Hà Nội chịu ngập ba năm nữa?

Nhìn vào bản quy hoạch hệ thống thoát nước đến năm 2030 mà TP Hà Nội vừa thông qua, có lẽ nhiều người sống ở nội thành mừng thầm vì chỉ phải chịu cảnh sống chung với ngập chừng ba năm nữa, nhưng…
Hà Nội chịu ngập ba năm nữa?
Ai có thể đảm bảo cảnh bắt cá giữa phố như thế này không diễn ra trong tương lai (ảnh: internet)

Lâu nay vấn đề ách tắc giao thông được bàn đến ở hết hội thảo này đến hội nghị kia và rồi cũng có những điểm đen về ùn tắc giao thông được giải quyết, nhưng cũng lại xuất hiện những điểm ùn tắc mới.
Vấn đề ngập úng ở những thành phố lớn của Việt Nam nói chung và ở phạm vi hẹp hơn là thủ đô Hà Nội cũng vậy. Không còn là mối lo ngại nữa mà nó đã trở thành hiện thực, tức là Hà Nội cứ giải quyết được chỗ ngập này thì lại xuất hiện những điểm ngập úng mới. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy rõ điều đó. Trong mùa mưa năm nay, đối với cơn mưa khoảng 100 mm trong nội thành, Hà Nội đã giảm được hai điểm ngập so với năm trước. Tuy nhiên, rõ ràng giải quyết được ít nhưng lại phát sinh nhiều. Điều đó thể hiện rõ ở con số 24 điểm úng ngập mới phát sinh.

Tại nhiều tuyến đường ở thủ đô, các công trình thoát nước đã hoàn thành song chưa được bàn giao quản lý khiến nhiều điểm úng ngập mới xuất hiện ngay đầu mùa mưa. Qua vài trận mưa đầu mùa, Công ty Thoát nước Hà Nội đã ghi nhận các điểm úng ngập nặng mới xuất hiện gồm khu vực đường vành đai 3 đoạn qua đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm; chân cầu Vĩnh Tuy thuộc đường Minh Khai; đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn vào khu đô thị Linh Đàm.

Chưa kể đến những điểm ngập úng nặng, kéo dài nhiều năm qua như ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Lê Duẩn (cửa ga Hà Nội), Tôn Đản - Lê Lai (khách sạn Thủy Tiên - Thành ủy), ngã tư Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, ngã tư Điện Biên - Nguyễn Tri Phương, Ngọc Khánh, phố Đội Cấn, ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du, ngã ba Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm, phố Thái Thịnh (trước cửa Viện châm cứu), ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ...
Cứ nhìn vào những điểm đen trên, có thể nói chẳng ngoa rằng Hà Nội cứ mưa là ngập và những người sống ở những khu vực đó không còn cách nào khác là "phải sống chung với nước".
Chẳng thế mà tại một hội thảo quốc tế về hồ Hà Nội mới đây, KTS Trần Huy Ánh, Giám đốc Công ty Dữ liệu Hà Nội, nói vui rằng “Mưa nhỏ cũng ngập, mưa to càng ngập nặng. Ngồi trong nhà cũng biết là đường ngập.” Ông này không quên nói thẳng, mỗi trận mưa, dù to hay nhỏ, đường Trần Hưng Đạo bao giờ cũng ngập đầu tiên.
Theo bản quy hoạch, giai đoạn 2011-2015, TP Hà Nội sẽ giải quyết cơ bản chống ngập úng cho khu vực đô thị trung tâm phía nam sông Hồng đến sông Tô Lịch (gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai) với trận mưa có chu kỳ tính toán 10 năm và khắc phục khoảng 60 điểm ngập úng cục bộ hiện nay. Cũng trong giai đoạn này, thành phố từng bước giải quyết ngập úng cục bộ cho khu tập trung dân cư của các đô thị vệ tinh và cải tạo các hồ hiện trạng có chức năng điều hòa nước mưa trong khu vực đô thị trung tâm.
 
Hà Nội sẽ rà soát lại quy hoạch tổng thể thoát nước năm 1995, căn cứ vào Quy hoạch xây dựng Thủ đô giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết hợp với đánh giá những khó khăn và thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án thoát nước đã và đang thực hiện để xác lập một chương trình phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải các đô thị tập trung của thành phố Hà Nội một cách hợp lý, đồng bộ, có kế hoạch cho giai đoạn ngắn hạn là 10 năm đến năm 2020, trung hạn là 20 năm đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn là 40 năm đến năm 2050, với các mục tiêu cơ bản sau: Cải thiện điều kiện vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường nước một cách bền vững thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao trong thời gian trước mắt và lâu dài; Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa bảo vệ khu vực đô thị khỏi tình trạng ngập úng với mức độ bảo vệ ứng với trận mưa có chu kỳ tính toán 10 năm đồng thời có thể chủ động điều tiết lũ với chu kỳ cao hơn; Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đối với các khu vực có mật độ dân số trên 6.000 người/km2 (đô thị loại III) đạt tiêu chuẩn vệ sinh giới hạn A, B (tùy thuộc vào nguồn tiếp nhận) theo Quy chuẩn QCVN40:2011/BTNMT trước khi xả ra môi trường.
 
Một vị ở Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường thẳng thừng cho rằng tốc độ đô thị hóa cộng với tỷ lệ dân cư sống trong đô thị gia tăng theo các năm đã dẫn tới “căn bệnh đô thị”: kiến trúc thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng yếu kém, đường sá giao thông tắc nghẽn, nguồn nước ngầm và các dòng sông bị đe dọa nhiễm bẩn nghiêm trọng vì chất thải, không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề vì bụi bặm công trường, khói xe, khói nhà máy sản xuất công nghiệp nước thải sinh hoạt, di dân tự do và các vấn đề xã hội nan giải khác. Vậy, ngoài việc giải quyết “những căn bệnh trên”, trở lại vấn đề nan giải bấy lâu nay, ngập úng sẽ được giải quyết như thế nào khi tổng lượng mưa cả năm tại thủ đô trung bình là gần 1.680 mm, cao hơn trung bình các thập kỷ trước.
Với lượng mưa trung bình cao hơn những thập kỷ trước và có thể tiếp tục gia tăng, ai có thể đảm bảo trong tương lai gần không tái diễn “kịch bản” dân kéo vó bắt cá hay những chiếc thuyền tung tăng trên phố trong đợt mưa lịch sử cuối năm 2008 ở thủ đô Hà Nội?. 
Minh Phúc (VFEJ)
Share on :