Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ cháy rừng đã được nhiều tổ chức khoa học quốc tế cảnh báo từ hơn 3 năm trước. Ở Việt Nam, hai nhà khoa học Nguyễn Đăng Quế (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường) và Đặng Văn Thắng (Đại học Lâm nghiệp) đã có những nghiên cứu bước đầu cho thấy, sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của cháy rừng.
Các nhà khoa học dựa trên các số liệu khí tượng từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20 và kịch bản biến đổi khí hậu - nước biển dâng để nghiên cứu những thay đổi dịch chuyển về nguy cơ cháy rừng ở bốn vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo các nhà khoa học, các yếu tố chính ảnh hưởng đến nguy cơ cháy rừng là nhiệt độ và độ ẩm. Với tác động của biến đổi khí hậu, trong mùa cháy rừng (mùa khô), nhiệt độ không khí tăng lên, lượng mưa giảm làm độ ẩm vật liệu cháy dưới tán rừng giảm rõ rệt nên nguy cơ cháy rừng tăng lên.
Tại khu vực Tây Bắc, cháy rừng sẽ mở rộng vào cuối mùa (mùa cháy rừng tính từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) và sẽ nghiêm trọng hơn. Vùng Tây Bắc vốn đã khô hạn theo kịch bản biến đổi khí hậu, tương lai lại càng khô hạn hơn. Nhiệt độ trong các tháng cuối mùa khô càng tăng cao. Nhiệt độ các tháng 3, 4 tăng cao nhất trong khi lượng mưa lại giảm nhanh vào 2 tháng này. Còn ở Bắc Trung Bộ, mùa cháy rừng sẽ đến sớm và kết thúc muộn hơn thường lệ.
Bởi các nghiên cứu trên mô hình và các kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy, nền nhiệt độ khu vực này có xu hướng tăng cao trong khi lượng mưa lại giảm.
Vùng rừng đại ngàn Tây Nguyên, tình hình cũng trở nên nghiêm trọng khi nguy cơ tăng cao cả đầu mùa và cuối mùa. "Số ngày có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm có thể lên tới 29-31 ngày trong những tháng cao điểm", nhà khoa học Nguyễn Đăng Quế nói.
Tình hình có vẻ khả quan hơn duy chỉ ở khu vực Đông Bắc. Nhiệt độ tăng cao song lượng mưa cũng tăng cao, nên độ ẩm được cải thiện. Số ngày có nguy cơ cháy cao có xu hướng giảm mạnh và mùa cháy rừng dự báo sẽ được thu hẹp.
Tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng cháy rừng đã xuất hiện. Song nhìn ở khía cạnh khác, các nhà khoa học còn cảnh báo cháy rừng sẽ làm đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu. Theo Giám đốc Trung tâm theo dõi cháy rừng toàn cầu thuộc Đại học Freiburg (Đức) Johann Goldammer, các khu rừng ở Bắc bán cầu có chứa than bùn chiếm khoảng 1/3 lượng carbon tích trữ trong Trái đất. Các đám cháy rừng và than bùn giải phóng CO2 vào khí quyển, thúc đẩy quá trình ấm lên của khí hậu và khi đó sẽ gia tăng các vụ cháy rừng.
Tiếp tục cải thiện tình trạng thiếu tốn phương tiện, nhân lực ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy cũng như kiên trì phương châm "4 tại chỗ" là những kiến nghị của các nhà khoa học để nâng hiệu quả công tác này trong bối cảnh ngày càng khốc liệt hơn. "Càn nghiên cứu cải tiến phương pháp dự báo nguy cơ cháy rừng theo hướng chi tiết hóa sát với điều kiện địa lý khí hậu và đặc trưng tính chất rừng", ông Quế nói. Bởi điều kiện thời tiết khí hậu ảnh hưởng đến độ ẩm vật liệu cháy rừng.
Nghiên cứu phân vùng cháy rừng ở Đắk Lắk cho thấy, rừng khộp, rừng tre nứa hỗn giao cây gỗ có nguy cơ cháy cao nhất. Các nhà khoa học cũng đã phân vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh này và các huyện EA Súp, Buôn Đôn, một phần các huyện Cư Jút, Cư M'Gar, Ưa H;Leo, Đắk Mil… có nguy cơ cao nhất. Việc có được bản đồ phân vùng cháy rừng sẽ giúp công tác phòng chống chủ động hơn với các giải pháp có tính chủ động, tích cực hướng vào các vùng báo động đỏ.
Cháy dữ dội trên đèo Hải Vân
Đêm 2/5, từ 19h đến 22h, đám cháy bao trùm làm sáng rực, đứng xa hàng chục kilômet vẫn trông thấy, trong đám cháy có kèm tiếng nổ lớn phát ra.
Quận Liên Chiểu đã huy động toàn bộ lực lượng để khống chế đám cháy. Nhưng do địa hình hiểm trở, các phương tiện chữa cháy hiện đại không vào được nên việc dập tắt đám cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Đám cháy được xác định bùng phát tại tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng vào khoảng 14 giờ chiều hôm qua (2-5). |
Tính đến sáng hôm nay (3/5), ngọn lửa đã được khống chế. Nhưng đã thiêu rụi hơn 30 ha rừng. Chủ yếu là lau lách, bụi rậm và cỏ tranh.
Đây là vụ cháy rừng thứ 4 từ đầu năm đến nay xảy ra trên địa bàn Q.Liên Chiểu, trong đó có 2 vụ cháy rừng trồng keo lá tràm tại khu vực Đà Sơn, P.Hòa Khánh Nam cùng trong tháng 4.
Vụ còn lại xảy ra tại rừng trồng keo lá tràm cũng thuộc rừng Nam Hải Vân gần khu vực Suối Lương, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu.
Một số hình ảnh hiện trường vụ cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng:
Ảnh: tổng hợp
Nguồn: Climate GIS tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet