quốc gia; Phát triển bền vững và hài hòa về kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường; Phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, khai thác tài nguyên đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng; Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, phát triển mạnh về kinh tế và ổn định chính trị; Động lực chính phát triển vùng là kinh tế nông-lâm-thủy sản và kinh tế cửa khẩu.
- Về phát triển kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,1%/ năm giai đoạn 2011-2015 và 8,2%/năm giai đoạn 2016-2020. Đến 2020, tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp trong GDP của vùng còn khoảng 30,9%, công nghiệp, xây dựng tăng lên 35,1% và khu vực dịch vụ là 34%. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 55,6 triệu đồng tương đương với 2.700-2.800 USD. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 1.200 USD. Góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh quốc gia và giữ vững mức xuất khẩu vào khoảng 4-5 triệu tấn gạo/năm.
- Về phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, tỷ lệ tăng dân số bình quân thời kỳ 2011-2015 tăng khoảng 0,8%/năm, thời kỳ 2016-2020 tăng khoảng 0,85%/năm. Đến năm 2020, dân số của vùng đạt mức 18,8 triệu người (năm 2050 ước tính 31-32 triệu người). Tỷ lệ đô thị hóa của vùng tăng lên nhanh hơn, đạt khoảng 34,2% vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 đưa giáo dục, đào tạo và dạy nghề bằng và vượt các chỉ số phát triển của các ngành học, bậc học bình quân chung của cả nước. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động ở khu vực thành thị còn khoảng 3,5-4%, đồng thời  tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 88-90% tổng lực lượng lao động trong các ngành kinh tế. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của đến năm 2020 khoảng 60% (trong đó đào tạo nghề là 55%). Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm. Nâng nhanh tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; chú ý đến vùng khó khăn về nước. Đến năm 2020, về cơ bản 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu gom và xử lý chất thải được chú trọng.
- Về an ninh, quốc phòng, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông ra biên giới, hệ thống đồn trạm biên phòng và các khu vực phòng thủ, các khu dân cư và hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng bảo vệ biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc Khơmer. Đẩy mạnh công tác giáo dục, vận động quần chúng chấp hành luật pháp, hạn chế tai nạn giao thông, giáo dục nếp sống văn hoá mới, chống mê tín dị đoan.
c. Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
            - Phát triển nông nghiệp, thủy sản ở ĐBSCL trên cơ sở dòng chảy kiệt sông Mê Công và xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn là hiện tượng phức tạp ở vùng sông ảnh hưởng triều. Bài toán xâm nhập mặn trước đây luôn gắn với khai thác và sử dụng dòng chảy kiệt cả ở thượng lưu Mê Công và ĐBSCL, nay lại thêm tác động của nước biển dâng nên càng phức tạp. Quản lý dòng chảy kiệt được xem là chiến lược quan trọng nhất. “Đảm bảo an ninh dòng chảy kiệt” là yếu tố sống còn đối với sự phát triển ổn định và bền vững của ĐBSCL trong tương lai.
            - Để phát triển và phát triển bền vững, kiểm soát lũ được xem là hướng đi tất yếu ở vùng ngập lụt ĐBSCL. Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề về chuyển đổi sản xuất linh hoạt ở vùng không kiểm soát lũ để lợi dụng tối đa nguồn lợi từ lũ; Tác động tương hỗ của kiểm soát lũ đến dòng chảy kiệt và xâm nhập mặn; Hiệu quả và hệ quả của bảo vệ sản xuất lúa 3 vụ trong vùng ngập lũ; Tác động của kiểm soát lũ ở mức độ cao đến các hệ sinh thái vùng lũ; Tác động của kiểm soát lũ đến ổn định lòng sông, kênh, cửa sông và bờ biển; Tận dụng nguồn nước lũ để phát triển nông nghiệp/thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, không làm giảm lợi ích từ các trận lũ trung bình và lũ nhỏ; Tác động giảm lũ từ hệ thống hồ chứa thượng lưu đến lũ và dòng chảy kiệt.
Về nước ngọt, kết quả tính toán nhu cầu nước của tất cả các hộ sử dụng nước các tháng trong mùa khô hiện trạng và năm 2020, 2050 thể hiện ở bảng 4.1. Một số nhận xét:
- Nhu cầu nước theo phương án các năm không biến đổi nhiều do mặt bằng sản xuất đến năm 2020, 2050 ít thay đổi.
- Nhu cầu nước giữa các năm 2020 và 2050 so với hiện trạng 2008 có sự thay đổi do nhu cầu hiện trạng trong mùa khô luôn nhỏ hơn phương án (phương án tính với tần suất 85% và lại là các năm bất lợi dẫn đến nhu cầu nước tăng cao).
- Kết quả tính thủy lực ĐBSCL cho thấy trong mùa khô, nếu không xem xét đến yếu tố xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường thì lượng nước sông Mekong vẫn bảo đảm đủ tưới cho diện tích cây trồng theo các phương án của ngành nông nghiệp đưa ra.
  
Về nước mặn, Trong vùng NTTS mặn-lợ các hình thức nuôi thủy sản như quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và bán thâm canh, trong đó chủ yếu là các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và nuôi quảng canh cải tiến.
- Nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh có mức độ đầu tư nhiều, đòi hỏi thời gian, chi phí lớn và nhiều công sức chăm nom, vì vậy diện tích nuôi loại này không nhiều, khoảng 5-10% diện tích NTTS. Thời gian cho hình thức nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh là từ tháng 2 đến tháng 5, 6. Với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh cần lớp nước trên mặt ruộng từ 1,2-1,5 m. Qua tính toán, xác định được hệ số cấp Qmax từ 7-10 l/s.ha.
- Nuôi quảng canh cải tiến: Hình thức nuôi này có mức đầu tư không nhiều vốn lắm, nên chiếm phần lớn diện tích NTTS. Mỗi năm có 2 vụ nuôi, vụ 1 bắt đầu từ tháng 11, 12 năm trước tới tháng 4 năm sau, vụ 2 từ tháng 2 tới tháng 7 cùng năm. Với hình thức nuôi này đòi hỏi lớp nước trên mặt ruộng từ 0,7-0,8 m, qua tính toán, hệ số lấy nước Qmax cho 2 vụ này khoảng 5 l/s.ha.
- Diện tích NTTS nước mặn, từ các các số liệu của báo cáo Quy hoạch Nông nghiệp, Quy hoạch Thủy sản, mặt bằng sản xuất của năm 2008,  2020,  2050, số liệu diện tích nuôi trồng thủy sản trong các năm như bảng sau:

Hạng mục
Đơn vị
2020
2050
Diện tích nuôi thủy sản
ha
890.000
900.000
Tôm nước lợ
ha
620.000
660.110

- Tính toán tiêu nước ngọt, trong tính toán tiêu, thường cơn mưa 5 ngày max chứa các tổ hợp mưa 1 ngày max và 3 ngày max, vì vậy ở đây sử dụng mưa 5 ngày max và tiêu trong 7 ngày để kiểm tra khả năng tiêu thoát của hệ thống công trình.
Bảng 6.3. Hệ số tiêu tính theo các trạm khí tượng đại diện
Trạm
Tân
Châu
Châu
Đốc
Long
Xuyên
Vĩnh
Long
Trà
Vinh
Bến
Tre
q (l/s.ha)
3,43
6,3
5,75
5,12
6,27
7,86

- Tính toán tiêu nước mặn, việc tiêu nước cho vùng NTTS mặn-lợ chủ yếu diễn ra trong mùa khô, đây là thời điểm khá thuận lợi, do vào mùa khô lượng nước tiêu chủ yếu là nước từ ao nuôi tiêu ra, gần như không có lượng nước do mưa.Trong các khu nuôi tôm được quy hoạch, các hệ thống tiêu nước được bố trí riêng nên việc tiêu thoát khá thuận lợi.
3. Giải pháp phát triển thuỷ lợi ĐBSCL ứng phó với BĐKH-NBD đến năm 2020 và tầm nhìn 2050
3.1.Giải pháp tổng thể
- Tiếp tục xây dựng và nâng cấp các cụm tuyến dân cư và bảo vệ các thị trấn, thị xã, thành phố trong vùng ngập do lũ và NBD.
- Thực hiện Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (trong đó có các tỉnh ĐBSCL); kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển.
- Kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung nhằm đạt được hiệu quả cao trong đầu tư.
- Xem xét các tuyến giao thông nông thôn khi xây dựng mô hình nông thôn mới trong vùng ngập theo cao trình mới, đồng thời đảm bảo khả năng thoát lũ.
- Nâng cấp và xây dựng mới đê sông (khoảng 742 km) theo cao trình thích hợp.
- Hạn chế lũ tràn từ biên giới vào ĐBSCL bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên), sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười). Tận dụng khả năng trữ lũ, chậm lũ bằng các hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ tạo nên, nhất là cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện lũ nhỏ và trung bình.
- Nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho các vùng Tứ giác Long Xuyên, Tả sông Tiền, giữa sông Tiền - sông Hậu, Bán đảo Cà Mau, nhất là các vùng ven biển.
- Xem xét khả năng trữ nước trên các sông lớn và trên hệ thống kênh rạch đảm bảo nguồn nước ngọt cấp cho toàn vùng ổn định và bền vững. 
- Nâng cao các giải pháp phi công trìnhứng phó với BĐKH như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tưới tiết kiệm nước, lai tạo giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập…, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thuỷ văn…

3.2.Giải pháp cho vùng Tả sông Tiền (Đồng Tháp Mười và Đông Vàm Cỏ Đông)

a.     Cấp nước và kiểm soát mặn:
- Tăng khả năng cấp nước từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ Tây bằng việc nạo vét, mở rộng (theo giai đoạn) các kênh trục tiếp nước qua Đồng Tháp Mười như Sở Hạ-Cái Cỏ, Tân Thành-Lò Gạch, Hồng Ngự, An Phong-Mỹ Hòa-Bắc Đông, Đồng Tiến-Lagrange, Nguyễn Văn Tiếp. Tận dụng tối đa nguồn nước ngọt cung cấp từ hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông. Chủ động trữ nước, kiểm soát mặn trên Vàm Cỏ bằng công trình.
- Làm cống ngăn mặn trên các cửa kênh dọc sông Tiền khi mặn lên cao (trong trường hợp không có công trình đảm bảo giữ ngọt trên sông chính), kết hợp chuyển nước ngọt từ cống Vàm Cỏ bằng xiphông qua các trục giao thông thủy để cấp nước cho các dự án Bảo Định và Gò Công, song song với đê ngăn lũ, triều cường dọc sông. 
b.     Kiểm soát lũ,triều do nước biển dâng:
- Phối hợp công trình trữ ngọt và ngăn mặn trên sông Vàm Cỏ để giải quyết ngập lũ, triều bằng cách tăng khả năng thoát lũ qua cống và ngăn đỉnh triều cường.
- Đối với trung tâm Đồng Tháp Mười, các phương án trữ lũ, chậm lũ theo bậc thang kết hợp với các tuyến và hành lang thoát lũ được thực hiện trong giai đoạn trước mắt và sẽ được nghiên cứu, bổ sung công trình khi có điều kiện. Khi có cống trên sông Vàm Cỏ sẽ tăng khả năng trữ ngọt, hạn chế xâm nhập mặn và tăng khả năng thoát lũ.
- Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống đê ven biển khép kín từ cửa Tiểu đến công trình trên sông Vàm Cỏ.
- Tiếp tục xây dựng hệ thống cống kiểm soát lũ trên kênh Tân Thành-Lò Gạch được đề xuất trong quy hoạch lũ ĐBSCL và trong Quyết định 84/2006/QĐ-TTg.
- Xem xét tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công nhằm kiểm soát lũ, mặn tạo điều kiện cấp nước ngọt  và thích ứng với BĐKH-NBD.
c.     Hệ thống công trình:
            - Cụm công trình thoát lũ ven biên giới: Thực hiện theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung 11 cống kiểm soát lũ trên kênh Tân Thành-Lò Gạch và các cống ven sông Tiền.
            - Cụm kênh thoát lũ ra sông Tiền:
+ 5 kênh thoát lũ trực tiếp từ tuyến kiểm soát lũ kênh Tân Thành-Lò Gạch làkênh 2/9, Kháng Chiến, Bình Thành, Thống Nhất-Đốc Vàng Thượng, Phú Hiệp-Đốc Vàm Hạ.
+ 21 kênh thoát lũ vùng Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp.
            - Cụm kênh thoát lũ, dẫn nước từ sông Tiềnsang sông Vàm Cỏ Tây:
+ Thực hiện theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (các kênh Đồng Tiến-Lagrange, An Phong-Mỹ Hòa - Bắc Đông, Nguyễn Văn Tiếp); nạo vét tăng khả năng thoát lũ của Sông Vàm Cỏ Tây.
+  Kênh tiếp nước Bình Phan-Gò Công.
+ Xiphông tiếp nước qua kênh Chợ Gạo.
            - Tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công.
- Chú trọng các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

3.3. Giải pháp cho vùng giữa sông Tiền, sông Hậu

a.     Cấp nước và kiểm soát mặn:
- Đây là vùng thuận lợi về cấp nước với nguồn nước ngọt từ sông Tiền-sông Hậu, trừ một số vùng còn khó khăn thuộc 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và cần có giải pháp công trình với quy mô lớn.
- Giải pháp cơ bản ứng phó với BĐKH-NBD cho vùng này và ĐBSCL là tác động lên 3 cửa Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu bằng các cống cửa sông.
- Tại vùng này đang thực hiện Dự án Bắc Bến Tre. Quan điểm chung là tiếp tục thực hiện các hạng mục của Dự án theo phân kỳ đầu tư, triển khai trước các hạng mục đã rõ về kỹ thuật đảm bảo không mâu thuẫn với lâu dài. Xem xét đầu tư sớm một số cống, đê ven sông Tiền (do mặn trên sông Tiền xâm nhập sâu trong những năm vừa qua).
b. Về kiểm soát lũ, triều cường:
- Kết hợp lên đê dọc sông Tiền, sông Hậu, đảm bảo tần suất thiết kế đối với mực nước lũ kết hợp nước biển dâng.
- Sớm nạo vét, mở rộng các kênh nối sông Tiền-sông Hậu để tăng khả năng chuyển tải nước từ sông Tiền sang sông Hậu, đồng thời tiêu nước chua phèn, tiêu thoát cho các khu vực bị ngập úng lâu ngày.
- Xem xét quy mô các công trình trên các cửa Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu đảm bảo thoát lũ (kể cả lũ tăng do BĐKH đến 2050, thậm chí 2100).
- Dải ven biển tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông nhằm khép kín và kết nối từ cửa Đại đến cửa Định An. 
- Xây dựng các cống, kết hợp tuyến đê hiện có nhằm chống ngập úng cho thành phố Vĩnh Long (Cống Cái Cá, Cái Cam, Long Hồ, Cái Đa, Cái Đôi)
c.  Hệ thống công trình:
- Cụm công trình trên kênh Vĩnh An: Đầu tư nâng cấp bờ bao, cống bọng phục vụ sản xuất theo hướng thích nghi.
- Cụm công trình Bắc Cái Tàu Thượng (gồm Bắc Vàm Nao và Nam Vàm Nao): Tiến hành lên đê kiểm soát lũ cả năm theo hình thức bao nhỏ, với kích thước ô bao từ 500-2.000 ha.
- Cụm công trình thoát lũ, cấp nước, tiêu nước sông Tiền- sông Hậu gồm một số kênh chính: Kênh Mương Khai, Kênh Cần Thơ-Huyện Hàm, Kênh Nha Mân-Tư Tải, Kênh Xẻo Mát-Cái Vồn, Kênh Xã Tàu-Sóc Tro…
            - Cụm công trình Nam Măng Thít:
+ Cống Trà Ôn, Tích Quới (Rạch Bông Lớn), Mỹ Văn, Rùm Sóc (ven sông Hậu).
+ Kênh tiếp nước Long Hồ-Vũng Liêm-Thống Nhất-Kênh 3/2, Xã Tàu-Trà Ngoa-La Ban.
+ Kênh Mây Phốp - Ngã Hậu.
             - Cụm công trình Ba Lai (Bắc Bến Tre), bao gồm một số công trình chính:
+ Cống An Hóa.
+ Các cống ven sông Cửa Đại từ cống An Hóa ra biển (3 cống: Vĩnh Thái, Giồng Rừng, Cái Ngang).
+ Các cống ven hạ lưu cống Hàm Luông ra biển (5 cống: Phú Mỹ, Hưng An, Hưng Nhơn, Sơn Đốc 2, An Thới).
+ 8 cống Bắc kênh Bến Tre-An Hóa.
+ Kênh tiếp nước thượng Ba Lai, Giồng Trôm.
- Cụm Hương Mỹ (Nam Bến Tre):
+ Kênh tiếp nước Giồng Ông Keo-Hương Mỹ.
+ Cống ven sông Cổ Chiên (Gò Cốc).
+ 8 cống ven sông Hàm Luông (Lâm Đồng, Tân Thuận, Tân Phú, Phước Khánh, Phú Đông, Tân Phú Đông, Phú Khánh, Vĩnh Điền). 
- Cống lớn trên sông Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu.
- Các cống chống ngập úng cho thành phố Vĩnh Long (Cái Cá, Cái Cam, Long Hồ, Cái Đa, Cái Đôi).
- Các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

3.4. Giải pháp cho vùng Tứ giác Long Xuyên

a.     Cấp nước và kiểm soát mặn:
- Cũng như vùng kẹp giữa sông Tiền - sông Hậu, vùng này cơ bản đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh về thuỷ lợi; mặn ảnh hưởng không lớn; cấp nước không quá khó khăn do thế nước khá thuận lợi từ sông Hậu ra biển Tây.
- Đầu tư xây dựng 8 cống dọc sông Hậu và mở rộng một số kênh trục để tăng khả năng chuyển nước vào nội đồngvà tăng nguồn nước ngọt cho nuôi trồng thuỷ sản dải ven biển (Cống kênh Chắc Cà Đao; An Hòa; Bình Phú; Ba Thê; Mười Châu Phú; Tri Tôn; Cần Thảo và cống kênh Số 2)
- Xây dựng 5 cống Tà Xăng, Tam Bản, Tà Lúa, Cầu số 1, Rạch Giá.
- Xem xét tuyến đê biển Kiên Giang – Hòn Tre nhằm tạo hồ trữ nước ngọt tăng khả năng cấp nước cho vùng Tứ giác Long xuyên, Bán đảo Cà Mau và góp phần kiểm soát lũ cho vùng TGLX.
b. Về kiểm soát lũ, triều cường:
- Kết hợp đê và cống dọc sông Hậu cùng 2 cống Trà Sư, Tha La hiện nay tạo hệ thống kiểm soát lũ cho toàn vùng.
- 8 cống ven sông Hậu nhằm kiểm soát lũ cho vùng, tăng khả năng thoát lũ ra biển Tây.
- Ven biển Tây, hiện có hệ thống đê và cống kiểm soát mặn và triều cường kết hợp thoát lũ. Xem xét việc mở rộng các cống ven biển và khẩu diện các cầu qua QL80 từ Rạch Giá đi Hà Tiên đảm bảo khả năng thoát lũ, kể cả lũ gia tăng do BĐKH. Nâng cấp đê ven biển đủ cao trình ứng vớinước biển dâng.
- Xem xét tuyến đê biển Kiên Giang – Hòn Tre
c. Hệ thống công trình:
- Cụm công trình kiểm soát lũ ven biên giới:
+ Hoàn thành tuyến đê kiểm soát lũ từ Tịnh Biên đến Hà Giang.
+ Hoàn thành 8 cống kiểm soát lũ đầu các kênh từ T6 đến Hà Giang.
+ Cống Đầm Chích.
            - Cụm công trình kiểm soát mặn ven biển:
+ Xây dựng 5 cống Tà Xăng, Tam Bản, Tà Lúa, Cầu số 1, Rạch Giá.
+ Nâng cấp 74 km tuyến đê biển Tây.
            - Cụm công trình thoát lũ ra biển Tây: Hoàn chỉnh các kênh trục thoát lũ ra biển Tây.
- Cụm công trình kiểm soát lũ ven sông Hậu: Hoàn chỉnh 8 cống ven sông Hậu theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tuyến đê biển Kiên Giang – Hòn Tre.
- Các công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

3.5.  Giải pháp cho vùng Bán đảo Cà Mau

a.     Cấp nước và kiểm soát mặn:
- Đây là vùng khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng ven biển và trung tâm Quản Lộ - Phụng Hiệp (ngoại trừ vùng Tây sông Hậu).
- Giải pháp cấp nước ngọt cơ bản cho vùng này là mở rộng, nạo vét các kênh trục nối từ sông Hậu vào sâu trong nội đồng.
- Hồ chứa nước ngọt do tuyến đê biển Kiên Giang – Hòn Tre tạo ra đảm bảo cấp nước cho vùng Bán đảo Cà Mau nhất là các vùng U Minh  Thượng, U Minh Hạ và Nam Quản Lộ - Phụng Hiệp là những vùng hiện rất khó khăn về nguồn nước, chỉ sản xuất được 2 vụ bấp bênh do chỉ đảm bảo nước ngọt từ 9 - 10 tháng
- Xây dựng 2 cống Cái Lớn-Cái Bé nhằm ngăn mặn từ biển Tây, tăng khả năng chuyển nước cho vùng Nam Bán đảo Cà Mau.
- Đối với xâm nhập mặn và nước biển dâng từ cửa sông Hậu, do khi xây dựng các cống Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu, nước ngọt sang sông Hậu khá ổn định, kể cả trong trường hợp nước biển dâng 30 cm và dòng chảy kiệt thượng lưu giảm, do vậy, về cơ bản không tác động gì thêm trên sông này. 
- Trong vùng hiện đang thực hiện dự án phân ranh mặn ngọt. Tuy nhiên việc nuôi trồng thuỷ sản trong vùng xa bờ biển trên 20 km là không thực sự bền vững, do vậy, để vừa cấp ngọt cho vùng ven biển và lấy mặn vào nội đồng, cần nghiên cứu giải pháp chuyển nước bằng xiphông qua các trục kênh lớn nếu cần thiết.
b.  Về kiểm soát lũ, triều cường:
- Kết hợp lên đê và làm cống dọc sông Hậu, đặc biệt đê vùng cửa sông.
- Dọc tuyến lộ Cái Sắn, tiếp tục để ngỏ không kiểm soát lũ do lũ vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ được kiểm soát khá tốt sau khi có thêm 8 cống ven sông Hậu.
- Tiếp tục nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống đê biển.
- Xây dựng các tuyến đê biển, đê sông đủ cao trình ngăn đỉnh triều khi có NBD và mực nước dâng do bão và các cống dưới đê tại các cửa Mỹ Thanh, Gành Hào, Bảy Háp, Ông Đốc... nhằm kiểm soát triều và lũ (trước mắt tập trung cống Gành Hào nhằm chống ngập úng cho thành phố Cà Mau).
c. Hệ thống công trình:
- Cụm công trình Cái Lớn-Cái Bé:
+ Cống Cái Lớn, Cái Bé; cống, âu thuyền Xẻo Rô.
+ 2 cống thượng lưu Cái Lớn (Xẻo Rô 1, Xẻo Rô 2).
+ 9 kênh tiếp nước KH1, KH3, Thốt Nốt, KH5, KH6, KH7, Ô Môn - Xà No, kênh Giữa.
            - Cụm công trình ven biển Tây:Thực hiện theo Quyết định 84/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
            - Cụm công trình vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp:
+ Hệ thống cống Nam kênh Chắc Băng.
+ Hệ thống phân ranh mặn, ngọt vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp.
            - Cụm công trình tiếp nước vùng Bán đảo Cà Mau:Kênh Nàng Mau; kênh Cần Thơ-Phụng Hiệp-Sóc Trăng; kênh Sóc Trăng-Bạc Liêu và kênh Lai Hiếu.           
- Cụm công trình cống ven sông Hậu:
+ 7 cống kết hợp đê kiểm soát mặn xâm nhập từ cửa Trần Đề (Rạch Saintard, Rạch Mọp, Mỹ Hội, Rạch Vọp, Cái Trâm, Cái Cau, Cái Côn).
+ Đê kiểm soát mặn từ cửa Trần Đề đến Phú Thạnh.
            - Các cống dưới đê nhằm kiểm soát lũ, triều (Gành Hào, Mỹ Thanh, Bảy Háp, Ông Đốc...). Trước mắt tập trung xây dựng cống Gành Hòa.
- Công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.
(theo tư liệu của Tổng cục Thủy lợi)
Share on :