Ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát tài nguyên và môi trường biển

Viễn thám là khoa học thu nhận, xử lý và suy giải các hình ảnh thu nhận từ trên không về Trái đất để nhận biết được các thông tin về đối tượng trên bề mặt Trái đất mà không cần tiếp xúc nó. Việt Nam đang từng bước ứng dụng có hiệu quả công nghệ này.
ve tinh vien tham 11-16
Ảnh vệ tinh viễn thám chụp cơn bão Chanchu trên Biển Đông

Công nghệ này cho phép thu nhận thông tin khách quan về bề mặt Trái đất, bề mặt biển và các hiện tượng trong khí quyển nhờ các máy thu (sensor) được đặt trên máy bay, vệ tinh nhân tạo hay tàu vũ trụ. Công nghệ viễn thám có những ưu việt cơ bản như: độ phủ trùm không gian của tư liệu bao gồm các thông tin về tài nguyên, môi trường trên diện tích rộng lớn của Trái đất; có khả năng giám sát sự biến đổi của tài nguyên, môi trường Trái đất do chu kỳ quan trắc lặp lại liên tục trên cùng một đối tượng trên mặt đất của các máy thu viễn thám. Khả năng này cho phép công nghệ viễn thám ghi lại được các biến đổi của tài nguyên, môi trường giúp công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường có hiệu quả, nhất là nghiên cứu về tài nguyên và môi trường biển.
Đối với nước ta, từ năm 2005, Trung tâm viễn thám thuộc Bộ tài nguyên và môi trường đã ký hợp đồng với Công ty hàng không vũ trụ châu Âu tiến hành thực hiện dự án hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Trạm thu mặt đất của trung tâm cho phép thu trực tiếp từ vệ tinh 5 loại ảnh: Spot2, Spot4 và Spot5 (các ảnh có độ phân giải từ 2,5 m, 10 m và 20 m), ảnh Envisat/Asar (ảnh radar có độ phân giải 30 m) và ảnh Meris (độ phân giải thấp 400 m) phục vụ điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giám sát tai biến thiên tai bão lụt và nghiên cứu sự dâng lên của nước biển do biến đổi khí hậu cũng như đánh giá tác hại của chúng đối với nền kinh tế. Việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường đã mở ra thời kỳ phát triển mới của công nghệ viễn thám. Hiện nay, công nghệ viễn thám đã cho ra đời những sản phẩm là những bức ảnh có độ phân giải siêu cao để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giám sát về nhiều ngành kinh tế của đất nước.
Ảnh vệ tinh Envisat /Meris với diện tích phủ trùm lớn, tần suất chụp lặp cao, cung cấp thông tin trên nhiều kênh phổ sẽ cho phép thường xuyên cập nhật thông tin về tài nguyên và môi trường trên diện rộng, bao gồm cả trên đất liền và trên biển. Tư liệu ảnh radar do đầu thu Envisat/Asar cung cấp cũng rất hữu ích trong việc quan sát, phân tích các đối tượng trên bề mặt và các dạng thiên tai như lũ lụt, ô nhiễm dầu. Mặt khác, do khả năng chụp ảnh không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, các loại ảnh radar như Envisat/Asar có vai trò hết sức quan trọng trong công tác theo dõi, giám sát tài nguyên và môi trường, nhất là đối với những nước nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, số ngày quang mây trong cả năm để có thể chụp ảnh quang học là rất ít.
Ảnh vệ tinh đã được sử dụng để điều tra và thành lập bản đồ các hệ sinh thái nhạy cảm như: rừng ngập mặn, đất ngập nước, rạn san hô. Ảnh vệ tinh đa thời gian đã được sử dụng như một công cụ hữu hiệu nhất để khảo sát biến động của nhiều hợp phần môi trường thiên nhiên, như biến động bờ biển, diễn biến rừng, biến động lớp phủ mặt đất và sử dụng đất. Bên cạnh đó, ảnh vệ tinh đã được sử dụng để khảo sát và thành lập bản đồ nhạy cảm môi trường dải ven biển với mục đích phòng chống tràn dầu...
Các nghiên cứu ban đầu về ứng dụng công nghệ viễn thám nghiên cứu biển trong thời gian qua ở Việt Nam cùng với kinh nghiệm sử dụng công nghệ này ở nước ngoài là cơ sở để lựa chọn công nghệ viễn thám như một trong những giải pháp ưu tiên quan trọng trong việc xây dựng hệ thống trạm quan trắc tài nguyên môi trường và khí tượng thủy văn biển Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thanh Điệp
Share on :