Nghề cá Việt Nam, đặc biệt là nghề
cá quy mô nhỏ ven bờ với các loại ngư lưới cụ khai thác truyền thống và
hàng triệu hộ gia đình đang sống phụ thuộc là một trong những lĩnh vực
nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí
hậu (BĐKH).
|
||
|
||
BĐKH
và các biểu hiện của nó như nước biển dâng, nhiệt độ tăng, bão lũ, sóng
lớn, triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan… đã ảnh hưởng cả
trực tiếp và gián tiếp đến các hệ sinh thái (HST) quan trọng ven bờ và
nghề cá liên quan như hệ sinh thái đầm phá và nghề cá đầm phá, HST rừng
ngập mặn và nghề cá rừng ngập mặn ven biển, HST rạn san hô và nghề cá
liên quan…
Tiếp theo loạt bài phân tích về tác động của BĐKH lên nghề cá quy mô nhỏ tại vùng ven biển Việt Nam, bài viết này phân tích sơ bộ tác động của BĐKH lên HST rừng ngập mặn và nghề cá liên quan đến HST rừng ngập mặn.
Ảnh hưởng của nhiệt độ tăng và biến đổi lượng mưa
Các yếu tố khí hậu tác động một cách tổng hợp lên hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM). Khi khí hậu nóng lên, các yếu tố như sự biến động nhiệt độ, lượng mưa, nước biến dâng sẽ là những yếu tố tác động mạnh nhất lên hệ sinh thái rừng ngập mặn. Dưới tác động của BĐKH, những năm gần đây, tại miền Bắc, nơi có nhiệt độ mùa đông thấp, đã nhiều lần ghi nhận các đợt lạnh bất thường (ví dụ như đợt lạnh lịch sử mùa đông năm 2007). Các đợt lạnh cực đoan này đã gây ra hiện tượng sương muối nhiều hơn và chính là một nhân tố hạn chế sự sinh trưởng của cây ngập mặn, thể hiện rõ ở triệu chứng là lá cây bị khô cháy. Theo Nguyễn Văn Hải, 1995, ở khu Đông Bắc Việt Nam vào những ngày khô hanh trong mùa đông lạnh bất thường, thường có sương muối vào ban đêm gây tổn thất cho cây ngập mặn, nhất là vào những ngày nước triều kiệt. Hiện tượng lá của một số cây ngập mặn ở ven biển Quảng Ninh như Rhizophora stylosa, Bruguiera gymnorhiza, Excoccaria agallocha và Cerbera manga đã quan sát thấy bị khô cháy và chết từng phần do sương muối khi nhiệt độ ban đêm xuống dưới 00C (Nguyễn Văn Hải, 1995). Cùng với nhiệt độ, sự biến đổi của lượng mưa cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phân bố và phân vùng của các loài cây ngập mặn. Sở dĩ lượng mưa có ảnh hưởng đến sự phân bố các quần xã và thành phần loài vì nó cung cấp nước cho đất, tăng cường lượng nước ngọt chảy qua bề mặt, làm giảm nồng độ muối trong đất, nhất là vào thời gian cây sinh trưởng mạnh mẽ (lúc cây con mới bén rễ và lúc cây ra hoa kết quả), tránh cho cây khỏi bị “hạn sinh lý”do nồng độ muối cao. Vì vậy, mùa mưa thường cũng là mùa ra hoa, kết quả và phát tán hạt giống của các cây ngập mặn. Tuy nhiên, lượng mưa lớn không phải bao giờ cũng có lợi. Do ảnh hưởng của BĐKH nên các hiện tượng mưa, lũ lớn thường xuyên xảy ra hơn cả về cường độ và thời gian. Khi mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn và nhiều tháng còn lại trong năm bị khô hạn sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho sự sinh trưởng và phân bố của cây ngập mặn. Trong hoàn cảnh đó, mưa lớn sẽ lọc rửa hết muối trong đất, ngược lại về mùa khô lượng muối trong đất lại quá cao. Ảnh hưởng này của mưa lớn do BĐKH đã được quan sát thấy ở khu vực Bắc Trung Bộ. Số liệu khí tượng tại các khu vực như thị xã Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, thị xã Đồng Hới… cho thấy đây là những nơi thường có mưa lớn bất thường và xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, có ngày mưa tới 400-500 mm và thường tập trung vào 2 tháng 9 và 10, trùng với mùa mưa bão (cũng có tần xuất xuất hiện thường xuyên hơn do ảnh hưởng của BĐKH) nên lượng mưa càng lớn hơn và làm đất ngập mặn bị lọc hết muối, nhất là khi con nước kém. Chính vì vậy, cây ngập mặn tại những khu vực này thường bị ngừng sinh trưởng hoặc chết cây con. Một số nơi, mưa lớn đã cuối theo cát, sỏi, đá cuội ra các bãi lầy, lấp rễ hô hấp và phá huỷ cây con đang tái sinh. Hiện tượng này đã được quan sát thấy ở vùng cửa sông Ba Chẽ, bởi vậy, sự phân bố cây ngập mặn ở đây ngày càng thưa và không đồng đều. Ngược lại, vào thời điểm vào đầu và giữa mùa hè (tháng 4-7), do tác động của gió tây nam khô nóng với cường độ và thời gian kéo dài hơn do tác động của BĐKH nên làm cho đất ngập mặn bị bốc hơi rất mạnh, nồng độ muối trong đất tăng lên rất cao (tới 40-60%), cây thoát hơi nước nhiều, lượng nước hút vào không đủ nên khó giữ được cân bằng nước trong cơ thể dẫn đến nhiều cây bị chết khô. Hiện tượng này đã được quan sát thấy với những đám cây sú và đước bị chết khô vào tháng 7/1982 ở gần cửa sông Rào và sông Nghèn (Hà Tĩnh) khi có gió Lào thổi mạnh nhất. Ngoài ra, gió mùa đông bắc cũng góp phần quan trọng làm tăng mực nước biển ở Việt Nam. Gió mùa xuất hiện vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, vào thời kỳ thủy triều cao nhất trong năm (tháng 10 đến tháng 12). Kết quả là nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, khi tốc độ gió là 5m/s thì nước biển tăng cao 10cm. Khi tốc độ gió tới 10m/s thì nước biển tăng lên 20cm, nếu không có gió thì nước biển chỉ tăng 4cm. Nước mặn, lợ vào đến đâu thì các loài cây ngập mặn theo dòng nước vào sâu trong nội địa đến đó. Ví dụ, tại Quảng Trạch (Quảng Bình), gió mùa đông bắc đưa cát lấp dần các cửa sông khiến cho nước triều xuống rất chậm, nước mặn tràn vào ngấm vào các đồng ruộng, gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái nước ngọt. Nhiều đám cây ngập mặn được quan sát thấy mọc cả ở các kênh, mương, mép bờ đầm ruộng ở miền Trung (Nguyễn Văn Hải, 1995). Ảnh hưởng của mực nước biển dâng Tại Việt Nam, tác động của sự biến đổi mực nước biển đối với HST RNM ở từng vùng không giống nhau. Nguyên nhân chi phối tác động đó là tốc độ bồi đắp và điều kiện địa hình trong RNM ở từng khu vực khác nhau trước sự tăng của mực nước biển. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Hải và nnk, 1995, tác động của nước biển dâng tới HST RNM của Việt Nam có thể ở các dạng như ảnh hưởng lên sự bồi đắp phù sa và trầm tích vùng RNM, đẩy nhanh tốc độ xói lở vùng ven biển có RNM… Dưới tác động của BĐKH, gió mùa và bão sẽ xảy ra thường xuyên hơn, gây nên gió to, sóng lớn là mực nước biển dâng cao hơn và thường xuyên hơn, góp phần đẩy nhanh tốc độ xói lở bờ biển, nhiều khu RNM của Việt Nam đã bị chìm xuống biển như dải rừng suốt dọc phía đông mũi Cà Mau, làm mất nơi ở của nhiều loài động vật trong rừng và ở bãi triều, làm mất nơi đẻ của một số loài tôm, cá. Ở phía Nam một số cửa sông của khu vực ĐBSCL như cửa Hàm Luông, cửa Định An, cửa Trần Đề cũng có hiện tượng xói lở bờ biển và RNM do gió mùa đông bắc và nước biển dâng. Nhiều vùng cửa sông cũng bị xói lở từng mảng. Nước biển dâng cùng với gió mùa, bão, triều cường đã làm xói lở bờ biển, gây xói mòn nền đất RNM, lộ dễ cây, sạt lở bờ sông ở các vùng cửa sông, cuốn trôi cây ngập mặn. Ở phía Đông bán đảo Cà Mau, gió mùa Đông Bắc (gió chướng) cùng với triều cường đã làm xói lở hàng chục km từ Gành Hào xuống đến xóm Đất Mũi, mỗi năm có chỗ mất 20-30m chiều rộng như ở cửa sông Bồ Đề, Rạch Gốc, khu vực Khai Long… làm đổ các cây RNM, trong đó có nhiều mắm biển (Avicennia marina) đước, tràm, sú vẹt lâu năm. Đồng thời, nước biển dâng đã tạo điều kiện cho cây ngập mặn lấn sâu vào nội địa và tiêu diệt các loại cây trồng khác. Đối với nước ta, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn/các hệ sinh thái đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư lâu đời (hiện có tỷ lệ đói nghèo cao), vùng có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất và các sinh cảnh tự nhiên của nhiều loài bản địa bao gồm cả các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh quyển. Đặc biệt là các hệ sinh thái rừng tràm tự nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tại Đồng bằng sông Cửu Long - một vùng đất thấp và nhạy cảm với tác động của BĐKH. Tại đây có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn chim, sân chim... rất hấp dẫn cho du lịch sinh thái. Các hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH. Triều cường đưa cát vào bờ làm cho nhiều loài cây ngập mặn có rễ thở trên mặt đất bị vùi lấp và cây chết đứng (Phan Nguyên Hồng, 1991). Nước biển dâng đã tạo điều kiện cho một số loài cây ngập mặn xâm lấn đất nội địa, đất sản xuất nông nghiệp từ đó ảnh hưởng đến sản lượng lương thực và đa dạng sinh học. Hiện tượng này đã được quan sát tại Quảng Bình và miền tây Nam Bộ. Số loài động thực vật nước ngọt biến mất và thay thế vào đó là các loài nước lợ. Nước biển dâng cũng ngăn cản sự bồi tụ các bãi triều, ngăn cản sự tái sinh tự nhiên của các loài cây ngập mặn tiên phong như mắm, bần chua... Ví dụ tại Quảng Ninh, trận bão năm 1995 đã phá vỡ đê biển, cả đảo Hà Nam (huyện Yên Hưng) gồm 7 xã chìm ngập trong nước mặn do nước dâng, sóng lớn. Chỉ sau một thời gian ngắn nơi đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, các loài sú (Aegiceras cprmiculatum), mắm biển (Avicennia marima), đước đôi (Rhizophora apiculata), trang (Kandelis scandel) đến chiếm đất. Nhân dân Yên Hưng đã phải lao động rất vất vả nhiều năm mới khắc phục được hậu quả, rửa mặn cho đất nông nghiệp để canh tác (Nguyễn Văn Hải và nnk, 1995). Ảnh hưởng của bão Bão cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng nước biển dâng và gây tác động đến HST RNM. Với tần suất bão lớn (hàng năm có từ 5 -10 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào vùng bờ), hầu như năm nào Việt Nam cũng phải hứng chịu nước dâng do bão. Nước dâng lớn thường xảy ra tại các vùng miền Trung: ở dải ven bờ Nghệ An đã đo được nước dâng do bão trên 3,2m; dải ven bờ từ Thừa Thiên Huế trở vào Nam Trung Bộ, nước dâng đo được thay đổi trong khoảng 2,5 – 3m; dải ven biển Nam Bộ có những đặc thù riêng về đường bờ, kênh rạch và hệ thống rừng ngập mặn, nước dâng cũng đã đo được từ 1m tới 2,5m. Do tác động của BĐKH bão lũ ngày càng xuất hiện với tần xuất lớn hơn và mức độ mạnh hơn đã gây ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái đất ngập nước đặc biệt là các khu rừng ngập mặn trong các đầm phá ven biển hoặc bãi bồi phù sa. Nhìn chung, RNM thường không thể phát triển được ở những nơi chịu tác động trực tiếp theo chu kỳ năm của bão. Những cơn bão lớn xuất hiện hàng năm vào các tỉnh ven biển với tần xuất và cường độ ngày càng khốc liệt hơn do tác động của BĐKH đã làm vỡ đê biển, phá huỷ các RNM tự nhiên hoặc trồng để bảo vệ đê, phá huỷ môi trường sống của nhiều loài tôm cá biển cũng như chim nước. Nước biển dâng cao nhất trong những ngày có mưa bão kết hợp triều cường, có khi lên tới 5-8 m gây ra thiệt hại to lớn về tài sản của cộng đồng ven biển, làm cho bờ biển bị xói lở, kể cả những vùng có các dải rừng ngập mặn phòng hộ. Sóng to, mưa lớn làm cho cây bị gãy cành, rụng hoa quả và cuốn trôi nhiều cây con ra biển. Ví dụ cơn bão số 6 ngày 17/8/1991 đã cuốn trôi hơn 70% số cây ngập mặn mới trồng ở một số xã huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Bão và triều cường còn đưa cát vào bờ, làm cho các loài cây ngập mặn có rễ thở trên mặt đất bị vùi lấp và chết đứng. Nước biển dâng tạo điều kiện cho một số loài cây ngập mặn xâm lấn nội địa, giảm diện tích sản xuất nông nghiệp (như ở Quảng Bình và miền Tây Nam Bộ). Nhiều loài động thực vật nước ngọt biến mất và thay vào đó là các loài nước lợ. Nước biển dâng cũng ngăn cản sự bồi tụ của các bãi triều, ngăn cản sự tái sinh tự nhiên của các loài cây ngập mặn tiên phong như mắm, bần chua. Tại Tp.Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây triều cường gây ngập nhiều khu dân cư trong đó có nguyên nhân là hầu hết các kênh rạch có những dải dừa nước và nhiều loài cây ngập mặn khác như bần, mắm, su trang ở các quận Nhà Bè, Phú Xuân, Bình Chánh bị chặt phá và lấp đất để xây dựng.
Ảnh hưởng lên nghề cá trong và xung quanh các khu vực rừng ngập mặn
Rừng
ngập mặn cùng với 2 hệ sinh thái biển – ven biển nhiệt đới điển hình
(rạn san hô và thảm cỏ biển) quyết định phần lớn năng suất sơ cấp của
toàn vùng biển. Có thể nói, rừng ngập mặn chính là cái nôi của nghề cá
ven bờ (cả khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ven bờ). Phần lớn các hoạt
động của nghề cá (cả khai thác và nuôi trồng) được thực hiện ở vùng ven
bờ đều có liên quan đến HST rừng ngập mặn. Xét trên tổng thể ngành thuỷ
sản, theo ước tính khoảng gần 50% sản lượng tôm sú thu được của ngành là
được nuôi và khai thác có liên quan đến rừng ngập mặn. Liên quan đến
người nghèo, thu nhặt cua, ốc, cá, tôm từ rừng ngập mặn chính là nguồn
thu nhập chính của họ. Ví dụ, cua biển là một loại hải sản có giá trị
kinh tế cao, có mối quan hệ mật thiết với RNM, hầu hết vòng đời của cua
biển sống trong RNM. Trong khoảng thời gian từ tháng 8-11 hàng năm, ấu
trùng cua biển từ biển vào RNM để sinh trưởng. RNM chính là cá nôi che
chở cho ấu trùng cua biển sinh trưởng và phát triển. Chính vì vậy, tại
vùng ven biển các huyện Tiền Hải (Thái Bình), Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ (Nam
Định), đầu những năm 1990s, khi một số diện tích RNM bị mất đi do nhiều
lý do (do tác động của con người chuyển mục đích sử dụng RNM sang nuôi
trồng thuỷ sản hoặc tác động của BĐKH gây ảnh hưởng đến sự phát triển và
mở rộng của RNM), nguồn lợi giống cua biển đã bị mất. Nhiều người dân
địa phương đã từng sống phụ thuộc vào nguồn lợi cua biển giống trong RNM
bị ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế và thu nhập, họ đã phải chuyển đổi
sang nhiều nghề khác nhau. Đồng thời nguồn lợi cua giống trong RNM khan
hiếm đã đẩy giá cua biển giống lên cao tại địa phương, gây ảnh hưởng đến
hoạt động nuôi cua trong khu vực. Các nghề khai thác hải sản truyền
thống liên quan đến RNM như nghề sẻo, soi, đăng, đáy, câu, vó, xúc thủ
công, sáo, nò, bắt tay… cũng bị mai một do không còn rừng ngập mặn và
nguồn lợi đi kèm theo RNM để hoạt động.
Ngoài ra, cùng với việc diện tích rừng bị suy giảm do nước biển dâng, RNM còn bị phá huỷ làm đầm nuôi tôm, việc đào mương dẫn nước vào vùng đầm đã đã ảnh hưởng đến môi trường sống của chim ở trong vùng lõi, một số cây là nơi làm tổ chết, chim không đủ lượng nước ngọt để uống, nhiều loài chim và một số loài bò sát cũng biến mất Các hoạt động của máy bơm sục khí đã tác động đến đời sống của chim non, do chim bố mẹ không kiếm đủ lượng thức ăn cần thiết. Ở những nơi RNM bị phá huỷ, hiện tượng tích tụ chất bảo vệ thực vật trong thuỷ sản nuôi tăng cao; ví dụ trong cơ thể động vật thân mềm ở khu vực Ba Lạt hàm lượng chất bảo vệ thực vật lên tới 75,263 mg/g, ở ngao (Meretrix meretrix) là 68,18 mg/g, ngó (Cyclima sinensis) là 166,95 mg/g. Các hoá chất, chất thải từ các trang trại nuôi tôm đã phá huỷ chu trình dinh dưỡng trong RNM cũng như các hệ sinh thái lân cận dẫn đến phản ứng dây truyền khiến cho nhiều loài động vật, hải sản trong các hệ sinh thái này giảm sút. Do mất RNM số lượng sinh vật phù du và sinh vật đáy làm thức ăn cho các loài thuỷ sản giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng giảm sút năng suất tôm nuôi theo hình thức quảng canh: năm 1980 là 200 – 250 kg/ha/vụ, đến 2001 chỉ còn 70 – 80 kg/ha/vụ. Theo ước tính cứ 1 ha RNM trước đây có thể khai thác được từ 700 – 1000 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước đây. Mưa lớn và tập trung trong thời gian ngắn cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn lợi sinh vật sống trong các rừng ngập mặn, đặc biệt là các động vật nổi ở vùng cửa sông và vùng nước lợ. Nghiên cứu đã cho thấy những trận mưa lớn ở Vũng Tàu và Hà Tĩnh tháng 8 năm 1992 đã làm độ mặn thay đổi đột ngột và làm cho cho tôm sú trong các đầm và một số sinh vật nổi ở vùng rừng ngập mặn cửa sông chết hàng loạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của các cộng đồng dân cư nuôi trồng thuỷ sản và khai thác nguồn lợi quy mô nhỏ ở các vùng ngập mặn cửa sông (Nguyễn Văn Hải và nnk, 1995). Hiện tượng gió mùa tây nam khô nóng xuất hiện với tần suất dầy hơn và thời gian xuất hiện dài hơn như là một hệ quả của BĐKH cũng đã gây nhiều thiệt hại về nguồn lợi và nghề cá trong RNM ven sông nước lợ ở khu vực Bắc Trung bộ, nhất là vào thời kỳ có nước triều kém trong các tháng 6-8 hàng năm. Ở thời điểm này, độ mặn trong đất RNM lên rất cao (4-4,5%) ảnh hưởng đến cả thực vật và các sinh vật đáy như thân mềm, giun nhiều tơ. Các đối tượng này bị chết hoặc phải di cư, gây ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn tự nhiên cho các đối tượng hải sản tôm, cua, ghẹ, cá nước lợ trong RNM, gây suy giảm năng xuất sinh học và năng suất khai thác của các cộng đồng dân cư địa phương sống phụ thuộc vào nguồn lợi thuỷ sản trong RNM. Theo Nguyễn Văn Hải, 1995 quan sát nhiều đầm nuôi tôm ở Hồng Hà (Hà Tĩnh) vào tháng 7/1991, sau 3 ngày có gió Lào (gió mùa tây nam), mặt nước trong đầm còn 0,3m, nhiệt độ nước buổi trưa lên đến 37,50C, độ mặn 3,7%0. Vào những ngày này tôm trong đầm hầu như không ăn và hoạt động rất ít, một số không lột xác được, một số ít tôm bị chết lấp trong bùn ao. Mực nước biển dâng sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thuỷ sản của các vùng ven biển Việt Nam, làm cho tình trạng xâm mặn ở các vùng ven biển ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nó đã trở thành một trong những vấn đề nan giải tại nhiều địa phương ven biển. Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 1,77 triệu ha đất nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích và đây là địa phương có diện tích đất nhiễm mặn lớn nhất. Nếu mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao lên 30cm theo kịch bản BĐKH năm 2050, khoảng 50% các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa, tiêu diệt nhiều loài sinh vật nước ngọt. 36 khu bảo tồn trong đó có 8 vườn quốc gia, 11 khu dự trữ thiên nhiên sẽ nằm trong diện tích bị ngập (Võ Quý, 2008). Đây chính là những cái nôi của nguồn lợi thuỷ sản, là nơi mà nguồn lợi tự nhiên, trong đó có nguồn lợi thuỷ sản được bảo tồn, sinh sôi và phát tán ra các vùng nước xung quanh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nghề khai thác thuỷ sản nội địa và ven biển thủ công (như đăng, đó, sáo, nò, súc thủ công) và một số nghề khai thác ven bờ quy mô nhỏ như câu, rê. Đây là những nghề phần lớn được thực hiện bởi những cộng đồng ngư dân nghèo. Đồng thời nguồn lợi giống tự nhiên cung cấp cho việc nuôi nhiều đối tượng nuôi khác nhau cũng sẽ bị ảnh hưởng, đẩy giá giống lên cao do tình trạng khan hiếm nguồn cung. Ngoài ra, nếu mực nước biển dâng cao, các trại nuôi trồng thuỷ sản phải di dời và xâm mặn, diện tích rừng ngập mặn giảm sẽ làm mất nơi cư trú của các sinh vật nước ngọt. Theo kịch bản về nước biển dâng của Việt Nam (mức trung bình – B2), nếu mực nước biển tăng lên 75cm vào năm 2100 (MONRE, 2009) và các hệ thống đê không được cải thiện cao hơn bây giờ thì khoảng 500.000ha đất (đồng bằng sông Hồng) và 1.500.000-2.000.000 ha (đồng bằng sông Cửu Long) sẽ bị ngập triều và vùng đất bị nhiễm mặn ước tính vào khoảng 2.200.000 – 2.500.000 ha. Ngoài 400.000ha đầm lầy và rừng ngập măn, sẽ có 250.000ha rừng ngập mặn bị ngập hoàn toàn. 100.000 ha nuôi trồng thủy sản sẽ bị chuyển thành khu vực nuôi trong rừng ngập mặn và hơn 217.000ha rừng melaleuca ở khu vực thấp sẽ bị nhiễm mặn vì khu vực này không có đê (RIMF, 2008). Tuy địa hình ở miền Bắc cao hơn ở Nam Bộ, có thể nhiều vùng không bị ngập khi nước biển dâng cao tới 1m nhưng ở các đầm hồ ở trong đất liền sẽ bị nhiễm mặn do các tầng nước ngầm bị ảnh hưởng của nước biển dâng. Lớp địa tầng đá vôi ngấm nước sâu rộng sẽ khiến cho sự xâm thực nước mặn trở nên rộng và vào sâu tới những vùng đất trũng như khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, các vùng đất có núi đá vôi ở Gia Viễn (Nho Quan, Ninh Bình) và một số nơi khác. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học, nhiều loài có ý nghĩa kinh tế và khoa học chết hoặc di cư, mất nguồn cung cấp thực phẩm. Các vùng nước ngọt giảm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản (RIMF, 2008). Tuy nhiên khi xét ở một khía cạnh khác, khi nước biển dâng, diện tích biển của chúng ta sẽ có nhiều hơn, điều đó có nghĩa là diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ có thể được mở rộng. Tuy nhiên, lợi ích của hiện tượng này cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản nước lợ là không lớn do môi trường nước tại những khu vực này thường là đã bị suy thoái nên cũng khó có thể sử dụng cho các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản một cách hiệu quả nếu không có các giải pháp tốn kém để xử lý và cải tạo môi trường nước. Hơn nữa những thiệt hại mà mực nước biển dâng gây ra đối với đời sống kinh tế xã hội và sự phát triển của hoạt động nuôi trồng thuỷ sản còn lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc mở rộng các diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ này…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Hải và nnk, 1995. Đánh giá hệ quả sinh thái kinh tế do biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đề tài phân tích và đánh giá hệ quả sinh thái kinh tế do biến đổi khí hậu ở Việt Nam (PT02-12). Báo cáo tổng kết tập II.
2. MONRE (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 2009. Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. 3. Phan Nguyên Hồng, 1991. Sinh thái thảm thực vật RNM Việt Nam. Luận án tiến sĩ khoa học sinh học. 4. RIMF (Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng), 2009. Đánh giá tác động, tổn hại của BĐKH đến lĩnh vực thủy sản và nghiên cứu, đề xuất các biện pháp thích ứng với BĐKH trong ngành thủy sản Việt Nam. Nghiên cứu chuyên đề của dự án: “Việt Nam: Chuẩn bị thông báo quốc gia lần thứ hai cho UNFCCC”. 5. Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, 2009. Tác động của biến đổi khí hậu tới nghề cá quy mô nhỏ ven bờ ở Việt Nam và biện pháp thích ứng. Nghiên cứu chuyên đề của dự án “Tăng cường năng lực cho Cơ quan đầu mối quốc gia về biến đổi khí hậu ở Việt Nam (CD4FFCP)”. 6. Võ Quý, 2008. Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Hội thảo BĐKH toàn cầu và biến đổi khí hậu của Việt Nam. Hội thảo BĐKH toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, Hà Nội, 26-29/2/2008.
Nguồn: http://www.vifep.com.vn
|