Xem bản gốc tiếng Anh: From West to East: integrating coastal defense, water management, and spatial planning [i]
Maurits de Hoog[ii]
Phan Trần Kiều Trang dịch
Tại một đất nước có mật độ đô thị dày đặc như Hà Lan, ứng phó lũ lụt và quản lý nguồn nước là vấn đề được quan tâm trong giải pháp quy hoạch không gian mới, bao gồm việc kết hợp giữa quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế, thiết kế cảnh quan và thích ứng môi trường. Bài viết sẽ tập trung phân tích những nỗ lực trong công tác quy hoạch không gian “ từ Đông sang Tây” tại khu vực trung tâm Hà Lan, từ những vùng đất yếu dọc bờ biển, những nơi có mực nước sông dâng cao ở phía Đông đến những hạn chế phát triển đô thị ở khu vực chính giữa.
Hình 1: "Thành phố Ven biển" - Thiết kế thử nghiệm trong đồ án Randstad 2040 của Bộ Nhà ở, Quy hoạch và Môi trường (VROM). |
Tháng 9/2009, bộ phim Cơn bão đã được trình chiếu (Hình 6.2). Đây là bộ phim đầu tiên nói về trận lụt lịch sử ở vùng Biển Bắc vào năm 1953. Chỉ trong 4 tuần khởi chiếu, bộ phim đã đạt một doanh số kỷ lục tại Hà Lan và thu hút hơn nửa triệu lượt người xem. Dù nội dung đã được hiệu chỉnh để tăng thêm kịch tính, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng bộ phim đã tái hiện lại chân thực bối cảnh mà thảm họa đã diễn ra.
Ngày nay, tiến trình cải thiện những vùng đất yếu (weak spots) trên các đụn cát trải dài để bảo vệ bờ biển bắt đầu được thực hiện. Ý tưởng phòng hộ bờ biển được nâng lên một tầm cao mới trong những tranh luận mang tính quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Những hoạch định cơ bản được chuẩn bị trên cơ sở cân nhắc khả năng mực nước biển dâng cao trong tương lai dài hạn. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của những đầu tư khổng lồ cho ý tưởng mới trong tương lai chỉ được sánh như một chiến lược thiết yếu để phát triển khu vực vui chơi giải trí của vùng Randstad và Tây Bắc Châu Âu nói chung.
Hình 2a & 2b: “Cỗ máy cát” vào những ngày đầu và sau đó một vài năm.NHỮNG VÙNG ĐẤT YẾU
Hầu hết vùng đất yếu thuộc bờ biển trải dài nằm giữa vùng tam giác Delta, các con sông lớn phía Tây Nam, vùng biển Wadden và một chuỗi hòn đảo ở phía Bắc. Những đụn cát nối dài liên tục tại vùng bờ biển trung tâm đã bảo vệ phần lõi của các tỉnh thành Hà Lan, nơi hội tụ nhiều thành phố quan trọng, sân bay Amsterdam Schiphol, các khu công nghiệp trọng điểm, và các vùng đất nông nghiệp mở rộng. Những đụn cát này hoàn toàn tự nhiên và có tính di động. Đường bờ biển đã làm thay đổi khu vực đất liền qua nhiều thế kỉ bất chấp những nỗ lực nhằm cố định các đụn cát bằng cách trồng cỏ và bảo vệ chúng bằng đất đỏ bazan. Kết quả là chính điều này đã tạo nên những vùng đất yếu. Chúng tụ hợp dọc Delflandse Kust – dải bờ biển giữa vùng Hook của Hà Lan và vùng Hague – và bao quanh resort bãi biển của Schevening, Katwijk và Noordwijk. Từ những năm 1980, nguồn nguyên liệu cát được ứng dụng để chống xói lở bờ biển. Tuy nhiên, chỉ trong năm 2009, phải cần đến 11 triệu khối cát mới có thể tái thiết lại vùng biển bị xói lở ở Hà Lan. Yêu cầu thực tế đòi hỏi phải có một giải pháp phù hợp hơn và có tính khả thi cao hơn.
Để củng cố vùng phía nam Delflandse Kust, một đụn cát khổng lồ cao 40 m với tên gọi “cỗ máy cát” án ngữ ở vùng bờ biển. Trong suốt 20 năm, sóng gió và tác động môi trường đã đã phân tán những đụn cát tự nhiên, mở rộng bãi biển và hình thành nhiều đụn cát mới thấp hơn. Cỗ máy cát không những có khả năng đề phòng lũ lụt mà còn tạo ra nhiều không gian cho thiên nhiên và các hoạt động vui chơi giải trí. Tương tự như Du Pilat tại vùng biển Atlantic gần Bordeaux, Pháp, đụn cát khổng lồ ở Hà Lan trở thành một yếu tố cảnh quan cực kỳ hấp dẫn.
Hình 3: “Hướng về phía biển”, dự án hình thành một chuỗi các hòn đảo làm rào chắn, do Ruimtelijk Planbureau thiết kế, thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về Phát triển không gian, năm 2003. |
BỜ BIỂN VÀO NĂM 2100
Gia cố những vùng đất yếu chỉ là bước đầu tiên trong chương trình tái thiết bờ biển. Trước tình hình thực tế, nhiều nhà thiết kế đã chủ trương ý tưởng kiến tạo bờ biển phải đặt vào bối cảnh biến đổi khí hậu tương lai.
Trong báo cáo năm 2008, Hội đồng Vùng Delta dự định tiếp tục sử dụng nguồn cát trong vòng hơn 100 năm tới để xây thêm một dải đất rộng 1000 đến 1200 m dọc bờ biển, tạo ra một vùng đệm để ứng phó những cơn bão lớn, đồng thời, hiện tượng cát bay sẽ trở thành cảnh quan vô cùng hấp dẫn và đặc trưng cho vùng.
NHỮNG THÁCH THỨC LỚN HƠN
Thực tế cho thấy giải pháp này có thể đe dọa đến chất lượng các khu nghỉ dưỡng tại Katwijk, bởi tầm nhìn hướng ra biển sẽ bị che khuất khi có sự hiện hữu của các đụn cát. Mặc dù những khu nghỉ mát bờ biển hoàn toàn khác biệt về cấu trúc không gian, nhưng tác động lớn là không thể tránh khỏi. Đây cũng là vấn đề được nêu ra trong báo cáo của Hội đồng Delta.
Tuy nhiên, ngoài những đề xuất của Hội đồng vùng Delta, vẫn còn nhiều kỹ thuật khác để phòng hộ bờ biển. Các giải pháp này thay đổi từ “mềm dẻo” đến “cứng rắn”, và có thể được tiến hành trực tiếp trên bờ biển. Giải pháp “mềm” sử dụng bùn lắng như một vật liệu xây dựng cơ bản. Giải pháp “cứng” lại dùng xi măng, đá kết hợp với cát và một số vật liệu khác. Phòng hộ bờ biển, phát triển các khu nghỉ dưỡng và kéo dài đường bờ biển là những chiến lược đầy hứa hẹn. Vì vậy, việc tìm ra một giải pháp kết hợp các yếu tố trên sao cho phù hợp với toàn bộ vùng biển Randstad trở nên cần thiết.
Khi soạn thảo kế hoạch “Chiến lược cho Randstad vào năm 2040”, Bộ quy hoạch Nhà ở, Không gian và Môi trường đã đưa ra một loạt bối cảnh tổ chức không gian, trong đó có chiến lược đưa Randstad trở thành một đại đô thị bờ biển. Kế hoạch đề xuất xây dựng các hòn đảo cách bờ biển khoảng vài cây số và tạo ra các hồ nước lớn giữa đảo và bờ biển. Vùng mở rộng này sẽ phòng hộ bờ biển, tạo không gian mở, không gian giải trí và đất dự trữ phát triển. Các khu resort khác nhau được áp dụng từng giải pháp xử lý khác nhau: Một vài khu vẫn có hướng nhìn ra biển và những khu khác được mở rộng về phía mặt hồ.
XEM XÉT NHỮNG THAY ĐỔI
Lựa chọn những giải pháp kỹ thuật khác nhau cho từng vùng bờ biển không phải là việc dễ dàng bởi tính chất của chúng có sự khác biệt rất lớn. Hình 6.7 minh họa cách chúng đạt được những tiêu chuẩn linh động, an toàn sinh thái, đa chức năng, tính tiếp cận, và khả năng phát triển khu vực hướng ra phía biển. Sự linh động rất quan trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Vấn đề về sinh thái cũng được quan tam, không chỉ bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn phải đảm bảo môi trường sinh thái và hỗ trợ các loài chim di trú. Đa chức năng và dễ tiếp cận là điều kiện thiết yếu để kết nối bờ biển đến vùng Randstad.
Các giải pháp mềm đã đáp ứng tốt sự linh động và sinh thái, giải pháp cứng lại phát huy ưu thế ở tính đa chức năng và khả năng tiếp cận. Việc sử dụng nguồn nguyên liệu cát thực hiện đươc tất cả các tiêu chí trên, trừ việc phát triển cảnh quan bờ biển.
Hình 5: Hình ảnh các hòn đảo làm rào chắn. Đồ án tốt nghiệp của Dorrith Dijkzeul, ĐH TU Delft, 2009. |
Kỹ thuật được cho phù hợp nhất với yêu cầu phát triển bền vững là tạo ra một cấu trúc mềm với tên gọi Rào chắn bãi biển. Hệ thống phòng hộ này được xây dựng từ cát, vì vậy, nó trở nên cực kỳ linh động. Nó có thể thay đổi nhiều hình dạng, kích thước với các mức độ an toàn khác nhau. Và điều quan trọng nhất, tuy là rào chắn, nhưng phương pháp này không biến khu vực bờ biển thành một căn cứ quân sự. Nó vẫn giữ nguyên các khu hiện hữu và tạo ra thêm vùng bờ biển mới. Rào chắn bãi biển chỉ được thực hiện ở những nơi cần thiết như khu vực resort ở vùng đất yếu.
Dorrith Dijkzeul đã tiến hành thực nghiệm về kỹ thuật này ở Katwijk trong đồ án tốt nghiệp của cô tại Đại học TU Delft. Cô tạo ra một rào chắn bằng cát cách bờ biển 800 m để chắn sóng. Nó làm giảm chiều cao và chu kỳ sóng để bảo vệ đường bờ biển hiện hữu khỏi nguy cơ bị xói lở cấu trúc một cách đột ngột. Nó cũng bảo vệ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình gần bờ trước các đợt tấn công của sóng và ngăn sóng tràn qua các thiết bị phòng hộ khác.
Rào chắn này có thể bị nhấn chìm tùy thuộc vào yêu cầu thực tế của địa phương. Chúng tạo thêm không gian cho những đụn cát, khu vui chơi giải trí bờ biển và các không gian khác. Rào chắn mới cũng mang đến cơ hội để thay đổi Đại lộ Katwijk aan Zee hiện hữu. Đường bờ biển ở Katwijk sẽ không còn phải hứng chịu những cơn bão lớn, vì thế, các đại lộ có thể được hạ thấp hơn, khu vực đi bộ và các tiện ích bãi biển cũng được di dời gần hơn ra phía biển.
Giữa mùa hè năm 2003, khí hậu đã tác động đến những con đê phụ trợ. Tại đây, vấn đề không phải là có quá nhiều nước như những vùng khác mà là quá ít nước. Ngoài 3200 km đê chính ở Hà Lan, có khoảng 14000 km đê phụ. Những con đê bao quanh các vùng đất trũng và kênh đào sẽ đưa nước từ vùng đất thấp đến sông lớn và đổ ra biển. Từ những năm 90, nhiều con đê trong tình trạng cần sửa chữa, nhưng đê điều tại Wilnis không được ưu tiên trong danh sách bảo trì.
Những con đê phụ – cùng toàn bộ hệ thống nước ở trung tâm Hà Lan và trung tâm Gouda – không nằm trong báo cáo của Hội đồng Delta, mặc dù những ảnh hưởng về mặt cảnh quan đô thị của chúng là cực lớn và việc tìm kiếm nguồn kinh phí cũng như giải pháp thực hiện không phải là việc dễ dàng.
VÙNG ĐẤT CAO
Vùng đất cao được hình thành từ than bùn tích tụ lâu đời ở các tỉnh thành Hà Lan. Tuy nhiên, cái tên này không còn phù hợp bởi đất ở đây đang bị sụt lún trong quá trình oxy hóa than bùn và quá trình định cư. Hậu quả càng trở nên trầm trọng khi mực nước ngầm ngày càng giảm sút rõ rệt. Phần lớn các tỉnh ở Hà Lan được dự đoán sẽ sụt lún từ 40 đến 60 cm trong vòng 50 năm tới.
Tiến trình này xảy ra trong vòng khoảng 1 thiên niên kỷ, và dự đoán trong tương lai, những vùng đất bùn sẽ chuyển thành đầm lầy đầy lau sậy và ngập nước thay vì trở thành đồng cỏ hay đất trồng.
Khả năng chịu đựng của đất suy giảm và sự thay đổi liên tục giữa đất khô và đất ướt đã gây ra nhiều hậu quả cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Gouda, thành phố được xây dựng trên nền đất bùn dày 18 m được xem là một hình ảnh kiên cường trước hiện tượng sụt lún. Thành phố đã đầu tư một số tiền 80 triệu euro vào năm 2000 để tìm ra những vấn đề nghiêm trọng nhất và của hệ thống đường ống và các giải pháp để xử lý chúng. Một cách làm rất thú vị để bảo vệ việc sụt lún đường sá là để chúng “trôi” trên nền xốp Polystyrene.
Bộ giải pháp cho việc tích trữ và giữ nước mưa tại Watergraafsmeer polder, Amsterdam. Nguồn: Sở quy hoạch Amsterdam. |
Những khu vực vùng hồ trũng cách từ 3 – 5 m dưới mực nước biển bị tác động bởi biến đổi khí hậu theo nhiều cách khác nhau. Việc rò rỉ (đặc biệt là sự xâm nhập của nước biển là một vấn đề đáng lo ngại, do đó, tháo nước để giữ cho chúng khô ráo là một yêu cầu bức thiết bởi đây không chỉ là nguyên nhân làm sụt lún đất mà còn làm giảm cả mực nước ngầm có trong tầng đất sâu.
Vấn đề này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở những vùng hồ dọc theo bờ biển, nơi có thể bị ảnh hưởng bởi sự xâm thực nước biển. Phương pháp hữu hiệu nhất là cho nước ngọt thấm vào các đụn cả để mở rộng vùng đệm nước ngọt và đẩy nước mặn ngược về phía biển.
Nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất bởi sự gia tăng của mực nước biển và sự lên xuống của thủy triều. Kết quả là độ mặn của vùng cửa sông tăng lên. Điều này đồng nghĩa rằng nước ở vùng cửa sông không thể được sử dụng trong suốt mùa khô ở vùng Tây Nam Hà Lan và nước sạch phải mang từ phía bắc xuống khu vực này.
ĐÔ THỊ Ở VÙNG ĐẤT TRŨNG
Những khu vực thuộc vùng đất trũng lại có các vấn đề riêng biệt. Lượng mưa trong mùa đông tăng lên đáng kể, khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn với nguy cơ lũ lụt cao hơn. Các nhà khí tượng đã dự đoán rằng đến năm 2050, nhiệt độ ở Hà Lan sẽ tăng lên từ 1 đến 3oC. Mùa hè sẽ khô hạn hơn với một lượng mưa thấp và khả năng bốc hơi cao hơn. Các dòng chảy sẽ suy giảm và nhiều loại tảo độc hại có khả năng sinh sôi trên mặt nước.
Thành phố Amsterdam đã phối hợp với trường đại học TU Delft để tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này, bao gồm cả việc thu lượng nước mưa trên mái, trong vườn, trên các tháp nước, dưới mặt đường, và trên các sân vận động, hạn chế việc lát gạch trongsân vườn, mở rộng kênh mương và các hồ trong công viên. Công viên Frankendaal tọa lạc tại vùng đất trũng Watergraafsmeer ở phía Đông Amsterdam là một thiết kế khéo léo, sử dụng mạng lưới nước mở rộng để tạo đường ranh giới và cảnh quan cho công viên (14a-b).
Một số vấn đề quan trọng cần được thực thi để giải quyết nguy cơ lụt lội. Bên cạnh việc bảo tồn các vùng đất trũng, nên bố trí những con đường khẩn cấp dọc theo các tuyến đường bộ hay xe lửa dẫn ra khỏi các cộng đồng dân cư. Bởi với những nguy cơ này, thật sai lầm khi tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình nhà ở tại một nơi ngày càng bị sụt thấp hơn dưới mực nước biển. Hội đồng Delta đã khuyến cáo hạn chế việc hình thành những đô thị quy mô lớn ở vùng đất trũng sâu.
DÀNH NHIỀU KHÔNG GIAN HƠN CHO SÔNG NGÒI
Trong nhiều thế kỉ qua, các con sông vùng Delta ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn bằng việc gia tăng hệ thống đê điều. Nền đất ngày càng yếu đi và lượng nước xả ra sông tăng lên đòi hỏi các con đê phải được nâng cao. Rất nhiều trong số chúng đã cao hơn 5 đến 6 m so với các quốc gia lân cận. Năm 1981, một tranh luận gay gắt đã diễn ra tại các vùng thuộc lưu vực sông bởi nhiều công trình và thảm thực vật đặc trưng địa phương đã hoàn toàn biến mất, chất lượng cảnh quan vì thế giảm đi một cách đáng kể.
Vào những năm 90, khi lượng nước xả ra các con sông cao đến mức kỷ lục, đặc biệt là năm 1993 và 1995, khiến 250000 người ở ven sông phải sơ tán thì hệ thống đê điều không còn là giải pháp tối ưu nhất. Ngày nay, ý tưởng mở rộng không gian cho sông ngòi được quan tâm nhiều hơn thay vì tiếp tục đầu tư vào các con đê. Đây là một ý tưởng quan trọng được chính phủ quốc gia thực hiện vào năm 2004, gồm 40 dự án nâng cấp các con sông và dự kiến hoàn thành chúng trước năm 2015.
CHƯƠNG TRÌNH “THÊM KHÔNG GIAN CHO CÁC DÒNG SÔNG”
Chương trình “thêm không gian cho các dòng sông” hạn chế tối đa việc xả nước ra sông. Giải pháp được sử dụng nhiều nhất là đào thêm kênh và dành thêm đất công viên cho vùng đồng bằng ngập nước.
Ý tưởng này được giới thiệu vào năm 1986 trong dự án thắng giải cuộc thi thiết kế Eo Wijers. Dự án Ooievaar tập trung vào các khu vực tự nhiên và đất công viên trong vùng ngập nước để tạo thêm không gian vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, dự án đề xuất gữ lại khu vực sau đê và tiếp tục khai thác các khu nông trại hiện hữu.
Những vùng thích hợp được dự kiến để áp dụng chương trình này là Kampen, Zwwolle, Devener, Zutphen, Arnhem, Nijmegen, và Gorinchem. Chương trình cũng kết hợp giải quyết các vấn đề đô thị như nhà ở, hoạt động vui chơi giải trí, phát triển không gian mặt nước, và cải thiện những vùng đất bùn.
ĐÀO KÊNH MƯƠNG CHO VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC
Thêm kênh mương cho vùng đất ngập nước là ý tưởng được khuyến khích trong dự án “Thêm không gian cho các dòng sông”, làm tăng khả năng trữ nước và tạo ra cảnh quan hoàn toàn khác biệt.
Hình dạng các con kênh thay đổi tùy vào từng vị trí. Tại vị trí sông Ijseel thì chúng uốn mình như những cuộn len dài và hẹp nằm ở hạ nguồn và tạo nên cảnh quan đặc trưng cho vùng Ijssel. Ở vùng thượng nguồn, chúng có thể chảy tràn qua những con đê thấp.
KHU VỰC PHÁT TRIỂN THỐNG NHẤT
Khi chương trình thêm không gian cho các dòng sông được khởi động vào năm 2004, nó được đặt vào khá nhiều kỳ vọng. Những con kênh và các tuyến đường băng qua vùng ngập lụt có thể kết hợp phát triển nhà ở và các tiện ích vui chơi giải trí mới. Chiến lược phối hợp này được quan tâm đặc biệt tại khu vực gần sông Ijssel. Năm 2003, một nghiên cứu tập trung vào tính khả thi của những tuyến đường xuyên qua vùng ngập lụt ở Kampen, Deventer và Zutphen được thực hiện. Kampen và Zutphen đã đào thêm kênh cho vùng đất ngập nước và di dời các con đê. Nhưng liệu có thể tăng tốc độ xả nước và vẫn có thể xây dựng hàng ngàn ngôi nhà mới một cách an toàn?
Veur Lent, khu trung tâm cũ ở gần làng của Lent, tọa lạc ở phía bắc sông Waal, sẽ trở thành một hòn đảo và những ngôi nhà trên đê hiện hữu được bảo tồn. Chính quyền địa phương đã đưa ra quyết định di dời đê để xem xét lại toàn bộ định hướng của dự án mở rộng đô thị Uwaalsprong. Hòn đảo mới vạch ra những cơ hội rất rõ ràng để tăng cường mối quan hệ giữa thành phố và các dòng sông. Waalsprong trở thành một đô thị cảnh quan ven sông thơ mộng nhờ khung cảnh phía bắc con kênh mới.
Dự án đô thị trong chương trình Thêm không gian cho các dòng sông đã cho thấy mục tiêu kết hợp giữa phòng chống lụt lội cho các con sông và giải quyết vấn đề nhà ở. Nếu có ý kiến cho rằng việc sử dụng nguồn thu từ bán nhà đất để đầu tư phòng chống lũ lụt là quá vội vàng, thì việc bỏ qua ý tưởng một cách hoàn toàn cũng không phải là lựa chọn hợp lý.
Một nguồn lợi lớn hơn là thực tế, những dự án Thêm không gian cho các đô thị ven sông đã làm giàu thêm mối quan hệ giữa thành phố và các con sông. Những dự án này đã đề cao việc tăng khả năng kết nối với mặt nước, khu vực giải trí và tiềm năng phát triển du lịch, chất lượng bờ sông, khu vực bảo tồn và tính truyền thống, cũng như tính đặc trưng của những đô thị này với không gian mặt nước.
SÔNG NGÒI VÀO NĂM 2100
Khi các giải pháp cho chương trình Thêm không gian cho các dòng sông đã sẵn sàng để được thực hiện thì mục tiêu lại có chút thay đổi theo định hướng ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2100. Dự án cho rằng chương trình Thêm không gian cho các dòng sông không đủ khả năng để tăng lượng nước xả lên đến 18000 m3/ giây, do đó, cần đưa ra các giải pháp khác chú trọng đến vấn đề nước biển dâng.
Tại Rotterdam, các con đê cần được nâng cấp thành “siêu đê”, cao hơn và rộng hơn 20 đến 100 m những công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và công viên. Để tiếp tục xả nước sông Ijssel ra biển và thậm chí chỉ để giảm mực nước sông, Hội đồng Delta đồng ý tăng mực nước của Hồ Ijsselmeer đến gần 1.5 m.
Nếu những giải pháp này được thực hiện, hạt nhân kinh tế Hà Lan ở Randstad có thể được bảo vệ khỏi những tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc tích hợp giữa những con đê khổng lồ vào các thành phố và đô thị hiện hữu sẽ gây ra những xáo động rất lớn, vì điều đó đồng nghĩa với việc xóa bỏ toàn bộ những giá trị lịch sử và văn hóa của đô thị.
May mắn thay, một số sự lựa chọn thông minh khác, điển hình là rào chắn lụt lội linh động Maeslantkering, có thể bảo vệ Rotterdam vĩ đại. Thêm vào đó, việc xả nước tự do ra biển trong 100 năm tới là hoàn toàn có thể nếu độ lên xuống của thủy triều được tăng cường bằng một tiến trình có tên gọi là cộng hưởng sóng. Quy hoạch đô thị Hà Lan – với những giải pháp công nghệ tối ưu – đang chuyển mình sang một giai đoạn mới.
[i] Bài viết là một chương trong cuốn Delta Urbanism – The Netherlands (Đô thị Châu thổ – Hà Lan) do Hội Quy hoạch Hoa kỳ (APA) đặt hàng ba chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý nước và thiết kế đô thị tại Đại học Kỹ thuật Delft là Han Meyer, Inge Bobbink, và Stenffen Nijhuis thực hiện. Cuốn sách nằm trong nỗ lực của APA nhằm thúc đẩy năng lực quản lý và quy hoạch các thành phố châu thổ trước rủi ro ngập lụt và Biến đổi khí hậu sau sự kiện siêu bão Katrina tàn phá New Orleans năm 2005.
[ii] Maurits de Hoog là giáo sư trong bộ môn Thiết kế Vùng và Đô thị thuộc Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan). Ông nghiên cứu về thiết kế đô thị và khám phá quá trình chuyển hóa môi trường quy mô lớn trong đô thị.
Nguồn: thông tin đô thị