Báo
cáo môi trường quốc gia mới đây nhất khẳng định, do tác động của biến
đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai lớn, dị thường, vượt qua những
hiểu biết hiện tại của con người, đã xảy ra ngày một thường xuyên hơn,
diễn biến phức tạp hơn, gây hậu quả khó lường.
Báo
cáo đã xem xét trên các hiện tượng thiên tai phổ biến và gây thiệt hại
lớn ở nước ta là bão, lũ lụt, lũ quét và hạn hán, dông, lốc,…
Đối
với bão, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, quỹ đạo
bão có xu thế dịch chuyển về phía Nam rất khó dự báo, xác định chính xác
đường đi của bão. Dự báo trong tương lai, số lượng cơn bão có cường độ
mạnh sẽ gia tăng.
Lũ
lụt, úng ngập cùng các hiện tượng tự nhiên khác (nước dâng, trượt lở
đất gây tắc tạm thời dòng lũ trên sông,…) thường gây hiểm họa lớn. Lũ
lụt tự nhiên kết hợp với các tác nhân phi tự nhiên (nạn phá rừng, sử
dụng đất không hợp lý, xây dựng các công trình trên sông…) ngày càng có
xu hướng gia tăng, gây gia tăng thiệt hại về người và tài sản. Lũ do sự
cố hư hỏng các công trình trữ nước, giữ nước, cản trở dòng lũ, ngập lũ
do tác động của con người cũng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn.
Do
tác động của biến đổi khí hậu, mưa bão gia tăng và phức tạp hơn nên
nhiều hồ đã gặp sự cố, mất an toàn, gây hậu quả lớn về xã hội và môi
trường đã từng xảy ra ở miền Trung và Tây Nguyên trong những năm qua.
Các
chuyên gia khuyến cáo, vấn đề an toàn hồ chứa và nguy cơ gia tăng hiểm
họa thiên tai, tai biến môi trường ở hạ du do mất an toàn hoặc vận hành
không hợp lý các công trình thủy điện, thủy lợi là vấn đề thường trực ở
các vùng nên cần chủ động đối phó với tinh thần cảnh giác cao.
Ngoài
lũ lụt ở các vùng, chúng ta phải chú ý đến lụt và ngập úng ở các đô
thị, đồng bằng. Úng ngập ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các đồng bằng nhỏ
ven biển miền Trung cho thấy, nguyên nhân chủ yếu gây úng ngập nghiêm
trọng không phải do nước lũ ngoài sông tràn vào mà chủ yếu do mưa cường
độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn tạo dòng chảy mặt lớn vượt khả
năng chứa, thấm, tiêu thoát nước, có nơi còn chịu tác động tổ hợp của
mưa lớn và triều cao.
Nguy
cơ hạn hán và thiếu nước trên diện rộng, thậm chí sa mạc hóa sẽ gia
tăng do chế độ mưa, ẩm đã khác quy luật bởi biến đổi khí hậu. Mức độ gay
gắt của hạn hán rất khó dự đoán và xác định trước.
Hạn
hán, thiếu nước điển hình đã xảy ra liên tiếp trong mùa khô các năm
thập kỷ đầu thế kỷ 21. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán được
ước lượng sẽ tăng lên khoảng một cấp trên tất cả các vùng trong những
năm tới, tiếp tục gia tăng quá trình hoang mạc hóa, mặn hóa, xâm thực,
xói lở bờ sông, cát bay, cát chảy…
Báo
cáo môi trường lưu ý, hạn hán thiếu nước thường xuyên xảy ra trên diện
rộng, nhiều người dân đã phải di cư, hàng nghìn gia súc, gia cầm đã chết
khát, chết đói, nhiều hecta cây trồng và rừng bị cháy khô… Ảnh hưởng
của biến đổi khí hậu làm nền nhiệt độ tăng, gia tăng bốc thoát hơi nước
đồng thời giảm rõ rệt lượng mưa trong mùa khô, thậm chí kéo dài thời
gian không mưa, nguồn nước trong sông mùa kiệt suy giảm đáng kể mà nhu
cầu về nước sinh hoạt, đời sống, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường
không ngừng gia tăng.
Lũ
quét là mối nguy chết người rình rập và đột ngột xuất hiện gây hậu quả
đặc biệt nghiêm trọng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, mưa cường độ
lớn xảy ra thường xuyên hơn ở vùng núi cao và Tây Nguyên nước ta dẫn tới
lũ quét xảy ra với tần suất cao hơn, ác liệt hơn và gây thiệt hại ngày
càng nghiêm trọng. Điều đáng nói là điều kiện công nghệ hiện hiện nay
chưa thể dự báo lũ quét mà chỉ có thể cảnh báo khi lượng mưa vượt
ngưỡng. Đó là một thách thức đáng kể cho ngành khí tượng thủy văn và cần
những biện pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân chủ động phòng
chống.
Thiên
tai là một trong những thách thức lớn đối với phát triển, nhất là dưới
tác động của biến đổi khí hậu. Việc nghiên cứu tìm hiểu và tiếp tục nhận
biết về các hiện tượng thiên tai là rất cần thiết để chủ động hơn trong
phòng tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại ở nước ta.
Nguồn: http://www.dmhcc.gov.vn